ClockThứ Tư, 18/10/2017 21:30
HỘI NGHỊ TỈNH ỦY LẦN THỨ CHÍN (KHÓA XV):

Cơ cấu lại các ngành kinh tế theo hướng chất lượng, hiệu quả

TTH - Cân đối, bố trí nguồn lực hợp lý để vùng ven biển, đầm phá trở thành vùng kinh tế mạnh của tỉnh; huy động tối đa sự đóng góp nhân lực trong xây dựng nông thôn mới, gắn với giảm nghèo bền vững… là những định hướng được thảo luận, phân tích, làm rõ tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ chín (khóa XV) diễn ra ngày 18/10.

Phát triển vùng ven biển, đầm phá; nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mớiSáng nay (18/10), khai mạc Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 9 (mở rộng)

Các đại biểu trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy tham gia hội nghị

UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Thanh Hà; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao chủ trì hội nghị.

Chưa khai thác hiệu quả tiềm năng

Phát biểu tại hội nghị, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu khẳng định, trong những năm qua, Tỉnh ủy đã ban hành nhiều nghị quyết, kết luận quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển và đầm phá. Tuy nhiên, tiềm năng, thế mạnh của vùng chưa được khai thác có hiệu quả. Chương trình xây dựng nông thôn mới đang có dấu hiệu chững lại; chưa phát huy vai trò chủ thể của nhân dân; hệ thống chính trị chưa thực sự vào cuộc.

Với mục tiêu “Đưa vùng biển, đầm phá Tam Giang – Cầu Hai trở thành một trong những khu vực kinh tế ven biển phát triển mạnh của cả nước”; tìm các giải pháp “phi tài chính” để nâng cao chất lượng và thúc đẩy hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: “Nâng cao chất lượng, thúc đẩy hoàn thành các chỉ tiêu nông thôn mới về văn hóa, giáo dục, y tế, môi trường, an ninh chính trị, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh…là những tiêu chí rất ít kinh phí, nhưng có thể hoàn thành sớm, nếu lãnh đạo  các địa phương và cả hệ thống chính trị thực sự vào cuộc”.

Sau hơn 2 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn trong tỉnh có nhiều đổi mới; kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư; việc huy động nguồn lực do dân đóng góp đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. “Công tác chỉ đạo xây dựng nông thôn mới ở một số địa phương có dấu hiệu chững lại; tuyên truyền chưa được quan tâm; năng lực điều hành, triển khai chương trình của các địa phương còn hạn chế; việc duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí còn lung túng; có địa phương tự thỏa mãn với những kết quả vừa đạt được; nguồn vốn huy động đạt thấp so với yêu cầu…”, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Thanh Hà chỉ rõ những tồn tại, yếu kém.

 Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu (giữa) cùng các đại biểu trao đổi bên lề hội nghị

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao đánh giá, thời gian qua, hệ thống hạ tầng giao thông, thủy lợi, đô thị được ưu tiên đầu tư tương đối đồng bộ, gắn với xây dựng nông thôn mới; khai thác, nuôi trồng thủy sản có nhiều chuyển biến. Lượng tàu thuyền đánh bắt xa bờ tăng nhanh, đến năm 2017 có hơn 380 chiếc, sản lượng khai thác tăng khá, năm 2016 đạt 31,4 nghìn tấn; công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản được thực hiện quyết liệt; thành lập 23 khu bảo vệ thủy sản; trồng mới gần 600 ha rừng ngập mặn tập trung…

Tuy vậy, việc phát triển du lịch vùng ven biển, đầm phá còn một số hạn chế. Sản phẩm du lịch vùng ven biển, đầm phá còn nghèo nàn; hệ thống giao thông kết nối vùng biển, đầm phá chưa được đầu tư đồng bộ; cảng biển du lịch Chân Mây vẫn đang còn ở giai đoạn xúc tiến đầu tư để phát triển thành cảng biển du lịch quốc tế; thiếu các bến thuyền trên vùng đầm, phá và các mô hình nhà nghỉ sinh thái để phục vụ du khách nghỉ qua đêm, nhằm kéo dài thời gian lưu trú của du khách…

Cân đối bố trí nguồn lực hợp lý

Thảo luận, đóng góp ý kiến, tìm giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển, đầm phá tỉnh Thừa Thiên Huế, nhiều ý kiến cho rằng, cần ưu tiên cân đối bố trí nguồn lực hợp lý hoặc lồng ghép các nguồn lực để phát triển vùng trở thành vùng có điều kiện phát triển kinh tế mạnh của tỉnh. Huy động các nguồn lực để đầu tư hạ tầng đồng bộ cho nuôi trồng, khai thác thủy sản kết hợp với phòng, tránh thiên tai; chuyển đổi đánh bắt gần bờ sang đánh bắt xa bờ.

Cũng có ý kiến đề xuất, cần chỉ đạo quyết liệt các địa phương xây dựng kế hoạch, chính sách hỗ trợ để đẩy mạnh xuất khẩu lao động, gắn với đào tạo nghề; phát triển mạnh các làng nghề truyền thống gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm; quan tâm đội ngũ HTX và kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông thôn. Xem đây là hướng đột phá để tiếp tục giảm nghèo tại các địa phương ven biển, đầm, phá trong thời gian tới.

Đổi mới tư duy trong xây dựng kế hoạch

Để nâng cao chất lượng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, hầu hết các ý kiến tập trung các giải pháp “phi tài chính” hoặc đầu tư ít ngân sách để tập trung hoàn thành các tiêu chí, nhất là tiêu chí văn hóa, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, giảm nghèo…

Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cần tiếp tục giáo dục, vận động xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại trong nhân dân. Huy động tối đa sự đóng góp nhân lực, vật lực trong nhân dân để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng chương trình. Đồng thời, đề nghị các địa phương phát động các phong trào trong nhân dân, doanh nghiệp và con em địa phương đóng góp xây dựng quê hương thành xã nông thôn mới. Cấp ủy, chính quyền địa phương huy động sự vào cuộc quyết liệt của các đoàn thể, trực tiếp phụ trách các hộ nghèo để hướng dẫn, truyền đạt các cách làm hay, biện pháp có hiệu quả để giảm nghèo bền vững cho người dân nghèo vùng nông thôn.

Hầu hết các ý kiến đều nhất trí cần phải đổi mới tư duy trong xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018. Trong đó, lấy chất lượng tăng trưởng làm mục tiêu và nhiệm vụ trọng tâm, không chạy theo thành tích. Không nhất thiết tất cả các ngành, các lĩnh vực đều “tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước”. Đề cao trách nhiệm, tính kỷ luật trong xây dựng và thực hiện kế hoạch năm 2018.

Tỉnh ủy xác định, mục tiêu năm 2018 là: “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, cơ cấu lại các ngành kinh tế theo hướng chất lượng, hiệu quả, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh, khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”.

Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo, sau hội nghị này, đề nghị các đồng chí cấp ủy viên, bí thư cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải rà soát chương trình kế hoạch cụ thể, trọng tâm, chủ yếu để tổ chức chỉ đạo, thực hiện quyết liệt; rà soát các nhiệm vụ trọng tâm còn lại của năm 2017 để đôn đốc thực hiện, phấn đấu thực hiện hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra; đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm, thực hiện đồng bộ, hiệu quả chương trình giảm nghèo; tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát phòng, chống tham nhũng, lãng phí; siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính.

Bài, ảnh: Phong Triều Thành

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đổi thay từ xây dựng nông thôn mới

Đây là cảm nhận không chỉ riêng chúng tôi vừa trở lại xã Phong Sơn - địa phương cuối cùng của huyện Phong Điền vừa được tỉnh công nhận xã nông thôn mới (NTM).

Đổi thay từ xây dựng nông thôn mới
Phục hồi, cân bằng sinh thái trên sông, đầm phá

Thả con giống để tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản trên sông, đầm phá là hoạt động thiết thực được duy trì hàng năm nhằm góp phần phục hồi, bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh.

Phục hồi, cân bằng sinh thái trên sông, đầm phá
Hiệu ứng từ các phong trào

Bằng nhiều cách làm với các hoạt động thiết thực, thời gian qua phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”, “Chủ nhật vì cộng đồng” và các hoạt động ý nghĩa khác do TP. Huế triển khai đã kết nối các nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững (GNBV).

Hiệu ứng từ các phong trào
Return to top