ClockThứ Năm, 05/08/2010 05:11

Chuyện quản lý & lời hứa ở Quảng Điền

TTH - Chuyện thứ nhất, nguyên ông Nguyễn Tấn ở thôn Tân Xuân Lai (Quảng Thọ, Quảng Điền) có nhận 2.340 m2 mặt nước để nuôi cá theo chủ trương người dân tham gia đấu thầu diện tích đất 5% của xã.

Sau nhiều năm làm ăn thuận lợi, đến tháng 7-2009, bỗng dưng diện tích ao hồ ông mới thả 60 vạn cá giống, bị đổ đất... làm đường giao thông nội đồng và xây Trạm Y tế xã Quảng Thọ khiến ông choáng váng. Việc xây trạm y tế xã, làm đường là hoàn toàn đúng đắn với chủ trương của Đảng và Nhà nước, nhưng cách quản lý của chính quyền sở tại lại có biểu hiện sai nguyên tắc, làm ảnh hưởng quyền lợi người dân và uy tín của cơ quan công quyền. Do không có thông báo trước, toàn bộ cá giống mới thả của ông Nguyễn Tấn đã bị thiệt hại.

Thay vì khắc phục trả tiền đền bù cho ông Tấn thì Chủ tịch UBND xã lại viết giấy cam đoàn bằng tay, rồi đóng dấu đỏ của UBND xã với nội dung “Cam kết trả số tiền 13 triệu đồng vào ngày 28/6/2010”. Nhưng, cho đến nay sự việc vẫn chưa được giải quyết. Ông Nguyễn Tấn trước tình cảnh tiền mất, nợ không đòi được đã cho chúng tôi biết “Chỉ mong UBND xã nhanh chóng giải quyết số tiền trên để ông trả nợ ngân hàng.” 
 
Câu chuyện thứ hai là ở vùng trang trại nội đồng. Chuyện xoay quanh chiếc thẻ đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) của các hộ trang trại người địa phương tham gia từ những ngày đầu phong trào thành lập trang trại. Chúng tôi đã có dịp về thăm vùng trang trại nội đồng của huyện Quảng Điền, một vùng đất cát trắng sau 10 năm đã có những đổi thay đáng kể. Những trang trại ở đây đã tạo diện mạo mới cho vùng sa khoáng một thời hoang vu.
 
Ông Trần Khiêm, chủ trang trại vùng cát nội đồng xã Quảng Lợi cho biết, sau 10 năm lăn lộn, vợ chồng ông đã tạo dựng một cơ ngơi khá tươm tất, nhà xây kiên cố, phương tiện sinh hoạt đầy đủ. Trong có từ tivi, tủ lạnh, xe máy đến máy vi tính… ngoài sân vườn có gà, ngan, cá, heo và vườn cây trái, ruộng lúa xanh tốt trong diện tích 4 ha được giao đất... đã tạo nên một mô hình trang trại hoàn chỉnh, thu nhập hàng năm khoảng trên 500 triệu đồng. Không chỉ gia đình ông Trần Khiêm mà nhiều mô hình trang trại ở đây đã thành công! Từ hai bàn tay trắng cùng sự chăm chỉ, họ đã tạo dựng cho mình một cơ ngơi ổn định, mang tính bền vững.
 
Tuy nhiên, điều trăn trở hiện nay của các chủ trang trại Quảng Điền là vấn đề được hay không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bởi lẽ, khi họ lên vùng cát nội đồng này lập trang trại là theo chủ trương của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo của lãnh đạo huyện với lời hứa sẽ được cấp đất. Thế nhưng lời hứa ấy sau 10 năm vẫn không được thực hiện, gây lo âu và không ít khó khăn cho người dân.
 
Ông Trần Khiêm tâm sự: “Hai vợ chồng tôi ra đây từ những ngày đầu, 10 năm lăn lộn, làm ngày làm đêm cơ ngơi mới được như hôm nay. Từ cảnh hai vợ chồng chở nhau trên chiếc xe đạp ọp ẹp, đến nay phương tiện sinh hoạt gia đình đã đủ đầy, rất cám ơn chủ trương của huyện đã tạo cơ hội... Chúng tôi vẫn mong mỏi có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để yên tâm lao động, phát triển sản xuất và khi cần có thể vay ngân hàng vài trăm triệu đồng đầu tư lớn hơn cho mô hình trang trại của mình. Đó là mong muốn của chúng tôi, mong muốn này cũng chỉ nằm trong phạm vi lời hứa của huyện khi động viên chúng tôi đến đây lập nghiệp. Bây giờ, nói gì thì nói, chỉ mong UBND huyện quan tâm đừng quên lời hứa cũ”.
 
Còn ông Phan Lai Đức (Trang trại tại Quảng Vinh), người đầu tiên lập nghiệp theo mô hình trang trại ở đây, có quyết định của UBND huyện Quảng Điền, (do ông Cao Xuân Phụ ký) nội dung quyết định ghi rõ “Thu hồi 2.500m2 đất của UBND xã Quảng Vinh giao lại cho ông Phan Lai Đức, với điều kiện lập đề án xây dựng trang trại, với thời gian sử dụng 20 năm. Trong 3 năm sử dụng đất đúng mục đích và đưa nền kinh tế trang trại phát triển sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...” Điều nữa là, chủ trang trại phải xây dựng mô hình trang trại trong thời gian 12 tháng, nếu không sẽ bị thu hồi đất.
 
Như vậy có thể khẳng định, ông Đức cũng như hàng chục hộ trang trại người Quảng Điền đã thực hiện đúng nội dung của các quyết định giao đất. Cơ ngơi của họ đã khang trang, nhà cửa xây dựng kiên cố, kinh tế trang trại ổn định, thế nhưng việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn không được thực hiện, gây lo lắng trong nhân dân.
 
Ông Phan Lai Đức bức xúc: Tôi ra đây có đoàn thể, chính quyền có quyết định, vậy mà lời hứa từ 6 tháng đến 36 tháng của UBND huyện vẫn còn đó nhưng đã hơn 10 năm chiếc thẻ đỏ vẫn không hề thấy. Hỏi xã, xã bảo huyện; hỏi huyện, huyện bảo về xã.... Vậy, ai là người chịu trách nhiệm? Các ông chủ không có thẻ đỏ cho biết, với trang trại hiện có, nếu có thẻ đỏ, họ có thể thế chấp vay vốn ngân hàng một số tiền lớn hơn nhiều vay “tín chấp” như hiện nay. 
 
Điều làm họ bức bối là bị mất cơ hội phát triển, cơ hội không chỉ cho từng chủ trang trại mà cả cho vùng đất cát trắng xưa, cơ hội cho sự thay đổi của biết bao gia đình đã tin tưởng vào chính sách của Đảng, Nhà nước, dùng mồ hôi, tuổi trẻ thực hiện những ý tưởng lớn lao, định hướng phát triển của huyện... để rồi chính họ lại bị... lãng quên.
 
Ông Lê Mến, Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Quảng Điền cho biết “Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn được tiến hành đúng quy định, không có việc nhũng nhiễu, tiêu cực trong công tác của các cơ quan chức năng. Và không có trường hợp nào mới tham gia trang trại được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cả”. Ông Mến nhấn mạnh “Chúng tôi quan tâm lắm chứ, ngay cả phó phòng mà vẫn chưa làm thẻ đỏ nhà ở, vì lo cho công việc chung ...”.
 
Thật ra, bên cạnh thắc mắc của các trang trại có “thâm niên” về sự chậm trễ được cấp giấy chứng nhận đất còn đi đôi với những thắc mắc là một số trang trại mới đến sau nhưng do “có tiền” (dư luận) được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Điều này vô hình chung đã tạo nên sự bất bình, mất lòng tin trong dân làm trang trại(!).
 
Mong rằng các cơ quan chức năng mà đặc biệt là UBND huyện Quảng Điền cần tìm hiểu kỹ càng, rà soát lại hiệu quả kinh tế trang trại, điều kiện để nhanh chóng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc trả lời cụ thể cho những trường hợp không đủ điều kiện... cho người dân, đảm bảo tính khách quan, tránh những hiểu lầm đáng tiếc. Cũng như cần kiểm tra tiến trình triển khai công trình làm đường giao thông nội đồng, xây Trạm Y tế xã Quảng Thọ để xem ai đúng, ai sai. Nếu làm không có thông báo thu hồi đất, mặt nước gây ảnh hưởng đến kinh tế của người dân ở xã Quảng Thọ... thì nên có biện pháp khắc phục, tránh tình trạng khiếu kiện kéo dài, cũng có nghĩa là tránh cho người dân những suy nghĩ sai lệch về những chủ trương tốt đẹp, những định hướng đúng đắn của Đảng, Nhà nước và nhân dân Quảng Điền.
 
Chí Giang
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Để đường tranh bích họa “sống” cùng thời gian

Những bức tranh bích họa dọc theo nhiều tuyến đường ở Huế được coi là địa điểm check in hấp dẫn, thu hút nhiều du khách và giới trẻ. Song, theo thời gian, những hình ảnh sống động, đẹp mắt, độc đáo và ý nghĩa ấy đã hoen ố, một số bức bị xuống cấp, bôi bẩn, mốc meo.

Để đường tranh bích họa “sống” cùng thời gian
Sẽ có, nhưng chưa biết… ngày nào

Qua quan sát, diện chưa rộng lắm nhưng tôi đã “lờ mờ” nhận ra xu hướng tiêu dùng thân thiện với môi trường (thường được gọi là xu hướng tiêu dùng xanh) đang dần hiện hữu và được coi trọng, nó không ở chỗ này thì ở chỗ kia. Xu hướng này chỉ có được khi đi cùng với nhận thức và những lĩnh vực tiêu dùng văn minh.

Sẽ có, nhưng chưa biết… ngày nào
Buồn vui chuyện… rác

“Xanh, sạch, sáng” không chỉ là khẩu hiệu mà đã trở thành nhu cầu, nguyện vọng chung của cả cộng đồng xứ Huế. Nó đã đi vào đời sống và đang dần tạo thành thói quen tự giác nơi mỗi thành viên…

Buồn vui chuyện… rác
Đầu tư đã quan trọng, giữ gìn càng quan trọng hơn

Suy cho cùng, ý thức người dùng mới là quan trọng nhất. Nhưng nói ý thức chung chung thì khó quá, còn làm thế nào để buộc mọi người phải có ý thức trong cái sự xử lý "đầu ra" tế nhị và nhạy cảm kia thì lại là câu hỏi không hề dễ.

Đầu tư đã quan trọng, giữ gìn càng quan trọng hơn
Return to top