Thể thao

Cô gái Huế làm trọng tài giải vô địch quốc gia

ClockChủ Nhật, 13/09/2020 07:03
TTH - Sinh ra tại làng Hương Xuân, thị xã Hương Trà, ít ai biết rằng cô gái nhỏ nhắn đang thoăn thoắt phơi lúa, phơi đậu trước sân nhà là một trong AS trọng tài trẻ nhất của Việt Nam hiện nay.

Karatedo Huế giành Huy chương Vàng tại giải vô địch quốc giaĐiền kinh Huế “sáng cửa” dự SEA Games 30Huế đối đầu với nhiều đội mạnh tại giải vô địch đá cầu bãi biển toàn quốc

Trọng tài Trần Thị Thanh đang điều khiển trận đấu tại giải bóng đá Cúp Quốc gia 2020. Ảnh: NVCC

Đi lên từ Hội khỏe Phù Đổng

Gặp Trần Thị Thanh, cô gái sinh năm 1996 vào những ngày dịch COVID - 19 dường như lắng lại. Đây là một dịp rất hiếm hoi Thanh trở về Huế dài ngày. Cô bảo, “mùa hè là mùa giải, trong mấy năm đi làm chưa có năm nào em rảnh như năm nay”. Khác nhiều với hình dung, trước mắt tôi, một trọng tài nữ có thân hình nhỏ nhắn, khuôn mặt khá là nữ tính với đôi mắt buồn nhưng rất đẹp.

Thanh kể, trước đây cô rất mê bóng đá và từng là thành viên đội bóng của tỉnh nhà tham gia Hội Khỏe Phù Đổng toàn quốc tại Cần Thơ vào năm 16 tuổi. Năm 18 tuổi, cô khăn gói vượt đèo Hải Vân vào học tại Trường đại học Thể dục thể thao, chuyên ngành bóng đá. Đến năm thứ 2 thì mọi thứ thay đổi khi trường cô bắt đầu tổ chức một khóa huấn luyện trọng tài sơ cấp. Thanh đăng ký tham gia khóa đào tạo trợ lý trọng tài sau rất nhiều lần được thầy và bạn bè động viên. “Em hình dung về công việc sau khi tốt nghiệp đại học là sẽ trở về quê và xin đi dạy thể dục tại một trường học nào đó ở địa phương chứ không bao giờ nghĩ mình sẽ rong ruổi trên những sân bóng cùng những cầu thủ với vai trò là một trọng tài”.

Những áp lực tuổi trẻ

Áp lực đầu tiên đến từ gia đình. Ông Trần Kiêm Ngọc (57 tuổi) chưa bao giờ nghĩ rằng, con gái trở thành một nữ trọng tài. Bà Trần Thị Thìn (57 tuổi), mẹ của Thanh bảo rằng, mấy chị em của cô ấy đều học hành và đều làm công việc văn phòng phù hợp với phụ nữ. Gia đình cũng mong muốn Thanh có một công việc ổn định. “Cả nhà chưa bao giờ nghĩ cho con theo nghiệp cầu thủ chứ đừng nói đến nghề trọng tài.

Mặc dù đã điều khiển không biết bao nhiêu trận đấu từ U13, U15, U19 đến giải Vô địch Quốc gia nhưng cô vẫn không khỏi chua chát bảo rằng, “nghề của em không phải là một nghề ổn định”. Để có đủ chi phí trang trải sinh hoạt, Thanh còn phải làm rất nhiều việc khác để nuôi dưỡng đam mê của mình, như làm huấn luyện viên ở phòng gym, làm bóng đá cộng đồng, làm huấn luyện viên bóng đá cho các cầu thủ nhí. Dù có bận rộn mưu sinh thì đam mê vẫn được nuôi dưỡng hằng ngày, cô không ngừng học luật thi đấu, tham gia luyện tập xử lý tình huống với thầy giáo cũng như các chị đồng nghiệp. Trước mỗi giải đấu, đều phải tham gia các lớp tập huấn.

Áp lực sân cỏ cũng là một trong những trở ngại và cũng là động lực. Thanh bảo rằng, trên sân cỏ, khi điều khiển trận đấu đòi hỏi phải cực kỳ nghiêm túc. Khi đã cầm còi vào sân thì em chỉ còn biết đến màu áo của hai đội tuyển mà thôi. Lúc đó phải tập trung cao độ để điều khiển trận đấu, theo nghề rồi mới thấy đây là nghề thật sự căng thẳng và chịu khá nhiều “gạch đá” của dư luận.

Mơ ước trở thành trọng tài nữ FIFA trẻ nhất Việt Nam

Kể từ trận đấu nhớ đời khi phải quyết định dừng trận đấu vì... mưa quá, trong khuôn khổ lượt về giải bóng đá nữ Vô địch Quốc gia năm 2018 tại TP. Hồ Chí Minh đến nay, trọng tài nữ Trần Thị Thanh đã chinh chiến rất nhiều lần khác nữa trên sân và học được rất nhiều thứ. “Sau mỗi trận đấu, mỗi lượt đấu tất cả các trọng tài làm giải sẽ họp cùng với giám sát trận đấu, giám sát trọng tài để cùng nhau rút kinh nghiệm mỗi trận đấu, trong đó đáng chú ý nhất là giám sát trọng tài sẽ cho mình xem lại những đoạn băng từ nhiều góc của trận đấu để xem cách mình xử lý có tốt hay chưa để học hỏi thêm”.

Thầy Võ Quang Vinh, cựu Còi vàng trong làng trọng tài Việt Nam, người thầy mà cô gái Huế coi như một người cha, gắn bó dạy dỗ cô từ những ngày đầu mới bước chân vào trường đã rất tự hào khi nói về học trò của mình, rằng, Thanh là một học trò thông minh và rất chịu khó học hỏi, rèn luyện. “Ngay từ đầu, tôi đã thấy ở cô gái Huế này tố chất của một trọng tài nữ nên đưa em lên huấn luyện, mặc dù khi bắt đầu em chỉ đăng ký tham dự huấn luyện với vị trí trợ lý trọng tài”.

Thầy giáo của Thanh còn bảo, cô là một trong những học trò rất cừ, rất có bản lĩnh và chí tiến thủ ngay cả trong công việc hoặc với vai trò là một cầu thủ. “Đối với ban trọng tài Việt Nam, Thanh bây giờ là một trọng tài nữ cấp quốc gia và tôi nghĩ rằng, em sẽ còn tiến xa hơn nữa bằng sự ham học hỏi và ý chí mạnh mẽ của mình”.

Vừa tròn 24 tuổi, con đường phía trước còn khá dài. Mơ ước của Thanh là phấn đấu hết sức để 2 năm nữa, khi đủ tuổi xét duyệt trọng tài FIFA, cô sẽ trở thành một trong những trọng tài nữ của FIFA trẻ tuổi nhất nước. Cô đùa rằng, em còn hai năm phấn đấu để phát triển sự nghiệp, cũng là đam mê của mình. Nếu thành công, đó là con đường mà em sẽ đi đến hết cuộc đời, nếu không thì sẽ trở lại làm cô gái Huế ngoan ngoãn của ba mẹ và tính chuyện... yên bề gia thất.

NAM GIAO

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cầu thủ nhập tịch

Trước thềm 2 trận đấu gặp tuyển Việt Nam vào cuối tháng 3 này, theo tờ Bola. Okezone, Indonesia đã hoàn thành nhập tịch cầu thủ gốc Hà Lan, Nathan Tjoe-A-On. Cầu thủ này đã tuyên thệ trở thành công dân Indonesia. Sau khi tuyên thệ, Nathan Tjoe-A-On có thể khoác áo đội tuyển Indonesia ngay.

Cầu thủ nhập tịch
Không còn “có mới, nới cũ”

Trong danh sách 33 cầu thủ được HLV Troussier triệu tập trong lần tập trung vào đầu tháng 3 này, chuẩn bị cho 2 trận đấu gặp Indonesia ở vòng loại World Cup 2026 khu vực châu Á, xuất hiện nhiều cái tên cũ, là trụ cột và chỗ dựa một thời của bóng đá Việt Nam.

Không còn “có mới, nới cũ”
Vượt qua mặc cảm “bóng đá nhà nghèo”

Nửa mùa hạng Nhất đã đi qua và với vị trí top 3, bóng đá Huế đang có một mùa giải trên cả mong đợi. Cụ thể với 17 điểm, các học trò của ông Nguyễn Đức Dũng chỉ xếp sau 2 đội bóng được chỉ đích danh thăng hạng ngay từ đầu mùa giải và không có chi bất ngờ nếu được góp mặt ở sân chơi V. League vào năm sau. Sự thật thì chỉ có SHB Đà Nẵng là vượt trội, còn PVF-CAND cũng chỉ hơn CLB Huế vẻn vẹn 1 điểm và vượt lên ở lượt đá cuối cùng vào cuối tuần qua.

Vượt qua mặc cảm “bóng đá nhà nghèo”
Return to top