ClockThứ Sáu, 17/02/2017 09:39

Cơ hội mới cho doanh nghiệp ở thị trường Asean & Nam Á

TTH - Hãng thông tấn Asia News Network ngày 14/2 dẫn bài viết của bà Anna Marrs, Giám đốc điều hành Tập đoàn ngân hàng Standard Chartered, tại khu vực Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Nam Á nhìn nhận, doanh nghiệp có thể phát triển bằng cách khai thác những cơ hội mạnh mẽ từ nền tảng cơ bản trong khu vực với những cách tiếp cận khác.

Nhiều quốc gia ASEAN phát triển mạnh mẽ nhờ xuất khẩu, nhân khẩu học và tầng lớp trung lưu gia tăng trong khoảng 3 thập kỷ qua. Ảnh: Shutterstock

Mở rộng

Trong khoảng 3 thập kỷ qua, nhiều nước ASEAN phát triển mạnh mẽ nhờ xuất khẩu, nhân khẩu học và tầng lớp trung lưu phát triển. Nhưng khi bước sang năm mới, chỉ có một điều chúng ta có thể chắc chắn rằng, dự báo là việc khó khăn. Đối với các công ty đang tìm kiếm sự tăng trưởng, có lẽ điều quan trọng nhất trong thời kỳ bất ổn hiện nay là quay trở lại những nền tảng cơ bản, nhưng với một điều chỉnh, một cách tiếp cận khác.

Nhắm mục tiêu vào ASEAN là một bước đi hợp lý và thiết thực đối với các doanh nghiệp khi đây là khu vực có dân số khoảng 626 triệu người và là thị trường hợp nhất lớn thứ ba ở châu Á. Khối 10 quốc gia thành viên dự kiến sẽ vẫn mạnh mẽ với các nền kinh tế mới nổi Đông Nam Á tăng trưởng khoảng 5-7%.

Tuy nhiên, ngay cả khi ASEAN ngày càng trở nên ít bị tổn thương trước những cú sốc bên ngoài, thương mại liên khu vực sẽ không thể hỗ trợ các doanh nghiệp giảm bớt tác động của sự tăng trưởng chậm lại ở Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc. Điều này có nghĩa, nhắm mục tiêu vào thị trường ASEAN với một cơ sở người dùng ngày càng tăng có thể vẫn chưa đủ. Trong khi gắn bó với những nền tảng cơ bản, các doanh nghiệp phải xem xét một sân chơi lớn hơn và làm những điều khác hơn.

Thay vì chỉ tập trung vào các nước ASEAN, doanh nghiệp có thể xem xét những khu vực khác, bao gồm Nam Á. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), khoảng 1 triệu người gia nhập lực lượng lao động của Nam Á mỗi tháng. Đến năm 2030, ASEAN và Nam Á sẽ là "nhà" của hơn 1/4 dân số trong độ tuổi lao động trên thế giới.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho hay, tổng thương mại khu vực Nam Á và Đông Nam Á tăng từ 4 tỷ USD năm 1990 lên 90 tỷ USD trong năm 2013. Tuy nhiên, các công ty trong khu vực ASEAN có xu hướng làm kinh doanh nhiều hơn với những nước Đông Á hay Đông Nam Á khác và ít mặn mà với các thị trường Nam Á, bởi họ thiếu kiến thức, kinh nghiệm và mối liên hệ.

Có thể thấy Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã giới thiệu cải cách kinh doanh, Tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena thực hiện chính sách để tạo điều kiện cho các công ty hoạt động. Trong khi cải cách chính sách của Chính phủ Bangladesh những năm gần đây tạo ra một môi trường mở và cạnh tranh hơn. Ngoài ra, khu vực này về tổng thể cũng cung cấp cho các doanh nghiệp trong ASEAN và các nhà sản xuất toàn cầu một thị trường thay thế, khi chi phí đang ngày càng gia tăng ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á.

Kết nối

Khi các doanh nghiệp trong khu vực ASEAN đối mặt với tăng trưởng xuất khẩu chậm lại và chi phí sản xuất gia tăng, việc đưa Nam Á vào chiến lược kinh doanh sẽ tạo ra những lợi ích lâu dài. Có rất nhiều cơ hội trong mối quan hệ giữa các thị trường ASEAN và Nam Á.

Hoạt động kinh doanh gia tăng sẽ thúc đẩy kết nối lớn hơn với sự hỗ trợ của cơ sở hạ tầng và tài chính, mang lại lợi ích to lớn cho các nước ASEAN và Nam Á. Mạng lưới giao thông vận tải và cơ sở hạ tầng tốt hơn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh xuyên biên giới.

Theo ADB, vốn đầu tư ước tính khoảng 73,1 tỷ USD là cần thiết cho các dự án cụ thể, để kết nối khu vực Đông Nam Á và Nam Á.

Tương tự, có những cơ hội cho sự hợp tác công - tư trong lĩnh vực tài chính, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp và doanh nhân "hướng về phía Nam”. Chính phủ hỗ trợ để tăng cường và tích hợp các thị trường tài chính, cùng những nỗ lực để giảm bớt các hạn chế đối với dòng chảy vốn là điều cần thiết.

Cuối cùng, năm 2017 hứa hẹn sẽ là một năm không thể đoán trước. Nhưng các doanh nghiệp có thể phát triển mạnh thông qua việc khai thác những cơ hội mạnh mẽ trong khu vực ASEAN và Nam Á, bất chấp nhiều bất trắc.

LÊ THẢO (Lược dịch từ The Jakarta Post & ANN)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

ASEAN trở thành điểm đến chính của FDI lĩnh vực sản xuất

Đầu tư cho sản xuất tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang bùng nổ. ASEAN đã trở thành điểm đến mục tiêu của các công ty đa quốc gia và có vai trò cực kỳ quan trọng trong kỷ nguyên cạnh tranh quyền lực toàn cầu. Khối 10 quốc gia với hơn 660 triệu dân này được hưởng lợi từ các chiến lược “Trung Quốc + 1” vốn đã tăng tốc kể từ sau đại dịch COVID-19, khi các doanh nghiệp đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ sang một hoặc nhiều quốc gia ASEAN để tránh việc quá tập trung vào thị trường Trung Quốc.

ASEAN trở thành điểm đến chính của FDI lĩnh vực sản xuất
Hoãn đấu thầu vàng: Doanh nghiệp không mặn mà hay đang 'nghe ngóng'?

Do không có đủ số lượng thành viên đăng ký dự thầu và chuyển tiền đặt cọc đúng quy định nên Ngân hàng Nhà nước đã hủy thông báo đấu thầu vàng vào 10h sáng nay (ngày 22/4); đồng thời, công bố sẽ triển khai đấu thầu vàng miếng vào sáng mai, thứ Ba, 23/4.

Hoãn đấu thầu vàng Doanh nghiệp không mặn mà hay đang nghe ngóng
Doanh nghiệp du lịch 'khóa sổ' tour đi Điện Biên

Theo đại diện các công ty du lịch tại TP Hồ Chí Minh, nhu cầu đi du lịch Điện Biên trong dịp Lễ 30/4 và 1/5 nhân kỉ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) đang tăng cao và các đường tour du lịch đến Điện Biên hiện đã kín chỗ. Vì vậy, hầu hết các công ty du lịch đã có thông báo ngưng nhận khách.

Doanh nghiệp du lịch khóa sổ tour đi Điện Biên
Return to top