ClockThứ Tư, 21/08/2013 05:12

Cố kỹ sư Nguyễn Hữu Đính nói về Huế

TTH - Tôi là cán bộ người Huế ra Bắc 1953. Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi công tác ở Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Tây. Được Chính phủ điều động về tiếp quản Huế tháng 6/1975. Ngành Kế hoạch lúc đó chỉ có đồng chí Phạm Bá Diễn, bác Trần Ngọc Thảo (nay đã 80 tuổi) và tôi.

Chiều thứ 7 ngày 25/6/1975, tôi nhận được điện thoại của đồng chí Lâm Hồng Phấn, lúc đó là Trưởng ty Nông Lâm tỉnh Thừa Thiên Huế, báo tin cho tôi biết Ủy ban Nông nghiệp Trung ương có văn bản thông báo hỗ trợ Thừa Thiên Huế ba vạn cây dừa giống.

Sông Hương - một trong hai con sông theo cố Kỹ sư Nguyễn Hữu Đính là đẹp nhất thế giới. Ảnh: Diên Thống

Đồng chí Lâm Hồng Phấn nói tôi cần nghiên cứu trước. Ty sẽ báo cáo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế để tiếp nhận (trồng ở đâu, giao cho ai, bao nhiêu cây?) Suy nghĩ đầu tiên của tôi là sẽ trồng hai bên bờ sông Hương và xung quanh Đại Nội, phía ngoài tường thành.

Song quán sát thấy rằng, từ lâu Huế không trồng dừa ở các vị trí này, vì sao? Vậy hỏi ai để biết nên hay không nên trồng ở địa điểm mà tôi đang suy nghĩ?. Chợt nhớ bác Nguyễn Hữu Đính, lúc đó là Chủ tịch UBMTTQVN TP Huế, nhân cuộc họp ở UBND tỉnh, có người giới thiệu bác Đính là kỹ sư lâm sinh có tầm cỡ. Lúc đó, cơ quan tôi ở số nhà 02 Lý Thường Kiệt mà Mặt trận thành phố ở đường Hà Nội.

Tôi gọi điện, bác Đính nói: “Tôi đang ở gần ông. Tôi sẽ sang ông bây giờ - đi bộ thôi...”. Tôi vội lau sạch bàn ghế, súc rửa ấm chén chuẩn bị đón bác Đính.

Uống xong chén trà, bác Đính hỏi tôi có việc gì?. Tôi nói: “Thưa bác, trồng dừa ở hai bên bờ sông Hương và quanh Thành Nội phía ngoài hoàng thành được không? Bác nói: “Điều ông hiểu thế mà hay. Nếu trồng lỡ rồi mà phá rất khó”.

Bác nói, những đường nét công viên hai bờ sông tuy có vẻ giản đơn nhưng tôi phải tranh thủ ý kiến của ba phái đoàn nước ngoài chuyên quản lý đô thị, trong đó có đoàn của người Pháp. Vừa rồi, tôi thấy họ đào thành hồ, chở đá cuộc tạo cảnh, tôi không dám nói. Lại còn làm bờ đá trước Thương Bạc. Đó là đều là những việc làm thiếu tham khảo ý kiến (sau này có người cho đến 10.000 USD để lấp xóa tường đá, đưa bờ sông trở lại tự nhiên).

Tôi nói: “Bác ơi! Quê cháu ở nông thôn. Năm 1952, mẹ cháu có đưa lên Huế 3 ngày. Sau này ra Bắc đi đâu họ cũng nói sông Hương núi Ngự. Bây giờ về quê nhưng kỳ thực con chưa biết giá trị, tầm xã hội của Huế là thế nào?”.

Bác nói: “Trên thế giới, sông vắt ngang qua thành phố đẹp nhất, duyên dáng nhất, có giá trị nâng tầm cao cho Cố đô chỉ có hai: một là con sông Seine chảy qua Paris của Pháp và hai là sông Hương chảy qua Cố đô Huế. Nước Pháp đã sai lầm không sửa được là đã đô thị hóa sông Seine và họ đang bàn trả lại cho sông Seine vẻ tự nhiên của nó.

Tôi hỏi: “Vì sao sông Hương lại quý như vậy?”. Bác nói: “Sông vắt ngang thành phố thì nhiều – nhưng sông Hương và sông Seine không quá rộng mà cũng không quá hẹp. Nếu đứng bên này nhìn qua bên kia bờ vừa thấy rõ lại vừa viễn cảnh, khiến người ta thấy sông nước hữu tình, cảnh vật hài hòa, thiên nhiên mơ mộng”. Tôi hỏi: Người Pháp nhận thức về Huế thế nào? Bác nói: “Đi qua các nước, họ biết tôi trí thức người Huế, họ rất vui. Ai cũng muốn đến Việt Nam để biết Huế. Huế được hình thành dưới triều Nguyễn. Huế là cả TP Huế chứ không phải là chỉ hoàng thành, kinh đô triều Nguyễn và sông Hương.

Khi xây dựng TP Huế, người xưa đã đưa các yếu tố phong thủy – ngũ hành.

Những địa chỉ như: Chùa Linh Mụ, Kim Long, núi Ngự, đồi Vọng Cảnh, Vỹ Dạ - ngả Ba Sình, Đập Đá, Đông Ba, Gia Hội, Điện Hòn Chén, chùa Diệu Đế, Cung An Định, Cồn Hến, Dã Viên, Bạch Hổ, Trường Tiền, cầu ngói Thanh Toàn, cửa Thuận An, cửa Tư Hiền, phá Tam Giang... Các tên tuổi đều gắn liền với Huế. Nhưng nói về Cố đô Huế chỉ quy rộng như bản đồ hiện nay.

Bác nhấn mạnh: Hãy bảo vệ cái gì đã có của Cố đô Huế như hiện nay. Thế giới khao khát quá khứ, tự nhiên đã có từ thời trung cổ chứ không khao khát bê tông hóa và cao tầng. Nhà vườn là đặc trưng của Cố đô Huế. Hệ thống giao thông trong thành phố đã tính đến chuyện cân đối với Cố đô (hầu hết là 7m – các trục 14m). Bác nói nhỏ nhẹ, đầy truyền cảm – vừa là người thầy vừa là người cha già.

Rồi bác nói tiếp: “Làm sao ông lại mời tôi để nghe về Huế? Tôi rất lo lắng sợ rằng, quá trình hoạt động xã hội, Huế sẽ mất đi tầm cỡ Cố đô sẵn có đã và đang gìn giữ hàng trăm năm nay”. Tôi nói: “Thưa bác! Bác cứ tin lực lượng tiếp quản Huế có thể giữ gìn Huế được. Ngồi đây là bác với con, bác cứ truyền cho con tất cả điều bác muốn nói. Con đang cần lắm! Trước hết là nhận thức của riêng con!”. Đang ngồi đối diện với tôi, bỗng nhiên đứng dậy, đưa hai bàn tay gân guốc nắm lấy tay tôi rung rung. Tôi nhận ra bác cảm động sung sướng.

Tôi tiếp trà. Để trở lại câu chuyện, tôi chuyển sang hỏi về tuổi tác, sức khỏe, gia đình... Uống khoảng 2 chén trà nóng. Bác nói: “Ông cho phép tôi hỏi một câu phạm thượng!”.

Tôi nói: “Bác ơi! Tôi bằng tuổi con, cháu bác, có gì bác dạy dỗ, con nghe. Ngồi đây con không phải là tư cách Nhà nước”. Bác nói: “Nói chuyện với ông tôi cảm thấy có lòng tin, lần đầu tiên tôi thấy được nền giáo dục và đào tạo ở miền Bắc” (Bác Đính chưa tiếp xúc với cán bộ ở Bắc vào như tôi).

Tôi chuyển qua một ý khác, hỏi: Trong phạm vi thành phố, đất đai còn nhiều nhưng con thấy không có nhà cửa hay công trình nào tỏ ra mới xây? Bác nói: “Trong thành phố có cả ao hồ, xen vào có ruộng lúa nước để thấm nước, phân phối mưa lũ và để cho Huế mát mẻ, cảnh quan thiên nhiên, trong phố có thôn quê. Nếu không có chiến tranh sẽ hình thành ao thả sen, công viên... Có điều tôi nói rõ để ông biết, không có cá nhân nào, thế lực nào được tự ý xây dựng nơi ở và phá đi cái mà Huế đã thiết kế và hình thành. Các sĩ quan, tướng tá, chức sắc chính phủ đương thời không bao giờ đụng đến quy hoạch ở Huế, họ tôn trọng giữ gìn Huế. Hiện đại trong xây dựng là mất Huế.

Xung quanh Huế là nông thôn. Khi phát triển nông thôn, ngoài phạm vi Huế cần đảm bảo hài hòa với Huế để khách du lịch đến Huế còn có ngoại vi Huế. Huế còn Bạch Mã, Lăng Cô, đầm phá Tam Giang, kể cả miền núi đều là phạm vi thắng cảnh và phải tạo thắng cảnh. Đô thị lớn có nơi có chỗ, công nghiệp phát triển có nơi có chỗ. Phải giữ cho được bản đồ Huế hiện nay phát triển hài hòa vùng lân cận, phải nghĩ đến tham quan du lịch, cảnh quan thiên nhiên Thừa Thiên Huế.

Bác nhắc lại trước lúc chia tay ra về: Cố đô Huế, “Anh Toại hí!”. Lúc này bác gọi tôi là anh.

Bùi Quang Toại
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bỏ khung giá đất làm lành mạnh hóa thị trường đất đai

Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 với nhiều điểm mới so với Luật Đất đai 2013, trong đó người dân đặc biệt quan tâm đến việc bỏ khung giá đất, xác định giá theo thị trường. Đây được xem là bước đột phá lớn trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, tạo nên thay đổi căn bản về các vấn đề kinh tế trong chính sách pháp luật về đất đai; làm lành mạnh hóa thị trường; hạn chế đầu cơ, tham nhũng về đất đai.

Bỏ khung giá đất làm lành mạnh hóa thị trường đất đai
Tháo gỡ vướng mắc mặt bằng Khu Chung cư Đống Đa

Chiều 25/3, UBND tỉnh tổ chức buổi đối thoại với các hộ dân chưa bàn giao mặt bằng tại Dự án (DA) Cải tạo, xây dựng lại các dãy nhà A,B,C Khu Chung cư Đống Đa (KCCĐĐ) tại Phường Phú Nhuận, TP. Huế. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh chủ trì buổi đối thoại.

Tháo gỡ vướng mắc mặt bằng Khu Chung cư Đống Đa
Return to top