ClockThứ Ba, 01/09/2015 15:16

Có một địa chỉ đỏ (2/9)

TTH - Ở cồn Sáo, xóm Đông Lang, làng Phụng Chánh, xã Vinh Hưng, huyện Phú Lộc có một ngôi nhà ba gian được xây dựng theo kiểu xưa khá đẹp. Gọi là cồn Sáo bởi nơi đây xưa có giăng nhiều nò sáo, một cách đánh bắt cá truyền thống của người dân vùng đầm phá Cầu Hai - Tam Giang. Ngôi nhà ba gian trổ hướng ra phía cánh đồng, ven theo đầm Cầu Hai. Chủ nhân hiện tại là ông Lê Tự Ngọc, một thầy giáo về hưu. Ngôi nhà đặc biệt được nhắc tới không phải chỉ bởi vị thế và kiểu dáng, mà bởi liên quan đến chủ nhân xưa và những dấu tích lịch sử gắn liền với cơ quan của Tỉnh ủy Thừa Thiên trong những tháng ngày chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám 1945 lịch sử. Nguyên ngôi nhà nằm cách vị trí hiện tại khoảng chừng 5 mét là của lão đồng chí Lê Tự Thanh, một cán bộ tiền khởi nghĩa vào Đảng từ những năm 30 của thế kỷ trước.
 

Thầy giáo Lê Tự Thanh vốn quê ở Kim Long (TP Huế) về dạy học ở Diêm Trường. Trước Cách mạng Tháng Tám, vùng đất mà ngày nay gọi là khu III Phú Lộc thuộc tổng Diêm Trường. Trong tổng Diêm Trường có làng Phụng Chánh và một làng nữa cũng có tên gọi là Diêm Trường. Đây là hai ngôi làng có quan hệ gắn bó, được biết đến qua câu nói “Cha Diêm, mẹ Phụng” và có từ thời “Ô châu cận lục” của tiến sĩ Dương Văn An cách nay hơn 500 năm về trước với nghề làm muối và xẻ ván đóng thuyền. Trước thế chiến thứ 2, Diêm Trường - Phụng Chánh nổi tiếng với cuộc mít tinh chống tăng thuế, đòi thi hành dân chủ ở bến đò Chợ Hôm, do những người cộng sản địa phương, trong đó có Lê Tự Thanh, đứng đầu.

Ngôi nhà của đồng chí lão thành cách mạng Lê Tự Thanh (đã được xây lại) là một địa chỉ đỏ
Tháng 2/1942, đồng chí Nguyễn Chí Thanh vượt ngục Buôn Mê Thuột trở về Thừa Thiên Huế và đến tháng 7/1924, đồng chí triệu tập hội nghị cán bộ Đảng tại Bến Tu (Quảng Điền). Tại hội nghị này, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy. Triển khai chủ trương của hội nghị, một số trạm giao thông liên lạc được đặt tại những gia đình cơ sở thuộc các huyện Phú Lộc, Phong Điền và TP Huế. Thời kỳ này, công tác huấn luyện được chú trọng. Giữa cồn Rau Câu (đầm Cầu Hai), được các cơ sở vạn đò giúp đỡ, bảo vệ và đưa đón cán bộ, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Chí Thanh mở các lớp huấn luận ngắn ngày cho cán bộ đảng viên trong tỉnh. Những bài giảng của đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã được tập hợp và in li - tô ở nhà đồng chí Lê Tự Thanh, ngôi nhà mà phần đầu bài viết chúng tôi nhắc đến. Từ 1942 - 1943, đây là trụ sở của cơ quan Tỉnh ủy Thừa Thiên.
Đối với thầy giáo cộng sản trẻ tuổi Lê Tự Thanh, vùng đất Diêm Trường - Phụng Chánh như một cơ duyên. Từ Kim Long, ông Lê Tự Thanh đã về đây dạy học, làm quen và rồi xe duyên với người con gái làng Phụng Chánh có tên là Nguyễn Thị Đóa. Những đứa con và cũng là đồng chí của họ như Lê Tự Lập, Lê Thị Tiếp lần lượt ra đời và cùng với người cha gắn bó cuộc đời và sự nghiệp cách mạng với vùng đất nằm bên kia đầm Cầu Hai này. Xã Vinh Hưng tự hào là nơi có chi bộ Đảng ra đời rất sớm, vào trước Cách mạng Tháng Tám 1945. Năm 1942, Tổng ủy Diêm Trường do đồng chí Lê Minh làm Bí thư được thành lập. Toàn huyện Phú Lộc có 4 chi bộ, trong đó có chi bộ Diêm Trường - Phụng Chánh.
Chi bộ Diêm Trường - Phụng Chánh thật đặc biệt, có 4 đảng viên thì 3 trong số đó người của gia đình ông Lê Tự Ngọc, gồm người ông Lê Tự Thanh, người chú Lê Tự Lập và người cô Lê Thị Tiếp. Lão đồng chí Lê Tự Thanh sau Cách mạng Tháng Tám tham gia kháng chiến chống Pháp và là cán bộ của Huyện ủy Phú Lộc, bị giặc Pháp bắt và bắn chết vào năm 1947. Một năm sau đó, người con gái là đảng viên Lê Thị Tiếp hy sinh khi tuổi đời còn thanh xuân và đến nay vẫn chưa tìm được dấu tích. Người con trai là đảng viên Lê Tự Lập cũng đã hy sinh năm 1966, thời điểm khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Tháng Tám này, về công tác ở khu III Phú Lộc, chúng tôi có dịp ghé thăm dấu xưa và tìm lại vết tích ngôi nhà lịch sử của đồng chí lão thành cách mạng Lê Tự Thanh. Ông Lê Tự Ngọc dẫn chúng tôi ra phía ngôi nhà vườn với những lùm cây rậm rạp, um tùm. Ông Ngọc cho biết, ngôi nhà xưa đã bị Tây đốt cháy ngay sau khi người chiến sĩ cộng sản Lê Tự Thanh bị bắt và bị bắn chết vào năm 1947. Mãi đến 10 năm sau đó, ông Ngọc mới có điều kiện xây dựng lại, có vị trí dịch chuyển như hiện tại. Ông Ngọc là cháu nội của đồng chí Lê Tự Thanh.
Theo lời tâm sự của ông Lê Tự Ngọc, dạo ấy ông độ tuổi lên mười và được biết, ngay trong ngôi nhà mình đang ở có một chiếc hầm bí mật, có diện tích khoảng chừng 6 mét vuông, thường xuyên có cán bộ cách mạng trú ẩn. Họ thường xuyên mài đá khắc chữ để in ấn (in li - tô). Cụ thể là những ai và làm gì thì ông bấy giờ còn quá nhỏ không biết và cũng không được biết. Thế nhưng, ông được ông giao cho nhiệm vụ canh gác và cảnh giới. Ông Ngọc không dấu niềm tự hào, mình đã làm rất tốt công việc lần đầu tiên được cách mạng giao phó này. 

 

Bài, ảnh: Đan Duy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM THÀNH PHỐ HUẾ LẦN THỨ XI NHIỆM KỲ 2024 - 2029
Thành tựu của sự đoàn kết và đồng thuận

Bộ mặt thành phố đang ngày càng khởi sắc, đô thị ngày càng văn minh, hiện đại, chất lượng cuộc sống người dân ngày càng tăng lên. Thành phố đã triển khai thực hiện bảo đảm yêu cầu về nội dung, tiến độ 06 chương trình và 07 dự án trọng điểm. Sự thay đổi tích cực, phát triển đó chính là thành tựu của lòng quyết tâm và tinh thần đoàn kết, gắn bó của toàn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân. Trong thành quả chung đó, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam thành phố Huế đã có đóng góp quan trọng trong việc tập hợp, đoàn kết, phát huy sức mạnh đoàn kết, đồng thuận của Nhân dân.

Thành tựu của sự đoàn kết và đồng thuận
Ngày 25/4/1954: Liên quân Việt - Lào chặn đánh địch trên đường rút quân

Để có lực lượng tiếp viện cho chiến trường chính Điện Biên Phủ đang bị nguy cấp, ngày 25/4/1954, địch cho binh đoàn cơ động số 1 cùng 3 tiểu đoàn lẻ và 1 tiểu đoàn pháo theo đường 12 rút về thị xã Thà Khẹt (Lào). Nhưng trên đường rút quân chúng bị Trung đoàn 18 cùng lực lượng vũ trang Lào chặn đánh.

Ngày 25 4 1954 Liên quân Việt - Lào chặn đánh địch trên đường rút quân
Học giả Argentina ca ngợi chiến thắng 30/4/1975 của Việt Nam

Ngày 30/4/1975, ngày Việt Nam hoàn toàn thống nhất là một sự kiện vô cùng trọng đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam và lịch sử thế giới, điều phối viên Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện Quan hệ quốc tế Đại học quốc gia La Plata, Argentina, ông Ezequiel Ramoneda khẳng định.

Học giả Argentina ca ngợi chiến thắng 30 4 1975 của Việt Nam
Return to top