ClockThứ Năm, 04/09/2014 02:25

Cô bé bán bánh canh đậu đại học

TTH - Hơn 3 tuổi mẹ bỏ em đi, lên 6 tuổi người cha cũng bỏ em đi biền biệt. Em ở với ông bà nội. Mấy năm sau, bà nội mất. Em về ở với vợ chồng người chú, vừa đi học vừa phụ bán bánh canh. Vậy mà, cô bé ấy đã đậu đại học với số điểm khá cao - 22 điểm (Văn 8; Anh văn 7,75; toán 5,75).

Em là Trần Thuỷ Tiên, học sinh Trường THPT Hai Bà Trưng, vừa đậu vào ngành Quản trị kinh doanh, Trường đại học Kinh tế - Đại học Huế.

Ba mẹ bỏ đi, Tiên lớn lên trong tình yêu thương của ông nội và chú thím
Tối muộn, tôi tìm đến quán bánh canh của chú thím Tiên ở chân cầu An Cựu. Bên nồi bánh canh to đùng, bàn tay Tiên thoăn thoắt múc bánh canh cho khách. Ít ai biết rằng, đằng sau khuôn mặt trong sáng và dễ thương ấy là cả một nỗi buồn sâu thẳm. “Nhiều lúc, em rất tủi thân nhưng mình không may mắn, số phận mình vậy thì đành phải chấp nhận chứ em không giận ba mẹ. Em chỉ không hiểu vì sao ba mẹ lại bỏ em mà đi như vậy!”,  nước mắt lăn dài trên khuôn mặt tròn của Tiên. Anh Trần Việt Huy, chú của Tiên cho hay: “Tiên từ nhỏ đến lớn không biết mặt mẹ. Vợ chồng tôi nuôi cháu từ bé nên coi cháu như con trong nhà”.
Nhà chú thím của Tiên có tới 4 đứa con đang ở tuổi ăn tuổi học, thêm Tiên nữa thành ra 5 người con, chưa kể hai vợ chồng chú thím, ông nội và thêm mấy người dì chú trong nhà, cả thảy là 11 miệng ăn trông vào nồi bánh canh của chú thím bán trên vỉa hè đường Hải Triều. “Ngày bán, ngày phải nghỉ, có nhiều bận phải nghỉ cả tháng. Nhiều lúc, nhà không có tiền vợ chồng tôi phải đi vay mượn cho tụi nhỏ ăn học chớ sao để tụi nó đói và nghỉ học được”, anh Huy nói.
Ngày nào, Tiên cũng phụ chú thím bán bánh canh từ 17h tới tận 1h sáng hôm sau
 
Thương chú thím vất vả, năm lớp 6 Tiên ra phụ bán bánh canh với chú thím từ 17h đến tận 1 giờ sáng hôm sau. Về tới nhà, đêm nào Tiên cũng phải uống cà phê đặc để thức học tới 2-3h sáng mới đi ngủ. Những ngày gần thi đại học, Tiên thức học bài tới gần sáng. “Em sợ thi không đậu nên dù mệt mấy cũng phải ráng mà học”, Tiên nói.
Kết quả đậu đại học là phần thưởng xứng đáng cho những năm tháng miệt mài cố gắng và nỗ lực vượt qua khó khăn không ngừng của Thuỷ Tiên. Không có tình cảm và sự quan tâm, chăm sóc của cha mẹ nhưng 12 năm đi học, hầu như năm nào Tiên cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi, chỉ trừ hai năm lớp 6 và 7 học sinh khá. Tiên cũng đoạt giải Ba kỳ thi học sinh giỏi văn cấp trường và được chọn vào đội tuyển đi thi học sinh giỏi văn cấp tỉnh của trường. Cô Phạm Thị Diệu Mỹ, giáo viên chủ nhiệm 3 năm trung học phổ thông của Tiên khen: “Trong lớp, Tiên rất xuất sắc về mọi mặt, Tiên học giỏi các môn xã hội và rất tích cực tham gia hoạt động của lớp. Dù hoàn cảnh rất khó khăn, nhưng em rất lạc quan, có năng khiếu văn và tiếng Anh...”.
“Tiên rất ngoan và biết nghe lời. Đêm nghe cháu đậu đại học, tui nằm không ngủ được. Mừng mà lo không biết lấy tiền đâu cho cháu học đại học!”, ông nội của Tiên nói. Tiên cũng rất lo chưa biết xoay sở thế nào thì nghe cô chủ nhiệm giới thiệu về học bổng Tiếp sức tới trường của báo Tuổi Trẻ và Tiên may mắn được chọn cấp học bổng. “Lúc đó, em đang bán bánh canh, nghe một chị ở báo điện về báo tin, em bất ngờ và mừng quá, muốn chạy ngay về nhà để báo tin với ông nội”, Tiên kể. Trước đây, Tiên từng được nhận học bổng học sinh nghèo vượt khó và học bổng diện mồ côi với số tiền 400.000-500.000 đồng (dù Tiên không phải ở diện mồ côi nhưng cô giáo chủ nhiệm đã trình bày với nhà trường để ưu tiên cho Tiên được nhận học bổng này vì hoàn cảnh em quá khó khăn - PV). Số tiền học bổng lần này là 5 triệu đồng với Tiên “Thật lớn quá! Ước mơ của em là trở thành cô giáo dạy Văn hoặc Anh văn nhưng em quyết định chọn ngành Quản trị kinh doanh để sau này ra trường dễ xin việc, có thể giúp đỡ lại chú thím và 4 em ăn học”, Tiên tâm sự.
Tiên bảo em sẽ tiếp tục phụ chú thím bán bánh canh và dự định sẽ đi dạy thêm để kiếm tiền học trong 4 năm đại học.
Bài và ảnh: Ngọc Hà
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Làm gì cũng cần có sự chuẩn bị trước”

Đó là chia sẻ của ông Võ Quang Huệ, cố vấn cấp cao của Tập đoàn Vingroup đến sinh viên, giảng viên Đại học Huế trong buổi tọa đàm “Dặm đường tôi đi: Hành trình từ BMW, Bosch đến Vinfast” do Khoa Kỹ thuật và Công nghệ - Đại học Huế tổ chức sáng 19/4.

“Làm gì cũng cần có sự chuẩn bị trước”
Hiệu quả từ đổi mới giáo dục tiểu học

Với mục tiêu đào tạo các thế hệ học sinh phát triển toàn diện, cùng với đầu tư cơ sở vật chất, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) TP. Huế triển khai nhiều giải pháp trong đổi mới giáo dục tiểu học (TH), giúp học sinh tiếp cận phương pháp giảng dạy hiên đại, phát triển các khả năng hội nhập, như kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, ngoại ngữ, giao tiếp…

Hiệu quả từ đổi mới giáo dục tiểu học
Tổ chức ngày sách và văn hoá đọc Việt Nam

Chiều 17/4, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An phối hợp Trường tiểu học Phú Tân (phường Thuận An, TP. Huế) tổ chức chương trình Ngày sách và văn hoá đọc Việt Nam.

Tổ chức ngày sách và văn hoá đọc Việt Nam
Tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12

Trong hai ngày 16 và 17/4, tất cả học sinh lớp 12 trên toàn tỉnh tham gia làm bài thi khảo sát theo đề chung, được tổ chức như kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đây được xem là bước khảo sát kiến thức trước khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12

TIN MỚI

Return to top