ClockThứ Bảy, 09/10/2010 05:23

Có Nguyễn Tuân, Huế thêm gần Hà Nội

TTH - Với “tình đồng chí, nghĩa đồng bào”, ba thành phố tiêu biểu cho dải đất Việt “Hà Nội - Huế - Sài Gòn” luôn luôn “là cây một gốc là con một nhà”. Trong sự gắn kết ấy, trong tiến trình lịch sử ngàn năm của dân tộc, Hà Nội và Huế còn có “duyên phận” đặc biệt, do mấy trăm năm Huế đảm nhận trọng trách là kinh đô, là nơi hội tụ nhân tài của đất nước.

Chính là vì mối quan hệ đặc biệt ấy mà khoảng cách không gian Hà Nội - Huế như được thu hẹp. “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” chứ đâu phải của riêng địa phương nào. Nguyễn Tri Phương (1800-1873) vị chủ tướng tử tiết trong cuộc chiến giữ thành Hà Nội lại là người quê Phong Chương (Phong Điền, Thừa Thiên Huế); gần gũi hơn, bác sĩ Tôn Thất Tùng, nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh, NSND đạo diễn Đặng Nhật Minh… là người Huế “chính hiệu” nhưng lại thành “sao” toả sáng trên đất thủ đô Hà Nội. Ngược lại, Huế đã có vinh dự được lưu giữ biết bao nhiêu là kỷ niệm và di sản văn hoá của kẻ sĩ Bắc Hà, trong đó cỏ rất nhiều văn nghệ sĩ tên tuổi.

Trong số những văn nhân, tài tử đã góp phần làm cho Huế gần thêm Hà Nội, nhà văn Nguyễn Tuân (1910-1997) “cây tuỳ bút” bậc nhất Việt Nam đã được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật là một trường hợp đặc biệt. Tôi nghĩ trước hết đến ông vì trước thềm Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, tại Nhà Hát Lớn (Hà Nội), lễ kỷ niệm 100 năm sinh của ông đã được tổ chức long trọng. Ông là người Hà Nội “chính hiệu”, quê thôn Thượng Đình, xã Nhân Mục, quận Thanh Xuân, từ đời sống riêng cho đến mỗi trang viết đều in đậm dấu ấn, phong cách của con người thủ đô thanh lịch và hào hoa. Chỉ riêng tập tuỳ bút “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi” đã làm ông “Sống mãi với Thủ đô”…
 
Từ Huế, tôi nhớ đến ông trong những ngày đại lễ này còn vì ông đã dành cho Huế một tình cảm đặc biệt. Trước mắt tôi là cuốn sách “Trò chuyện với nhà văn Nguyễn Tuân” của nhà văn Ngọc Trai (NXB Hội Nhà văn, 2010), cuốn sách là tặng phẩm cho 600 đại biểu dự lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông. Với một nhà văn lẫy lừng như Nguyễn Tuân, sống giữa Thủ đô Hà Nội, bao nhiêu cây bút tên tuổi, vô số nhà phê bình, nghiên cứu văn học đều muốn được hỏi chuyện ông, viết về ông; vậy mà ông đã tin cậy trao gửi những kỷ niệm sâu sắc và sinh động nhất trong cuộc đời mình cho nhà văn “Tôn thất” gốc Huế Ngọc Trai! 
 
Chúng ta có thể tìm được “lý do” điều đó qua chính những dòng tâm sự của cụ Nguyễn, khi chị Ngọc Trai hỏi: “Trong tác phẩm của bác, người đọc bắt gặp thấp thoáng nhiều ngôn ngữ, thậm chí cốt cách Huế, xin bác nói cho đôi điều…”; nhà văn Nguyễn Tuân đã trả lời:“Tôi vấn vương với Huế vì đã nhiều thời kỳ sống ở Huế. Hồi nhỏ, tôi đã ở Huế, thầy tôi làm ký lục ở Tam Toà, nhà bên Gia Hội. Thầy tôi hay đi đây đi đó, đi đò trên sông Hương, lên Tuần, về chợ Dinh… lúc nào cũng dắt tôi đi theo; thế là những hình ảnh điện Hồn Chén, chùa Thiên Mụ, chùa Diệu Đế bốn lầu ba chuông nhập vào mình lúc nào không biết. Xin lộ một điều này nữa: Ông nội tôi có mấy bà, trong đó có một bà người Huế. Thầy tôi, cụ Tú Hải Văn, chính là con bà Huế đó. Như vậy, Huế là quê ngoại của thầy tôi. Chắc là tôi có được thừa hưởng ít nhiều máu Huế đó… Thầy tôi lại còn đèo bòng thêm một bà Huế. Vì vậy, sau này về hưu, thỉnh thoảng thầy tôi vẫn trở lại Huế và thường dẫn tôi theo. Tôi còn bé nhưng dường như cũng có thông đồng với ông cụ trong chuyện này… ”
 

Nhà văn Nguyễn Tuân (giữa) với các nhà văn xứ Huế.

Thế đó, cụ Nguyễn nói thật hết với cái giọng hóm hỉnh rất “Nguyễn”. Vì thế, đọc cuốn sách chúng ta như đang thấy cụ điệu đàng nhấp chén rượu, nheo mắt cười. Cụ kể hết, từ cái thời cụ còn mê mải bên “bàn đèn” thuốc phiện cùng bạn hát “ả đào”, đến những ngày cụ đội bom đạn B.52 Mỹ, đạp xe đến các chiến hào, rồi trèo lên đỉnh Phăng-xi-păng để viết nên những trang tuyệt bút…Nghĩa là đủ mọi cung bậc tình cảm được “diễn viên” Nguyễn Tuân thể hiện chân thật 100% chứ không hề đóng kịch.
 
Đúng là Huế đã “nhập” vào Nguyễn Tuân đến cả hồn cốt. Vì thế, sau ngày đất thống nhất, bác trở lại Huế rất nhiều lần, dành cho Huế - trong đó có văn nghệ sĩ Huế mối tình cảm đặc biệt. Với riêng tôi, do công việc của Tạp chí Sông Hương, tôi đã có may mắn được gặp bác nhiều lần. Trước ngày bác đi xa một tháng, tôi lại có dịp bước lên những bậc cầu thang nhỏ trong căn hộ bên đường Trần Hưng Đạo, quãng đối diện phố Yết Kiêu. Tôi đến xin bác một bài, một vài dòng cũng được, để in vào số chuyên đề “Văn hóa du lịch”. Nét mặt bác vẫn hồng hào và cặp mắt, đôi môi chúm chím nụ cười thật hóm. Biết tôi không hay rượu, bác lấy cốc thủy tinh nhỏ rót rượu mơ cho tôi, rồi lấy giấy bút, định viết luôn vài dòng cho ”Sông Hương”. Bác ngẫm nghĩ, nhìn đâu rất xa về phía cửa sổ, đặt bút viết mấy chữ, rồi dừng lại bảo tôi :
- Này, mình định viết thế này, các ông có dám đăng không ? Giả sử mất Huế đi..., ừ, cứ giả sử thế ...
- Xin bác cứ viết. Phản đề nhiều khi rất có tác dụng.
Bác lại viết, rồi sửa, nhưng tôi nghĩ, ngồi chờ lấy bài “tức thì” thế này thì “ép” quá, nên hẹn bác sẽ trở lại vào một ngày khác. Bác hỏi kỹ ngày giờ, ghi lên tờ giấy mà bác vừa phác mấy dòng, ghi cả đề nghị của tôi “viết ngắn, vui, ngồ ngộ”, rồi vẫn với nụ cười chúm chím, bác nói :
- Ừ, mình sẽ cố viết cho vui, ngồ ngộ. Không biết ông nghĩ thế nào, chứ mình thấy văn chương của ta gần đây nghiêm quá. Dân tộc mình có cả kho tiếu lâm, giai thoại. Trong văn chương, có khi nói vui, chơi chơi thôi mà hiệu quả hơn một anh nghiêm chỉnh...
 
Bác nói “chơi chơi” vậy, mà tôi thoáng giật thột, chợt nghĩ lại những trang viết của mình...
 
Mấy hôm sau, đúng hẹn, tôi đến. Bác đã viết cái “phản đề” trên thành một câu chuyện ngắn hai trang với đầu đề: "Huế, một kinh đô đổi ngôi”. Tôi cầm hai trang bản thảo và xin bác cả trang giấy bác thảo câu mở đầu với mấy dòng tùy hứng ngang dọc, ở giữa có chữ “Sông Hương” khá to với lối viết tắt đẹp như một bức tranh. Không ngờ đây là một trong những trang viết cuối cùng của bác... về những ác mộng MẤT con sông Hương, MẤT Huế." Tôi còn nhớ bác gạch dưới chữ “mất”. Cơn ác mộng nghe qua như là phi lý, nhưng ngẫm kỹ đó là lời cảnh báo cần thiết không chỉ đối với Huế mà với tất cả những nơi có may mắn lưu giữ được di sản văn hóa của dân tộc.
 
Trên hành tinh này đã có biết bao cố đô bị tiêu hủy, biết bao di tích quý giá lụi tàn. Và thời gian qua, Huế cũng như Hà Nội, cuộc đấu tranh để gìn giữ những di sản văn hóa dân tộc, để không đánh MẤT mình quả là không đơn giản. Những công trình ngạo ngược quanh hồ Gươm, những khối bê tông đồ sộ dự tính lấn đôi bờ sông Hương, phải qua đấu tranh gay go, mới được loại bỏ…
 
Vậy đó, với Nguyễn Tuân, Hà Nội-Huế gần gũi đến độ như “phải lòng” nhau. Và thật lạ kỳ, đến lúc phải từ biệt thế giới này, nhà văn tài hoa vào loại bậc nhất đất Việt như cũng chọn dịp gặp những người bạn Huế để “chia tay”. Chỉ 40 giờ đồng hồ trước khi đi vào cõi vĩnh hằng, sau khi dự triển lãm tranh của hai hoạ sĩ Huế là Bửu Chỉ và Hoàng Đăng Nhuận tại Trụ sở Hội LHVHNT Hà Nội, 19 Hàng Buồm, nhà văn Nguyễn Tuân bàn với chị Ngọc Trai tổ chức một cuộc gặp gỡ thân mật với một số anh chị em người Huế tại “Quán Huế” số 6 Lý Thường Kiệt. 40 giờ sau đêm vui với bạn bè Huế ấy, nhà văn thanh thản bay lên cõi tiên…
 
1000 năm Thăng Long-Hà Nội, 100 năm Nguyễn Tuân. Nhớ đến cây đại thụ của văn đàn đất Việt luôn “xê dịch” giữa Hà Nội-Huế, từng gắn bó với Huế, bỗng cảm thấy Huế thật gần với Thủ đô, hơn thế, như đang sống giữa lòng Hà Nội lộng lẫy cờ hoa…
 
Nguyễn Khắc Phê
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia

Nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin – Truyền thông, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức chuỗi sự kiện chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia
Return to top