ClockThứ Bảy, 07/11/2020 15:51

Cô giáo - “bà ngoại” tuổi 90

TTH - Huế bắt đầu vào thu, căn nhà nhỏ của mệ Trần Thị Bê ở phường Trường An (TP. Huế) yên ắng lạ. Tựa mình bên cửa, mệ nhìn ra ngõ như đang ngóng trông dẫu biết chắc hôm nay mình không có giờ lên lớp. Gắn bó với nghề dạy học miễn phí hơn 25 năm, nhiều người trìu mến gọi mệ bằng “bà ngoại”.

Gửi yêu thương bằng tiếng Anh

Mệ Trần Thị Bê kèm cặp học sinh trong xóm học tiếng Anh

Ở tuổi ngoài 90, mệ Bê không cần đeo kính, vẫn minh mẫn đọc sách và soạn giáo án. Suốt ngày, mệ cứ cặm cụi trong nhà nhưng thỉnh thoảng lại nghe văng vẳng tiếng bọn trẻ gọi cửa. Ngày nào cũng vậy, có khi mẹ chúng biếu bà chục trứng, có khi chúng lại kéo nhau sang để hỏi bài…

Nghề nghiệp của mệ Bê không liên quan đến công việc “gõ đầu trẻ” khi có 15 năm làm nhân viên đánh máy ở ngành bưu điện. Sau khi nghỉ việc, mệ lại nấu cơm cho sinh viên nghèo đến trọ học ở Huế. Mà, cái chuyện cơm nước của mệ đã trở thành giai thoại khi sinh viên không đưa tiền cơm mệ cũng nấu. Chúng tôi hỏi, số sinh viên nợ tiền ăn của mệ nhiều không, mệ cười giòn tan, có ghi sổ mô mà biết nhiều hay ít, tụi hắn hết tiền thì tới nói nhỏ với mệ một tiếng là xong. Có đứa nhớ dai lắm, khi mô có dịp về Huế đều ghé qua thăm mệ, nhắc lại chuyện cũ…

65 tuổi, mệ Bê mới bắt đầu mở lớp dạy học miễn phí cho học sinh nghèo. Tôi đọc được nỗi niềm chất chứa trong lòng mệ. Mở lớp cũng chỉ để thỏa nỗi nhớ con trẻ khi mệ có chồng nhưng chưa một lần được làm mẹ. Chiều chiều, thấy bọn trẻ trong xóm cứ lẽo đẽo theo mẹ mưu sinh, mệ lại chạnh lòng. Mệ đến từng nhà vận động phụ huynh cho con đến nhà học chữ. Ban đầu chỉ dạy vỡ lòng cho trẻ nhỏ, dần dần mệ mở rộng ra dạy tiếng Anh, tiếng Pháp. “Tiếng lành đồn xa”, không chỉ học sinh trong vùng thích học mà cả những sinh viên, người đi làm cũng đăng ký tham gia. Không tốn tiền học phí đã đành, mệ dạy tận tâm nên lớp học của mệ có bận lên đến 60 - 70 học trò, lúc nào cũng có người đến xin học. Thế nên, những người hàng xóm tốt bụng đã tình nguyện cho mệ mượn nhà để dạy.

Mệ Trần Thị Bê thường xuyên đọc sách để ôn luyện trí nhớ

Không bảng đen phấn trắng, không tiếng kẻng báo hiệu hết giờ, cả cô và trò cứ say sưa học nên nhiều em nói tiếng tây làu làu sau thời gian ngắn. Hơn nữa, kể từ ngày học với mệ Bê, bọn trẻ ngoan hẳn. Mệ biết nhiều “bí mật” của chúng, rồi cứ gỡ dần, từ đó, nhiều em suốt ngày cứ chạy sang nhà “bà ngoại”. Chị Nguyễn Thị Hạnh, người bán hàng xén ở đầu ngõ, trải lòng: “Ai cũng nói mệ tra rồi, chữ nhớ, chữ quên, răng không cho con đi học thêm ở ngoài, nhưng thú thiệt với mấy o, chú, tui từng học mệ tui biết, mệ dạy có tâm, bọn trẻ dễ hiểu bài, mệ lại có mẹo giúp trò nhớ lâu và kiên nhẫn kèm cặp đối với học sinh học yếu”.

Gần đây, không nhiều học trò đến với lớp học của mệ Bê như trước, lớp học duy trì sĩ số khoảng 10 em. Cứ vào ngày lẻ (ba - năm - bảy) của tuần nhà mệ lại vang lên tiếng đọc bài của trẻ nhỏ. Bọn trẻ con không hiểu chuyện nhiều về “cơm áo, gạo tiền” như bố mẹ khi cho con tham gia lớp học miễn phí, thế nhưng, được đến lớp của mệ Bê là một niềm vui. Chúng được để dành thức ăn ngon, được động viên mỗi khi học mãi mà chẳng thuộc từ vựng bằng cách ôm hôn thay vì la mắng. Mà hơn thế, chúng tự tin giao tiếp bằng ngoại ngữ với mệ mà không hề e ngại.

Với từng học trò, mệ Bê có phương pháp dạy với giáo án riêng, làm sao cho bọn trẻ dễ nhớ theo kiểu vui vẻ, vừa học vừa chơi. “Ví như dạy từ mới tiếng Anh, mệ thường cho học trò học thơ lục bát để các cháu dễ nhớ”. Nói rồi, mệ Bê đọc luôn một câu thơ: “Hello có nghĩa xin chào, Goodbye tạm biệt, thì thào Whisper...”.

Những học trò đến với lớp học của mệ Bê đa phần mất căn bản, nhưng có nhiều sinh viên mê học ngoại ngữ cũng tìm đến mệ. Theo lời kể của Nguyễn Thùy Linh, giáo viên dạy ngoại ngữ từng là học trò của mệ Bê thì, “tôi ra trường cũng được 10 năm, hồi ấy cuối tuần tôi đều lên tìm mệ. Mệ nói tiếng Anh, tiếng Pháp hay lắm, lưu loát như người bản địa. Mệ sửa cho tôi từng lỗi một và tôi cảm thấy tự tin khi đứng trước đám đông. Sau này, khi ra đi dạy học trò tôi đem cảm hứng từ mệ truyền vào bài giảng khiến các em hứng thú trong giờ học”.

Mệ Bê cười móm mém khi tôi nhắc đến Linh và nhớ như in câu chuyện với cô học trò nhỏ: Nó quê tận Thanh Hóa vào Huế trọ học. Ngày ấy, gia đình cũng vất vả lắm, chẳng có tiền đi học ở các trung tâm ngoại ngữ. Tuần nào nó cũng lên học tiếng Anh, phụ mệ kèm cặp các em nhỏ đến tối mịt mới về. Sau này, ra trường trở thành cô giáo, nó thường lên biếu mệ “đồng quà, tấm bánh”, mừng nhất là đem tài liệu lên cho mệ. Nhờ đó, mệ có thể cập nhật, theo sát với chương trình giảng dạy trong nhà trường”, mệ Bê chia sẻ.

Ở cái tuổi của mệ, nhớ tốt và có vốn ngoại ngữ dày dặn quả không dễ. Đáp lại thắc mắc của chúng tôi, mệ xòe đôi bàn tay khẳng khiu đếm nhiều lần qua đầu ngón tay khi kể về biến cố của đời mình. Ngày xưa gia đình mệ cơ cực lắm, bố mất, một mình mẹ nuôi 7 người con chỉ nhờ vào nghề máy vá, thêu thùa. Mệ là con thứ hai trong gia đình, bao lần muốn nghỉ học để phụ giúp mẹ nhưng nghĩ đến ước nguyện của người cha quá cố, bằng mọi cách phải cho con học đến nơi, đến chốn.

Khó khăn đến nỗi gia đình phải gửi mệ Bê vào Trường Jeanne d’Arc ở đường Trần Cao Vân, TP. Huế (nay là Trường THPT Nguyễn Trường Tộ), trường miễn học phí cho học sinh nghèo. Ở đó, mệ được học văn hóa nhưng tiếng Anh và Pháp vẫn là bộ môn chính. Mệ Bê phải trải qua những tháng ngày khổ luyện với những người thầy nghiêm khắc. Không ngờ, dạy ngoại ngữ cũng chính là nghề kiếm ra tiền đầu tiên của mệ để hỗ trợ các em ăn học sau này.

Ngày trước, hai vợ chồng mệ dựa vào lương hưu của ông, cũng tằn tiện đắp đổi qua ngày. Tài sản lớn nhất của mệ được cất trong chiếc tủ gỗ đặt ngay giữa phòng khách là sách tiếng Pháp, tiếng Anh khi mệ còn là học sinh trung học. Rồi những bức ảnh của học trò, nâng niu từng tấm danh thiếp, lá thư dù đã ố vàng mà các em gửi về mệ mỗi dịp 20 tháng 11.

“Chúng tự tay làm thiệp và làm tặng mệ đó, cứ đến ngày lễ, chúng nó lại kéo nhau về thăm, trò chuyện... với mệ đó là tài sản lớn nhất của cuộc đời. Ấn tượng nhất là có một cậu học trò nghèo ngày xưa được mệ cưu mang, bây giờ đã thành danh có nguyện vọng đưa mệ vào Gia Lai để anh tiện bề chăm sóc và phụng dưỡng. “Mệ chỉ muốn ở lại Huế để tiếp tục dạy học, để được gần gũi với bọn trẻ”, mệ cười khi kể lại chuyện cũ.

Từ khi chồng mất, mệ sống với người cháu gọi bằng O ruột trong căn nhà nhỏ của mình. Cuộc sống của mệ giản đơn khi ăn uống, nghỉ ngơi điều độ, quan trọng hơn là ngày nào mệ cũng đem sách ra đọc để luyện trí nhớ. Bí quyết sống khỏe của mệ Bê được anh Trần Lê Đức, người cháu sống cùng chia sẻ: “O tôi ít đau ốm hay nằm viện, bọn trẻ làm O vui. Chỉ cần chúng vui khi được học ngoại ngữ là O tôi mãn nguyện. Chúng sợ O đau ốm thất thường nên lúc nào cũng có đứa ghé thăm. Nhờ lũ trẻ cả”. 

Thời gian dịch bệnh COVID-19, mệ đành phải cho học trò tạm nghỉ, nhưng khi tình hình yên ổn, lớp học sẽ được duy trì. Tất nhiên, ở tuổi cửu thập, ngày càng có nhiều người, nhất là phụ huynh nghi ngại về sự minh mẫn của mệ. Tôi hỏi mệ buồn không, mệ khoát tay cười, bảo rằng họ lo lắng có cơ sở. Mệ vẫn kiên trì đứng lớp với câu khẳng định chắc nịch: “Mệ tự biết mệ còn khỏe, chừng mô không dạy được, mệ mới nghỉ”.

Với mệ Bê, niềm vui tuổi già là được tiếp tục dạy ngoại ngữ cho trẻ em nghèo hiếu học.

Bài: HUẾ THU - Ảnh: HỮU PHÚC

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gửi yêu thương bằng tiếng Anh

Tranh thủ từng chút thời gian rảnh rỗi, Phan Thị Mau, cô gái Huế đang sinh sống và làm việc tại Đà Nẵng đã mở những lớp học tiếng Anh online miễn phí.

Gửi yêu thương bằng tiếng Anh
Bà giáo dạy thiện nguyện ở tuổi 90

Vượt qua hoàn cảnh, gần 25 năm làm cô giáo không lương cho hàng trăm học sinh, sinh viên nghèo, bà đã tìm thấy niềm vui giữa dòng đời bất tận. Bà tên là Trần Thị Bê, 90 tuổi, ở tại 68/7 đường Điện Biên Phủ, tổ 4, khu vực 2, phường Trường An (TP. Huế).

Bà giáo dạy thiện nguyện ở tuổi 90
Return to top