ClockThứ Năm, 09/06/2011 09:33

Cô Hai

TTH - Khi tôi thức dậy thì cô Hai đã đi rồi. Việc phụ bán hàng ăn là phải đi sớm lắm. Tôi nhìn lên móc cửa, nơi tối qua cô về đã móc lên đó tấm áo mưa sũng nước. Tấm áo mưa vẫn còn đó. Chắc lúc cô đi trời đã tạnh hoặc có thể cô dậy trễ nên không kịp lấy để mang theo. Tôi nghĩ, tối nay về nếu trời lại đổ mưa thì chắc cô sẽ ướt hết. Cái lạnh về đêm của những ngày đông chí này cộng thêm thấm ướt nước mưa, với hai bàn tay ngâm suốt ngày trong nước rửa chén... Ôi! Không biết cô Hai có trụ nổi một tháng?

Tối về, nhìn thấy cô lạnh cóng, lòng tôi se thắt lại. Thực tình tôi không muốn cô đi phụ việc cho quán nhậu, nhưng cô bảo cô làm việc gì cũng được, miễn kiếm thêm lấy ngày vài chục ngàn...

Tính cô vốn rất gọn gàng, sạch sẽ. Hễ đến nhà ai là cô đi thẳng xuống bếp quét dọn, chùi rửa, sắp xếp gọn gàng. Hình như trời sinh ra cô để làm việc đó nên bà con họ hàng ai cũng mong cô đến, ai cũng muốn cô ở lại lâu lâu. Nhưng cô không ở lại nhà ai lâu quá một tuần. Những nhà có việc như giỗ chạp, cưới xin thì người đầu tiên họ nghĩ đến nhờ giúp đỡ là cô Hai. Cô vui vẻ nhận lời và khi mọi việc xong xuôi thì nhà cửa lại tinh tươm, sạch sẽ, gọn gàng.
Cách đây hai hôm, cô đến nhà tôi. Nhìn nét mặt, tôi biết cô đang có điều gì không vui. Tôi không muốn hỏi, sợ đụng đến những điều thầm kín trong lòng cô. Ở với tôi một đêm, sáng hôm sau cô lẳng lặng đi đâu cũng chẳng nói gì với tôi. Tôi cũng không quan tâm vì cô vẫn đến nhà ai đó chơi rồi ở lại vài hôm là chuyện bình thường. Đến tối khuya cô về, lạnh cóng, ướt sũng. Cũng chẳng chào hỏi tôi, cô đi thẳng vào buồng tắm, dội nước ào ào, thay giặt quần áo rồi chui nhanh vào giường nằm cạnh tôi. Khi đã ấm chỗ, cô ghé sát tai tôi nói nhỏ như sợ ai nghe thấy: “Tôi đi phụ bán quán nhậu cho thằng Lâm... “. Tôi phát hoảng: “Trời đất, sao lại làm việc ấy? Cực lắm...”. “Không sao, tôi làm được mà. Kiếm ngày ít chục phụ thêm cho tụi nó ăn học. Nói đến đây, cô bật khóc rưng rức.
Cô Hai sinh ra trong một gia đình làm nghề chài lưới. Cuộc sống trên sông nước khá cực nhọc. Cô không được đến trường vì phải phụ ba mẹ nuôi em. Vả lại, những người dân chài thời đó không nhà cửa, sống lênh đênh trên sông nước, nay đây mai đó, mấy ai nghĩ đến chuyện cho con cái học hành. Cô lớn lên như con cá con tôm bơi lội với sóng nước. Gặp mùa sóng êm biển lặng thì có bát cơm ăn, ngày mưa gió, nhiều khi mẹ con nhịn đói, ôm nhau ngồi thu lu trong lòng chiếc ghe nhỏ neo đậu dưới bến. Và rồi sức lực con người có hạn. Cha cô chẳng may qua đời sau một cơn bạo bệnh. Mẹ cô đã không vượt qua được những nhọc nhằn trong cuộc sống nên đã bỏ lại đàn con thơ dại sau một cơn thổ huyết kéo dài.
Từ đấy, trên chiếc ghe cũ kỹ chỉ còn lại bốn chị em, cô là chị Hai nên phải chống chèo gánh vác. Không ai có thể hình dung nổi một cô bé mười lăm tuổi, gầy còm, đen đúa, mà phải chống chọi với phong ba bão táp của cuộc đời bằng một chiếc ghe rách nát để nuôi ba đứa em nhỏ bé. Nhiều năm trôi qua, cô theo các ghe lớn đi bạn, việc chủ yếu là nấu cơm, nấu nước nhưng lúc cần cô cũng phụ kéo lưới như những người đàn ông khác. Khi rỗi vụ, ai thuê gì cô làm nấy để lấy tiền cho các em ăn học.
Các em cô dần dần khôn lớn. Cô vẫn phải làm việc để tích góp lo dựng vợ gả chồng cho chúng. Em gái đã có người cưới hỏi. Cũng may vào được một gia đình tử tế cũng làm nghề chài lưới. Cậu em trai lớn dáng vóc thư sinh hiền lành trắng trẻo. Cô muốn cho em học thêm nhưng không có điều kiện đành dành dụm ít tiền sắm cho chiếc máy may và gởi một người bà con để học nghề. Duy có cậu em út đen trui trũi, rắn chắc, khỏe mạnh, cứ như cậu sinh ra để làm một ngư phủ tài ba. Và cậu cũng chỉ mơ ước được vào lộng ra khơi tung hoành trên biển. Cũng như bao đời nay, những người dân chài sống trên sông nước, những đứa trẻ lít nhít cứ được đều đặn sinh ra. Lại phải lo cho chúng bát cơm, manh áo. Khó khăn lại dội xuống cuộc đời cô, tình thương và trách nhiệm của cô bây giờ lại phải nhân lên gấp bội. Sức khỏe cô đã giảm sút nhiều nhưng lại phải cô gắng nhiều hơn. Trong một chuyến đi biển cô bị tai nạn. Bác sĩ cho biết cô bị chấn thương nặng nên xương đầu bị rạn, phải điều trị lâu dài và có thể sẽ để lại di chứng về sau. Hơn ba tháng trời ròng rã cô nằm liệt trên giường bệnh. Nhờ các bác sĩ, y tá ra sức chăm nuôi nên cô cũng qua cơn hiểm nghèo.
Trở về với một thân hình tiều tụy, sức khỏe cạn kiệt, cô chỉ còn biết ở nhà trông đàn cháu cho vợ chồng cậu em út. Chưa bao nhiêu tuổi mà cô Hai đã như một bà già tong teo, gầy yếu. Khi trái gió trở trời, vết thương trên đầu hành hạ nhưng đành âm thầm chịu đựng bởi trước mắt em dâu, cô là một cục nợ. Những lời nặng nhẹ xa gần vẫn thường xuyên lọt đến tai cô. Cô Hai đau lòng lắm, nhưng vốn là một người quen chịu đựng nên cô đành câm nín. Rồi một ngày nọ, cậu út nghỉ ở nhà sau một chuyến đi biển dài ngày. Tối đó, sau khi cơm nước xong, cậu lấy xe đi vòng vòng hứng gió. Bất ngờ, một tai họa ập đến. Một chiếc xe đi ngược chiều, phóng nhanh đã đâm sầm vào xe của cậu. Mọi người đưa cậu vô bệnh viện, nhưng cậu đã qua đời.
Cô như chiếc lá trôi dạt bập bềnh giữa biển khơi không bờ, không bến. Tuy sống trong căn nhà của chính mình nhưng bây giờ cô Hai hoàn toàn như một người xa lạ. Một kẻ ăn bám sống nhờ.
Bởi vậy cô quyết định đến rửa chén, quét dọn và phụ bán quán nhậu cho thằng Lâm, đứa em họ hàng xa đang cần người giúp việc…
Ngoài trời gió vẫn rít từng cơn, quất những sợi mưa nhọn, sắc vào thân thể khách đi đường. Tôi vội khoác cho mình chiếc áo mưa mỏng, định bụng sẽ đem cho cô Hai một tấm để tối cô về cho đỡ lạnh. Ra đến nửa đường thì gặp cô Hai đội mưa đi về, ướt sũng tím ngắt. Tôi đưa cho cô tấm áo mưa. Không nói với tôi một lời, cô đi một mạch về nhà. Đi thẳng vào buồng tôi, cô để nguyên cả quần áo ướt, đổ sập xuống giường. Tôi hốt hoảng, sợ cô cảm lạnh nên vội lấy chai dầu định xoa cho cô nhưng cô gạt tay tôi ra: “Không sao đâu thím... không hề gì đâu!”. Tôi hiểu cô đang có điều gì đó không vui nên yên lặng. Tôi lấy bộ quần áo khô để cạnh và nói nhỏ: “Dậy thay đồ đi kẻo cảm lạnh đấy!”
Chừng như đã bình tĩnh lại, cô Hai kể với tôi: “Em vợ nó ở trong quê ra... Tôi không muốn để nó nói trước... Tôi tự nghỉ để nó khỏi khó xử... như vậy có đúng không thím?”. Tôi lặng im nhìn qua vuông cửa sổ. Ngoài trời xám xịt một màn mây. Mưa và gió cứ quay cuồng đuổi nhau từ phía biển vào. Bất giác tôi nghĩ đến một câu thơ đã được nghe ai đó đọc:
“...Bao nhiêu đau khổ của trần gian
 Trời đã dành riêng để tặng nàng...”
Bỗng chuông điện thoại reo vang. Đầu dây bên kia con tôi gọi về: “Mẹ, con đã xin được cho thằng Trung làm việc tại một công ty máy tính. Mẹ nói chị Hai gọi nó qua ngày mai đi phỏng vấn. “Tôi reo lên: “Hoan hô con, con giỏi lắm!”. Gác máy điện thoại, tôi chạy vào ôm lấy cô Hai: “Xin được việc cho thằng Trung rồi, gọi nó qua, mai đi phỏng vấn...”
Cô Hai vùng ngồi dậy, hai mắt cô mở to, sáng lấp lánh một tia hy vọng. Chốc lát, cô như quên hết mọi nỗi đau. Nụ cười nở trên khuôn mặt nhăn nheo, hốc hác. Đã từ lâu lắm tôi mới thấy cô cười.
Ngoài kia phía chân trời, mây đen đã đứt chân, lộ ra một vầng hào quang phản chiếu lên mặt biển muôn vàn tia nắng lấp lánh.
Truyện ngắn của Vạn Lộc
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Ba luôn ở bên con

Một sớm mùa thu, tôi rẽ sương cũng mẹ đi vào lối vắng. Ở nơi đây, cảnh vật thường xuyên thay đổi, dù một năm mẹ con tôi đến những bốn, năm lần. Sự thay đổi ấy ứng với từng mùa, khi những hàng cây thi nhau lột xác, lũ chim chóc thay lời ca tiếng hát, mây trời và làn nước cũng thường biến đổi sắc màu theo từng tháng năm. Ở nơi đó, bên một dòng sông nhỏ có một khoảnh đất là nơi yên nghỉ của ba tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc ngày ba từ giã cõi đời cũng đã ngót nghét gần mười năm. Mười năm đó, từ nỗi đau tận cùng đến đau đáu khôn nguôi, trong mẹ con tôi đã chuyển thành tĩnh lặng thương yêu.

Ba luôn ở bên con
Từ chuyến phượt khám phá làng Vân...

Gần đây, phượt trở thành trào lưu và sở thích của rất đông bạn trẻ. Xu hướng phượt không đơn thuần chỉ là trải nghiệm các cung đường khó hay khám phá văn hóa, vùng đất nơi mình đến mà còn kết hợp Teambuilding (xây dựng đội nhóm), các kỹ năng sinh tồn, đôi khi lồng ghép thêm hoạt động thiện nguyện.

Từ chuyến phượt khám phá làng Vân
Lão ngư kể chuyện đi biển

Những kinh nghiệm đi biển "xương máu" được truyền đời trong các gia đình ngư dân. Khi chưa có máy móc hiện đại, kinh nghiệm sóng nước là cứu cánh sinh kế của họ.

Lão ngư kể chuyện đi biển
Return to top