ClockThứ Tư, 29/04/2020 06:52

Có chắc là doanh nghiệp “tốt bụng”?

TTH.VN - Trong khi Bộ Công an khởi tố vụ án, bắt tạm giam Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội thì trên báo chí, xuất hiện những thông tin rất đáng chú ý, nhiều địa phương đi mượn máy xét nghiệm COVID-19 của doanh nghiệp (DN).

Giám đốc CDC Hà Nội bị bắt là vì mua máy xét nghiệm với giá trên trời. Máy nhập khẩu về Việt Nam là 2,3 tỷ nhưng CDC Hà Nội mua với giá 7 tỷ.

Có thể khẳng định, với cái giá mua bán như nêu trên là hết sức phi thị trường. Đã là thị trường thì nó có mặt bằng giá hẳn hoi. Một kg gạo này có giá chừng này; một kg gạo khác có giá như thế kia. Có thể giá sẽ chênh lệch (nhưng khổng thể quá cao) vì khoảng cách giao nhận nơi này nơi khác (cộng thêm giá vận chuyển); hoặc là mặt hàng đó khan hiếm cục bộ trong những thời điểm nhất định.

Thị trường có cái hay của nó là nhanh chóng nhận biết mức giá ở nơi nào chênh lệch cao (tức là nếu bán thì thu được lợi nhuận cao) và ngay lập tức hàng hóa sẽ chảy đến nơi có giá cao. Nhiều nguồn hàng cứ chảy như vậy sẽ tạo ra sự cạnh tranh về giá, và đến một lúc nào đó, một mặt bằng giá mới nào đó hợp lý sẽ được thiết lập. Đây chính là điểm “cân bằng” của thị trường, làm cho giá ổn định.

Trở lại chuyện CDC Hà Nội mua máy với giá trên trời. Tại sao DN lại bán được một cái giá cao như vậy? Rồi đây, các thủ thuật để nâng giá cao đến gấp 3 lần giá nhập khẩu sẽ được cơ quan điều tra chỉ ra. Nhưng ở đây chúng ta thấy một điều rất rõ là vì không có cạnh tranh. Báo chí loan tin, trường hợp của CDC Hà Nội là chỉ định thầu!

Trong nhiều trường hợp, luật cho phép chỉ định thầu. Tức là chỉ định thầu không phải là vi phạm pháp luật. Luật về chỉ định thầu quy định rất rõ nhiều điều khoản. Ví dụ như về gói thầu. Đây là một trong những trường hợp được chỉ định thầu: “Gói thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công, gói thầu có giá trị gói thầu trong hạn mức được áp dụng chỉ định thầu theo quy định” (Luật Đấu thầu 2013). Và điều này được cụ thể hóa tại điều 54, Nghị định 63/2014/NĐ - CP. Điều này được quy định cụ thể như sau: gói thầu có giá trị trong hạn mức được áp dụng chỉ định thầu:

+ Không quá 500 triệu đồng đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ công; không quá 01 tỷ đồng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp, mua thuốc, vật tư y tế, sản phẩm công;

+ Không quá 100 triệu đồng đối với gói thầu thuộc dự toán mua sắm thường xuyên.

Tương tự như vậy, việc chỉ định thầu đối với nhà đầu tư cũng được quy định rất rõ.

Nói nôm na, chúng ta có thể hiểu, chỉ định thầu nó cần thiết trong những trường hợp cấp bách và khi thực hiện có những điều kiện cụ thể kèm theo. Nhưng hình thức chỉ định thầu cũng dễ xảy ra những trường hợp lợi dụng. Có thể là câu kết để nâng giá (giống như trường hợp CDC Hà Nội); cũng có thể là một cách để chỉ có một nhà thầu nào đó được thực hiện gói thầu (ở đây thiếu tính cạnh tranh). Trong thực tế chúng ta thấy, cái mà các nhà kinh tế gọi là công ty sân sau thường rơi vào những trường hợp chỉ định thầu. Hoặc là đấu thầu theo cách “quân xanh, quân đỏ” (cái cách không phải là thị trường).

Ở đây có một điều cần làm rõ là tại sao một DN lại đi cho chính quyền mượn một mặt hàng có giá trị lên đến nhiều tỷ đồng? Động lực nào để DN làm như vậy?

Một thiết bị máy móc khi đã qua sử dụng, sau đó nếu có giao dịch mua bán (second hand) thì giá trị của nó đã giảm đi rất nhiều. Có những mặt hàng sẽ bị giảm rất sâu. DN chắc chắn sẽ biết điều này. Đã biết rất rõ như vậy tại sao DN lại đi cho mượn (tức là chịu lỗ)? Trong những trường hợp cho mượn nói trên có thể DN có những cái tốt. Ví dụ như tình hình dịch bệnh vừa rồi, DN cho mượn là xác định một phần thiệt hại kinh tế của mình, nhưng cái được của DN là chia sẻ được một phần lợi cho cộng đồng. Trường hợp này là hết sức đáng khuyến khích.

Tuy nhiên, có một điều đáng nói là chưa hẳn DN nào cũng có lòng tốt như vậy mà có sự “bánh ít trao đi bánh quy trao lại”. Tức là tạo sự gần gũi, quen biết để có nhiều cơ hội hợp tác làm ăn sau này. Một khi yếu tố cạnh tranh thị trường bị bỏ qua mà mua bán thông qua sự quen biết, sự tạo điều kiện trong cung cấp và sử dụng các loại hàng hóa, dịch vụ… thì rất dễ làm ảnh hưởng đến môi trường cạnh tranh. Tức là có một hoặc một nhóm DN được lợi những nhóm khác bị thiệt hại. Liệu trong trường hợp co mượn máy nói trên có sự vô tư!?

Trong trường hợp xấu nhất và hết sức nên tránh đó là lợi dụng chỉ định thầu câu kết, nâng giá, cung cấp những sản phẩm và dịch vụ kém chất lượng. Cái khó trong quản lý nhà nước là mỗi năm có rất nhiều gói chỉ định thầu và đấu thầu, nếu kiểm soát không chặt chẽ thì rất dễ xảy ra tình trạng lợi dụng chỉ định thầu. Một khi đã lợi dụng thì ngân sách nhà nước ít nhiều sẽ chịu thiệt.

Lê Phương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát hiện ca bệnh sốt rét ngoại lai trở về từ Angola

Ngày 12/3, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết đang phối hợp theo dõi một ca bệnh sốt rét ngoại lai tại Khoa Hồi sức cấp cứu tích cực, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế. Các y bác sĩ tiếp tục điều trị do bệnh nhân đang mang thai 19 tuần tuổi.

Phát hiện ca bệnh sốt rét ngoại lai trở về từ Angola
COVID-19 khiến tuổi thọ trung bình toàn cầu giảm 1,6 năm

Một nghiên cứu quy mô lớn vừa công bố sáng nay (12/3) cho biết đại dịch COVID-19 đã khiến tuổi thọ trung bình của người dân trên toàn thế giới giảm 1,6 năm trong 2 năm đầu tiên của đại dịch, một mức giảm nghiêm trọng hơn so với trước đây.

COVID-19 khiến tuổi thọ trung bình toàn cầu giảm 1,6 năm
Đảm bảo mục tiêu loại trừ bệnh sốt rét trong cả nước vào năm 2030

Ngày 23/2, Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương tổng kết công tác phòng, chống sốt rét, ký sinh trùng, côn trùng năm 2023; triển khai kế hoạch năm 2024 và thúc đẩy loại trừ sốt rét ở Việt Nam”. Đầu cầu Thừa Thiên Huế có đại diện Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, TTYT Phong Điền, Nam Đông, A Lưới.

Đảm bảo mục tiêu loại trừ bệnh sốt rét trong cả nước vào năm 2030

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top