ClockThứ Năm, 02/04/2015 05:27

Cơ hội sống cho người bệnh ung thư

TTH - Thời gian gần đây, tin Bệnh viện Trung ương Huế áp dụng phương pháp ghép tế bào gốc chữa thành công ung thư vú, ung thư buồng trứng giai đoạn cuối đã thực sự gây chấn động trong dư luận xã hội cũng như trong giới chuyên môn. Rất nhiều người mừng vui và hy vọng. Người ta cho rằng, nếu quả vậy thì những người nghiên cứu ra phương pháp này xứng đáng được tôn vinh, thậm chí xứng đáng được trao giải Nobel y học.

PGS-TS Nguyễn Duy Thăng

Một trong 10 sự kiện khoa học - công nghệ nổi bật
“Nghiên cứu sử dụng tế bào gốc tạo máu tự thân trong điều trị ung thư vú và ung thư buồng trứng” là Đề tài khoa học và công nghệ độc lập cấp Nhà nước do PGS-TS Nguyễn Duy Thăng làm chủ nhiệm đề tài. Được Bộ Khoa học và Công nghệ xét chọn, phê duyệt và bắt đầu thực hiện từ năm 2012 theo Quyết định số 2564/QĐ-BKHCN ngày 19/8/2011.
Ứng dụng công nghệ tế bào gốc trong điều trị ung thư tại Bệnh viện Trung ương Huế đã được Câu lạc bộ Hội Nhà báo Khoa học và Công nghệ, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và phát triển truyền thông Bộ KH&CN, bình chọn là một trong 10 sự kiện khoa học và công nghệ nổi bật nhất năm 2014 và được Bộ Y tế bình chọn là một trong những sự kiện y tế tiêu biểu trong năm 2014. Thành công của đề tài mở ra phương pháp mới trong điều trị ung thư ở Việt Nam nói chung và ung thư vú, ung thư buồng trứng nói riêng.

Tuy nhiên, bên cạnh cũng lại có không ít người - nhất là người trong giới chuyên môn - tỏ ý hết sức dè dặt, chưa thực sự tin vào thành công của phương pháp điều trị nói trên. Họ cho rằng chỉ nên xem đó là phương pháp “hỗ trợ điều trị” mà thôi...

Chúng tôi mang theo tất cả những niềm vui cũng như nỗi băn khoăn đó tìm gặp PGS-TS Nguyễn Duy Thăng, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế (BVTW Huế), Giám đốc Trung tâm Huyết học truyền máu Khu vực miền Trung - Chủ nhiệm đề tài Khoa học cấp Nhà nước độc lập: “Nghiên cứu sử dụng tế bào gốc tạo máu tự thân trong điều trị ung thư vú và ung thư buồng trứng” và được ông dành cho một cuộc trao đổi cởi mở, chân tình.
Tế bào vạn năng
Gần đây, người dân trong cả nước rất quan tâm và có thể nói là rất kỳ vọng trước thông tin có thể điều trị bệnh ung thư từ việc ghép tế bào gốc tạo máu tự thân – một đề tài nghiên cứu khoa học độc lập cấp Nhà nước do Phó giáo sư - TS (PGS- TS) làm chủ nhiệm - Ông có thể cho bạn đọc Báo Thừa Thiên Huế biết về phương pháp điều trị này một cách dễ hiểu nhất?
Điều mà tôi muốn đưa ra ở đề tài này là một phương pháp khoa học công nghệ mới lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam, trong quá trình điều trị ung thư vú và ung thư buồng trứng. Tôi muốn nhấn mạnh thêm, đề tài chỉ thực hiện đối với những bệnh ung thư vú và ung thư buồng trứng giai đoạn muộn (IIIC - IV). Giai đoạn sớm (I - II) đã có phương pháp điều trị truyền thống.
Điều trị truyền thống đối với bệnh ung thư, trên thế giới cũng như ở Việt Nam là điều trị đa mô thức, tựu chung chủ yếu có 3 phương pháp: phẫu thuật, hóa trị và xạ trị. Ngoài ra có một số trường hợp người ta điều trị miễn dịch và điều trị các nội tiết tố, tùy thuộc vào giai đoạn bệnh và sự phức tạp của bệnh. Điều trị theo phương thức truyền thống ở giai đoạn sớm có thể đẩy lui bệnh được hoàn toàn hoặc một thời gian.
Còn ghép tế bào gốc – phương pháp mà đề tài này đưa ra là gì? Đây là một phương pháp hỗ trợ cho quá trình điều trị. Nếu bệnh nhân ung thư vú và ung thư buồng trứng giai đoạn muộn mà được điều trị theo các phương pháp truyền thống như vừa đề cập thì đa số là thất bại. Ở giai đoạn muộn hay di căn xa thì cần phải điều trị liều cao, điều trị đích, phẫu thuật... phải điều trị cả 3 phương pháp phối hợp, do đó bệnh nhân có thể rơi vào tình trạng suy tủy không hồi phục. Và họ sẽ tử vong do suy tủy và nhiễm trùng trước khi chết vì ung thư.
PGS-TS vừa nói đây là phương pháp hỗ trợ điều trị. Vậy tiến trình hỗ trợ điều trị ấy tác động vào bệnh nhân như thế nào?
Từ xưa đến bây giờ, Việt Nam chúng ta đều thất bại đối với những bệnh nhân ung thư giai đoạn muộn. Và trong quá trình tham gia đề tài ghi nhận, điều trị ung thư từ năm 2000 đến nay, chúng tôi đã phải chứng kiến người bệnh lần lượt ra đi.
Trong quá trình thực hiện đề tài, tôi đã suy nghĩ rất nhiều về việc vì sao ta lại phải chấp nhận bệnh nhân ra đi? Khi bảo vệ trước hội đồng khoa học cấp Nhà nước, các thầy cũng đặt rất nhiều câu hỏi và tôi đã nêu hết những suy nghĩ của mình; đưa ra những luận cứ, những cơ sở khoa học để bảo vệ, thuyết phục để đề tài được chấp nhận. Đây là đề tài độc lập cấp Nhà nước, nó phải có tính mới và chỉ cho một nơi thực hiện. Nơi này phải được thẩm định đủ tư cách, đủ điều kiện thực hiện đề tài bao gồm nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng và trang thiết bị đồng bộ và hiện đại.
Nếu chúng ta không có hỗ trợ và bảo trợ của đề tài này, điều trị hóa trị liều cao và điều trị đích, thậm chí cả xạ trị, phẫu thuật, bệnh nhân chắc chắn sẽ tử vong. Nhưng khi tôi tách tế bào gốc từ máu ngoại vi của họ ra, lưu trữ ở -196 độ C- Đây là một quy trình nghiêm ngặt mà trước đây chúng ta không làm được- lúc đó mới điều trị cho bệnh nhân với liều cao và điều trị đích... nhằm tiêu diệt triệt để các tế bào ung thư trong cơ thể. Trong quá trình hóa trị liều cao và điều trị nhắm đích, bệnh nhân thường sẽ rơi vào tình trạng suy tủy không hồi phục, cơ thể lúc ấy được ví như một đất nước trong tình trạng không có người bảo vệ, chỉ cần một yếu tố ngoại xâm thôi cũng sẽ tử vong. Chính lúc này, tế bào gốc được ghép trở lại cho người bệnh. Đó chính là tế bào vạn năng, giúp cho bệnh nhân hồi sinh các tế bào tạo máu, phục hồi trở lại một người khỏe mạnh.

Thăm hỏi bệnh nhân được ghép tế bào gốc ở phòng cách ly qua màn hình theo dõi trực tiếp

 
Việc ghép tế bào gốc là một yếu tố cực kỳ quan trọng. Điều mà chúng tôi quan tâm là trong quá trình đó, cơ thể người bệnh cần có những nỗ lực tự thân nào, hay chỉ là đón nhận việc điều trị một cách thụ động?
Thực chất tế bào này là tế bào của bệnh nhân, có nghĩa đây là tế bào vạn năng (Stem cells) của bệnh nhân mà chúng tôi phải sử dụng thuốc kích tủy bệnh nhân để tế bào từ trong tủy xương ra máu ngoại vi. Từ đó, chúng tôi thu thập tế bào gốc từ máu ngoại vi bằng một hệ thống máy móc hiện đại. Khi huy động được tế bào gốc máu ngoại vi rồi thì trong đó có lẫn rất nhiều loại tế bào khác nhau. Qua một thiết bị xử lý hiện đại được trang bị lần đầu ở Việt Nam, chúng tôi lọc lại những tế bào gốc mình cần lưu trữ.
Phương pháp này mới chỉ áp dụng cho những bệnh nhân giai đoạn cuối, vậy có thể áp dụng cho những giai đoạn sớm hơn không vì những người đi đến giai đoạn cuối đã hao tổn nhiều sức lực, tiền của, tinh thần, hy vọng…?
Tôi nghĩ đây là một câu hỏi hay. Thực tế khi chúng ta thử nghiệm và thành công đối với những bệnh nhân nặng, thì chắc chắn những trường hợp đơn giản hơn cũng có thể thực hiện được, nhưng không cần thiết. Tuy nhiên tôi cũng xin nhấn mạnh một điều rằng, nếu những trường hợp giai đoạn 1 và giai đoạn 2, chúng ta không vội để thực hiện phương pháp này, vì ta còn nhiều phương pháp để có thể điều trị. Vấn đề cần quan tâm là khi điều trị theo phương pháp truyền thống ở giai đoạn sớm, chúng ta phải thường xuyên theo dõi để khi có một sự thay đổi, tái phát, di căn, phải có bước tiếp theo để đưa về điều trị theo phương pháp này. Nếu điều trị theo phương pháp này ngay từ đầu là lãng phí, trong khi chúng ta còn có nhiều cơ hội điều trị khác ít tốn kém hơn.
Mọi người nên có bảo hiểm y tế
Vậy ông có thể cho biết là chi phí cho một ca điều trị này như thế nào; người có điều kiện có thể điều trị can thiệp ngay từ giai đoạn sớm? Và những người nghèo không may mắc bệnh, liệu có cơ hội cho họ để điều trị theo phương pháp này?
Thứ nhất, tôi nói điều trị ở giai đoạn sớm là lãng phí vì đã có nhiều phương pháp truyền thống. Những giai đoạn sớm điều trị theo truyền thống vẫn ổn định còn phương pháp này là kết hợp giữa điều trị truyền thống bắt buộc, sau đó kết hợp điều trị liều cao, điều trị đích và ghép tế bào gốc. Thậm chí có cả xạ phẫu, hóa trị và ghép tế bào gốc.
Tôi cũng xin nói rằng, chúng ta không sợ ung thư vì chúng ta có thể điều trị được ung thư, nhưng chúng ta sợ nhất là ung thư giai đoạn muộn. Còn những giai đoạn sớm có thể điều trị ổn định.
Vậy chi phí cho một ca điều trị là bao nhiêu?
Hiện nay, nếu những người có bảo hiểm y tế thì được hưởng trọn gói bảo hiểm y tế của mình. Ví dụ có nhiều loại bảo hiểm y tế 80%, 90%, 95% hoặc 100%. Số lớn nhất là số được bảo hiểm 80%, còn 20% bệnh nhân cùng chi trả. Tôi ước tính đối với chị Sau - một bệnh nhân đã được điều trị theo phương pháp này - là 150 triệu đồng.
Đó là 20% mà bệnh nhân cùng chi trả?
20% của phần phải thanh toán. Còn bảo hiểm phải thanh toán là 80% còn lại. Cho nên tôi khuyên mọi người dân nên mua bảo hiểm y tế, vì nếu không may xảy ra đối với những trường hợp bệnh nặng như thế này sẽ khó hoặc không đủ sức chi trả, nhất là với người nghèo.
Xin tiết lộ là chúng tôi đang chuẩn bị tiếp nhận điều trị một trường hợp từ Hải Phòng. Bệnh nhân này đã qua Singapore điều trị giai đoạn đầu giờ tiếp tục di căn và tìm đến với chúng tôi. Tôi hỏi về chi phí điều trị và được biết là bệnh nhân đã phải trả 100 ngàn USD rồi. Nhưng rồi lại không biết, không nắm được quy trình, cách thức điều trị thế nào đối với mình…vì không giỏi tiếng “tây”. Chưa kể ăn ở, chi phí, dịch vụ…
Trường hợp của bệnh nhân tên Vui cũng vào đây điều trị. Khi vào, bệnh nhân thú thật không có tiền. Tôi phải động viên mãi thì nghe đâu người thân hỗ trợ được 100 triệu đồng, ghép hết 70 triệu (ngoài bảo hiểm)…. Tôi nghĩ các bạn đừng nên hỏi tôi, hãy hỏi những bệnh nhân đã ra viện thì sẽ có những con số cụ thể và có độ xác tín.
Quá trình thực hiện đề tài, ông có gặp trường hợp nào thực sự áp lực cho ḿnh không?
- Cũng có đấy. Có lẽ đời tôi khó quên được trường hợp bệnh nhân Lê Kiều Diễm, quê ở Cà Mau. Chị này bị ung thư vú, được gia đình đưa lên chữa trị ở Cần Thơ trong tình trạng di căn đã quá nặng, khó có thể chữa trị được nữa, bệnh viện đã “trả về”. May mắn chị này có một cô em gái là nhà báo - cô Kiều Tiên, làm ở Đài PTTH Cần Thơ. Thấy chị bệnh, cô Kiều Tiên đã tìm tòi thông tin và cơ duyên đã đưa cô tiếp cận thông tin của đề tài. Vậy là từ Tây đô, cô đưa chị ra Cố đô với tuyên bố “thà ra đi ở Cố đô còn hơn về chết ở Tây đô”. Hai chị em đặt chúng tôi vào một tình thế rất khó xử. Bởi lẽ, quả thật tình trạng của người bệnh đến lúc ấy đã hết sức nặng. Chụp cắt lớp kiểm tra đã thấy di căn lên não với 3 ổ lớn cùng nhiều ổ nhỏ, phổi, xương, chạt ba khí phế quản cũng đều đã bị di căn. Xem phim, kinh nghiệm nghề nghiệp cho tôi biết hết hy vọng. Trường hợp này không thuộc phạm vi nghiên cứu của đề tài, không bắt buộc đề tài phải phiêu lưu. Đưa vào, nếu thất bại - mà lúc đó tôi tin thất bại là… cầm chắc - thì đề tài sẽ “sụp đổ”, anh em sẽ nhụt chí hết. Bởi người ngoài họ đâu có hiểu, chỉ biết rằng, ông này đưa bệnh vào “thử nghiệm”, và bệnh chết. Chấm hết! Mà đây lại là một trong những ca đầu tiên. Cân nhắc mãi, ra hội đồng, tham khảo ý kiến anh em, anh em khuyên thôi. Vậy là tôi quyết: Thôi. Thế cho… nhẹ. Nhưng thực sự có nhẹ không? Quyết rồi trở về, gương mặt hai chị em cô Diễm cứ ám ảnh, lương tâm thầy thuốc cứ dày vò. Người ta hết chỗ bấu víu, tìm đến mình, nỡ lòng nào mình cũng quay mặt úp lưng. Một bên là vì sự an toàn cho thành công của đề tài, một bên là sự sống, là tính mạng của người bệnh. Ray rứt mãi, sau cùng thì tôi nhận triển khai. Chúng tôi đã “tấn công tổng lực” vào các khối u trong cơ thể chị Diễm và rồi cấy kịp thời tế bào gốc tạo máu tự thân đã được lấy trữ trước đó trở lại cho chị Diễm. Mừng quá, ca bệnh đã thành công ngoài cả mong đợi. Sau 3 tháng điều trị, bệnh tình của chị Diễm đã được đẩy lui hoàn toàn. Ngày 13/2/2015, bệnh nhân được xuất viện trong tình trạng rất ổn định. Đặc biệt, sau khi nghỉ tết, bệnh nhân ra tái khám lại ngày 23/3/2015 cho kết quả rất tuyệt vời, các thông số trong giới hạn bình thường.
“Trắng án” hay không chưa biết, nhưng “giảm án” thì đã rõ…
Tuy mới là những ca đầu tiên, nhưng khi báo chí loan tin, bệnh nhân từ khắp nơi vô cùng quan tâm. Đã và sẽ có có một “làn sóng” đổ về Huế như tìm về với chiếc phao cứu sinh sau cùng. Bệnh viện TW Huế liệu có đủ sức tiếp nhận và xử lý xuể trong thời gian tới?
Đúng là đã có tình trạng như vậy sau khi báo chí đưa tin. Người ta gọi điện về nhiều đến mức không làm việc được. Người bệnh không hiểu rằng đề tài của chúng tôi mới chỉ tập trung nghiên cứu trên 2 loại ung thư là ung thư vú và ung thư buồng trứng ở giai đoạn muộn. Tuy nhiên cũng có cái hay là sau khi có hiện tượng như vậy, chúng tôi đã gửi công văn đi các báo để nói rõ về một số thuật ngữ, công bố các số điện thoại, email và tên các chuyên gia thuộc các lĩnh vực, địa chỉ email của bệnh viện để trực tiếp hướng dẫn, tư vấn cho người bệnh biết phương pháp điều trị và địa chỉ họ cần đến để được điều trị cho đúng cách. Cần phải giúp người bệnh hiểu rằng chúng ta không sợ ung thư. Ung thư nếu phát hiện sớm và điều trị đúng cách thì vẫn có thể chữa được. Riêng với những trường hợp thuộc phạm vi đề tài, chúng tôi sẽ tiếp nhận và đảm bảo đủ sức xử lý.
Bên cạnh ung thư vú và ung thư buồng trứng, đề tài có mở ra triển vọng trong điều trị các loại ung thư khác?
Sau khi tổng kết đề tài, chúng tôi sẽ xin phép Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y Tế để mở rộng một số lĩnh vực khác.
Những trường hợp đã được chữa trị thành công và đã cho xuất viện, theo ông, triển vọng về thời gian sống của họ …?
Tôi muốn các bạn hình dung thế này nhé, lẽ ra cho đến thời điểm này, nếu không được chữa trị thì họ đã không còn tồn tại trên cuộc đời này nữa. Nhưng nay thì như các bạn thấy đấy, họ vẫn khỏe mạnh, vẫn sinh hoạt, vẫn làm việc và vẫn vui sống. Đó là thành công vượt cả mong đợi của những người thầy thuốc chúng tôi. Có thể ví von như thế này, họ đã bị kết án tử hình, còn chúng tôi là luật sư. Lẽ ra đến giờ phút này họ đã bị “thi hành án”, nhưng nhờ chúng tôi “bào chữa”, họ đã được giảm án. Còn có “trắng án” hay không thì còn phải chờ thêm thời gian. Chúng tôi vẫn xem đây mới là những thành công bước đầu và sẽ còn tiếp tục theo dõi, tổng kết từng năm. Sau 5 năm, chúng tôi sẽ có đánh giá tổng quát để xem mức độ thành công của phương pháp này. Vậy nên, hiện tại chúng tôi xin được chưa nói trước điều gì.
Xin trân trọng cảm ơn và kính chúc PGS.TS mạnh khỏe, hạnh phúc, tiếp tục gặt hái nhiều thành công trong sự nghiệp cứu người.
BÌNH NGUYÊN - HIỀN AN (thực hiện)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phẫu thuật tim miễn phí cho 13 trẻ em Gia Lai

Chiều 28/3, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Huế tiến hành phẫu thuật cho nhóm bệnh nhi Gia Lai. Đây là các trường hợp được Quỹ Friedens Kinder (Đức) tài trợ chi phí mổ.

Phẫu thuật tim miễn phí cho 13 trẻ em Gia Lai
Vai trò thầy thuốc trẻ trong chuyển đổi số

Đó là một trong những nội dung thu hút nhiều thảo luận tại Hội nghị “Khoa học cố đô mở rộng về Chuyển đổi số trong y học” diễn ra chiều 28/3. Hoạt động được Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức.

Vai trò thầy thuốc trẻ trong chuyển đổi số
Nâng cao hiệu quả dự phòng, kiểm soát bệnh tật theo mô hình “Thành phố thông minh” giai đoạn 2025 -2030

Ngày 27/3, Ban Giám đốc Sở Y tế có buổi tiếp và làm việc với Đoàn khảo sát của Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) về khả năng triển khai dự án “Nâng cao hiệu quả dự phòng, kiểm soát bệnh tật theo mô hình “Thành phố thông minh” giai đoạn 2025-2030”, trong khuôn khổ hợp tác song phương giữa Hàn Quốc và Việt Nam.

Nâng cao hiệu quả dự phòng, kiểm soát bệnh tật theo mô hình “Thành phố thông minh” giai đoạn 2025 -2030
Return to top