ClockThứ Hai, 05/10/2020 14:36

Cô “chủ nợ” tự nguyện

TTH - Ở Lộc An (Phú Lộc), Huỳnh Thị Hường được biết đến là “cô chủ nợ” tự nguyện khi chủ động cho rất nhiều người gặp khó mượn tiền đóng bảo hiểm y tế (BHYT) mà không hề nề hà hay toan tính thiệt hơn.

Ra khỏi xã “bãi ngang” và chuyện tấm thẻ bảo hiểm y tếKịp thời xét nghiệm COIVD-19 cho người có thẻ bảo hiểm y tếỨng dụng công nghệ thông tin trong bảo hiểm y tế

Bà Huỳnh Thị Hường,“cô chủ nợ” được người dân tin mến

So với bảo hiểm xã hội tự nguyện, BHYT có giá trị tức thời hơn nhiều. Mà, ốm đau lại là… “chuyện thường ngày ở huyện”. Quy định cũng rất rõ ràng, định kỳ 3 tháng, 6 tháng hay 1 năm, đại diện hộ gia đình phải đóng đủ số tiền vào quỹ BHYT. Thế nhưng, cũng có không ít người đến hạn nộp tiền vẫn cứ… im re, để rồi đến khi đi khám bệnh mới tá hỏa, thẻ BHYT của mình đã bị “lủng” vì quá hạn thời gian quy định.

Tham gia đại lý thu BHYT tại địa phương khi còn là Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Lộc An, lúc đầu cô Hường cũng băn khoăn dữ lắm. Lo nhất là các hộ cận nghèo. Thống kê vào cuối thời điểm 2019, xã Lộc An có đến 230 hộ cận nghèo. Họ phải tự lo cái thẻ BHYT cho gia đình mình. Để có được nhiều người tham gia mua BHYT, đặc biệt là với các hộ cận nghèo, cô Hương và đồng nghiệp phải “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” để rỉ tai thăm hỏi từng người theo kiểu “mưa dầm, thấm đất”, phân tích rõ thiệt hơn về việc sở hữu tấm BHYT như thứ “của để dành” đối với mỗi người. Sự đời, mua thẻ đã khó, giữ được tấm thẻ BHYT vất vả gấp bội. Trong vai trò là nhân viên đại lý thu UBND xã, cô Hường thường xuyên rà soát, nhắc nhở những ai trễ hạn phải lo đóng BHYT nhưng vẫn xảy ra tình trạng “lủng thẻ”, không chỉ một vài người mà lên hàng trăm trường hợp.

Suy đi rồi tính lại, nghĩ mình không lẽ cứ theo đuôi con cá hoài, năm 2016, cô Hường tự nguyện bỏ tiền túi cho người dân mượn để đóng BHYT đúng kỳ hạn. Đến năm 2020, xã Lộc An đã có 6.100 thẻ BHYT (vượt 100 thẻ so với kế hoạch phấn đấu). Tôi giật mình khi được biết, có đến 1/3 trong số đó từng và đang là “con nợ” không lấy lãi của cô Hường. Vào thời điểm tháng 5/2020 vừa qua, khi dịch COVID - 19 bùng phát, đời sống người dân Lộc An gặp khó khăn, có ngày Hường đã phải chi ra số tiền lên đến 20 triệu đồng để cho bà con mượn nộp BHYT. Để chủ động, cô Hường luôn sẵn có đủ một số tiền lớn, có khi lên đến 50 triệu đồng để kịp thời ứng giúp khi cần thiết.

Không phải bao giờ mọi chuyện vay trả cũng tỏ tường và mau chóng. Có trường hợp thật oái ăm, người được cho mượn “quên luôn”. Hỏi sao không nhắc để họ trả, cô bảo cũng có đôi lần nhưng họ lại cứ quên, vậy là thôi cho qua. Cô Hường ái ngại tâm sự, nhắc nhiều họ sợ ốt dột và tự ái, sẽ tìm cách xa lánh. Còn không ít trường hợp, chỉ với số tiền vài triệu đồng nhưng “trả góp” đến 3 - 4 đợt mới xong. Tôi năn nỉ được phép nêu lên vài cái tên, cô Hường cười hiền, thôi xin cho, tội nghiệp họ và mình lại mang tiếng, là cũng bởi do khó khăn mà ra cả thôi. Rồi cô kể, trong dịp dịch COVID - 19 hoành hành vừa qua, có sản phụ nhập viện trong hoàn cảnh cả thẻ BHYT và BHTN đều bị cắt. Hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, Hường đã cho mượn để trang trải. Mấy tháng sau, gia chủ mới hoàn trả đủ tiền.

Trở lại chuyện về mấy “con nợ” BHYT ở Lộc An. Có một sự thật là rất nhiều người tham gia nhiều rồi mà vẫn cứ lơ mơ, quên luôn quy định đến kỳ hạn phải đóng BHYT. Cũng có người lâu dần quen “thói ỷ lại”, theo kiểu nhờ cô Hường nộp giúp rồi tính sau. Thế nhưng, vẫn còn rất nhiều người dân Lộc An khó khăn thật sự. Một lúc phải bỏ ra vài triệu đồng để đóng BHYT cho cả gia đình lại là chuyện lớn khi họ phải chật vật lo từng bữa ăn.

Mới đây, tôi có dịp về tận Lộc An và được gặp “chủ nợ” Huỳnh Thị Hường. Khách chủ sơ giao mà cứ ngỡ như quen biết nhau lắm rồi. Khi tôi đặt vấn đề mời chia sẻ về việc làm của mình, Hường cười rất tươi, lại cho rằng chuyện nhỏ thôi mà anh. Cô bảo, niềm vui lớn là việc làm của mình được chồng con ủng hộ và đồng nghiệp hưởng ứng. Còn vì sao cô lại tự nguyện với công việc này là xuất phát từ tâm huyết nghề nghiệp và tình thương yêu dành cho bà con địa phương. Đó cũng là cách giúp cô trôi tròn công việc.

Trước đây, việc đóng tiền để gia hạn BHYT mỗi năm chỉ thực hiện một lần. Theo dõi đối tượng được thực hiện bằng sổ sách, phải rà soát từng cái tên cụ thể trong một thời điểm tập trung nên khá vất vả, có khi phải tranh thủ làm ngày làm đêm. Hiện nay, mọi việc trở nên đơn giản khi thay thế cho thẻ BHYT giấy là tấm thẻ BHYT bằng điện tử. Việc kết nối internet với BHXH huyện Phú Lộc giúp cho cô Hường và cả nhóm nhân viên đại lý BHXH xã Lộc An (có 4 thành viên) có thể nắm bắt thông tin về kỳ hạn đóng tiền BHYT của các hộ gia đình trong xã một cách nhanh nhất. Thông qua kết nối zalo, Hường gọi và nhắn tin cho từng người. Cô bảo, như kẻ nghiện game, cô thường xuyên cập nhật tình hình nên ai đến hạn đóng BHYT đều biết hết. Và, sau khi đã bằng nhiều cách thuyết phục mà vẫn người mua BHYT không kịp thời nộp thì chỉ còn cách cho mượn tiền để ứng trước rồi trả lại sau mà thôi.

Cô Hường bây giờ đã là Phó Chủ tịch UBND xã Lộc An. Tham gia quản lý Nhà nước ở địa phương với nhiều công việc phải lo toan, nhưng cô vẫn dành nhiều thời gian và tâm huyết cho chức trách nhân viên đại lý thu BHXH và đặc biệt là công việc cho người dân mượn tiền đóng BHYT. BHYT hộ gia đình ở xã Lộc An có sự góp sức của cô Hường đã chạm mốc con số trên 98% người dân tham gia. Chia tay, tôi chúc cô sức khỏe, ăn ra làm nên để bà con Lộc An được nhờ. Hường cười giòn tan. Tôi nghĩ, nhiều bà con Lộc An cũng chỉ mong “gặp nhau là cười” như thế khi diện kiến “chủ nợ” Huỳnh Thị Hường.

Bài: Đan Duy

Ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trao tặng 100 thẻ bảo hiểm y tế cho người dân huyện Nam Đông

Hoạt động trên vừa được Chi đoàn Viện kiểm sát nhân dân tỉnh phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh tổ chức nhằm chào mừng 93 năm Ngày thành lập Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và 49 năm Ngày giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế.

Trao tặng 100 thẻ bảo hiểm y tế cho người dân huyện Nam Đông
Return to top