ClockThứ Ba, 17/11/2015 17:26

Chuyện về người đàn bà và 100 ngôi mộ

TTH - Một buổi sáng trời rét và mưa dầm dề cách đây 10 năm trước, trong lúc đi chợ về, chị Nguyễn Thị Hương (1973), phường An Cựu, TP Huế thấy bên lề đường một chiếc hộp bọc sơ sài. Tò mò, chị mở ra xem mới giật mình tá hỏa: trong chiếc hộp vuông vắn, một thai nhi chưa thành hình.

Chị Hương bên những nấm mồ

Một phút đắn đo, chị vội về nhà lấy chiếc cuốc, mang sinh linh bị vứt bỏ đi chôn cất. Đó cũng là sinh linh đầu tiên trong số hơn 100 thai nhi bị bỏ rơi mà chị Hương tự tay chôn cất trong hơn 10 năm qua.

Những sinh linh bị bỏ rơi
Chị Nguyễn Thị Hương (41 tuổi) có khuôn mặt trái xoan hiền hậu, cái hiền còn thể hiện cả trong từng cử chỉ, lời nói. Không muốn kể về việc nhặt và chôn cất những sinh linh bé bỏng bị bỏ rơi, vì cứ mỗi lần nhắc đến chị thấy tội nghiệp thay cho những đứa trẻ chưa lọt lòng đã chịu bất hạnh. Phải năn nỉ lắm chị Hương mới trải lòng.
Chị Hương tâm sự: “Gia đình tôi chuyển đến ở gần nghĩa trang cạnh đường Ngự Bình (TP Huế) đã hơn mười năm. Trong thời gian đó, tôi thấy rất nhiều thai nhi bị nạo phá vứt bên lề đường. Mình không trông thấy thì thôi, chứ nhìn thấy thế rồi mà lại dửng dưng ngoảnh mặt đi thì tội lắm. Lỡ may chó, mèo ăn mất thì sao. Nghĩ thế nên nhiều năm qua, mỗi khi thấy sinh linh nào bị vứt bỏ, tôi đều mang đi chôn cất và xây mồ tử tế”. Đối với chị giờ đây, chuyện nhìn thấy những hài nhi bị ruồng bỏ như là cơ duyên vậy. Theo chị Hương, tuyến đường Ngự Bình đoạn qua nghĩa trang rất vắng vẻ nên những người trót lỡ có thai thường rủ nhau đi phá và mang vứt bên đường.
Cứ mỗi lần thấy xe máy nào chở hai, mặt bịt kín khẩu trang, tay cầm một vật gì đó khả nghi, mà cứ chạy từ từ trước ngõ nhà mình, là chị Hương lại vội vàng chạy ra nhìn theo xem họ có vứt bỏ cái gì hay không. Chị xem việc ấy là “nhiệm vụ của mình”, không làm thì thấy rất cắn rứt.
Mỗi khi nhìn thấy một sinh linh bị vứt bỏ, chị lại lấy tiền túi mua một chiếc om nhỏ, một gói trà và giấy trắng đùm bọc hài nhi lại cẩn thận rồi mới mang đi chôn cất. Khi có tiền chị lại thuê thợ xây bo nhỏ nhắn quanh mộ. Năm nào cũng vậy, vào trước Tết, chị lại hương khói và làm sạch cỏ quanh mộ để những sinh linh bất hạnh bớt lạnh lẽo, hiu quạnh.
Chưa yên lòng
Giờ đây, căn nhà chị Hương đang ở có rất nhiều lăng mộ bao bọc xung quanh. Những sinh linh nhặt được, chị chôn cất ở những khoảnh đất trống của nghĩa trang cạnh nhà để tiện việc hương khói. Hiện tại, có ba điểm tập kết mồ của những thai nhi bất hạnh với trên 100 ngôi nằm san sát nhau do chị Hương bỏ tiền túi xây cất.
Hỏi tại sao lại làm như vậy, chị bảo: “Việc này là do lương tâm thúc giục mình làm, nếu người khác gặp vào trường hợp thấy những đứa trẻ bị bỏ rơi như mình thì họ cũng sẽ làm vậy thôi. Đời người ngắn lắm, sống làm sao cho tử tế và không trái với lương tâm, không để lương tâm cắn rứt là được”.
Chị kể rằng, ở nhiều nơi người ta cho rằng việc nhặt các thai nhi bị bỏ rơi mang đi chôn cất rất kiêng cữ. Họ quan niệm khi nhặt những bào thai này mang đi chôn cất sẽ luôn gặp xui xẻo. Nhưng với chị đó chỉ là lời đồn, bằng chứng là hơn mười năm nay, việc buôn bán, kinh doanh của chị vẫn tiến triển tốt.
Dẫn chúng tôi ra thăm những ngôi mộ của những sinh linh bị bỏ rơi, chị Hương cẩn thận nhổ từng cây cỏ, rồi tranh thủ thắp cho mỗi ngôi một cây hương. Trong bóng chiều bảng lảng, khói hương nghi ngút “Cứ mỗi khi việc rảnh rỗi (chị Hương bán quán nhậu nhỏ bên đường), tôi thuê thợ hồ xây bo bọc mộ cho các cháu, sợ mưa to nước san mộ thành bình địa. Xây bo bình thường có giá từ 400-500 ngàn đồng, bo hoa sen cũng có giá 700-800 ngàn. Tôi nghĩ, các cháu bất hạnh lắm rồi, sức của mình chỉ làm được chừng đó để an ủi phần nào nỗi bất hạnh của chúng thôi. Nhìn những sinh linh bị bỏ rơi trong nhiều năm qua, tôi mong rằng những đôi yêu nhau hay các cặp vợ chồng trẻ đừng nên hành động như thế nữa”.
Đợi những nắm hương cháy hết, chúng tôi chia tay. Trong bóng chiều muộn, tiếng chị Hương nói với theo: “Khu nghĩa trang này nghe nói sẽ quy hoạch di dời đi nơi khác. Không biết mộ những sinh linh bị bỏ rơi này có ai thừa nhận để bốc chuyển đi hay không?
Bài, ảnh: Trần Hóa
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Ba luôn ở bên con

Một sớm mùa thu, tôi rẽ sương cũng mẹ đi vào lối vắng. Ở nơi đây, cảnh vật thường xuyên thay đổi, dù một năm mẹ con tôi đến những bốn, năm lần. Sự thay đổi ấy ứng với từng mùa, khi những hàng cây thi nhau lột xác, lũ chim chóc thay lời ca tiếng hát, mây trời và làn nước cũng thường biến đổi sắc màu theo từng tháng năm. Ở nơi đó, bên một dòng sông nhỏ có một khoảnh đất là nơi yên nghỉ của ba tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc ngày ba từ giã cõi đời cũng đã ngót nghét gần mười năm. Mười năm đó, từ nỗi đau tận cùng đến đau đáu khôn nguôi, trong mẹ con tôi đã chuyển thành tĩnh lặng thương yêu.

Ba luôn ở bên con
Từ chuyến phượt khám phá làng Vân...

Gần đây, phượt trở thành trào lưu và sở thích của rất đông bạn trẻ. Xu hướng phượt không đơn thuần chỉ là trải nghiệm các cung đường khó hay khám phá văn hóa, vùng đất nơi mình đến mà còn kết hợp Teambuilding (xây dựng đội nhóm), các kỹ năng sinh tồn, đôi khi lồng ghép thêm hoạt động thiện nguyện.

Từ chuyến phượt khám phá làng Vân
Lão ngư kể chuyện đi biển

Những kinh nghiệm đi biển "xương máu" được truyền đời trong các gia đình ngư dân. Khi chưa có máy móc hiện đại, kinh nghiệm sóng nước là cứu cánh sinh kế của họ.

Lão ngư kể chuyện đi biển
Return to top