ClockChủ Nhật, 26/04/2020 07:26

Chuyện tình yêu!

TTH - Tôi gặp em tại nhà gửi xe bệnh viện. Thoạt đầu, tôi ngờ ngợ. Nhưng đôi mắt của em thì tôi không thể quên được. Đôi mắt thăm thẳm ấy đã ám ảnh tôi suốt cả cuộc đời. Hơn 30 năm qua, kể từ ngày tôi rời Huế về lại quê công tác, không một lần gặp lại em nhưng trong tôi vẫn luôn khắc khoải nỗi nhớ, kỷ niệm đẹp về tình cảm đầu đời gửi lại ở Huế.

Thầy trò xưa nayRồi sẽ ổn...

Ngày đó, khi học năm thứ hai, Trường đại học Y dược Huế thì tôi chuyển đến ở trọ một ngôi nhà cạnh nhà em. Đứng bên hiên nhà trọ, nhìn qua vườn nhà em, thấy lòng nao nao bởi khu vườn mang sắc màu của nhiều loại rau, phong lan, hoa hồng. Gia đình em thuộc loại khá giả của xóm. Chủ nhà kể, chị buôn bán thỉnh thoảng bị lỗ vốn, mẹ em hay cho mượn tiền nhưng không bao giờ lấy tiền lời. Trong xóm, hễ có người bị đau ốm là ba mẹ em lại mua quà đi thăm. Rau trái trồng được trong vườn, mẹ em đều đem chia cho hàng xóm. Ngày ấy, chúng tôi tự nấu cơm ăn chứ không có những quán cơm bụi tiện lợi như bây giờ. Chúng tôi cũng luôn được nhận những mớ rau tươi từ mẹ em. Những ngày đầu chưa quen biết, tôi chỉ thấy em qua hàng rào khi em hái rau chuẩn bị cho bữa cơm của gia đình. Đôi mắt đẹp của em làm tôi xao xuyến…

Ngày ấy, điện thắp sáng hiếm hoi, đêm có và đêm không. Những đêm sáng trăng không có điện, chúng tôi bắc ghế ngồi  ngoài sân, nhìn sang vườn nhà em. Đặc biệt, trong những đêm trăng thanh vắng ấy, tôi nghe rõ bên nhà em một giọng hát rất trong cất lên: “Thảo nguyên bát ngát mênh mông tận chân trời...”. Bài “Tình ca du mục”! Tôi rất thích bài hát này. Ở trọ đã gần hai tháng rồi, nhưng chúng tôi không biết làm sao để tiếp cận và làm quen với người đẹp. Chúng tôi hỏi chuyện chị chủ nhà về em. “Gia đình gia giáo. Ba, mẹ là cán bộ nhà nước. 5 anh em đều tốt nghiệp đại học. Sống rất yêu thương nhau. Em nớ là con gái út trong gia đình. Nhà có 3 chị em gái. Ai cũng hiền lành. Mấy chú cứ qua đi, không sao đâu. Nhà bên nớ có nhiều sách truyện lắm. Cả một cái tủ sách to đại chang. Mấy chú qua mượn mà đọc”. Chị chủ nhà nói. Tự nhiên qua nhà người ta khi chẳng quen biết gì. Vô duyên. Tôi nghĩ, và không biết kiếm cớ gì để sang chơi.

Một buổi chiều, tôi vừa từ  bệnh viện về. Vẫn như mọi khi, sau khi dựng xe đạp, tôi lại đưa mắt qua vườn, gặp em đang hái rau. Cũng vừa lúc, Lan bạn thân cùng quê với tôi, đến chơi.

- Hoàng! Bạn tôi nhìn thấy người quen bên khu vườn và cất tiếng gọi.

Hóa ra Lan cũng là bạn bè, quen biết với em. Tôi như mở cờ trong lòng! Tôi theo Lan qua nhà em chơi. Chúng tôi quen nhau từ đó.

Em vừa tốt nghiệp ngành lịch sử, Trường đại học Tổng hợp Huế. Đang xin việc làm. Tôi đi lính về mới thi vào đại học nên hơn em 3 tuổi. Ngoài giờ học Anh văn ở trung tâm ngoại ngữ, suốt ngày em đọc sách. Em mê văn học Nga. Tôi hay dành thời gian giúp em học thêm tiếng Anh. Có lần, thấy mắt em đỏ hoe khi đọc xong truyện ngắn “Cây phong non trùm khăn đỏ” trong tập truyện Giamilia, còn có tên gọi “Truyện núi đồi và thảo nguyên” của nhà văn Aitmatov. “Anh đọc đi, chuyện này hay lắm”. Đêm ấy sau khi học xong bài, tôi thức cả đêm để đọc xong câu chuyện trên. Câu chuyện cảm động. Tôi ghét nhân vật làm nghề lái xe tên Ilyax vì đã bội bạc với vợ. Người đã vì tình yêu mà từ bỏ tất cả. Cha mẹ, gia đình và quê hương. “Sau này anh sẽ không bao giờ đối xử như thế với em”. Tôi thầm hứa, vì tình cảm của chúng tôi vẫn chỉ ở mức trên tình bạn một chút thôi. Qua tủ sách của em, tôi hiểu thêm bao nhiêu điều về cuộc sống, ứng nhân xử thế.

Thấm thoát 5 năm học đã trôi qua. Tôi ngày càng yêu em. Em cũng gần gũi, quý mến tôi hơn. Tôi biết rõ điều ấy, nhưng vẫn không đủ can đảm để tỏ tình. Năm thứ 5, tôi bận trực ở bệnh viện và học bài. Lên năm 6, tôi cuốn vào công việc học hành, lại đi thực tập nhiều tháng xa Huế, chuẩn bị để thi tốt nghiệp nên ít có điều kiện qua nhà em chơi. Khi chuẩn bị ra trường, tôi lên kế hoạch mời em đi chơi và bày tỏ nỗi lòng. Tối ấy, qua nhà em, tôi thấy có một chàng trai phong độ, dáng người cao. Da trắng. Lịch sự. Nói giọng Huế nhẹ nhàng. Hoàng như một tiểu thư nên hai người rất đẹp đôi. Người ấy tiếp tôi trong vai trò chủ nhà. Anh là người Huế, nhìn trang phục, xe đạp loại xịn, tôi biết kinh tế anh khá giả, công tác ở một cơ quan văn hoá của tỉnh. Nhìn thái độ của Hoàng, tôi hiểu em dành tình cảm cho ai. Tôi ra về trong hụt hẫng, đau đớn. Tiễn tôi về, Hoàng nói giọng hơi buồn: Anh cho em gửi lời thăm Lan! Tôi choáng váng. Vậy là, Hoàng hiểu nhầm. Thỉnh thoảng có những buổi tối, hoặc ngày nghỉ, Lan đến rủ tôi đi dự sinh nhật, hoặc đi chơi trong nhóm đồng hương của chúng tôi. Tôi thân Lan và đi chơi với cô ấy một cách vô tư. Những lúc đi chơi cùng Lan tôi thường chở Lan bằng xe đạp của cô ấy.

Thương Hoàng và giận mình. Tôi đã mất em! Hay mình nên nói rõ mọi chuyện để em hiểu, nhưng tôi không đủ tự tin. Tôi chỉ là một chàng nhà quê đến thành phố học. Giờ trong tay không có gì. Sự nghiệp chưa biết ra sao. Còn anh ấy có đủ mọi điều và bảo đảm được cuộc sống của em sau này. Tôi buồn bã, chuyển chỗ ở khác, không một lời từ biệt em. Đến ngày tôi ra trường, lặng lẽ trở về quê trong nỗi day dứt  không nguôi. Những tin tức của em tôi chỉ biết qua những lá thư hiếm hoi của chị chủ nhà cũ. Một năm sau đó em làm đám cưới. “Cô dâu đẹp dễ sợ chú ơi, nhà trai là Hoàng tộc nên đi đủ lễ, nhưng cô dâu hơi buồn…”. Tôi đọc như nuốt từng chữ trong lá thư chị chủ nhà gửi (cũng là lá thư chị gửi cho tôi lần cuối). Ngày ấy, thông tin, giao thông khó khăn, nên tôi không biết hỏi tin em từ đâu. Vả lại, em đã có bến đỗ bình yên, tôi không muốn làm phiền em, đành để yên tình cảm ấy trong tim. Cưới vợ rồi, tôi vẫn luôn khắc khoải với Huế.

Vợ tôi làm nghề may. Tôi yêu vợ và luôn chăm sóc vợ. Tôi giấu kín mối tình đầu trong lòng. Cô ấy hiền lành dễ thương nhưng hay ghen vô cớ. Ngày yêu nhau thì cô ấy ít thể hiện điều này, nhưng đến lúc cưới nhau rồi, cô ấy ghen với bất kỳ người đồng nghiệp nữ nào, kể cả bệnh nhân của tôi. Mâu thuẫn thường xảy ra, thương con, chúng tôi không chia tay, nhưng cuộc sống gần như ly thân.  

Khi con trai đầu lòng lên 6 tuổi, tôi gặp lại Lan, cô ấy đang làm việc tại bệnh viện một tỉnh ở phía Nam. Lan kể: “Mấy năm trước em và Hoàng gặp nhau tại một hội thảo ở Huế. Cô ấy là nhà báo. Bọn em ngồi cà phê với nhau khá lâu. Khi biết em và anh không có gì với nhau, cô ấy khóc và nói là cho đến giờ cô ấy vẫn yêu anh nhất. Vì anh rất tốt, cao thượng lại chân thành, đáng tin. Nhưng lúc ấy anh không nói gì cả, lại hay đi chơi với cô gái khác. Em hỏi cô ấy có hạnh phúc không? Cô ấy không trả lời, nhìn buồn lắm”. Tôi nghe Lan nói mà tai cứ ù cả lên! Tiếng Lan nhẹ nhàng, rỉ rả như tiếng của người xa xưa vọng về trách móc, giận hờn.

Giờ Hoàng hiển hiện trước mặt tôi. Vẫn đôi mắt to, sâu thẳm. Khuôn mặt phúc hậu, lúc nào nhìn cũng ngơ ngác, hiền lành đáng yêu. Ngày chia tay em, chúng tôi chỉ trên 20 tuổi. Giờ, con trai Hoàng bằng tuổi tôi ngày tôi rời Huế. Cái tuổi đủ để tôi kìm nén những cảm xúc đang ào ạt trở về trong trái tim khi cùng em nhắc lại những kỷ niệm xưa. Tôi bảo: “Ngày ấy anh đã để mất em. Một khoảng trống mãi trong anh đến tận bây giờ”. Hoàng lặng đi không nói gì. Khi tôi hỏi Hoàng: “Em có hạnh phúc không”? Em bỗng khóc òa. Tôi tê dại, nhớ lại hình ảnh ngày xưa khi em khóc vì thương Axen bị chồng phản bội trong truyện “Cây phong non trùm khăn đỏ”. “Anh ấy rất yêu em. Giờ vẫn vậy, dù đã có gia đình mới. Anh ấy không phản bội em, nhưng vì không hợp nhau về nhiều điều, em luôn bị xúc phạm nên em chủ động chia tay”. Hoàng nói trong tiếng nấc! Ngụm cà phê trở nên đắng ngắt! Khách trong quán bớt dần, còn lại hai chúng tôi, cũng là lúc tôi chuẩn bị ra sân bay trở về quê.

- Anh chờ em một lúc nhé.

Hoàng nói rồi vội vã phóng xe đi.

Một lúc sau, Hoàng quay lại với một túi xách to. Những món quà đặc sản Huế. Hoàng để riêng chiếc nón bài thơ và xấp áo dài màu tím Huế, nói: “Đây là quà em mua tặng chị. Nhưng anh cứ nói là anh mua nhé. Vì em rất muốn anh chị luôn hạnh phúc. Ngôi nhà của anh luôn có ngọn lửa hồng ấm áp. Anh là ngọn lửa hồng mà”. Em cười. “Hạt gạo” trên má bên phải vẫn duyên dáng như ngày nào. Chia tay em, tôi thấy buồn nhưng lòng ấm áp. Ừ, lâu lắm rồi, tôi không có thói quen tặng quà cho vợ. Lần này, hẳn là cô ấy vui và hạnh phúc lắm.

ĐINH HOÀNG XUÂN HỒNG

ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ

Sáng 15/4, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức Lễ bàn giao di vật, kỷ vật của liệt sĩ cho thân nhân 2 gia đình liệt sĩ tại Thừa Thiên Huế.

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ
Lòng biển

“Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Lòng biển
Không thể “nhỏ hơn”

Ngót nghét cả mấy năm nay nội tôi già ốm. Nội một mình ở quê nên cả nhà tôi thay nhau tối về chăm mệ. Nội vẫn đi lại được nhưng tuổi đã 85 nên biết đâu được “trái gió trở trời”, không thể lường hết mọi chuyện xảy ra ba tôi phải làm ngay lịch phân công để đêm nào cũng có người bên cạnh mệ. Lo ăn sáng cho nội, tôi mới phát hiện ở làng Dã Lê quê tôi nằm cạnh Quốc lộ 1A có một quán cháo gạo lứt cá kho tuyệt ngon. Không chỉ nội mà cha con tôi ăn quen nên ai cũng nghiện.

Không thể “nhỏ hơn”
Ngọn hải đăng

Những lá thư anh viết cho tôi đều trên giấy học trò. Giữa thời buổi điện thoại di động, điện thoại bàn, thậm chí chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh với 4G là có thể nói chuyện, nhắn tin cho nhau. Vậy mà, anh vẫn viết thư cho tôi. Anh giải thích: “Hiện tại trên thế giới, người Pháp vẫn viết thư cho nhau, bởi nhìn mặt chữ như nhìn mặt người. Vả lại, chỉ có chữ viết mới có thể nói hết lời yêu thương”. Anh đã tạo cho tôi một thói quen nhận thư vào mỗi tuần. Chính từ những lá thư anh gởi, tôi mới phát hiện ra rằng, người đưa thư trong xóm tôi vẫn phải đưa thư đúng 7 ngày trong tuần. Anh dùng chiếc bì thư bán ở bưu điện để gởi. Nét chữ của anh cứng rắn khác với tính tình hiền dịu của anh.

Ngọn hải đăng
Du lịch cắm trại “bùng nổ”

Du lịch cắm trại đang thu hút nhiều người tham gia, chủ yếu là các bạn trẻ. Ngày hè, vào dịp cuối tuần hay vào các kỳ nghỉ ngắn ngày, nhiều nhóm bạn, gia đình, người thân tìm nơi tĩnh lặng để được hòa mình vào thiên nhiên, cảm nhận cuộc sống yên bình…

Du lịch cắm trại “bùng nổ”

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top