ClockChủ Nhật, 25/07/2021 06:01

Chuyện về người thầy không cầm được bút

TTH - Tôi thực sự ấn tượng khi bắt gặp hình ảnh người thầy ngồi trên xe lăn. Thầy dạy nhập tâm, kỹ lưỡng nên học trò ở nhiều nơi tìm đến “chọn mặt gửi vàng” ở Trung tâm Anh ngữ TTM SHOOL (TP. Huế).

Tâm thế người thầy trong giai đoạn phát triển mớiThân thương hình bóng người thầy

Nguyễn Hồng Cương dạy online cho học sinh

Nghị lực sống

Giám đốc trung tâm cũng là người thầy đứng lớp mà tôi nhắc ở trên là anh Nguyễn Hồng Cương, sinh năm 1990,  trú ở 15 Đoàn Thị Điểm (TP. Huế).

Đã qua bao nhiêu năm nhưng mỗi lần nhắc lại, mẹ anh - bà Hồng Thị Diệu Hằng vẫn bùi ngùi. “Ba tháng biết lẫy, bảy tháng biết bò” nhưng tôi đợi mãi vẫn không thấy con lẫy, con bò, cứ nằm yên một chỗ, đầu thì gục xuống… Ôm con đến bác sĩ, hai vợ chồng bàng hoàng khi Cương bị bại não dẫn đến rối loạn vận động. Cũng từ đó, tuổi thơ của Cương phải trải qua những tháng ngày tập luyện, phục hồi trong đau đớn. 4 tuổi, cậu bé đã phải vào bệnh viện phục hồi chức năng TP. Hồ Chí Minh để tập và điều trị.

Bà Hằng kể, nhìn con đau đớn về thể xác, lẫn tinh thần khi sức khỏe không tốt, chế độ tập luyện lại nghiêm khắc nên bao lần tôi cũng muốn ôm con về Huế, tôi chỉ mong nuôi con cả đời cũng được. Nghĩ đi nghĩ lại, phải giúp con đứng trên đôi chân của mình, nếu mai này bố mẹ khuất núi, vẫn sống tốt được. Từ đó, hành trình đem con đi chữa bệnh của vợ chồng anh chị dài miên man, không hồi kết. Nhưng rồi, ánh sáng cuối đường hầm cũng lóe lên trong niềm hy vọng. Cương đã ngồi được trên chiếc xe lăn có cài pin tự động dịch chuyển. Kỳ tích hơn khi Cương bắt đầu phát âm từng tiếng một trong hơi thở nặng nhọc …

Nhà Cương ở đối diện với cổng sau của Trường THPT Nguyễn Huệ (TP. Huế). Ba ôm hồ sơ chạy đi khắp nơi nhưng chẳng có trường nào nhận một học sinh khuyết tật, bại não như Cương. Vậy là, thế giới của em chỉ quẩn quanh trong ngôi nhà có ông bà, cha mẹ. Thương con, bố mẹ quyết định trở thành người thầy đầu tiên khi cả hai đều là giáo viên. Khó nhất là cậu học trò đặc biệt ấy không cầm được cây bút, bù lại Cương có một trí nhớ tuyệt vời nên chỉ cần ngồi chăm chú nghe giảng là em nhớ hết bài học.

Năm 2002, ba mẹ Cương quyết định mở một trung tâm tin học nhỏ tại nhà lấy tên là TTM SCHOOL để dạy cho những học sinh, sinh viên nghèo, quan trọng hơn là để thực hiện giấc mơ được đến trường của cậu con trai. Bắt đầu làm quen với máy tính, thế giới mạng, chân trời tri thức mở ra, Cương có thêm bạn bè. Cậu học trò ấy lại càng bị cuốn hút, say mê. Dù chỉ dùng duy nhất một ngón tay ở bàn tay trái, Hồng Cương không hề nản chí. Em miệt mài, quyết tâm luyện tập. Chỉ sau thời gian, ngón tay yếu ớt ấy đã lướt thoăn thoắt trên bàn phím. Rồi có những lúc ba không lên lớp được, Cương lại thay ba “làm thầy”.

Thấy tinh thần con trai phấn chấn, lại thích tiếng Anh nên gia đình mời giáo viên về dạy cho con và mở một lớp tiếng Anh nhỏ cho sinh viên nghèo ngay tại nhà. Đến với tiếng Anh không bao lâu, Cương thật sự thông thạo các kỹ năng. Anh có thói quen đọc truyện bằng tiếng Anh, nghe ca khúc tiếng Anh… để nâng cao trình độ ngoại ngữ. Từ một học viên của trung tâm, chàng trai ấy trở thành người trợ giảng rồi dần dần trở thành giáo viên đứng lớp của trung tâm TTM SCHOOL.

Truyền cảm hứng cho giới trẻ

Gần 10 năm đứng lớp, anh Cương đã thổi ngọn lửa đam mê học tiếng Anh cho hàng trăm học sinh, sinh viên đang sinh sống và học tập tại Huế. Trước khi lên lớp, Cương dành thời gian soạn bài kỹ. Anh trao đổi bài vở, giao tiếp với người học qua mail, qua online. Từ khối lượng kiến thức và kỹ năng giao tiếp tiếng Anh có được của một người thầy tay không cầm được bút, mọi sinh hoạt cá nhân phải nhờ người khác… đã thật sự cảm hóa, thuyết phục tuyệt đối những ai còn ngại tiếng Anh. Vì thế, TTM SCHOOL của Cương liên tục khai giảng các lớp tiếng Anh cơ bản, nâng cao; tiếng Anh giao tiếp; ngữ pháp ứng dụng và nâng cao; luyện thi TOEIC.

Được đứng lớp, với Cương đó là niềm hạnh phúc nên TTM SCHOOL không đặt nặng vấn đề học phí. Cương miễn 100% học phí cho sinh viên nghèo, cho người khuyết tật và cho trẻ mồ côi. Cương đã cùng với người bạn ở TP. Hồ Chí Minh hoàn thành một webside dạy tiếng Anh online với gần 600 bài giảng ngữ pháp, nghe, từ vựng, giải đề… Đây là nguồn tài liệu quý giá cho cả giáo viên và học sinh, cho những ai say mê môn tiếng Anh. Hiện tại, Nguyễn Hồng Cương là quản lý đào tạo E4T English.

Dẫu việc đi lại, di chuyển cực kỳ khó khăn, song không vì thế mà làm giảm đi lòng nhiệt muốn lan tỏa để truyền cảm hứng học tiếng Anh, cảm hứng sống đẹp trong cộng đồng. Với vai trò là Giám đốc TTM School, quản lý đào tạo E4T English, đại sứ tổ chức NOJF Canada… Hồng Cương được mời tham dự nhiều hoạt động, sự kiện trong và ngoài tỉnh. Nhiều lần tham dự và trở thành diễn giả chính ở các sự kiện của IZI ENGLISH. Năm trước, Cương kết hợp với câu lạc bộ tiếng Anh Speecup tổ chức sự kiện English changes your world tại Trường đại học Ngoại ngữ Huế. Sự xuất hiện của Cương luôn đem đến cho người có mặt những điều bất ngờ, để lại ấn tượng sâu sắc.

Tôi nhớ mãi hình ảnh của Cương tại sự kiện Break The Limit Huế tháng 12/2018 mà tôi có dịp tham gia. Khi ban tổ chức bế Cương lên sân khấu, cả hội trường vang lên tiếng pháo tay nồng nhiệt. Từng lời nói, từng sẻ chia kinh nghiệm học tiếng Anh, quá trình vươn lên của Cương thu hút hàng trăm ánh mắt bạn trẻ. Cả giảng đường im lặng trong niềm xúc động. Trước đây tôi có một nỗi sợ, đó là sợ giao tiếp. Vì thế tôi sống khép kín. Nhưng khi tôi trưởng thành hơn, tôi nhìn ba mẹ mình, tôi nhìn ông bà mình, nhìn tất cả những người thân đang cố gắng từng ngày vì mình, để cho tôi có cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc. Nghĩ vậy, tôi càng cố gắng thoát khỏi vỏ bọc, ra ngoài nhiều hơn, nói chuyện nhiều hơn. Giao tiếp và trải nghiệm giúp tôi nhận ra rằng, lời nói không xuất phát từ cái miệng, mà là từ con tim. Khi bạn mở lòng mình với cả thế giới thì thế giới sẽ đáp lại bạn. Ước mơ được trở thành thầy giáo dạy môn tiếng Anh cho mọi người, nhất là các em khuyết tật cũng lớn dần trong tôi. Lời tâm sự của Nguyễn Hồng Cương đã ạo ấn tượng mạnh và có sức lan tỏa đến hơn 3.000 sinh viên có mặt lúc đó.

Nơi ngôi nhà cấp 4 ở đường phượng bay xứ Huế, Cương sống trong tình yêu thương của bà nội trên 90 tuổi, của ba, của mẹ cũng đã ngoài 70. Cương là đứa con đầu lòng và cũng là đứa con duy nhất của đôi vợ chồng già. Dù số phận con trai không may mắn, dù có một khoảng lặng khi nghĩ về mai sau, song với họ thì Cương là món quà kỳ diệu nhất mà cuộc đời đã tặng cho gia đình.

Bài, ảnh: HUẾ THU - HƯƠNG ĐỒNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vai trò chủ động của người thầy

Năm học 2022 - 2023 là năm học đầu tiên áp dụng chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới đối với cấp trung học phổ thông (THPT). Sau một năm thực hiện, thầy cô giáo và các em học sinh dần thích nghi với việc tổ chức dạy và học.

Vai trò chủ động của người thầy
Tấm lòng người thầy bên chân sóng Tam Giang

Xuất phát từ tấm lòng đồng cảm, yêu thương, hơn 20 năm đứng trên bục giảng, thầy giáo Hoàng Kim Sơn miệt mài đem yêu thương đến cho biết bao cảnh đời cơ cực. Bước chân thầy Sơn đã đến nhiều làng, nhiều bản để giúp đỡ, sẻ chia… đã trở nên gần gũi, xúc động đối với học sinh và bà con nghèo.

Tấm lòng người thầy bên chân sóng Tam Giang
Sách là người thầy

Đối với học sinh trên địa bàn Phú Vang, sách là người thầy để các em trau dồi kiến thức, kỹ năng, vững bước trên con đường học tập.

Sách là người thầy
Đổi mới bắt đầu từ người thầy

Thực tiễn triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới ở Thừa Thiên Huế cho thấy, đổi mới phải bắt đầu từ đội ngũ giáo viên trực tiếp đứng lớp.

Đổi mới bắt đầu từ người thầy
Vai trò người thầy được nâng cao

Tôi vẫn còn nhớ trong dịch COVID-19, giáo viên phải đầu tư nhiều thời gian và công sức để sử dụng các công cụ dạy trực tuyến.

Vai trò người thầy được nâng cao

TIN MỚI

Return to top