ClockThứ Năm, 03/12/2015 18:02

Cơ hội song hành cùng thách thức

TTH - Với điều khoản nguyên tắc xuất xứ "từ sợi trở đi" thì thách thức cho ngành dệt may (DM) là rất lớn khi lâu nay, các nguyên phụ liệu sản xuất chủ yếu nhập từ các nước không phải là thành viên của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong đó đa phần là của Trung Quốc và Đài Loan.

Với 70% nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, cơ hội hưởng lợi từ TPP đối với các DN dệt may là rất khó

60% nguyên liệu nhập từ nước ngoài

Là con chim đầu đàn của ngành DM tỉnh với tuổi đời gần 30 năm, song khi nhắc đến việc gia nhập TPP, Giám đốc điều hành Công ty CP Dệt may Huế, ông Nguyễn Thanh Tý cho rằng: “Đối với lĩnh vực DM, gia nhập TPP cơ hội và thách thức song hành chứ không chỉ có hưởng lợi. Đối với DM Huế, mặc dù DN sản xuất được 40% nguyên liệu, song 60% còn lại vẫn phải nhập từ các nước ngoài TPP, trong đó chủ yếu là Trung Quốc và Đài Loan nên nếu không giải quyết được vấn đề tự chủ nguyên liệu, thì cơ hội hưởng thuế xuống 0% là bài toán khó. Trong khi đó, đầu tư nhà máy sản xuất nguyên liệu đòi hỏi vốn nhiều, tác động môi trường cao và chi phí nước thải lớn.”

Qua trao đổi với các DNDM trên địa bàn, một thực tế đặt ra khi TPP ký kết là nỗi lo về sự “lấn sân” của các DN nước ngoài trong nay mai. Bởi, khi TPP đòi hỏi mọi công đoạn từ sợi trở đi phải được làm trong nước, nguy cơ các DN ở nước lớn sẽ đổ bộ vào Việt Nam đầu tư nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu và biến Việt Nam trở thành nước “xuất khẩu hộ” cho họ! Mặt khác, nỗi lo về cạnh tranh lao động, chiến lược thu hút cán bộ quản lý của các DN nước ngoài ngay trên sân nhà sẽ khiến các DN gặp khó. Như vậy, muốn hưởng lợi từ TPP, không còn cách nào khác là phải tạo ra thị trường nguyên phụ liệu trong nước, do các nước thành viên TPP sản xuất nhằm tạo điều kiện để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, giúp các DN hưởng lợi từ sân chơi lớn này.

Tại Công ty CP Dệt may Thiên An Phú ở KCN Phú Đa, chỉ sau một năm hoạt động, DN này đã đạt doanh thu trên 60 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho 700 lao động. Tuy nhiên, với nguồn nguyên liệu nhập 100% từ Trung Quốc và chủ yếu là may gia công nên cơ hội để hưởng ưu đãi từ TPP là rất khó.

Theo Giám đốc Công ty CP Dệt may Thiên An Phú Phạm Gia Định, cơ hội cho ngành DM được rộng mở khi TPP có hiệu lực, đặc biệt là thuế suất xuất khẩu hàng may mặc sẽ giảm từ 17-20% như hiện nay về 0%. Song, muốn được hưởng lợi từ TPP đòi hỏi sự nỗ lực không chỉ từ phía DN mà cần có sự hỗ trợ từ chính quyền, người lao động…

Chủ động khép kín quy trình sản xuất

Với con số khoảng 30 DN sản xuất hàng DM xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, khi TPP có hiệu lực, các DN DM trên địa bàn sẽ được hưởng lợi khi thuế suất trở về 0% và cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là rất lớn. Tuy nhiên, với nguồn lực hạn chế, nguyên phụ liệu sản xuất chủ yếu nhập từ các nước ngoài thành viên và trình độ chuyên môn chưa đồng bộ, nguồn nhân lực quản lý điều hành sản xuất yếu nên các DN đang phải đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn.

Đón đầu thời cơ trước thềm TPP, hiện Công ty CP Dệt may Huế đầu tư gần 200 tỷ đồng xây dựng các dự án phục vụ sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Trong đó, đầu tư 100 tỷ đồng thay đổi thiết bị sản xuất sợi hiện đại cho dây chuyền 60 ngàn cọc sợi, hiện đã hoàn thành việc chuyển đổi dây chuyền 12 ngàn cọc sợi, dự kiến đến giữa năm 2016 sẽ chuyển đổi thiết bị cho dây chuyền 48 ngàn cọc sợi còn lại nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của đối tác xuất khẩu, đồng thời tăng năng suất và tiết giảm sức lao động. Đầu năm 2016, DN đầu tư 90 tỷ đồng triển khai 2 dự án quy mô lớn, đó là xây dựng nhà máy may 4 tại KCN Phú Đa với kinh phí 60 tỷ đồng và đầu tư 30 tỷ đồng trang bị thiết bị dệt nhuộm, hệ thống xử lý nước thải tại phường Thủy Dương (thị xã Hương Thủy).

Theo báo cáo mới nhất từ Sở Công thương, 11 tháng đầu năm 2015 tổng kim ngạch xuất khẩu của các DNDM đạt 472 triệu USD, nhưng các DN lại nhập khẩu 312 triệu USD nguyên phụ liệu sản xuất. Trong đàm phán TPP, các thành viên đưa ra quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi”. Đó là tất cả các khâu từ sợi cho đến vải, cắt, may đều phải được thực hiện trong các nước thành viên TPP. Với quy tắc này, các DN dệt may phải đối mặt với nhiều thách thức khi thiếu trầm trọng nguồn nguyên liệu sản xuất đáp ứng yêu cầu hội nhập.

Giám đốc điều hành, Công ty CP Dệt may Huế, ông Nguyễn Văn Phong cho rằng: “Để thụ hưởng các cơ hội từ TPP, DM Huế đẩy mạnh việc phát triển chuỗi nhà máy sản xuất hàng DM khép kín từ sợi - dệt nhuộm - may như Thiên An Phát, Thiên An Phú, Thiên An Thịnh; đồng thời đầu tư cho công tác đào tạo nghề và đưa hệ thống phần mềm quản trị nhân sự, điều hành sản xuất, phần mềm kế toán vào ứng dụng rộng rãi tại các nhà máy. Trước mắt, sẽ liên kết với các trường đại học tiếp nhận các sinh viên tốt nghiệp đại học để mở các lớp đào tạo chuyên ngành may nhằm tạo nguồn lực phân bổ cho các nhà máy đáp ứng yêu cầu cao về trình độ chuyên môn nghiệp vụ.”  

Cùng với việc đầu tư nhà máy sản xuất, một loạt các dự án sản xuất hàng DM hình thành như chuỗi nhà máy sợi Phú Bài 2, Phú Nam, Phú Việt, Phú Mai, Phú Anh, Phú An, Phú Hưng; các nhà máy may Quốc Thắng, nhà máy 2 Scavi Huế, Thiên An Thịnh… Trong đó, Công ty Scavi Huế đã và đang đầu tư khoảng 5 triệu USD xây dựng nhà máy may 3 tại KCN Phong Điền, dự kiến tháng 2/2016 đi vào hoạt động và xúc tiến đầu tư nhà máy may xuất khẩu tại cụm công nghiệp Hương Sơ, nâng tổng số chuyền may toàn nhà máy lên 200 chuyền và số lượng lao động sẽ nhân lên khoảng 7 ngàn người.

Trên thực tế, khoảng 80% DN DM trên địa bàn chủ yếu sản xuất dưới hình thức gia công, tỷ lệ sản xuất hàng FOB chỉ đếm trên đầu ngón tay nên các DN chưa mạnh dạn đầu tư nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu. Bởi, DN gia công hàng cho các đối tác nên nguyên liệu sản xuất đều do đối tác cung cấp hoặc chỉ định chứ không được quyền lựa chọn. Vì vậy, vấn đề đặt ra là, song song với việc kêu gọi nhà đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu, cần định hướng để các DN chuyển dần từ gia công sang làm hàng FOB và ODM, đồng thời nâng cao chuỗi liên kết khép kín quy trình sản xuất từ sợi - dệt - nhuộm hoàn tất - may thì các DNDM mới thực sự được hưởng lợi từ hiệp định này.

Bài, ảnh: Thanh Hương
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vàng

Trước những chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các đơn vị liên quan đã có nhiều hoạt động phối hợp tăng cường kiểm tra các cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh vàng. Theo đó, chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước đã dần thu hẹp.

Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vàng
Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Sáng 24/4, tại điểm cầu Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương đã tham dự buổi họp trực tuyến với Chính phủ về sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) quý I, nhiệm vụ quý II năm 2024. UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng chủ trì hội nghị.

Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông
Return to top