ClockThứ Năm, 08/06/2017 14:50

Cơ hội “trưng tập” và trao truyền

TTH - Những năm gần đây, tại Huế xuất hiện nhiều cuộc triển lãm về cổ vật, từ đồ gốm sứ, tranh ảnh, y phục cho đến các đồ mỹ nghệ...

Các cuộc triển lãm này thu hút sự quan tâm ngày mỗi nhiều của công chúng cũng như giới thưởng ngoạn. Cũng dễ hiểu thôi, bởi đâu dễ gì có dịp để được thấy tận mắt các báu vật mà đôi lúc chỉ được nghe tả, nghe kể qua các câu chuyện, qua sách báo. Ở một góc độ khác, nó cũng ít nhiều như cái "hàn thử biểu", cho thấy đời sống vật chất đang ngày mỗi dễ chịu, nhu cầu đời sống tinh thần và trình độ thưởng ngoạn cũng đang ngày mỗi cao thêm.

Trong số những người lui tới với các cuộc triển lãm như vậy, một người bạn vong niên của tôi là chuyên gia trong ngành mộc mỹ nghệ có lẽ là người siêng nhất. Ông đến không chỉ vì sự mến yêu, trân quý và để thỏa niềm đam mê của mình, mà còn vì một mục đích khác cao hơn: sưu tập và phục chế lại các mẫu mộc mỹ nghệ vốn đã lưu lạc và đang có nguy cơ thất truyền của Huế, của Việt Nam.

Như cuộc triển lãm trưng bày cổ vật "Gấm vóc vàng son thời Nguyễn" tổ chức tại Festival nghề truyền thống Huế mới đây, ngoài bộ sưu tập các bức tranh, trướng liễn thêu thủ công quý hiếm, người tham quan còn có dịp được tận thấy những cổ vật bằng gỗ chạm khắc, sơn son thếp vàng cực kỳ tinh xảo và quý giá được "vân tập" từ Hà Nội, Huế, TP. Hồ Chí Minh: Bức trấn phong chạm cẩn tích Hai Bà Trưng đánh giặc; ngai vàng thời Khải Định; tráp, cơi trầu thế kỷ 20; bình phong có khung là gỗ chạm khắc kết hợp với tranh thêu trên lụa; tráp xông trầm chạm lọng; tủ ba vi chạm và cẩn xà cừ... Ông đã không bỏ qua dịp may này để ghi lại các mẫu vật.

Nhiều lần trò chuyện, ông trải lòng, cha ông ta xưa kia có rất nhiều vật dụng dùng trong sinh hoạt thường nhật hoặc để trưng bày, thờ phụng hết sức tinh xảo. Thời gian và nhiều biến động đã làm cho các hiện vật hoặc là bị hủy hoại, hư hỏng, hoặc là bị cướp bóc, mua bán nên thất tán rất nhiều. Rất nhiều mẫu vật đẹp, nay có khi chỉ còn nghe nói. Cứ đà này, không khéo đến một lúc nào đó sẽ mất cả. Nghĩ vậy nên hễ có cơ hội là ông xin chụp lại mẫu vật, từ kiểu dáng cho đến chi tiết hoa văn... Sau đó tìm cách thiết kế, chế tác lại. Một vài mẫu vật đã được ông cho "ra lò". Đồ mới, nhưng kiểu thức, thần thái và sức hút không kém đồ xưa. Nhiều người xem đã không ngớt trầm trồ khen ngợi. Cứ dần dà như vậy, tủ, bàn, ngai, sập, bình phong, liên ba... theo kiểu thức ngày xưa cha ông ta chế tác đã có cơ hội "trưng tập" và trao truyền. Việc làm của ông vì thế, trong góc độ nào đó, rất cần được trân trọng và ghi nhận.

HIỀN AN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mở ra cơ hội giao lưu nghệ thuật cho người trẻ

Là hoạt động thường niên, triển lãm mỹ thuật trẻ vừa là sân chơi, vừa là cơ hội để các họa sĩ tuổi đời dưới 45 của Thừa Thiên Huế bộc lộ tài năng, chứng tỏ hoạt động nghệ thuật của bản thân với giới chuyên môn và những người yêu “nghệ thuật của cái đẹp” Cố đô.

Mở ra cơ hội giao lưu nghệ thuật cho người trẻ
Cơ hội thu hút đầu tư nhìn từ quy hoạch tỉnh

Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tỉnh) là nền tảng, mở ra rất nhiều dư địa để thu hút đầu tư. Từ những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, cùng với chiến lược hoàn thiện hạ tầng trong từng giai đoạn, các doanh nghiệp sẽ tìm thấy “miền đất lành” để đầu tư, phát triển.

Cơ hội thu hút đầu tư nhìn từ quy hoạch tỉnh
Vai trò thầy thuốc trẻ trong chuyển đổi số

Đó là một trong những nội dung thu hút nhiều thảo luận tại Hội nghị “Khoa học cố đô mở rộng về Chuyển đổi số trong y học” diễn ra chiều 28/3. Hoạt động được Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức.

Vai trò thầy thuốc trẻ trong chuyển đổi số
Return to top