ClockThứ Sáu, 18/09/2015 07:19

Có nên gọi là Mười bản tàu?

TTH - Ca Huế có một liên khúc gồm mười bài. Đó là các bài bản theo thứ tự như sau: Phẩm tuyết, Nguyên tiêu, Hồ quảng, Liên hoàn, Bình bản, Tây mai, Kim tiền, Xuân phong, Long hổ và Tẩu mã. Mười bản này vốn có trong biểu mục - các tiết mục trình diễn - của Nhã nhạc cung đình Huế.

Biểu diễn ca Huế trên sông Hương. Ảnh: KO

Tìm hiểu quá trình hình thành, phát triển của ca Huế, chúng ta thấy, trong khi Nhã nhạc cung đình đi vào thời kỳ lụi tàn và mất đi chức năng vốn có, thì một bộ phận của nó đã được các nhạc sĩ, nghệ sĩ, nghệ nhân chuyển hoá, hoà nhập với ca Huế - một loại hình ca nhạc thính phòng truyền thống nổi tiếng của nước ta. Ca Huế, trong quá trình hình thành, phát triển đã thu hút trọn vẹn liên khúc này vào biểu mục của mình. Đây là một quá trình chuyển nhập nhuần nhuyễn, góp phần bảo vệ, giữ gìn những giá trị của âm nhạc cung đình, đồng thời mở rộng đối tượng phục vụ của mình.

Trở lại với liên khúc gồm mười bài nói trên, nó được gọi bốn tên khác nhau: Thập thủ liên hoàn, Mười bản Ngự, Mười bản Tàu và Mười bản tấu.

Lý do các tên gọi đó như sau:

- Gọi Thập thủ liên hoàn vì khi trình diễn trong Nhã nhạc cũng như trong thưởng thức ca Huế, dàn nhạc chơi một mạch liền mười bài theo thứ tự như trên. Thập thủ liên hoàn còn có tên gọi là Mười bản tấu hoặc Mười bản Ngự là bởi nó được tấu lên phục vụ cho vua trong lễ tế đàn Nam Giao và các dịp lễ ở cung đình Huế.

Đối với người thưởng thức và trình diễn ca Huế hiện nay, người ta rất ít hoà tấu một lúc cả mười bản này, mà thường chỉ kết hợp hai bài như: Phẩm tuyết- Nguyên tiêu. Thậm chí kết hợp một bài bản khác với một bài bản trong Thập thủ liên hoàn như: Lưu Thuỷ- Kim Tiền. Các soạn giả lời ca cũng ít thấy sử dụng một lúc mười bài trong liên khúc để sáng tác một tiết mục. Nhân đây cũng xin được nói thêm điệu “Phẩm tuyết”, chứ không phải có người đã gọi hoặc viết là “Phẩm tiết”.

Về lý do gọi Thập thủ liên hoànMười bản Tàu, có hai cách lý giải. Một là có nhà sử học cho rằng sứ thần nước ta đã trình tấu Thập thủ liên hoàn cho vua Thanh (Trung Hoa) nghe nên đời sau gọi là Mười bản Tàu. Cách lý giải này thật buồn cười và lạ lùng: sao âm nhạc của nước ta biểu diễn ở xứ người rồi lấy tên xứ người đặt cho âm nhạc mình?! Rõ ràng là không ổn tí nào.

Cách lý giải thứ hai, gọi liên khúc là Mười bản Tàu vì cho rằng các bản nhạc này, hay ít ra là một số bài bản trong liên khúc có nguồn gốc Trung Hoa. Theo Giáo sư - Tiến sĩ Khoa học Tô Ngọc Thanh thì một trong những lý do mà có tên gọi là Mười bản Tàu bởi có người đã cho rằng có bài liên quan đến văn hoá Trung Hoa. Cụ thể như sau: Nguyên tiêu nói về Tết Nguyên tiêu - Rằm tháng Giêng, Phẩm tuyết nói về những bông tuyết xứ lạnh, Tây mai nói về hoa mơ ở phía Tây ngôi nhà. Riêng bài Hồ quảng có người cho rằng mô phỏng hơi nhạc của vùng Hồ Nam và các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây của Trung Quốc. Lại có ý kiến cho rằng, gọi là Mười bản Tàu vì đây là Mười tiểu điệu của dân vùng Hoa Nam được triều Minh sử dụng.

Vậy tên gọi Mười bản Tàu với những lập luận như đã nêu có thoả đáng không? Chúng tôi nghĩ là không. Sự ảnh hưởng, giao thoa, trong quá trình giao lưu văn hoá, nhất là âm nhạc đối với các vùng miền trong một quốc gia và giữa các quốc gia là điều bình thường. Việt Nam và Trung Hoa là hai quốc gia láng giềng, việc cha ông ta rút tỉa tinh hoa âm nhạc của người để chuyển hoá, phát triển phù hợp với dân tộc là điều dễ hiểu. Hơn nữa, ở nước ta, âm nhạc cung đình ra đời cũng rất sớm. Theo nhà nghiên cứu Cao Huy Đỉnh năm 1025, Lý Cao Tổ đã đặt chức Quản Giáp để trông coi âm nhạc cung đình. Ngay từ đời Trần, thế kỷ XIV, trong cung đình đã có hai loại nhạc: Đại nhạc và Tiểu nhạc. Hai dàn nhạc này có ảnh hưởng của triều Minh về quan niệm vai trò của âm nhạc, về cách thức tổ chức dàn nhạc....Tuy nhiên cho đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn không tìm thấy mối liên hệ của hai nền âm nhạc cung đình Việt - Hoa qua các bài bản, biểu mục.

Thế kỷ XVII, Đào Duy Từ đã có công rất lớn trong việc xây dựng âm nhạc trong các phủ Chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Các bài bản ca Huế cũng như nhạc cung đình Huế đã được hình thành từ đây và phát triển, định hình vào thế kỷ XIX dưới thời vua Tự Đức. Về lý do bài nhạc có tên Trung Hoa, cũng theo Cao Huy Đỉnh, vua Tự Đức dè bỉu cái thói quê kệch của các ông vua Lý - Trần khi các bài hát có tên Nôm. Và Tự Đức đã yêu cầu các bài hát tên Nôm phải dịch ra chữ Hán, hoặc lấy tên chữ Hán cho tiện, và thực tế là kẻ sỹ cũng đã thường làm như vậy. Cần nhấn mạnh danh sách các bài bản ca Huế trong thời Tự Đức đã có Thập thủ liên hoàn. Như vậy, đâu phải cứ mang tên Trung Hoa là của Trung Hoa.

Đối với các điệu lý Trị Thiên ta cũng có thấy hiện tượng tương tự. Nhiều bài lý lúc đầu có tên rất mộc mạc gắn với câu mở đầu của câu ca dao mà làn điệu nương theo như lý Chuồn chuồn, lý Con sáo, lý Trăm hoa... một thời gian sau có thêm những tên chữ “sang trọng” là lý Tiểu khúc, lý Giang nam, lý Tử vi...

Chúng tôi cũng đã được tiếp xúc với nghệ nhân Lê Văn Cần, nguyên là Tổ trưởng tổ ca Huế của Đài Phát thanh Giải phóng trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cũng như được đọc tài liệu “Nền ca nhạc Trị Thiên” của ông. Nghệ nhân cho biết, khoảng năm 1955, 1956, ông và đồng nghiệp khi đó đang ở Nghệ An đã có dịp hoà tấu Thập thủ liên hoàn Lưu thuỷ - Kim tiền cho một đoàn ca nhạc Trung Quốc nghe, lúc đó họ đang biểu diễn ở Nghệ An. Các nghệ sĩ, nghệ nhân Trung Quốc đã đánh giá rất cao giá trị nghệ thuật mang đậm tính dân tộc Việt Nam của Thập thủ liên hoàn

Vì những lý do trên, chúng tôi đề nghị, để khỏi hiểu nhầm về tính chất âm nhạc, chúng ta chỉ nên gọi liên khúc với ba cái tên: Thập thủ liên hoàn, Mười bản Ngự hoặc Mười bản tấu.

Minh Khiêm
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bàn giao, đưa vào vận hành 20 xe đạp điện GCOO tại lăng Gia Long

Ngày 15/4, Công ty TNHH Gbike (Viet PM) phối hợp cùng Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế thực hiện Lễ bàn giao và đưa vào vận hành 20 xe đạp điện GCOO tại Lăng Gia Long. Đồng thời, chuyển giao công nghệ, cung cấp các dịch vụ phụ trợ như ứng dụng công nghệ chia sẻ xe đạp GCOO, sạc điện và bảo trì xe đạp điện.

Bàn giao, đưa vào vận hành 20 xe đạp điện GCOO tại lăng Gia Long
Đến bảo tàng để thêm yêu văn hóa truyền thống

Bảo tàng Mỹ thuật Huế không chỉ là không gian trưng bày các triển lãm thu hút công chúng tham quan, mà những năm qua, nơi này đã trở thành điểm đến như một trường học trải nghiệm cho các em học sinh. Không chỉ hiểu thêm về nghệ thuật như hội họa, sắp đặt…, các em còn được nhập vai để cho ra tác phẩm theo cách của riêng mình.

Đến bảo tàng để thêm yêu văn hóa truyền thống
Lòng biển

“Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Lòng biển
Return to top