ClockThứ Bảy, 02/10/2021 17:43

Chuyện sưu tập tác phẩm cho Bảo tàng Mỹ thuật Huế

TTH - Trong quá trình sưu tập tác phẩm, tình cảm của họa sĩ và gia đình họa sĩ cũng như mong muốn tác phẩm được trưng bày, lưu giữ ở Bảo tàng Mỹ thuật Huế là điều kiện thuận lợi để bảo tàng có lợi thế sở hữu những tác phẩm quý.

Đề xuất sưu tập thêm 13 tác phẩm cho Bảo tàng Mỹ thuật HuếChuyện về bức tranh “Cô gái trong lồng chim”Bỏ tiền tỷ sưu tập, tranh vẫn chờ không gian trưng bày

Tác phẩm “Một ngày ở Nam Đông” của họa sĩ Đỗ Kỳ Hoàng

Tâm huyết dành cho bảo tàng

Bắt đầu từ năm 2018, công tác sưu tầm tác phẩm cho Bảo tàng Mỹ thuật Huế được tỉnh quan tâm. Với kinh phí 1 tỷ đồng, ở thời điểm Bảo tàng Mỹ thuật Huế chưa thành lập, Sở Văn hóa và Thể thao đã sưu tập được ba tác phẩm giá trị của ba danh họa tên tuổi: “Thiếu nữ bên hoa sen” của họa sĩ Tôn Thất Đào, “Đô thị hóa thân - số 39” của họa sĩ Vĩnh Phối và “Treo trên thời gian” của họa sĩ Bửu Chỉ.

Đến nay, Bảo tàng Mỹ thuật Huế sưu tập được 40 tác phẩm từ nguồn ngân sách, trong đó có tác phẩm của các họa sĩ danh tiếng, như: Mai Trung Thứ, Phan Xuân Sanh, Dương Đình Sang, Hoàng Đăng Nhuận, Tôn Thất Sa... Đây là những bức tranh quý đại diện, tiêu biểu cho tên tuổi của các họa sĩ mà nhiều khi có nhiều tiền cũng khó mua được.

Sở hữu được những bức tranh này, ngoài cơ duyên và nỗ lực của Hội đồng thẩm định còn nhờ tình cảm của các họa sĩ và gia đình họa sĩ dành cho Bảo tàng Mỹ thuật Huế. Họ rất tâm huyết với sự phát triển của bảo tàng và mong muốn tác phẩm của mình hoặc người thân của mình được góp mặt trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Huế. Đây là điều kiện thuận lợi cho bảo tàng trong quá trình sưu tập tác phẩm. Phần lớn các tác phẩm được bán cho Bảo tàng Mỹ thuật Huế với giá thấp hơn mức giá các nhà sưu tập tư nhân và các bảo tàng khác đưa ra.

Tác phẩm “Phố” của họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận

Bà Đinh Thị Hoài Trai, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Huế kể, tranh của cố họa sĩ Đỗ Kỳ Hoàng dù các bảo tàng trong nước nhiều lần tiếp cận nhưng gia đình không bán, chỉ giữ làm kỷ niệm. Nhưng, khi Bảo tàng Mỹ thuật Huế đặt vấn đề sưu tập, gia đình họa sĩ nói “Chúng tôi đã đợi quá lâu”. Tranh của họa sĩ Dương Đình Sang cũng rất khó tiếp cận, nhưng gia đình cố họa sĩ không những bán cho bảo tàng mà còn tặng thêm một bức. Gia đình họa sĩ Bửu Chỉ dù không có ý định bán tranh cho bất kỳ ai, nhưng rất tạo điều kiện cho Bảo tàng Mỹ thuật Huế tiếp cận, chọn lựa tác phẩm.

Bảo tàng Mỹ thuật Huế ra đời cũng là một thuận lợi trong quá trình sưu tập tác phẩm so với thời điểm trước đó. Các họa sĩ, gia đình cố họa sĩ mong muốn đóng góp cho bảo tàng để tác phẩm và tên tuổi của họ, vốn gắn liền với mỹ thuật Huế, vẫn hiện diện trên mảnh đất này. Để lại tác phẩm cho bảo tàng là để lại cho mai sau, tác phẩm sẽ được lưu giữ, bảo quản cẩn thận. Bà Bùi Oanh Hằng, cháu ngoại của họa sĩ Tôn Thất Sa chia sẻ: “Tên tuổi của ông ngoại tôi, họa sĩ Tôn Thất Sa, gắn bó với mỹ thuật Huế nên tôi mong tác phẩm của ông được trưng bày, lưu giữ ở Bảo tàng Mỹ thuật Huế”.

Cạnh tranh về giá và thời gian

Để có thể sở hữu những bức tranh quý, Bảo tàng Mỹ thuật Huế cũng gặp phải sự cạnh tranh gay gắt với các bảo tàng trong nước và nhà sưu tập tư nhân. Nhiều tác phẩm lâu nay không ai tiếp cận nhưng khi nghe thông tin Bảo tàng Mỹ thuật Huế đặt vấn đề sưu tập, nghĩa là tác phẩm đã được thẩm định về giá trị, họ đưa ra mức giá cạnh tranh, thậm chí gấp đôi, gấp ba. Ngay khi biết thông tin Bảo tàng Mỹ thuật Huế sưu tập bức tranh “Thiếu nữ bên hoa sen” của họa sĩ Tôn Thất Đào và “Cô gái bên lồng chim” của họa sĩ Mai Trung Thứ, một số bảo tàng trong nước và nhà sưu tập đánh tiếng mua với giá trên dưới 1 tỷ đồng. Một cuộc cạnh tranh khá hồi hộp và gay cấn đã âm thầm diễn ra.

“Do kinh phí hạn chế, bảo tàng không thể cạnh tranh về giá nhưng nhờ tâm huyết của các họa sĩ và gia đình họa sĩ muốn để tác phẩm của người thân mình cho bảo tàng. Nhiều gia đình họa sĩ dù điều kiện còn khó khăn nhưng vẫn vượt qua sự chênh lệch giá cả quyết định để tác phẩm cho bảo tàng là điều rất đáng trân trọng. Quy trình, thủ tục mua tác phẩm cũng khá phức tạp, thời gian chờ đợi lâu nhưng họ vẫn kiên nhẫn chờ để bán cho bảo tàng chứ không bán cho nhà sưu tập dù giá cao hơn và mua nhanh chóng”, bà Trai ghi nhận.

Họa sĩ Đặng Mậu Tựu, thành viên Hội đồng thẩm định cho hay, để mua được những tác phẩm quý ấy, bảo tàng phải tiến hành khá nhiều quy trình: tìm hiểu thông tin, đến tận nhà xem rồi báo cho các thành viên trong Hội đồng thẩm định trước khi lên phương án, thuyết phục, thương lượng.

Không phải ai cũng niềm nở chào đón bảo tàng đến mua tranh mà phải qua nhiều lần vận động. Có những người sở hữu bức tranh quý, sau hàng chục lần thuyết phục mới cho xem, rồi từ xem tới mua là cả một quá trình. Một số gia đình họa sĩ không muốn bán tác phẩm của người thân, như tác phẩm của họa sĩ Phạm Đăng Trí bảo tàng vẫn chưa tiếp cận được.

Quy trình, thủ tục mua tác phẩm theo quy định khá phức tạp nên mất nhiều thời gian. Nhiều người than thở bán bức tranh cho bảo tàng quá mệt, thủ tục rắc rối, phải đăng ký kinh doanh để đóng thuế môn bài. Hay, bảo tàng đến đặt vấn đề sưu tập đã lâu, chúng tôi bán với giá hữu nghị mà chờ mãi chưa thấy mua. Trong khi, bán cho tư nhân giá cao hơn và “tiền trao, cháo múc”.

Bà Trai cho hay, ngay khi tiếp cận tác phẩm, chúng tôi phải giải thích cặn kẽ để các họa sĩ, gia đình họa sĩ hiểu và thông cảm, bởi theo quy định Nhà nước phải qua nhiều bước thẩm định, chờ phê duyệt. Nhiều người tự ái khi chúng tôi thương thảo, trả giá nhưng đó cũng là quy định trong quy trình mua tác phẩm. Khi sưu tập tác phẩm, chúng tôi vừa mua vừa vận động, đem cái tình làm việc là chính. Bảo tàng luôn hỗ trợ tích cực để các họa sĩ và gia đình họa sĩ hoàn tất các thủ tục bán tác phẩm.

Bài, ảnh: MINH HIỀN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Huyền ảo tuyệt tác “Long vân khế hội”

Bức “Long vân khế hội” là một tuyệt tác trên trần chánh điện cũ Diệu Đế quốc tự sau khi được dịch chuyển lùi phía sau hiện đang được bảo tồn khá tốt trước sự ngỡ ngàng của nhiều người. Bức tranh từng là đề tài được tranh luận sôi nổi nhiều năm về trước về việc giữ lại chánh điện cũ hay hạ giải. Việc hạ giải cũng đồng nghĩa xóa sổ tuyệt tác này.

Huyền ảo tuyệt tác “Long vân khế hội”
Tính toán cho không gian trưng bày mỹ thuật

Bên cạnh lối trưng bày truyền thống, Bảo tàng Mỹ thuật Huế cần hướng đến kết hợp công nghệ số để thu hút, hấp dẫn, tăng cường khả năng trải nghiệm cho người xem. Công nghệ số cũng cần tập trung đến việc số hóa dữ liệu trưng bày để phục vụ, khai thác các giải pháp thông minh.

Tính toán cho không gian trưng bày mỹ thuật
Cuộc “hội ngộ vàng son” của hội họa

Những tác phẩm tiêu biểu của các họa sĩ tên tuổi, tài danh đất Cố đô nằm trong bộ sưu tập Bảo tàng Mỹ thuật Huế lần đầu tiên công bố đến với công chúng khiến người yêu nghệ thuật không khỏi rung động, cảm xúc. Ở đó các danh họa đã “hội ngộ”.

Cuộc “hội ngộ vàng son” của hội họa

TIN MỚI

Return to top