ClockThứ Tư, 23/05/2012 06:52

Cơ bản hoàn thiện hạ tầng thuỷ lợi

TTH - Xây dựng hoàn thiện hệ thống thuỷ lợi đáp ứng yêu cầu sản xuất, đưa ngành nông nghiệp phát triển theo hướng an toàn, chủ động là một trong những mục tiêu của tỉnh trên hành trình xây dựng nông thôn mới và góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình đang thi công

Chúng tôi có mặt trên công trình thuỷ lợi Tây Nam Hương Trà vào một ngày đầu tháng 5. Các thiết bị máy móc và công nhân đang tất bật thi công những hạng mục cuối cùng nhằm đảm bảo công trình hoàn thành đúng tiến độ. Anh Hà Thanh Dũng, cán bộ kỹ thuật thuộc Công ty cổ phần 1-5 cho biết, tranh thủ những ngày thời tiết thuận lợi, đơn vị đã tăng cường khoảng 20 thiết bị máy móc, 20 công nhân khẩn trương thi công cả ngày lẫn đêm nhằm đảm bảo tiến độ theo yêu cầu. Đến nay, việc đắp đập chính Khe Ngang, các hạng mục tràn xả lũ, đập phụ, cống nước, nhà quản lý hồ chứa được thi công xây dựng hoàn thành.

Công trình thuỷ lợi Tây Nam Hương Trà có tổng mức đầu tư hơn 252 tỉ đồng. Sau khi công trình hoàn thành sẽ chủ động cấp nước và ngăn lũ tiểu mãn cho hơn 4.000 ha đất nông nghiệp, nâng diện tích nuôi trồng thuỷ sản, cải thiện môi trường, ổn định đời sống và phát triển kinh tế, xã hội của nhiều địa phương trên địa bàn huyện Hương Trà. Đối với công trình Thuỷ Yên - Thuỷ Cam, sau khi hoàn thành có nhiệm vụ cấp nước tưới cho 1.270 ha đất lúa và hoa màu, cung cấp nguồn nước cho Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. 

Anh Đặng Ngọc Quốc An, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án thủy lợi Tây Nam Hương Trà cho biết, hiện nay công trình bước vào giai đoạn hoàn thành. Trong quá trình thi công, chủ đầu tư phối hợp với các đơn vị nhà thầu thường xuyên kiểm tra, giám sát nhằm sớm phát hiện những lỗi về kỹ thuật và yêu cầu các đơn vị thi công khẩn trương khắc phục nhằm đảm bảo chất lượng công trình. Vừa qua, tại hói 5 xã, 7 xã xảy ra tình trạng trượt tấm đan với chiều dài khoảng 20 mét, đó mới chỉ là phương án lát mái thử nghiệm để tìm các giải pháp phù hợp. Sau nhiều biện pháp thi công thử nghiệm về kỹ thuật lát mái, các đơn vị nhà thầu đã thống nhất phương án lát đan mái liên kết bằng bê tông, gia cố đá chân mái đảm bảo chất lượng và bền vững công trình.

Tại đập Khe Ngang thuộc địa phận xã Hương Hồ, các đơn vị thi công phát hiện sự cố lún nứt, do việc đắp đập da tải cao trình +4,5 mét; mái thượng lưu lát đá hộc, trên đệm lớp cát sỏi không đảm bảo yêu cầu. Anh Lê Văn Mẫn, Tổ trưởng Tổ giám sát cho rằng, đó là hiện tượng thường gặp trong thi công đập thuỷ lợi.

Chủ đầu tư đã yêu cầu phải tạm ngừng thi công, đồng thời thành lập hội đồng khoa học nhằm khảo sát, đánh giá nguyên nhân để tìm giải pháp khắc phục. Sau khi nghiên cứu, các chuyên gia kỹ thuật đã thống nhất phương án đắp đập da tải lên cao trình +6 mét; mái thượng lưu đắp da tải lên cao trình +5 mét, mái thượng lưu dùng màng chống thấm bentonic, trên mặt màng chống thấm đổ bê tông tấm lát có kích thước 2m x 2m x 0,12m. Các vị trí có vết nứt được xử lý bằng phương pháp khoan phụt… Với các phương án trên, công trình đảm bảo chất lượng và bền vững.
 
Hồ chứa nước Thuỷ Yên - Thuỷ Cam là công trình lớn, có vai trò rất quan trọng trong phát triển sản xuất nông nghiệp ở huyện Phú Lộc và phục vụ Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. Thời gian thực hiện công trình trong 4 năm, với tổng mức đầu tư trên 654 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Các đơn vị nhà thầu đang khẩn trương triển khai thi công hoàn thành một số hạng mục quan trọng. Ông Võ Quang Vinh, Giám đốc Ban Đầu tư Xây dựng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, để công tác triển khai thi công thuận lợi, chủ đầu tư và hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng đã tổ chức chi trả tiền cho người dân với tổng kinh phí khoảng 115 tỷ đồng. Đến nay, tại công trình đã cơ bản hoàn thành hai tuyến đường thi công kết hợp quản lý hồ chứa và hoàn thành hệ thống cấp điện. Trong quá trình thi công, chủ đầu tư phối hợp với các nhà thầu thường xuyên kiểm tra, xử lý kịp thời những sự cố, vướng mắc nhằm xây dựng công trình đảm bảo chất lượng.
 
Thêm nhiều công trình lớn
 
Mục tiêu của tỉnh đến năm 2015 là đầu tư xây mới, nâng cấp và cơ bản hoàn thiện hạ tầng thuỷ lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp. Các công trình được xây dựng đảm bảo quy mô lớn theo hướng đa mục tiêu. Các công trình đảm bảo điều tiết nguồn nước tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, kết hợp hạn chế lũ lụt và phòng chống cháy rừng. Đối với hệ thống đê bao sẽ được đầu tư kết hợp giao thông nội đồng, phục vụ cơ giới hoá trong sản xuất một cách thuận lợi. Chẳng hạn, đê Đông - Tây Ô Lâu ngoài nhiệm vụ ngăn lũ tiểu mãn cho đồng ruộng và khu dân cư, còn kết hợp giao thông nội đồng phục vụ cơ giới hoá trong nông nghiệp.
 

Cầu máng số 8 thuộc kênh chính Khe Ngang qua hói 7 xã sắp hoàn thành.

 

UBND tỉnh đã xây dựng đề án quy hoạch tổng thể phát triển thuỷ lợi đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020. Dự kiến tổng kinh phí đầu tư cho các công trình khoảng 14 ngàn tỷ đồng; trong đó giai đoạn 2008-2015 là 11.200 tỷ đồng, giai đoạn 2016-2020 là 2.800 tỷ đồng; tập trung huy động nguồn vốn từ các chương trình, dự án như: vốn vay ODA, NGO, vốn viện trợ không hoàn lại, ngân sách cấp, vốn trong nhân dân, các doanh nghiệp...

Từ nay đến năm 2015, tỉnh tiếp tục đầu tư xây mới, nâng cấp các đập dâng, hồ chứa và các trạm bơm điện tại các vùng lưu vực sông Ô Lâu, sông Hương, sông A Sáp, vùng phía nam Phú Lộc... cơ bản đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cho cho toàn bộ diện tích nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Các công trình được xây dựng như hồ chứa nước Ô Lâu với dung tích khoảng 40 triệu mét khối nhằm phục vụ tưới cho khoảng 5.211 ha lúa kết hợp tạo nguồn nuôi trồng thuỷ sản... Tiếp tục xây dựng các công trình hồ Tả Trạch, hồ Thuỷ Yên - Thuỷ Cam, công trình thuỷ lợi Tây Hưng 2. Xây dựng các công trình, trạm bơm nhằm đưa nước từ hồ Truồi phục vụ sản xuất nông nghiệp cho các vùng ven biển hai huyện Phú Vang và Phú Lộc... 
 
Ngoài các hệ thống thuỷ lợi trên, tỉnh sẽ đầu tư tu sửa và nâng cấp hệ thống đê ven phá Tam Giang - Cầu Hai kết hợp giao thông nội đồng. Nâng cấp hệ thống đê hạ lưu sông Hương, hệ thống đê sông Bồ từ hói Ngã Tư đến phá Tam Giang, đê Đại Giang và Thiệu Hoá và kiên cố hoá các tuyến đê bờ vùng... đảm bảo phục vụ tưới tiêu, kết hợp ngăm lũ tiểu mãn và nuôi trồng thuỷ sản. Phấn đấu đến năm 2015, các công trình thuỷ lợi cơ bản đáp ứng nhu cầu tưới cho toàn bộ diện tích sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; đảm bảo tiêu úng khoảng 11.200 ha/vụ bằng thiết bị động cơ và tiêu tự chảy khoảng 12 ngàn ha. Đến năm 2020 chủ động tưới cho toàn bộ diện tích sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh; tiêu úng khoảng 11.634 ha/vụ bằng động cơ và 12 ngàn ha tự chảy...
 
Bài, ảnh: Hoàng Triều

 

Đầu tuyến hói 5 xã thuộc công trình Tây Nam Hương Trà đã hoàn thành

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bỏ khung giá đất làm lành mạnh hóa thị trường đất đai

Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 với nhiều điểm mới so với Luật Đất đai 2013, trong đó người dân đặc biệt quan tâm đến việc bỏ khung giá đất, xác định giá theo thị trường. Đây được xem là bước đột phá lớn trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, tạo nên thay đổi căn bản về các vấn đề kinh tế trong chính sách pháp luật về đất đai; làm lành mạnh hóa thị trường; hạn chế đầu cơ, tham nhũng về đất đai.

Bỏ khung giá đất làm lành mạnh hóa thị trường đất đai
Tháo gỡ vướng mắc mặt bằng Khu Chung cư Đống Đa

Chiều 25/3, UBND tỉnh tổ chức buổi đối thoại với các hộ dân chưa bàn giao mặt bằng tại Dự án (DA) Cải tạo, xây dựng lại các dãy nhà A,B,C Khu Chung cư Đống Đa (KCCĐĐ) tại Phường Phú Nhuận, TP. Huế. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh chủ trì buổi đối thoại.

Tháo gỡ vướng mắc mặt bằng Khu Chung cư Đống Đa
Return to top