ClockThứ Sáu, 28/06/2019 08:07

Cơ hội và thách thức cho ngành thủy sản

TTH - Thông tin hàng ngàn tấn cá bị tồn đọng trong kho cấp đông các cơ sở thu mua hải sản ở Thuận An (Phú Vang) được đăng tải trên Báo Thừa Thiên Huế gợi nhiều trăn trở về tính bền vững của ngành khai thác, chế biến thủy sản của Thừa Thiên Huế nói riêng và cả nước nói chung.

Theo quy luật cung-cầu của thị trường, khi nguồn cung vượt với nhu cầu của thị trường thì sản phẩm khó tiêu thụ, giá sẽ giảm, thậm chí dẫn đến thua lỗ cho nhà sản xuất. Còn ngược lại, cung không đáp ứng được cầu sẽ dẫn đến “cơn sốt” trên thị trường. Chiếu theo quy luật này, đáng ra trong thời điểm dịch tả lợn châu Phi bùng phát trên diện rộng, người tiêu dùng e dè với thịt lợn, thủy hải sản là lựa chọn thay thế thì nhu cầu tiêu thụ sẽ tăng cao. Nhưng điều này không diễn ra theo quy luật, khiến cả ngư dân, người thu mua sản phẩm lẫn cơ quan quản lý phải quan tâm tìm câu trả lời.

Theo lý giải của các cơ sở thu mua, việc cá rớt giá, khó tiêu thụ là do sản phẩm chủ yếu xuất theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc-một thị trường được đánh giá là dễ tính, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nhưng nay, Trung Quốc thắt chặt tiêu chuẩn, chất lượng của hàng nhập khẩu nên cá bị ứ đọng. Như vậy, chưa hẳn là do nguồn cung vượt nhu cầu thị trường mà nằm ở cách thức tổ chức tiêu thụ chưa phù hợp, còn lệ thuộc vào một vài thị trường thiếu bền vững.

Nhìn lại việc tổ chức tiêu thụ thủy sản của Thừa Thiên Huế, đa phần chỉ mới làm khâu sơ chế, chưa chú trọng đến tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm- điều mà các thị trường phát triển thường có những yêu cầu nghiêm ngặt. Với hàng chục hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) mà Việt Nam đã tham gia và chuẩn bị ký kết, như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), và chuẩn bị ký kết vào ngày 30/6 này là Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA và IPA), chắc chắn sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển mới cho nền kinh tế nước ta; trong đó ngành chế biến thủy hải sản được đánh giá hưởng lợi nhiều nhất với thuế suất nhiều mặt hàng được hưởng 0%.

Đi đôi với thông tin lạc quan, việc khắc phục “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam cũng là vấn đề cấp bách. Nếu Việt Nam không giải quyết được các vấn đề về khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) thì rất có thể Việt Nam sẽ bị chuyển từ “thẻ vàng” sang “thẻ đỏ”. Khi đó, đồng nghĩa với việc tất cả sản phẩm thủy hải sản từ khai thác của Việt Nam sẽ bị cấm xuất khẩu vào EU. Cái mất ở đây không chỉ là thị trường EU, mà theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, EU là thị trường tín chỉ nên các thị trường khác có thể sẽ áp dụng biện pháp tương tự với hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.

Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, khi đã bước vào sân chơi chung này, người ta tìm kiếm được nhiều cơ hội để mở rộng thị trường tiêu thụ, nhưng cũng phải chấp nhận những luật chơi chung có tính cạnh tranh và ràng buộc pháp lý cao. Nếu không thực hiện đúng các quy định sẽ phải chịu những chế tài nghiêm khắc, thậm chí bị loại khỏi sân chơi chung. Chính vì vậy, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, hơn ai hết, chính ngư dân cần nhận thức đầy đủ và chấp hành tốt các quy định của EC về chống khai thác IUU (trong đó có việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình) để sản phẩm có được “giấy thông hành” xuất khẩu vào các thị trường rộng lớn, giá trị cao, góp phần vào việc phát triển nghề cá bền vững.

Hoàng Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mở ra cơ hội giao lưu nghệ thuật cho người trẻ

Là hoạt động thường niên, triển lãm mỹ thuật trẻ vừa là sân chơi, vừa là cơ hội để các họa sĩ tuổi đời dưới 45 của Thừa Thiên Huế bộc lộ tài năng, chứng tỏ hoạt động nghệ thuật của bản thân với giới chuyên môn và những người yêu “nghệ thuật của cái đẹp” Cố đô.

Mở ra cơ hội giao lưu nghệ thuật cho người trẻ
Cơ hội thu hút đầu tư nhìn từ quy hoạch tỉnh

Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tỉnh) là nền tảng, mở ra rất nhiều dư địa để thu hút đầu tư. Từ những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, cùng với chiến lược hoàn thiện hạ tầng trong từng giai đoạn, các doanh nghiệp sẽ tìm thấy “miền đất lành” để đầu tư, phát triển.

Cơ hội thu hút đầu tư nhìn từ quy hoạch tỉnh
Return to top