ClockThứ Bảy, 17/03/2018 13:30
HIỆP ĐỊNH CPTPP CÓ HIỆU LỰC:

Cơ hội cạnh tranh & tăng trưởng

TTH - Việc Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa được 11 nước thành viên ký kết mang ý nghĩa lớn với kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam nói chung và doanh nghiệp (DN) Thừa Thiên Huế nói riêng. Đứng trước ngưỡng cửa CPTPP, bên cạnh những thách thức, DN Thừa Thiên Huế có thêm nhiều cơ hội để phát triển trong quá trình hoạt động.

Việt Nam có vai trò quan trọng trong chiến lược CPTPPHiệp định CPTPP: Xung lực mới cho doanh nghiệp Việt NamThương mại tiến bộ là con đường phía trước63% doanh nghiệp tại Việt Nam kỳ vọng CPTPP tác động tích cực

Sản phẩm của CT CP Xuất khẩu Thủy sản Huế xuất khẩu sang thị trường Nhật

Thuế suất giảm, giá thành cạnh tranh

Gia nhập CPTPP, cơ hội xuất khẩu mở rộng cho tất cả các DN. Trong đó, Thừa Thiên Huế có 3-4 lĩnh vực, nhóm hàng xuất khẩu tốt, như: Dệt may, gỗ và các sản phẩm gỗ, thủy sản. Hiện, ngành công nghiệp dệt may đang chiếm ưu thế, chiếm 79,71% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh; gỗ và sản phẩm gỗ chiếm tỷ trọng đứng thứ 2 với 9,26% và kim ngạch xuất khẩu thủy sản chiếm tỷ trọng 6,79%.

Làm sản phẩm may tại công ty Vinatex Hương Trà

Là đơn vị duy nhất trên địa bàn có hàng thủy sản xuất khẩu vào Nhật Bản, Giám đốc Công ty CP Phát triển Thủy sản Huế Nguyễn Thanh Túc lạc quan: Chúng tôi sản xuất hàng giá trị gia tăng và được thị trường “khó tính nhất thế giới” chấp nhận hơn 15 năm nay. Vì vậy, CPTPP sẽ là cơ hội để công ty có thêm lợi thế cạnh tranh về giá khi xuất khẩu sang thị trường này.

Trước đây, Nhật Bản vẫn đánh thuế cao mặt hàng thủy sản nhập khẩu thì với CPTPP, mức thuế về 0%, DN xuất khẩu vào Nhật Bản sẽ thuận lợi hơn. “Điều này đặc biệt có lợi bởi Nhật là thị trường lớn, chiếm 90% sản lượng xuất khẩu của công ty và việc Nhật Bản bỏ các rào cản kỹ thuật liên quan đến thương mại sẽ mang lại lợi thế “kép” cho DN thủy sản xuất khẩu”, ông Nguyễn Thanh Túc nói.

Phó Giám đốc Công ty TNHH May Vinatex Hương Trà, Lê Thanh Liêm cho rằng, dệt may là một trong 3 ngành, lĩnh vực được dự báo sẽ hưởng lợi nhiều nhất khi CPTPP được ký và có hiệu lực, vì vậy, tham gia CPTPP là cơ hội lớn đối với ngành dệt may Thừa Thiên Huế. Riêng về mở cửa thị trường, các nước tham gia hiệp định đồng ý xóa bỏ cho nhau gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình, điều này sẽ góp phần giảm thiểu chi phí, giá thành khi DN đàm phán với đối tác nước ngoài. “Giá tốt hơn thì lợi nhuận mang lại sẽ cao hơn cho DN”, ông Liêm nói.

HUWOCO đang tìm kiếm đối tác, bạn hàng các nước trong khối CPTPP

Cùng chung quan điểm, Giám đốc CT CP Chế biến gỗ Thừa Thiên Huế- HUWOCO Lê Dương Huy nhận định, cũng như các ngành hàng khác, thuế suất giảm, giá thành cạnh tranh là những điều lợi nhất của ngành gỗ khi hiệp định này có hiệu lực.

Chủ động đón cơ hội

So với Hiệp định đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), nội dung mở cửa thị trường được giữ nguyên trong quy định của CPTPP. 100% biểu thuế sẽ được đưa về 0% theo lộ trình cam kết (khoảng 10 năm đối với Việt Nam); toàn bộ hàng công nghiệp sẽ đưa thuế nhập khẩu hàng Việt Nam về 0%; riêng Canada, Nhật Bản sẽ dành cho Việt Nam trên 90% mặt hàng về thuế 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực.

Lâu nay, thị trường xuất khẩu chính của HUWOCO là Mỹ và châu Âu. Để đón cơ hội, hiện HUWOCO đang tìm kiếm đối tác, tiếp cận bạn hàng đến từ các nước trong khối CPTPP, thay đổi mẫu mã, kích thước sản phẩm linh hoạt, định mức giá phù hợp cho riêng từng thị trường để đẩy nhanh xuất khẩu khi có cơ hội.

Là người trong cuộc, ông Lê Thanh Liêm cho biết, định hướng công ty là sẽ mở rộng quy mô, tuy nhiên, trước mắt, để đáp ứng cung cấp 150 ngàn sản phẩm/tháng cho đối tác, Vinatex Hương Trà đang tập trung làm tốt công tác tuyển dụng nhân sự, thu hút người lao động bằng chính sách tiền lương vì “có lao động mới đáp ứng được sản lượng và phát triển DN”. Theo Phó Giám đốc Vinatex Hương Trà, với quy mô 2.200 lao động, sau hơn 4 năm đi vào hoạt động, DN mới có 310/700 lao động trực tiếp. Vì vậy, Vinatex sẽ cần gấp 3 số lượng lao động trực tiếp hiện có để đáp ứng công việc.

Trước cơ hội cũng như thách thức mới từ CPTPP, Giám đốc Công ty CP Phát triển Thủy sản Huế Nguyễn Thanh Túc mong muốn Nhà nước sớm cải cách thể chế sát với thị trường để đảm bảo lợi ích tốt nhất của DN và nền kinh tế, cũng như cung cấp cho DN những thông tin đầy đủ, dễ hiểu về các cơ hội thuế quan. “Bản thân DN cũng sẽ học hỏi về kinh nghiệm quản trị điều hành của Nhật, về đào tạo nguồn nhân lực, tìm mọi biện pháp để tăng sức cạnh tranh cho DN để tận dụng cơ hội mà CPTPP mang lại”, ông Túc nói.

Bài, ảnh: LIÊN MINH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa nâng triển vọng kinh tế toàn cầu trong năm nay, đồng thời duy trì dự báo ảm đạm trong trung hạn, theo dữ liệu mới được công bố ngày 16/4.

IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu
Mở ra cơ hội giao lưu nghệ thuật cho người trẻ

Là hoạt động thường niên, triển lãm mỹ thuật trẻ vừa là sân chơi, vừa là cơ hội để các họa sĩ tuổi đời dưới 45 của Thừa Thiên Huế bộc lộ tài năng, chứng tỏ hoạt động nghệ thuật của bản thân với giới chuyên môn và những người yêu “nghệ thuật của cái đẹp” Cố đô.

Mở ra cơ hội giao lưu nghệ thuật cho người trẻ
Lệch pha tăng trưởng

Nguồn vốn huy động vẫn chảy đều vào các ngân hàng, dù lãi suất huy động đang chạm đáy. Trong khi đó, lãi suất cho vay đang ở mức thấp, nhưng tăng trưởng tín dụng lại không mấy khả quan.

Lệch pha tăng trưởng
Return to top