Thế giới

Có "bằng chứng tin cậy" về việc liên quân Arab thả bom chùm ở Yemen

ClockThứ Hai, 04/05/2015 17:33
TTH.VN - Video, ảnh và các bằng chứng khác cho thấy, liên quân quốc tế đã sử dụng bom chùm gần các làng ở tỉnh Saada, miền bắc Yemen.

Yemen ngày càng lún sâu vào bất ổn và khủng hoảng khi Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) hôm qua (3/5) lên tiếng cáo buộc liên quân quốc tế do Saudi Arabia dẫn đầu thả bom chùm trong các cuộc không kích chống nhóm nổi dậy Houthi tại nước này. 

 
Thủ đô Saana tan hoang sau những đợt không kích của liên quân quốc tế do Saudi Arabia dẫn đầu (ảnh: Getty)

Bạo lực leo thang tại Yemen cũng khiến hàng triệu người không được tiếp cận đầy đủ các nguồn cung về điện, nước, thực phẩm cũng như các dịch vụ chăm sóc y tế thiết yếu.

Trong một tuyên bố đưa ra hôm qua, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) khẳng định có bằng chứng “đáng tin cậy” chỉ ra rằng liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu đã sử dụng những quả bom chùm bị cấm trong các cuộc không kích chống lực lượng Houthi.

Video, ảnh và các bằng chứng khác cho thấy, liên quân quốc tế đã sử dụng bom chùm gần các làng ở tỉnh Saada, miền bắc Yemen. Mặc dù khẳng định có bằng chứng về việc vũ khí cấm này được sử dụng, nhưng theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, hiện chưa thể xác định được liệu có thương vong hay không.

Cùng ngày, giao tranh vẫn diễn ra rất quyết liệt tại thành phố Aden. Lực lượng Houthi muốn giành quyền kiểm soát hoàn toàn thành phố này nên đã liên tục mở các đợt tấn công và vấp phải sự đáp trả của lực lượng quân sự trung thành với Tổng thống Yemen. Đụng độ diễn ra dữ dội nhất tại khu vực sân bay quốc tế của Aden. Trong khi đó, nhiều tỉnh thành khác của Yemen như Taiz,  hay thủ đô Sanaa cũng chứng kiến giao tranh khốc liệt.

Cũng trong ngày 3/5, liên quân 8 nước Arab do Saudi Arabia đứng đầu đã gửi bộ binh đến thành phố Aden, miền Nam Yemen để đối phó với lực lượng vũ trang Houthi, vốn theo Hồi giáo dòng Shiite.

Chiến dịch can thiệp quân sự tại Yemen của liên quân gồm 8 nước do Saudi Arabia đứng đầu được phát động kể từ hôm 26/3 vừa qua đang hứng chịu không ít chỉ trích. Mục đích ban đầu của chiến dịch này là nhằm ngăn chặn và đẩy lùi đà tiến của lực lượng nổi dậy Houthi, tuy nhiên, số lượng dân thường thiệt mạng do các đợt không kích của liên quân ngày càng tăng.

Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, giao tranh tại Yemen đã cướp đi sinh mạng của hơn 1.000 người, trong đó có hơn 500 dân thường vô tội. Số liệu của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cũng cho thấy, đã có ít nhất 115 trẻ em thiệt mạng. 

Xung đột và chiến sự còn khiến người dân Yemen đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân đạo đang ngày càng tồi tệ hơn. Nhiều người dân ở Sanaa đang xếp hàng dài trước các cửa hàng bánh mì, các máy nước hay các trạm nhiên liệu.

Một người dân tại Sanaa cho biết: “Tình hình của chúng tôi, như bạn có thể thấy, chúng tôi đang bị khủng hoảng về nước, khủng hoảng về dầu diezen, khủng hoảng về khí đốt. Bây giờ thậm chí chúng tôi còn có một cuộc khủng hoảng ngay tại các cửa hàng bán bánh, nơi mọi người xếp hàng dài để chờ được mua bánh mì”.

Nhiều người dân Yemen cho biết, mọi mặt của đời sống đều bị ảnh hưởng kể từ khi liên quân do Saudi Arabia bắt đầu chiến dịch không kích tại quốc gia đầy bất ổn này. Thủ đô của Yemen không được cung cấp điện thường xuyên trong vài tuần qua. Một số người dân còn cho biết, điện gần như bị mất hoàn toàn. Nhiều người đang phải sử dụng đến các máy phát điện, tuy nhiên nguồn nhiên liệu cũng đang dần cạn kiệt.

Ông Omar Abdel Malek, một chủ cửa hàng bánh mì cho biết: “Nếu chúng tôi không có dầu diezen trong tuần tới, cửa hàng của chúng tôi chỉ đủ hoạt động trong tuần này thôi, và như vậy, có lẽ chúng tôi sẽ phải đóng cửa. Nhiều cửa hàng bánh ở đây cũng đã phải đóng cửa”.

Tình trạng khan hiếm nhiên liệu còn cản trở các hoạt động của các tổ chức từ thiện tại Yemen. Hôm 30/4 vừa qua, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của Liên Hợp Quốc cho biết họ đã buộc phải rút khỏi tỉnh Hudaydah ở phía Tây Yemen vì không còn nhiên liệu và có thể họ sẽ phải rút khỏi những nơi khác. Trong khi đó, Hội Chữ thập Đỏ Quốc tế cũng từng cảnh báo rằng, vấn đề thiếu nhiên liệu cũng như hạn chế nhập khẩu hàng hóa đã khiến cho các bệnh viện gặp khó khăn trong hoạt động y tế của mình.

Phương Anh (Theo VOV)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

1,05 tỷ tấn thực phẩm toàn cầu bị lãng phí trong khi hàng trăm triệu người bị đói

Theo một báo cáo mới của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) vừa công bố ngày 27/3, trong khi 2,4 tỷ người trên thế giới (tương đương 1/3 nhân loại) phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng hoặc vừa phải và 783 triệu người bị ảnh hưởng bởi nạn đói, thì hơn 1 tỷ bữa ăn đang bị lãng phí mỗi ngày.

1,05 tỷ tấn thực phẩm toàn cầu bị lãng phí trong khi hàng trăm triệu người bị đói
Brazil và Pháp ra mắt chương trình bảo vệ rừng nhiệt đới Amazon

Hãng Thông tấn Reuters ngày 27/3 đưa tin, Brazil và Pháp vừa khởi động một chương trình đầu tư, nhằm mục tiêu bảo vệ rừng nhiệt đới Amazon ở Brazil và Guyana, với khoản đầu tư trị giá 1 tỷ euro (tương đương 1,1 tỷ USD) từ các nguồn quỹ công và tư nhân trong vòng 4 năm tới.

Brazil và Pháp ra mắt chương trình bảo vệ rừng nhiệt đới Amazon
Mumbai trở thành thủ đô tỷ phú của châu Á

Trung tâm tài chính Mumbai của Ấn Độ vừa lần đầu tiên vượt qua Bắc Kinh của Trung Quốc để trở thành thủ đô tỷ phú của khu vực châu Á, theo danh sách người giàu toàn cầu do Viện nghiên cứu Hurun có trụ sở tại Thượng Hải (Trung Quốc) công bố.

Mumbai trở thành thủ đô tỷ phú của châu Á
Return to top