ClockChủ Nhật, 13/11/2016 13:51

Chuyến thăm Huế của Quốc vương Thái Lan Bhumibol Adulyadej & những chi tiết thú vị

TTH - Năm 1959, khi còn học lớp Đệ Thất (lớp sáu bây giờ) Trường Hàm Nghi, tôi và các bạn cùng lớp được nhà trường bố trí đứng xếp hàng ngay trước cửa Ngọ Môn để nghênh đón Quốc vương Thái Lan đến thăm Đại Nội Huế. Hình ảnh vị Quốc vương trẻ trung, dáng vẻ trí thức, đặt tay trên lòng bàn tay của vị Hoàng hậu xinh đẹp cùng sánh bước vào cửa Ngọ Môn đã để lại ấn tượng khá đậm nét trong ký ức tuổi thơ tôi.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa với tập bản sao liên quan đến chuyến thăm Huế của Quốc Vương Thái Lan. Ảnh: Võ Nh

Khi sưu tập các tư liệu về Huế, tôi bất ngờ được một người bạn cung cấp tập tài liệu được lưu trữ khá kỹ liên quan đến toàn bộ chuyến viếng thăm Việt Nam của Quốc vương Thái Lan Bhumibol Adulyadej và Hoàng hậu Sirikit từ 18/12 đến 21/12/1959; trong đó có các chi tiết thú vị liên quan đến chuyến thăm Cố đô Huế của Quốc vương và Hoàng hậu Thái Lan mà bản thân từng được nghênh đón gần 60 năm trước.

Tài liệu cho biết, từ 9h45 ngày 20/12/1959, khi trời vừa tạnh mưa, phi cơ đặc biệt của Quốc vương Thái Lan đã đáp xuống sân bay Phú Bài giữa một cuộc đón tiếp trọng thể. Suốt 12km từ sân bay về Huế, Quốc vương và Hoàng hậu luôn tươi cười đáp lễ các đoàn dân chúng và học sinh đón chào dọc hai bên đường.

Chỉ 5 phút sau khi về đến Huế, Quốc vương, Hoàng hậu và đoàn tùy tùng lên xe sang thăm Đại Nội. Sự kiện Quốc vương Thái Lan vào Đại Nội được chính quyền địa phương chuẩn bị rất kỹ. Lần lượt tham quan điện Thái Hòa và Thế Miếu, Quốc vương và Hoàng hậu đặc biệt chú ý đến lối kiến trúc công phu và trang trí tỉ mỉ của kiến trúc Cung đình Huế.

Rời Đại Nội, đoàn đến thăm lăng Tự Đức. Tại đây, Quốc vương và Hoàng hậu Thái Lan đi dạo quanh vườn lăng, nhìn xem phong cảnh bài trí khéo léo, đơn giản, nhưng oai nghiêm của lăng. Đặc biệt, cũng không hiểu vì lý do gì, Quốc vương Thái Lan mong muốn có được những hạt giống của cây ấu ở lăng Tự Đức - thứ cây mọc dưới hồ, hoa trắng, có chùm củ rất nhiều gai nhọn mà người Huế thường ví von: “Khi thương trái ấu cũng tròn/ Khi ghét bồ hòn cũng méo”. Ý định nầy đã làm địa phương lúng túng, nhưng để đáp ứng yêu cầu của Quốc vương Thái Lan, đại biểu Chính phủ tại Trung nguyên Trung phần lại phải xin ý kiến. Sau khi có được sự đồng ý mới có công văn gởi Bộ trưởng Ngoại giao Sài Gòn lúc bấy giờ “về việc gởi giống cây ấu tặng Quốc vương Thái Lan”:

Tòa tôi xin kính gởi theo đây một hộp hạt giống cây ấu lấy ở Huế, để gởi tặng Quốc vương Thái Lan thể theo ý muốn của vị Quốc vương nầy nhân dịp viếng thăm Huế trong tháng 12 năm 1959 vừa qua.

Đính kèm hộp hạt giống có bản chỉ dẫn (bằng tiếng Anh) về đặc điểm và cách thức trồng trỉa cây ấu.

Tòa tôi trân trọng kính nhờ quí Bộ cho chuyển đến Bộ Ngoại giao Thái Lan...”

Rời lăng Tự Đức, phái đoàn của Quốc vương Thái Lan đến thăm Viện Đại học Huế. Viện trưởng Viện Đại học Huế lúc ấy ngỏ lời cảm tạ Quốc vương và Hoàng hậu về chuyến viếng thăm, nhắc lại sự kiện Viện từng đón tiếp sinh viên Thái Lan và đại diện sinh viên Huế đã sang thăm Vọng Các (Băng Cốc). Trong đáp từ, Quốc vương Thái Lan nhận xét: “Quang cảnh ở Huế có một vẻ tươi đẹp và yên tĩnh đặc biệt, chắc là do sự kiện Huế là một Cố đô, di tích cổ kính và lịch sử tạo ra và vì thế là một nơi rất thích hợp với việc thiết lập một Viện Đại học...”

Sau buổi tiệc trọng thể, chiều 20/12/1959, Quốc vương và Hoàng hậu Thái Lan đã rời sân bay Phú Bài đi Đà Lạt.

Chuyến viếng thăm Huế năm 1959 của Quốc vương Thái Lan tuy chưa trọn một ngày, nhưng ấn tượng về vị Quốc vương thông thái và bà Hoàng hậu xinh đẹp của Thái Lan đã để lại khá sâu đậm trong tâm thức một số người ở Huế vào một thời khá xa. Những chi tiết thú vị về chuyến thăm của vị Quốc vương Thái Lan là những tình tiết “ngoại sử” hy hữu của Huế.

NGUYỄN XUÂN HOA

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chưa phải ai cũng biết!

Lâu nay, người ta đều gọi ông Nguyễn Đắc Xuân là “Nhà Huế học”, bởi anh có số lượng sách nghiên cứu về Huế nhiều đến mức một bìa sách không thể ghi hết, trong đó có những bộ sách dày hàng ngàn trang… Nhưng có lẽ, nhiều người chưa biết Nguyễn Đắc Xuân còn là một nhà thơ, từng có thơ in từ hơn 60 năm trước.

Chưa phải ai cũng biết
Nhà nghiên cứu Cuba khẳng định giá trị lý luận và thực tiễn trong bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Bài viết "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng là văn bản quan trọng nhất trên khía cạnh lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội trong những năm qua tại Việt Nam.

Nhà nghiên cứu Cuba khẳng định giá trị lý luận và thực tiễn trong bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Đội ngũ trí thức khoa học- công nghệ có vai trò quan trọng trong sự phát triển của tỉnh

Chiều 26/6, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Ngọc Thọ có buổi gặp mặt đại diện đội ngũ trí thức khoa học- công nghệ trên địa bàn tỉnh. Khẳng định đội ngũ trí thức khoa học- công nghệ có vai trò quan trọng trong sự phát triển của tỉnh và mong muốn nhận được sự đóng góp nhiều hơn nữa của họ.

Đội ngũ trí thức khoa học- công nghệ có vai trò quan trọng trong sự phát triển của tỉnh
Return to top