ClockThứ Năm, 30/06/2011 05:29

Chuyện từ lầu Tứ phương vô sự

TTH - Sau gần một tháng được khuấy động, câu chuyện làm dịch vụ cà phê ở lầu Tứ Phương Vô Sự (thuộc quần thể di tích Cố đô Huế) đến nay vẫn còn những dư âm. Có người đùa: Nhờ báo chí “ầm ĩ” mà cà phê Tứ Phương Vô Sự đắt khách. Nhưng nhìn nhận một cách nghiêm túc, câu chuyện Tứ Phương Vô Sự đang đặt ra một vấn đề lớn hơn. Đó là bài toán bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế. Đây cũng là câu chuyện của ca Huế trên sông Hương, của “cơm vua” và thậm chí là cả của Nhã nhạc...

Không phủ nhận là việc đưa ca Huế ra sông Hương đã hình thành nên một dịch vụ du lịch-văn hóa độc đáo cho Huế, tạo cơ hội việc làm cho trên 100 thuyền rồng, khoảng 500 lao động và gần 400 diễn viên, nhạc công. Nhưng ca Huế xuống đò cũng đồng nghĩa với hệ lụy của thương mại hóa làm cho méo mó, biến tướng mà nhiều cuộc chấn chỉnh đến nay vẫn tồn tại những bất cập. Như câu hỏi gần đây tại một hội thảo quốc tế về du lịch Huế, là liệu có nên tiếp tục để du khách ngồi ghế nhựa mà nghe ca Huế trên sông Hương? Hay như chuyện ẩm thực cung đình Huế được khai thác quá dễ dãi dưới cái mác “cơm vua”. Chưa có một thống kê cụ thể nào về hiệu qủa mà dịch vụ “cơm vua” đem lại cho ngành du dịch Huế. Nhưng mặt trái thì đã rõ. Sự phát huy giá trị di sản một cách tùy tiện, tự phát này đang đặt ẩm thực cung đình trước nguy cơ lai tạp, gây ra những ngộ nhận đáng tiếc.

Còn nhớ cách đây chừng chục năm. Việc chúng ta quá nóng lòng khai thác Nhã nhạc vào mục đích biểu diễn thu tiền, phục vụ du khách ngay sau khi vừa chân ướt chân ráo được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới đã khiến công luận như ngồi trên lửa. Lo bởi di sản nhân loại bảo tồn chưa xong, đã sớm tập trung vào phát huy giá trị. Và cho đến nay, nhiều hướng dẫn viên du lịch vẫn lúng túng khi du khách chất vấn: “Tại sao các nhạc công biểu diễn Nhã nhạc ở nhà hát Duyệt Thị Đường mang áo dài khăn đóng nhưng lại đi giày Tây?”
Trở lại lầu Tứ Phương Vô Sự. Để cứu di tích từ hoang tàn phế tích, Nhà nước đã đầu tư khoản tiền 9,3 tỷ đồng phục hồi, trùng tu. Và, với mức cho thuê mặt bằng để làm dịch vụ cà phê 200 triệu đồng/năm như hiện nay, phải mất 50 năm sau, Tứ Phương Vô Sự mới có thể thu lại số tiền trùng tu 9,3 tỷ đồng...
Một con số khác cho thấy, trong 15 năm lại đây, tổng doanh thu từ bán vé tham quan di tích thuộc quần thể di tích Cố đô Huế đạt khoảng 612 tỷ đồng. Trong khi đó, doanh thu từ dịch vụ chỉ đạt 32 tỷ đồng. Con số này so với qui mô và danh tiếng mà di sản triều Nguyễn để lại, quả là điều đáng sốt ruột.
Tại hội nghị triển khai công tác văn hóa-du lịch Thừa Thiên Thiên Huế năm 2011, đích danh Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Thiện cũng nhấn mạnh: Để tạo bước bứt phá cho thành phố văn hóa-du lịch như Huế, cần phải giải cho được bài toán gắn bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa với dịch vụ du lịch. Và dĩ nhiên, bài toán này một khi đáp ứng được cả hai yêu cầu: Vừa thu được tiền, vừa bảo tồn và phát huy được giá trị di sản một cách xứng tầm thì lúc ấy, báo chí hẳn đã không phải nhọc công ‘‘ầm ĩ”.
Kim Oanh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top