ClockThứ Tư, 20/11/2013 19:11

Cô dạy chúng em biết ước mơ

TTH - Tôi đến thăm cô giáo cũ của mình sau khi nghe tin cô phải vào viện vì căn bện nan y. Đón tôi bằng những giọt nước mắt nghẹn ngào, cô khoe với những bệnh nhân ở cùng phòng bệnh: Đây là cô học trò mình dạy cách đây 20 năm, là cô học trò duy nhất nối nghiệp mình...

Nghiệp như cô nói không phải là công việc dạy văn mà cô vẫn miệt mài hàng ngày hàng giờ dành thời gian tâm huyết cho nó. Cái "nghiệp" cô nói đến là nghiệp văn chương, dẫu cả cô, cả trò (là tôi) cho đến tận bây giờ vẫn mãi loay hoay bên ngoài cánh cửa nhiều ma lực của lâu đài văn chương.

Trên giường bệnh, cô chỉ cho tôi hai hộp quà màu đỏ xinh xắn, bên cạnh những cuốn sách của Osho và Kalih Gibran. Đó là hai hộp quà đựng 1.000 con hạc giấy do các em học sinh lớp cô chủ nhiệm mang đến thăm cô. Những con hạc được các em tự gấp bằng giấy thủ công, bên dưới mỗi cánh hạc có ghi một lời cầu chúc cho cô mau lành bệnh. Những lời chúc hồn nhiên và trong sáng cùng với tên và biệt danh của mỗi bạn trong lớp.

Nhìn hai hộp quà với ngàn cánh hạc líu ríu trên tay cô, tôi không cầm được nước mắt. Tôi không ngờ ở giữa thời đại mà các giường bệnh thường trĩu xuống vì quà cáp hay phong bì thì giường bệnh của cô lại toàn sách và... giấy.

... Sau khi dạy chúng tôi hết lớp tám, cô chuyển lên thành phố sinh sống, nhưng giữa chúng tôi vẫn có những sự giằng néo kỳ lạ để rồi mỗi dịp chuẩn bị bước vào một giai đoạn đặc biệt của cuộc đời, cô lại xuất hiện bên tôi. Như một điểm tựa tinh thần đặc biệt. Cũng có khi, cô tìm gặp tôi chỉ để hai cô trò im lặng, đạp xe bên nhau, rong ruổi trên những con đường lưu dấu nhiều kỷ niệm của những ngày thơ trẻ. Cũng có khi, chỉ để nói những câu chuyện không đầu không cuối, và có cả những câu chuyện. "Sau này lớn lên, con sẽ hiểu", có những chuyện "Khi nào con lấy chồng, cô sẽ kể...".

Bao nhiêu năm đi qua rồi, cô giáo của tôi vẫn sống cùng cô con gái trong một căn phòng nhỏ. Cuộc sống của hai mẹ con không giàu có về vật chất nhưng đặc biệt giàu có về tinh thần. Với đồng lương ít ỏi từ dạy học, và dạy Yoga vào buổi tối, cô vẫn dành dụm một khoản nhất định để hàng tháng tổ chức sinh nhật cho những học trò của mình. Cô vẫn gọi chúng tôi là con, từ khi tôi còn là học sinh lớp 8 trường làng đến tận bây giờ, và các bạn học sinh bây giờ cũng vậy, ai cũng xưng "con" với cô. Học trò của cô, mỗi tháng được một lần tổ chức sinh nhật cho tất cả những bạn sinh cùng tháng, cô tổ chức cho các em một buổi sinh hoạt ấm áp, sôi nổi và dành tặng các em những cuốn sách, những tác phẩm văn học thực sự bổ ích. Có những cuốn sách đã trở nên quen thuộc với mọi lứa tuổi như Robinson Cruxo, Ông già và biển cả, Cánh buồm đỏ thắm hay Tiếng gọi nơi hoang dã .v.v. và .v.v. Với những cuốn sách mới, bao giờ cô cũng đọc trước, xem có phù hợp để tặng các học trò của mình không, vì như cô nói, trong khi các xuất bản phẩm bung nở như hiện nay, để tìm được một vài cuốn truyện đích thực dành cho các em thật không dễ dàng. Vì là sách mới, nên đôi khi tôi cũng được nhận quà như các em, nào là "Chuyện con mèo dạy hải âu bay", "Tốt-tô-chan - cô bé bên cửa sổ", "Rừng Na-uy"... Một điều mà bao nhiêu năm rồi cô vẫn làm được và vẫn đầy lửa để truyền tỏa cho các học trò, đó là trước khi tặng quà, bao giờ cô cũng nói vài điều về cuốn sách, khiến học trò nghe rồi thì không thể không đọc, đọc rồi thì không thể không nhớ.

Tôi nhớ hồi còn là cô học trò mười lăm tuổi, được nghe cô nói về tác phẩm "Cánh buồm đỏ thắm" của Grin, chúng tôi nghe say sưa và sau đó hầu như ai cũng cố kiếm tìm cho bằng được cuốn sách ấy để đọc. Hồi ấy, trẻ con nhà quê, đến sách giáo khoa còn hai ba bạn học chung một cuốn thì sách truyện là thứ quá xa xỉ. May mắn là tôi tìm được "Cánh buồm đỏ thắm" trên giá sách của một chú là cán bộ ở thị trấn, ở gần nhà tôi, tôi đã cùng một cô bạn (giờ đã là nhà báo) ngồi hai buổi chiều để chép ra một tập giấy "tiết kiệm", chúng tôi gọi giấy "tiết kiệm" vì ... đó là giấy cắt ra từ các cuốn vở thừa của năm học trước, từ các tờ giấy kiểm tra mới viết hết một mặt, rồi cắt rời ra, lấy chỉ khâu thành tập. Cuốn truyện chép tay sau này tiếp tục truyền tay trong lớp tôi rồi đến các em của chúng tôi. Chúng tôi lớn lên mang theo cả những mơ ước trong trẻo hồn nhiên và thánh thiện của cô bé A-xôn, làm nguồn dinh dưỡng cho tâm hồn mộc mạc của những cô bé, cậu bé quê nghèo.

Từ những câu truyện, những trang văn mà cô đã kể cho chúng tôi nghe hồi ấy, chúng tôi đã biết ước mơ và bền bỉ lớn lên.

Tặng cô ĐQL

Vũ Thanh Lịch
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Ba luôn ở bên con

Một sớm mùa thu, tôi rẽ sương cũng mẹ đi vào lối vắng. Ở nơi đây, cảnh vật thường xuyên thay đổi, dù một năm mẹ con tôi đến những bốn, năm lần. Sự thay đổi ấy ứng với từng mùa, khi những hàng cây thi nhau lột xác, lũ chim chóc thay lời ca tiếng hát, mây trời và làn nước cũng thường biến đổi sắc màu theo từng tháng năm. Ở nơi đó, bên một dòng sông nhỏ có một khoảnh đất là nơi yên nghỉ của ba tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc ngày ba từ giã cõi đời cũng đã ngót nghét gần mười năm. Mười năm đó, từ nỗi đau tận cùng đến đau đáu khôn nguôi, trong mẹ con tôi đã chuyển thành tĩnh lặng thương yêu.

Ba luôn ở bên con
Từ chuyến phượt khám phá làng Vân...

Gần đây, phượt trở thành trào lưu và sở thích của rất đông bạn trẻ. Xu hướng phượt không đơn thuần chỉ là trải nghiệm các cung đường khó hay khám phá văn hóa, vùng đất nơi mình đến mà còn kết hợp Teambuilding (xây dựng đội nhóm), các kỹ năng sinh tồn, đôi khi lồng ghép thêm hoạt động thiện nguyện.

Từ chuyến phượt khám phá làng Vân
Lão ngư kể chuyện đi biển

Những kinh nghiệm đi biển "xương máu" được truyền đời trong các gia đình ngư dân. Khi chưa có máy móc hiện đại, kinh nghiệm sóng nước là cứu cánh sinh kế của họ.

Lão ngư kể chuyện đi biển
Return to top