ClockThứ Năm, 04/10/2018 07:15

Chuyện tử tế ở thôn Phú Lộc

TTH - Cách trở, nghèo khó là những cụm từ dành cho thôn Phú Lộc, xã Phong Chương, huyện Phong Điền. Nhưng đó là chuyện cũ, bây giờ những con người từng gắn bó với bùn đất nơi đây đã tạo nên cuộc sống mới như tên gọi “Phú Lộc”.

Đường bê tông, cổng làng Phú Lộc được đầu tư có công đóng góp rất lớn của CLB Người cao tuổi

Vượt qua khó khăn

Xế trưa, từ trung tâm xã Phong Chương, tôi trở lại thăm thôn Phú Lộc. Vẫn con đường cũ nhưng giờ đã bê tông thoáng rộng hai bên hiện hữu những vườn cây, ô màu và đan xen những mái nhà xây, ngói đỏ khang trang ấn tượng. Ông Nguyễn Hữu Long, người được cán bộ xã giới thiệu trò chuyện với tôi dịp này là nông dân chính hiệu nhưng dáng vẻ như một cựu giáo chức. Ông kể, hơn mười năm trước, Phú Lộc là địa bàn nghèo của huyện. Bà con ở đây sống chủ yếu nhờ lúa, nhưng ruộng trũng, thấp, đê điều thiếu, không chủ động nguồn nước tưới nên sản xuất chỉ nhờ trời, nhất là vụ hè thu. Vợ chồng ông cũng như bao người dân nơi đây quanh năm tay cuốc, tay cày nhưng chỉ đủ nuôi con ăn học. Giờ, vẫn ở trên cánh đồng đó, cũng mảnh ruộng ấy nhưng mọi chuyện với ông Long nhẹ nhàng hơn. “Bây giờ làm ruộng thời đổi mới rồi. Từ khâu làm đất, đắp bờ, gieo sạ, gặt hái đều máy móc. Chưa tới mùa là mấy chủ máy gặt đến tìm hỏi. Tới ngày chỉ cần alô, chiều có xe chở lúa về đổ tận sân”. Ông nói.

Ở thôn Phú Lộc hiện có 500 hộ, phần lớn vẫn theo nghề làm nông. Nhiều gia đình vốn trước đây nghèo khó, chạy ăn từng bữa như ông Nguyễn Đắc Thuận, Lê Quang Ánh, Nguyễn Văn Trung... nhưng bây giờ họ không nặng chuyện gạo cơm như ngày trước. Mỗi nhà ở đây bình quân làm độ 10-15 sào ruộng. Có nhà lại sắm thêm máy cày, máy gặt... vừa phục vụ cho ruộng nhà vừa làm dịch vụ cho bà con trong, ngoài xã nên hàng năm có nguồn thu ổn định. Có nhà khá lên nhờ siêng năng tận dụng đất đai và ruộng đồng sau mỗi vụ mùa trồng cây màu, nuôi thêm vịt đàn, gà... tạo hàng hóa, sản phẩm cung ứng mọi nơi. Thành ra hộ nghèo ở đây chỉ còn dưới 5%, so với trước năm 2010 còn mức cao 30-40% .

Tìm hiểu sự đổi thay ở Phú Lộc, chị Hồ Thị Vy, trưởng thôn, cười vui. Đó là chủ trương chính của Đảng, Nhà nước và quan trọng nữa là tinh thần đón nhận của người dân địa phương. Các chương trình, dự án cấp trên hỗ trợ cho nông thôn nông nghiệp được thôn họp bàn, triển khai tập huấn, ứng dụng bài bản vào thực tế. Vấn đề đi đầu mà Phú Lộc làm được là tích tụ ruộng đất, xóa bỏ những thửa manh mún và liên kết sản xuất. Phú Lộc từ chỗ không có nổi một máy gặt hay một máy cày nhưng hiện tại, cơ giới hóa có thể đáp ứng hơn 90% khâu cày đất, gần 100% khâu thu hoạch, giảm được thất thu. Kênh mương, giao thông nội đồng từ chỗ thiếu, không chủ động nguồn nước tưới nay đã khác, đường từ ruộng vào nhà thuận lợi, thông suốt với mọi nơi...

Những chuyện tử tế

Ông Nguyễn Văn Đợi, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Phong Chương cho biết: “CLB Người cao tuổi thôn Phú Lộc có gần 100 cụ tham gia, hoạt động rất hiệu quả. Chính các cụ trong CLB Người cao tuổi Phú Lộc đã tạo niềm tin, cổ vũ động viên cho các phong trào phát triển kinh tế xã hội ở địa phương; đặc biệt phong trào nông thôn mới hiện nay”.

Loanh quanh ở Phú Lộc, ngoài chuyện ruộng vườn, tôi được nghe nhiều chuyện tử tế nơi đây đã lan tỏa gần xa. Thành quả đó nhờ sự đoàn kết, vun đắp các hội, đoàn thể, trong đó có Câu lạc bộ Người Cao tuổi thôn (CLB). Mới thành lập 3 năm nay, ngoài nhiệm vụ nâng cao đời sống tinh thần tuổi già cho các cụ, như tổ chức sinh hoạt làm thơ, ca hát, đi bộ, thể dục dưỡng sinh... CLB này trở thành “cánh tay” nối dài chăm lo từ việc lớn đến việc nhỏ trong thôn. Với tinh thần tự nguyện, các cụ góp quỹ hàng tháng. Người nhiều 100.000-200.000 đồng và ít 50.000 đồng/tháng. Cụ nào có con cháu làm ăn xa thành đạt kêu gọi hỗ trợ thêm nên nguồn quỹ của CLB ngày càng lớn. Có quỹ, hễ trong thôn có người ốm đau, gặp hoạn nạn là CLB cử người đến thăm hỏi, hỗ trợ quà. Khi trong thôn có trường hợp thiếu vốn sản xuất, các cụ phân công  tìm đến thăm hỏi, hỗ trợ 5-10 triệu đồng mà không tính lãi. Cũng từ nguồn quỹ đó, hàng năm con cháu đỗ đạt thành tích cao trong học tập, các cụ tổ chức tặng quà, khích lệ thêm tinh thần hiếu học cho con cháu...

Từ ngày CLB ra đời hễ nhà nào có cưới, có tang, có công việc gì cần thiết, chỉ cần “đánh tiếng” với CLB là nhận được sự giúp sức của dân địa phương. Hoặc có khi chỉ cần biết công việc, họ sẵn sàng vận động con cháu đến nhà hàng xóm để hỗ trợ, góp công mà không so tính thiệt hơn. Từ những việc làm của CLB, bà con trong thôn tin tưởng, đoàn kết, sống đùm bọc, yêu thương nhau. Con cháu ở xa quê ngưỡng mộ tinh thần của các cụ...

Đáng quý hơn khi hưởng ứng phong trào xây dựng xã nông thôn mới, cùng với hỗ trợ của Nhà nước, CLB phối hợp với Ban vận động thôn kêu gọi người dân chung tay đóng góp mở đường giao thông thôn, xóm; xây dựng nhà văn hóa cộng đồng... Đến thời điểm này, hệ thống đường giao thông gần 5km cơ bản được bê tông hóa; trong đó có nhiều tuyến nhờ nguồn vốn của CLB đứng ra vận động các mạnh thường quân, con cháu phương xa. Mới đây, cổng làng hơn 200 triệu đồng vừa xây xong ở đầu thôn, có sự đóng góp rất lớn của CLB từ việc góp ý kiến trúc, hình hài, đến vận động ngày công và tiền bạc...

Bài, ảnh: Minh Văn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top