ClockThứ Năm, 17/04/2014 10:54

Cơ hội gặp gỡ, khám phá các dân tộc dành cho công chúng

TTH - Triển lãm bộ ảnh vô cùng độc đáo về 54 dân tộc thiểu số Việt Nam của nghệ sĩ nhiếp ảnh Pháp Sésbastien Laval. kết hợp với nghệ thuật sắp đặt lửa của đoàn Carabosse trong hai ngày 18 và 20/4 sẽ khiến cầu Trường Tiền trở thành điểm đến thú vị trong Festival Huế 2014.

20 năm đi khắp Việt Nam

Tình yêu đối với đất nước và con người Việt Nam đã níu chân nghệ sĩ nhiếp ảnh vùng Poitou - Charentes - Sésbastien Laval trở lại Việt Nam không biết bao nhiêu lần. Dành gần 20 năm đi khắp Việt Nam để ghi lại hình ảnh cuộc sống sinh hoạt đời thường của 54 dân tộc thiểu số, thật dễ hiểu khi Sésbastien Laval “biết Việt Nam và các thành phố ở Việt Nam còn rõ hơn các thành phố ở Pháp. Tôi yêu đất nước các bạn và Huế là thành phố tôi yêu mến nhất!”, Sésbastien nói.

Nghệ sĩ Sésbastien Laval giới thiệu về các bức ảnh của mình

Ngay từ lần đầu tiên đến Việt Nam (năm 1995), Sésbastien Laval đã cảm thấy yêu mến đất nước này và đó cũng là cơ duyên thôi thúc anh trở lại Việt Nam rất nhiều lần. Sésbastien Laval từng tham gia triển lãm hai lần tại Festival Huế, triển lãm cá nhân ở Trung tâm Văn hoá Pháp và New Space Arts nhưng anh dành nhiều tình cảm nhất đối với triển lãm lần này bởi đây là lần triển lãm trưng bày đầy đủ bộ sưu tập ảnh về 54 dân tộc mà anh đã chụp trong gần 10 năm qua. Huế cũng là nơi anh kết thúc dự án chụp ảnh về các dân tộc thiểu số Việt Nam đã hình thành từ 2005 đến nay - một dự án mà anh bỏ rất nhiều công sức thực hiện và lưu luyến. “Đây có thể nói là một sự kết thúc đẹp và đặc biệt hơn, triển lãm lại được kết hợp với chương trình sắp đặt lửa ấn tượng của đoàn Carabosse lần đầu tiên trên cầu Trường Tiền”, Sésbastien nói.

Nối những cuộc gặp

“Cầu Trường Tiền nối hai bờ sông Hương, chính vì vậy mà qua những bức ảnh của mình, tôi muốn khán giả được xem, được gặp gỡ và hội tụ với các dân tộc trên cầu. Và ngược lại, các dân tộc thiểu số, qua những bức ảnh, cũng được “gặp” nhau, hội tụ với nhau và được “gặp gỡ” người dân Huế cùng du khách đến Huế. Một điểm thú vị nữa là triển lãm và chương trình sắp đặt lửa được thực hiện ở một không gian rất mở nên mọi người đều có thể thưởng lãm mà không có một rào cản nào cả”, Sésbastien hào hứng.

Mỗi bức ảnh của Sésbastien Laval là một câu chuyện và khoảnh khắc sống động

Xem bộ ảnh của Sésbastien trên cầu Trường Tiền, du khách và người dân ở miền Bắc hay miền Trung chưa có cơ hội đi tham quan, khám phá miền Nam sẽ thú vị phát hiện ra các dân tộc thiểu số ở đó hay du khách miền Bắc thì biết thêm về những dân tộc ở miền Trung và miền Nam.

Để đem lại nhiều cảm xúc nhất cho người xem, Sésbastien đã làm ảnh đen trắng và treo ảnh trên cầu theo cách mà người xem có cảm giác các nhân vật trong bức ảnh đang nhìn thẳng vào mình và ngược lại, những người đi trên cầu cũng có có thể nhìn thẳng vào khuôn mặt, ánh mắt và trang phục trong các bức ảnh để cùng khám phá và cùng nhau gặp gỡ. “Đây là cơ hội để các dân tộc, con người gặp nhau và khám phá ra nhiều điều. Chính vì vậy mà cùng với triển lãm và chương trình sắp đặt lửa sẽ có chương trình chiếu vidéo trên cầu. Đây là những thước phim do tôi quay và tái hiện lại hình ảnh đời thường của các dân tộc thiểu số. Các bạn hãy đến để cảm nhận vẻ đẹp của cây cầu lung linh trong ánh lửa và những bức ảnh sống động”, Sésbastien nói với một nụ cười thân thiện và bằng tình yêu cháy bỏng với đất nước Việt Nam.

Đoàn nghệ thuật Carabosse, vùng Poitou - Charentes, Cộng hoà Pháp sẽ thực hiện 2 đêm biểu diễn chương trình sắp đặt lửa tạo hiệu ứng ánh sáng mới lạ, độc đáo trên cầu Trường Tiền kết hợp với triển lãm ảnh 54 dân tộc Việt Nam của nghệ sĩ Sébastien Laval vào ngày 18/4/2014 và ngày 20/12/2014. Đặc biệt, đêm 20/4/2014 nghệ thuật sắp đặt lửa trên cầu Trường Tiền sẽ là hậu cảnh của chương trình nghệ thuật bế mạc Festival Huế 2014, tạo nên một bữa tiệc nghệ thuật đặc sắc, hiếm có.
 
Sẽ cần một đội quân thắp lửa lên đến 34 người và 2 giờ đồng hồ để thắp hết 4.000 ngọn nến trên cầu. Bên dưới cầu Trường Tiền, những quả cầu lửa nổi trên mặt nước sẽ thắp sáng sông Hương và phản chiếu lên cây cầu khiến Trường Tiền trở nên vô cùng ngoạn mục và kỳ ảo.

 

Ngọc Hà
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ

Triển lãm Mỹ thuật trẻ 2024 vừa diễn ra tại Trường đại học Nghệ thuật thu hút được rất nhiều sự chú ý của các họa sĩ trẻ và người yêu nghệ thuật với nhiều tác phẩm mới lạ. Giữa những tác phẩm đầy màu sắc, “Không Không Kó Không” của Hoàng Thanh Khiêm là một tác phẩm sắp đặt khá nổi bật, và càng đáng chú ý hơn nữa khi tác giả là một chàng trai trẻ sinh năm 2009.

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ
220 năm quốc hiệu Việt Nam

“220 năm quốc hiệu Việt Nam – những chặng đường lịch sử (1804-2024)” là chủ đề cuộc hội thảo khoa học do Hội Khoa học Lịch sử tỉnh tổ chức, diễn ra sáng 23/4 tại TP. Huế.

220 năm quốc hiệu Việt Nam

TIN MỚI

Return to top