ClockThứ Tư, 29/12/2021 05:59

Cơ hội song hành với thách thức

TTH - Trong bối cảnh hiện nay, quá trình chuyển đổi số (CĐS) đang diễn ra nhanh chóng. Để nhận diện thách thức và cơ hội của CĐS, Báo Thừa Thiên Huế có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Dương Anh; Phó Giám đốc Trung tâm Hành chính công tỉnh Phạm Quang Trí; Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Hợp tác xã Công nghệ thông tin (CNTT) Huế Đặng Văn Chính.

Tận dụng công nghệ số trong quảng bá hình ảnh Thừa Thiên HuếDoanh nghiệp Việt và hành trình giữ vững chuỗi cung ứng trong dịch COVID-19Phấn đấu giải quyết 100% hồ sơ thủ tục hành chính qua Hệ thống thông tin một cửa điện tử

Các ông đánh giá như thế nào về bức tranh CĐS ở các ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh cho đến lúc này?

Ông Nguyễn Dương Anh: Quá trình CĐS đã có nhiều điểm sáng. Trong hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền, tỉnh triển khai nhiều giải pháp nhằm thay đổi phương thức vận hành của hệ thống. Người dân được quan tâm và chăm sóc chu đáo với mô hình Hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân. Học bạ điện tử, sổ liên lạc điện tử là 2 nội dung đã được ngành giáo dục và đào tạo tỉnh nhà xây dựng và tích hợp thành công trên nền tảng di động Hue-S. Tỉnh cũng đã thiết lập hệ thống họp không giấy tờ e-Cabinet. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) triển khai chuyển đổi phương thức hoạt động của từng DN sang môi trường số tùy thuộc quy mô lớn, nhỏ của từng DN…

Phó Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Dương Anh

Những kết quả cụ thể trong từng bước CĐS, xây dựng đô thị thông minh đem đến cho người dân cái nhìn tích cực và sự đồng tình, hưởng ứng cao.

Ông Phạm Quang Trí: Với Trung tâm Hành chính công, CĐS giúp tạo ra mô hình tập trung để làm đầu mối hướng dẫn, tiếp nhận, trả kết quả, giám sát, đôn đốc việc giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết của 19 sở, ban, ngành cấp tỉnh và 2 cơ quan được tổ chức theo ngành dọc đặt tại địa phương; giám sát việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông đã được triển khai đồng bộ tại 9 trung tâm hành chính công cấp huyện và 141 bộ phận một cửa hiện đại cấp xã trên địa bàn tỉnh.

Các trung tâm hành chính công, bộ phận một cửa hiện đại trên địa bàn tỉnh đã được công dân, tổ chức đồng tình ủng hộ và đã trở thành địa chỉ thân thiện, quen thuộc của các công dân, tổ chức khi cần giải quyết các thủ tục hành chính.

Chắc chắn quá trình CĐS sẽ gặp nhiều khó khăn, vậy đâu rào cản nào lớn nhất trong hành trình đi đến đích?

Ông Nguyễn Dương Anh: Đó là thay đổi thói quen. Thách thức lớn nhất của CĐS là có nhận thức đúng. Loài người đã quen với môi trường thực nhiều thế kỷ. Chuyển lên môi trường số là thay đổi thói quen. Thay đổi thói quen là việc khó. Thay đổi thói quen là việc lâu dài…

Phó Giám đốc Trung tâm Hành chính công tỉnh Phạm Quang Trí

Ông Phạm Quang Trí: Việc số hóa hồ sơ còn gặp khó khăn do thiết bị, tốc độ số hóa chậm, hồ sơ một số lĩnh vực do khổ lớn, đóng ghim chuyên ngành nên máy móc thiết bị không thể đáp ứng việc số hóa đối với các loại tài liệu này. Ngoài ra, nhận thức về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) chưa đồng đều giữa các cơ quan, đơn vị và từng cán bộ, công chức, viên chức.

Ông Đặng Văn Chính: Qua vận động, toàn tỉnh hiện có 24 hợp tác xã tham gia CĐS, đó là điều kiện thuận lợi để nông sản các địa phương tiếp cận với các sàn thương mại điện tử. Dù vậy, quá trình CĐS phải có nhận thức nhất định, hạ tầng cơ bản, con người phù hợp. Cả 3 yếu tố này các cơ quan ban ngành, đặc biệt là các hợp tác xã đều thiếu và yếu.

Nhiều ý kiến cho rằng, nguồn nhân lực kỹ thuật số tại Thừa Thiên Huế đang thiếu, các ông đánh giá như thế nào về ý kiến này?

Ông Đặng Văn Chính: Đúng như vậy, nhân lực CNTT từ các trường đại học, trung tâm đào tạo tại Huế để đáp ứng nhu cầu CĐS hiện tại rất khó. Mỗi đơn vị phải tự lực cánh sinh trong việc đào tạo, tìm nguồn nhân lực CNTT phù hợp.

Ông Nguyễn Dương Anh: Thừa Thiên Huế hiện đang là điểm đến của các doanh nghiệp CNTT lớn và đến năm 2025 sẽ hình thành một tổ hợp trung tâm công nghệ số tại địa phương.

Đề án phát triển công nghiệp CNTT tỉnh đến năm 2025 cũng đã xác định rõ công tác xây dựng Giải pháp phát triển nguồn nhân lực CNTT, định hướng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là trọng tâm của Đề án và tập trung vào trục kết nối giữa Nhà nước, cơ sở đào tạo, doanh nghiệp CNTT và thị trường lao động CNTT. Trên cơ sở đó, các chính sách chủ yếu nhằm thúc đẩy phát triển nhân lực CNTT tại Thừa Thiên Huế cũng được đề ra.

Vậy, hạ tầng CNTT tại tỉnh đã đáp ứng được nhu cầu CĐS hay chưa?

Ông Phạm Quang Trí: Hệ thống phần mềm và cơ sở hạ tầng CNTT vẫn chưa ổn định, cụ thể mạng diện rộng của tỉnh được kết nối thông suốt từ cấp tỉnh đến cấp xã theo mô hình mạng Truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước; tuy nhiên trong quá trình vận hành vẫn còn tình trạng chậm, nghẽn mạng, không truy cập được phần mềm ảnh hưởng đến việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ.

Ông Nguyễn Dương Anh: Trải qua một quá trình đầu tư, phát triển và ứng dụng, hạ tầng công nghệ CNTT và công nghệ số của tỉnh thời gian qua đã cơ bản đáp ứng cho mục tiêu phát triển chính quyền điện tử. Tuy nhiên, với các mục tiêu và nhu cầu đa đạng, cần thiết cho tổng thể quá trình chuyển đổi số tại địa phương, hạ tầng công nghệ vẫn sẽ luôn là một hạng mục quan trọng sẽ cần phải tiếp tục được đầu tư và hoàn thiện trong thời gian tới.

Chúng ta cần xây dựng, nâng cấp hạ tầng số tại trung tâm dữ liệu dùng chung của tỉnh có năng lực tính toán cao, kết nối đồng bộ, hoạt động tin cậy, ổn định, dựa trên công nghệ điện toán đám mây, nhằm phục vụ các hệ thống thông tin trên địa bàn tỉnh. Xây dựng hạ tầng IoT và triển khai tích hợp cảm biến, ứng dụng công nghệ số vào các hạ tầng thiết yếu như: môi trường, giao thông, an ninh trật tự, năng lượng, nước, quản lý đô thị,... để chuyển đổi thành một bộ phận cấu thành quan trọng của hạ tầng số. Các nội dung phát triển hạ tầng IoT phải bảo đảm hiệu quả, phát triển các hạ tầng dùng chung, tránh đầu tư trùng lắp…

Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Hợp tác xã CNTT Huế Đặng Văn Chính

Ông Đặng Văn Chính: Trong năm tới, chúng tôi xây dựng nền tảng, hệ thống phần mềm chung cho tất cả các hợp tác xã. Hy vọng các sản phẩm được thống nhất, đồng bộ trên nên một tảng công nghệ. Bởi nói cho cùng, muốn CĐS thành công, hạ tầng phải đảm bảo.

CĐS giúp người dân bớt phiền hà, lược bỏ những thủ tục rắc rối song, không ít người vẫn chưa hài lòng về tính minh bạch trong xử lý thông tin của cơ quan chức năng. Theo các ông, họ chưa hài lòng những lý do gì?

Ông Nguyễn Dương Anh: Một số cá nhân và tổ chức vẫn còn chưa tiếp cận và sử dụng hiệu quả các ứng dụng số mà chính quyền đã cung cấp, nhằm phục vụ triệt để cho các nhu cầu liên quan đến thủ tục hành chính hoặc phản ánh kiến nghị của mình. Mặt khác, công tác thông tin, truyền thông của các cơ quan chức năng sẽ vẫn cần tiếp tục triển khai thường xuyên, liên tục hơn để có thể đáp ứng ngày một cao hơn nữa, mọi lúc mọi nơi và lan tỏa đến phạm vi người sử dụng ngày một nhiều hơn.

Ông Phạm Quang Trí: Một số thủ tục hành chính (TTHC) liên thông phối hợp giải quyết ở nhiều ngành chưa được phối hợp tốt dẫn đến kết quả giải quyết TTHC cho cá nhân, tổ chức còn chậm so với thời gian quy định. Hồ sơ giải quyết TTHC cho cá nhân, tổ chức vẫn còn tình trạng trễ hạn, đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai…

Theo các ông, những giải pháp trước mắt và lâu dài sẽ là gì để chuyển đổi số thành công?

Ông Nguyễn Dương Anh: Trước mắt, cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, cộng đồng doanh nghiệp và người dân về tính cấp thiết của CĐS; người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm trực tiếp về kết quả CĐS trong cơ quan, đơn vị, tổ chức, lĩnh vực, địa bàn phụ trách. Bên cạnh đó, các ngành, các cấp cũng cần phải bổ sung, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật nhằm điều chỉnh các mối quan hệ mới phát sinh trong quá trình CĐS; xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển các DN công nghệ số, khuyến khích đổi mới, sáng tạo; thu hút các DN công nghệ số đầu tư vào tỉnh. Các trường đại học, cao đẳng tập trung đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực CNTT chất lượng sẵn sàng tham gia vào quá trình CĐS.

Tổng đài 19001075 tại IOC trả lời phản ánh, thắc mắc của người dân. Ảnh: LM

 

Để cuộc cách mạng “Chuyển đổi số” càng vững chắc, phát triển nhanh, đúng hướng và đem lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng, tỉnh tiếp tục phương châm “Lấy người dân làm trung tâm - Doanh nghiệp làm động lực - Nhà nước kiến tạo” là kim chỉ nam trong tất cả các hoạt động. Trong đó, xác định công tác tập trung phát triển Chính quyền số cùng Dịch vụ đô thị thông minh là nội dung trọng tâm, cơ bản cần tập trung triển khai xuyên suốt, có hiệu quả trong thời gian sắp đến; từ đó thúc đẩy kinh tế số và xã hội số.

Ông Đặng Văn Chính: Chúng ta cần đẩy mạnh tuyên truyền hơn nữa, cùng với đó là những giải pháp cụ thể, xuất phát từ thực tiễn. Hãy bắt đầu từ những mong muốn, nhu cầu của các đơn vị. Ngoài ra cũng cần phát huy, chọn những mô hình hay, đơn vị làm tốt để nhân rộng và hoàn thiện. CĐS là câu chuyện tập thể chứ không thể một vài người là làm được, do vậy phải có sự đồng thuận cao.

Lê Thọ - Liên Minh

(thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mở ra cơ hội giao lưu nghệ thuật cho người trẻ

Là hoạt động thường niên, triển lãm mỹ thuật trẻ vừa là sân chơi, vừa là cơ hội để các họa sĩ tuổi đời dưới 45 của Thừa Thiên Huế bộc lộ tài năng, chứng tỏ hoạt động nghệ thuật của bản thân với giới chuyên môn và những người yêu “nghệ thuật của cái đẹp” Cố đô.

Mở ra cơ hội giao lưu nghệ thuật cho người trẻ
Cơ hội thu hút đầu tư nhìn từ quy hoạch tỉnh

Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tỉnh) là nền tảng, mở ra rất nhiều dư địa để thu hút đầu tư. Từ những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, cùng với chiến lược hoàn thiện hạ tầng trong từng giai đoạn, các doanh nghiệp sẽ tìm thấy “miền đất lành” để đầu tư, phát triển.

Cơ hội thu hút đầu tư nhìn từ quy hoạch tỉnh

TIN MỚI

Return to top