ClockThứ Hai, 16/03/2020 14:09

Cô giáo “mẹ”

TTH - Ngày cô giúp việc xin thôi việc, tôi hoang mang. Nào đi chợ, nấu nướng; nào rửa bát, chùi nhà... Chừng đó công việc với một người còn phải đi làm việc Nhà nước khiến tôi có cảm giác hàng ngày phải chịu trách nhiệm với hàng núi công việc vậy. Thế rồi, chỉ vài ngày sau khi bắt tay vào công việc, tôi lại nhận ra nhiều điều thú vị hơn là mệt mỏi.

Quả thật, những ngày đầu tiếp quản mới hiểu câu mọi người vẫn thường ví rằng “việc nhà là việc già”, càng làm càng thấy có nhiều việc để làm. Khi nấu nướng thì thấy cần phải đánh chùi lại toàn bộ nồi niêu, xoong chảo, rổ rá; chùi nhà thì nhận ra nhiều không gian cần sắp đặt lại, nhiều ngóc ngách xưa nay bị người giúp việc lơ đi nên đầy bụi... Và, lúc này mới nhận ra, chỉ khi tự làm việc nhà mới bảo đảm vệ sinh cho gia đình. Mệt thì mệt thật, nhưng vừa làm vừa nghiên cứu, sắp xếp công việc hợp lý để không mất nhiều thời gian như trước đôi lúc lại thấy làm việc nhà cũng như một trò chơi nghệ thuật nên dần dần từ mệt mỏi trở thành thú vị.

Thú vị hơn cả là từ công việc nhà, tôi đã được con trai công nhận là “cô giáo”. Đang là học sinh trung học phổ thông, cu cậu từ trước đến nay, hàng ngày đi học về thường viện nhiều lý do để trốn biệt trong phòng cho đến khi được gọi xuống ăn cơm; và rồi, ăn xong cũng chỉ kịp uống nước là lại vào phòng cho đến giờ đi học lại. Từ khi mẹ phải làm việc nhà, đi học về vào phòng cất cặp sách, thay áo quần là xuống bếp với mẹ ngay; lúc phụ bóc tỏi, lúc nhặt rau... và tự giác nhận nhiệm vụ chính là dọn cơm trước bữa ăn.

Những ngày đầu, thấy con vào việc mà phát ngán; soạn cả dao, thớt ra để bóc hành tỏi; nhặt rau thì hết xoay chiều xuôi lại xoay lại chiều ngược mấy vòng cũng không biết làm sao đành hỏi “Mẹ ơi nhặt rau răng cho đúng ạ?”. Nhưng rồi cứ từng bước, từng bước bày vẽ cho con. Vừa làm, tôi phải cố nhớ lại xem ngày xưa cha mẹ đã dạy mình như thế nào; điều kiện thực tế bây giờ ra sao... để giúp con tìm được niềm vui trong công việc. Ban đầu cu cậu cũng nhăn nhó, dù không dám thể hiện ra nhưng mặt cứ bí xị, làm việc qua loa cho xong. Con đang lưng chừng tuổi trẻ con không còn trẻ con, người lớn chưa ra người lớn nên tôi phải chọn chiêu "mềm mỏng” và hiệu quả thấy rất rõ. Nghe mẹ thủ thỉ, cu cậu cũng từ chấp nhận đến quen dần với công việc; chẳng bao lâu thì chẳng những biết cách bóc hành tỏi, mà còn pha được nước chấm chua ngọt chuẩn theo công thức của mẹ; ăn cơm xong tự giác dọn bàn và rửa bát...

“Có mẹ nhắc nhở, phòng ngủ con tự dọn sạch và vừa ý hơn!”. Cu cậu đã nói thế và thi thoảng còn giúp tôi lau chùi phòng khách. Nhưng tôi không chỉ vui với chừng đó kết quả, mà nhận ra mình đã sai lầm trong cách thương con. Việc làm không khiến con cái cực khổ hơn, mà chính công việc cho con cơ hội sáng tạo, gần gũi với cha mẹ. Và, làm việc nhà cũng giúp các cháu giảm bớt thời gian dành cho màn hình điện thoại với bao nhiêu là mối lo từ đó.

ĐĂNG VIỆT

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cô giáo nhiệt huyết ở vùng biên

Sinh năm 1994, tuổi đời, tuổi nghề còn trẻ nhưng cô giáo Hồ Thị Dói, người đồng bào Pa Cô, giáo viên Trường mầm non Hương Lâm, xã Lâm Đớt, huyện A Lưới, luôn được đồng nghiệp và học sinh hết lòng yêu mến.

Cô giáo nhiệt huyết ở vùng biên
Niềm tin.

Lâu nay, tôi luôn mặc cảm với các giáo viên dạy thêm vì những câu chuyện không hay do học sinh và phụ huynh kể lại. Chẳng hạn như nếu không học thêm thì học sinh đó sẽ thua kém bạn trong lớp, do giáo viên dạy bài mới cho học sinh học thêm từ hôm trước.

Niềm tin
Quà tết dành cha mẹ

Từ nay em nghĩ “thoáng” rồi. Tết lo ít thôi, để còn du xuân, thong dong đây đó. Năm nay cả nhà đi du lịch một chuyến dịp tết.

Quà tết dành cha mẹ
Return to top