ClockThứ Bảy, 29/05/2021 13:30

Chuyện sửa cầu Trường Tiền - bài 2: Hòa mình vào núi Ngự sông Hương

TTH - Cầu Trường Tiền, từ cầu gỗ đến cầu sắt đã sớm được các chuyên gia quan tâm bổ sung, chỉnh lý từ thiết kế, xây dựng, sửa chữa, hoàn chỉnh để nó thực sự hòa mình vào miền sông Hương núi Ngự.

Chuyện xây cầu Trường Tiền - Bài 1: Kết tinh nhiều giá trị

Cầu Trường Tiền duyên dáng giữa đô thị hiện đại. Ảnh: NGUYỄN PHONG

Một công trình kiến trúc vĩ đại nhất đương thời, như học giả Phạm Quỳnh và Pascalis nói theo lối ngoại giao, là một gạch ngang nối liền Trung - Nam - Bắc kỳ. Trên phương diện chính trị, là biểu trưng cho sự hợp tác Pháp - Việt, là con đường liên lạc giữa hai xóm tây - ta đôi bờ sông Hương. Trên phương diện y học, nó là trái tim xứ Huế (Tràng An báo, số 433/1939).

Không trúng thầu trong xây dựng, nhưng dấu ấn của tập đoàn Eiffel lại rất đậm nét trong quá trình tu sửa cầu Trường Tiền bởi ban đầu, hồ sơ dự thầu của Société de Levallois-Perret (hậu thân của Công ty Eiffel) bị loại.

Theo thiết kế (1897-1900), cây cầu có 6 vài, mỗi vài dài 66,66m, những vài nằm trên các trụ đúc. Trên mặt cầu có đường rộng 4,5m và hai lề đường hai bên, mỗi bên rộng 0,75m. Bão Giáp Thìn (10-11/9/1904) đã quật 4 vài xuống dòng sông. Bấy giờ có hãng Daydé et Pillé đang làm cầu sắt cho Sở Hỏa xa được mời phá 4 vài cầu bị đổ, sửa lại 2 vài cầu còn nguyên và làm thêm 4 vài cầu mới thay thế - theo kiểu thức cũ; tận dụng một số sắt ở các vài cầu bị đổ dùng tạm trong thi công chân cầu Nam Giao. 

Những năm 1905-1915, mặt đường trên cầu bị thay đổi nhiều, trước có một lớp gạch lót trên những miếng sắt, hình cái xối, rồi lại có một lớp sỏi ép phủ bên trên. Về sau, để giảm chi phí tu bổ, người ta đúc thêm bên trên lần lượt hai lớp xi măng cốt sắt (Tràng An báo, số 433/1939). Sau năm 1904, cây cầu vững chãi hơn, đảm trách sứ mệnh nối kết đôi bờ sông Hương. Ngày 28/8/1928, Khâm sứ Trung kỳ ký văn bản cấp 6.000đ để sửa chữa vỉa hè trên cầu Clemenceau.

Trong kỳ họp hội đồng thường niên của Viện Dân biểu Trung kỳ năm 1935, ông Bùi Huy Tín đã có văn bản đề nghị cho mở rộng cầu Trường Tiền. Do ngân sách khó khăn nên phải đến đầu năm 1936, vấn đề này mới được đặt ra do Ban thường trực Hội đồng chính phủ họp tại Hà Nội quyết định trích 245.000đ để tu sửa (Tràng An báo, số 131/1936).

Do chịu tải trọng lớn trong một thời gian dài nên cây cầu sớm xuống cấp. Từ năm 1935, các cơ quan chức năng khảo sát thấy vài bộ phận, như khung sườn bằng sắt ở phía dưới bị rỉ rét nặng nên đã mời tư vấn thực hiện từ các kỹ sư tài danh của hãng Eiffel để tìm phương án tu bổ, với chi phí vừa phải, cải tạo cho phù hợp.

Trong hồ sơ cải tạo cầu Clémenceau của Anciennes Etablissement Eiffel (sau năm 1945, hãng có văn phòng ở đường Pellerin, Sài Gòn) có bộ tài liệu

C 1007 ngày 9-14/11/1936 về 4 vài cầu cũ và rầm chìa thành hai lối đi bộ hai bên và bản thiết kế đã có sự thay đổi dàn giáo lắp ráp dưới nhịp III.

Tràng An báo (số 433/1939) cho biết, công trình sửa sang bắt đầu từ ngày 20/6/1937, đến tháng 7/1939 thì hoàn tất vài thứ 6. Để có cơ sở sửa chữa, đã có nhiều khảo sát công phu, như đếm số người, xe cộ qua cầu trong tháng, với mỗi ngày có chừng 25.000 lượt người đi bộ, 6.000 lượt xe máy, 5.000 lượt xe kéo, 300 lượt xe hơi, 500 lượt xe chở đồ kéo tay. Các chuyên gia quyết định mặt cầu xi măng cốt sắt, dùng trọn bề rộng giữa hai vòng cầu để làm đường xe chạy, đường rộng 5m60, hai bên chừa mỗi bên 0,30m đúc hơi cao lên để bánh xe khỏi đụng các cây sắt vòng cầu.

Hai lề đường cho khách bộ hành phải làm chìa ra ngoài các vòng cầu, rộng đến 1,95m và ở mỗi chỗ trụ cầu, lại phải nới rộng ra đến 0,60m làm chỗ tránh nhau, ngắm cảnh. Các đà sắt dưới cầu bị hư nhiều, phải đục hết các chốt sắt, tháo ra thay thế. Nếu làm hai cầu ngang tạm thời sẽ tốn chừng 40.000đ nên hãng Eiffel đề nghị đặt một cầu tạm ở trên vài cầu đang sửa, gồm hai vài cầu theo kiểu Pigeaud, hai đầu kê trên hai vài cầu, giữa có những trụ sắt chống đỡ. Những trụ sắt này lại dựa vào một cột trụ dựng ngay giữa vào cầu đang sửa đó. Để chắc chắn hơn, người ta còn làm thêm một cái giàn để đỡ vài cầu đang sửa.

Người ta đã thống kê khối lượng công việc khổng lồ, như đục nát chừng 190.000 chốt sắt cũ, khoan 80.000 lỗ, dùng 40.000kg chốt sắt, tán 250.000 cái chốt sắt, dùng 400.000kg thép, phá mặt cầu cũ hơn 600m3 vật dụng, đúc 550m3 xi măng cốt sắt, dùng 220.000kg xi măng, 65.000kg thép để làm cốt, lan can dùng 6.000kg sắt rèn.

Để chống lại thời tiết, phải sơn lót hai lớp sơn đỏ chống rét mọi khung sắt, rồi phủ lên hai lớp sơn xanh hay đen ở các chỗ nằm dưới mặt cầu, phía trên mặt cầu lại phủ thêm hai lớp sơn bạc. Những đà sắt dưới cầu còn phủ thêm lớp xi măng nhựa chống rỉ rét. Người ta cũng chú tâm đầu tư về phương diện mỹ thuật bởi nguyên trước, hai vài hai đầu dốc cao đến 1,50m, nay cho chiều cao ấy chia đều ra trong các vài, nên cả cây cầu có một khúc cong đều nhau. Cầu mới có thể chở được hai dãy xe Camions, mỗi xe 12 tấn, đảm bảo giao thông trong hơn 30 năm.

Năm 1935, kinh phí dự trù khoảng 250.000đ, nhưng do thời giá biến động và phát sinh nhiều hạng mục nên chi phí đã lên khoảng 435.000đ. Công trình vĩ đại hoàn thành sau 29 tháng(11/1939), hãng Eiffel thực sự đi vào lịch sử văn hóa Huế. Nếu chia cho 6 vài, mỗi vài 66,66m, cây cầu dài gần 400m thì trung bình tốn kém khoảng 1.082,50đ/m. Nếu đổi ra tiền đồng, tiền kẽm như xưa, có thể sắp đầy cây cầu tới mấy vòng (Tràng An báo, số 468/1939).

Hiện đại mà vẫn mềm mại, hài hòa vào miền núi Ngự sông Hương, trở thành một di sản đặc biệt trong miền di sản Huế. Ngoài giá trị giao thông, kết nối vùng đất và con người, cầu Trường Tiền thực sự là một di sản văn hóa độc đáo, biểu tượng của quá trình giao lưu, tiếp biến và hội tụ văn hóa Đông - Tây ở Huế. Đó là vấn đề then chốt đảm bảo giá trị bền vững của di sản cầu Trường Tiền qua thời gian, kể cả việc tham chiếu vào đợt tu sửa lớn năm 1995.

TRẦN ĐÌNH HẰNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nên tổ chức đua thuyền trước công viên Trịnh Công Sơn

Lâu nay lễ hội đua thuyền cuả tỉnh và TP.Huế trong các ngày lễ được tổ chức qui mô lớn trên sông Hương đoạn trước Phu Văn Lâu. Theo tôi tổ chức đua thuyền trên khúc sông trước công viên Trịnh Công Sơn thì hợp lí hơn.

Nên tổ chức đua thuyền trước công viên Trịnh Công Sơn
Đến hẹn lại... đua

Đã thành thông lệ, đúng vào dịp kỷ niệm giải phóng 26/3, sông Hương lại dậy sóng với lễ hội đua ghe truyền thống thành phố Huế. Người Huế gọi dịp này là đua ghe 26/3 để phân biệt với lễ hội đua ghe truyền thống tổ chức vào dịp Quốc khánh 2/9, có quy mô toàn tỉnh.

Đến hẹn lại  đua
Huế xưa Huế mới

“Huế cổ kính, mà luôn luôn mới mẻ, bất ngờ. Ai đã từng dành trọn buổi sớm mai sương khói hay buổi chiều tà mát mẻ đi một vòng dọc hai bờ sông Hương mới cảm nhận được sức sống kỳ diệu của thành Huế bây giờ… Huế đi lên từng ngày, dần xứng tầm là một đô thị di sản, một trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu tương lai của nước nhà, của khu vực” - Đó là những cảm nhận sâu sắc của một người bạn xa về một Huế “muôn đời đẹp và thơ”.

Huế xưa Huế mới
Cầu... nối lòng dân

Chuyện thật đáng mừng cho đất nước ta là có hàng trăm cây cầu được xây mới trong những năm vừa qua đến từ sự đóng góp của cá nhân người dân, nhóm thiện nguyện, doanh nghiệp. Điều đó cho thấy lời kêu gọi Nhà nước và Nhân dân cùng làm là giải pháp hiệu quả cho những thách thức lớn về phát triển cơ sở hạ tầng trong mọi thời kỳ.

Cầu  nối lòng dân
Đặc sản của Huế

Nếu nói đến đặc sản Huế chắc nhiều người nghĩ ngay đến ẩm thực, tức là nghĩ đến cái “dạ dày”. Ai tinh tế hơn thì nghĩ đến chiều sâu văn hóa, ví dụ như di sản (vật thể và phi vật thể), thậm chí là giọng nói; trang phục.

Đặc sản của Huế
Return to top