ClockThứ Sáu, 08/11/2019 11:02

Chuyển từ khai thác sang nuôi trồng

TTH - Trước đây, chúng ta thường ví “rừng vàng, biển bạc”, nhưng không có nghĩa tài nguyên rừng, biển là vô tận.

Hằng năm chúng ta đang khai thác ở mức 3,1 - 3,2 triệu tấn, quá mức so với trữ lượng hải sản. Đội tàu của chúng ta đang quá đông, do đó Chính phủ có phương hướng giảm sản lượng khai thác, thay đổi cơ cấu kinh tế, đó là tăng cường nuôi biển. Đây là thông tin được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường giải trình trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV diễn ra từ ngày 6 đến hết sáng 8/11.

Trước đây, chúng ta thường ví “rừng vàng, biển bạc”, nhưng không có nghĩa tài nguyên rừng, biển là vô tận. Nhìn lên rừng chúng ta sẽ thấy rõ điều này. Rừng nguyên sinh ngày càng bị thu hẹp về diện tích, cạn kiệt về trữ lượng, sự đa dạng sinh học khi bị khai thác quá mức. Từ chỗ chủ yếu khai thác rừng, giờ đây chúng ta đã đóng cửa rừng. Và trồng rừng đang trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Đặt trong tương quan đó, nguồn tài nguyên biển cũng không phải là vô tận khi bị khai thác quá mức. Điều này, ngư dân là người nhận thấy rõ nhất khi sản lượng đánh bắt mỗi chuyến vươn khơi giảm dần. Trước đây, vì lý do tàu nhỏ, phương tiện đánh bắt thô sơ nên hiệu quả đánh bắt thấp. Nay giấc mơ tàu lớn, vươn khơi xa đã thành hiện thực khi ngư dân được vay vốn ưu đãi theo Nghị định 67. Tiếp sức cho tàu vươn khơi xa là đội tàu hậu cần ngày càng mạnh, vừa thu mua hải sản vừa cung cấp nhiên liệu, thực phẩm giúp các tàu cá bám biển dài ngày. Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, hiện nay nước ta có khoảng 96 nghìn phương tiện đánh bắt cá, trong đó có hơn 12 nghìn tàu công suất lớn và tất cả các tàu công suất lớn đã được trang bị các trang thiết bị đánh bắt, bảo quản hiện đại.

Thế nhưng thực tế qua vài năm ồ ạt đóng tàu lớn, nay nhiều con tàu 67 nằm bờ vì nhiều lý do, trong đó nguyên nhân chủ yếu là đánh bắt không hiệu quả do nguồn lợi thủy sản ngày càng suy kiệt. Không những thế, một số tàu cá của nước ta đã đánh bắt vi phạm vùng biển nước ngoài khiến Ủy ban châu Âu (EC) rút thẻ vàng cảnh cáo khiến việc xuất khẩu thủy sản nước ta gặp nhiều khó khăn.

Hiện nay, tàu 67 nằm bờ đang trở thành câu chuyện thời sự ở hầu hết các tỉnh thành ven biển và nóng trên nghị trường trong những ngày vừa qua. Thừa Thiên Huế cũng không phải là ngoại lệ, khi nhiều chủ tàu 67 có nguy cơ bị khởi kiện vì không trả nợ cho ngân hàng theo hợp đồng. Nếu không có giải pháp tháo gỡ kịp thời, không chỉ một nguồn lực khổng lồ đang lãng phí và mục tiêu nâng cao đời sống ngư dân, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc cũng sẽ không đạt được.

Ở góc độ khác, việc khai thác quá mức so với trữ lượng thủy hải sản là điều được cảnh báo. Cùng với việc giảm số lượng tàu và sản lượng đánh bắt để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nâng cao hiệu quả của các đội tàu thì giải pháp lâu dài và bền vững là việc thay đổi cơ cấu kinh tế biển. Trong đó, việc đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản ven biển và trên biển là hướng phát triển giàu tiềm năng, được một số địa phương áp dụng hiệu quả. Điển hình là nuôi cá lồng trên vịnh, vùng biển kín gió ở Hạ Long (Quảng Ninh), Kiên Giang; hay Bạc Liêu trở thành thủ phủ của ngành nuôi tôm công nghiệp ven biển.

Với Thừa Thiên Huế, việc nuôi trồng thủy hải sản ven biển, đầm phá thời gian qua phát triển khá mạnh, như nuôi tôm trên cát, nuôi cá lồng trên đầm phá và có cả mô hình thí điểm nuôi cá bằng lồng Đan Mạch ở Hải Dương (Hương Trà) và Lộc Bình (Phú Lộc). Nếu được đầu tư đúng mức, hiệu quả, khi đó một bộ phận ngư dân chuyển dần từ đánh bắt sang nuôi trồng thủy hải sản, vừa giải được bài toán phát triển kinh tế, vừa giảm áp lực trong việc đánh bắt, góp phần vào việc phát triển bền vững nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản của nước ta.

Hoàng Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khai thác hiệu quả giá trị các danh hiệu UNESCO

Với 65 danh hiệu được UNESCO ghi danh, trải rộng trên tất cả 63 tỉnh, thành phố, Việt Nam tiếp tục thể hiện đóng góp có trách nhiệm vào việc làm phong phú, bảo vệ và phát huy kho tàng văn hóa nhân loại.

Khai thác hiệu quả giá trị các danh hiệu UNESCO
Khai thác thị trường xuất khẩu rau, quả khu vực châu Á

Thị trường châu Á, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á và Trung Đông còn rất nhiều dư địa cho xuất khẩu rau, quả Việt Nam. Để nâng cao hiệu quả xuất khẩu, các doanh nghiệp Việt cần chủ động tìm hiểu nhu cầu, tiêu chuẩn của các thị trường và đảm bảo nguồn cung chất lượng.

Khai thác thị trường xuất khẩu rau, quả khu vực châu Á
Khai thác sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe

Sau quá trình nghiên cứu, xây dựng sản phẩm, Thừa Thiên Huế sẽ đưa vào khai thác sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe một cách bài bản để thu hút khách trong và ngoài nước.

Khai thác sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe
Tuyên truyền pháp luật về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp

Ngày 25/1, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An phối hợp với UBND xã Phú Thuận (Phú Vang) tổ chức tuyên truyền một số quy định của pháp luật về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) cho ngư dân trên địa bàn.

Tuyên truyền pháp luật về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp
Return to top