ClockThứ Ba, 25/10/2016 09:47

Có nên giao VAMC bán đấu giá tài sản nợ xấu?

Đại biểu Quốc hội cho rằng, nếu giao cho VAMC - cơ quan vừa quản lý tài sản nợ xấu lại vừa tham gia bán đấu giá nợ xấu - là không bình đẳng.

Theo dự thảo Luật Đấu giá tài sản được Chính phủ trình Quốc hội khóa XIV tại kỳ họp thứ 2, tài sản đấu giá bao gồm tài sản là nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật.

VAMC là cơ quan vừa quản lý tài sản nợ xấu lại vừa tham gia bán đấu giá nợ xấu (Ảnh minh họa: Internet)

VAMC - hiện tượng thức thời của nền kinh tế

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự án Luật đấu giá tài sản sáng 24/10, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, liên quan đến dự luật này có nhiều ý kiến đề nghị bổ sung quy định về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và của các công ty quản lý tài sản (AMC) khác.

Ông Vũ Hồng Thanh cho biết, việc xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng trước đây đã được các ngân hàng thương mại cổ phần thực hiện theo Luật các tổ chức tín dụng và trong giai đoạn trước tháng 5/2013, tình hình nợ xấu là rất nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến an toàn hệ thống tiền tệ quốc gia.

Mặc dù nhận định VAMC như hiện tượng thức thời của nền kinh tế nhưng theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, vẫn phải có quy định cho VAMC được bán tài sản là nợ xấu và tài sản bảo đảm cho nợ xấu và nếu tự mình bán thì VAMC vẫn phải tuân thủ theo trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Đấu giá tài sản.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, VAMC được thành lập theo nghị định 53 của Chính phủ và VAMC được làm rất nhiều việc trong đó có câu chuyện VAMC được mua nợ xấu và phải thực hiện việc bán nợ xấu đi. Trong hoạt động bán có hình thức bán đấu giá và VAMC có thể được ký hợp đồng bán đối với các tổ chức chuyên nghiệp hoặc là có thể tự bán.

Có một số ý kiến đề nghị không quy định về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của VAMC trong dự án luật. Ý kiến khác cho rằng việc quy định xử lý nợ xấu tại dự án luật là không phù hợp, không đảm bảo linh hoạt và đề nghị giao Chính phủ quy định về vấn đề xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.

Tránh tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội) bày tỏ quan điểm không đồng tình khi VAMC được giao như một tổ chức thực hiện việc đấu giá tài sản giống như các tổ chức khác khi bán nợ xấu. Vị đại biểu này cho rằng, khi bán tài sản thì dù là nợ xấu cũng là tài sản nhà nước nên việc bán tài sản là nợ xấu cũng phải giống như các tổ chức khác, nên VAMC cũng phải thực hiện bán tài sản nợ xấu thông qua các tổ chức đấu giá. “Nếu giao cho VAMC - cơ quan vừa quản lý tài sản nợ xấu, vừa bán nợ xấu - sẽ tạo ra sự không bình đẳng với những cơ quan quản lý tài sản khác,” đại biểu Hoàng Văn Cường quan ngại.

Xử lý nợ xấu trở thành nhu cầu bức thiết hiện nay (Ảnh minh họa: Internet)

Chia sẻ quan điểm này, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh, không nên thành lập trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản. Bởi đây là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Tư pháp. Không thể để cơ quan quản lý tài sản lại đứng ra bán tài sản được. Điều này, dẫn đến hiện tượng tự mình quản lý mình không khác gì việc vừa đá bóng vừa thổi còi, không khách quan.

Đại biểu Trần Văn Minh (đoàn Quảng Ninh) nêu quan điểm, việc quy định đấu giá nợ xấu và tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu được Ủy ban thường vụ Quốc hội đề xuất hai phương án, trong đó phương án 1 được thể hiện ngay trong Dự thảo Luật tại Mục 3, Chương IV, gồm hai điều 64 và 65 sẽ tạo được hành lang pháp lý đủ mạnh, đủ rõ và phù hợp với tình hình thực tiễn, góp phần giúp cho việc xử lý nợ xấu cũng như xử lý tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu được nhanh chóng, hiệu quả hơn.

Theo đó, việc quy định một số nguyên tắc về đấu giá nợ xấu và tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu được thực hiện theo trình tự, thủ tục phù hợp với tình hình thực tiễn xử lý nợ xấu nhưng vẫn tuân thủ các nguyên tắc quy định của Luật Đấu giá tài sản một cách công khai, minh bạch và chịu sự kiểm soát của cơ quan quản lý có thẩm quyền. Tuy nhiên, do nội dung này mới được bổ sung nên đại biểu này cho rằng, còn một số vấn đề cần được rà soát, hoàn chỉnh thêm.

Ngoài ra, đại biểu quốc hội đoàn Hà Nội cũng bày tỏ lo ngại việc quy định như trên sẽ tạo ra những tiêu cực khi ở Mục Khoản 1 Điều 53 quy định bán tài sản nợ xấu được thực hiện theo quy trình rút gọn. Theo quy định tại nội dung này, những tài sản đưa ra đấu giá lần thứ hai không thành công, sẽ được thực hiện theo quy trình rút gọn với thông báo rất ngắn, nhanh và mang tính công khai minh bạch rất kém. Điều này dễ bị lợi dụng, bởi vì bất kể một tài sản nào nếu muốn đưa vào quy trình rút gọn cũng rất dễ dàng.

Kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm khoản nợ xấu còn ý kiến khác nhau lớn. Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Ủy ban Kinh tế phối hợp với Ban thư ký của Quốc hội gửi phiếu xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về vấn đề này trước khi trình Quốc hội biểu quyết thông qua Luật. Theo dự kiến chương trình làm việc của Quốc hội, Dự thảo Luật Đấu giá tài sản được Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày 18/11 tới.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sửa quy định bán đấu giá tài sản thi hành án

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 33/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự.

Sửa quy định bán đấu giá tài sản thi hành án
Return to top