ClockChủ Nhật, 13/05/2018 07:53

Có những thứ phí là để tạo công bằng

TTH - Gần đây, trên một số tờ báo xuất hiện những tin tức đại ý thế này: Nuôi bò thả đồng cũng phải đóng thuế; nuôi vịt thả đồng cũng phải đóng phí… và kèm theo nhiều bình luận. Mới đọc lướt qua những tin tức như thế, rất dễ gợn lên trong người đọc về những cách hành xử không mấy tốt đẹp của chính quyền địa phương, cụ thể ở đây là chính quyền cấp xã.

Bán hàng qua mạng giá trên 1 triệu đồng sẽ phải nộp thuế?Chống thất thu, nợ đọng thuế

Nhưng rồi ngẫm nghĩ, xem xét ở nhiều góc độ, chúng ta sẽ thấy bản chất của vấn đề đôi khi không phải vậy. Thu thuế hay phí là bản chất của quản lý nhà nước. Vấn đề là nó có hợp lý hay không; có được hệ thống pháp lý (gồm luật và các qui định mang tính chất luật) cho phép hay không; thu phí rồi có sử dụng đúng mục đích và sử dụng một cách hiệu quả hay không. Người dân sống ở thành phố, anh giàu hay nghèo, anh sử dụng nước, xả nước thải, rác thải nhiều hay ít cũng đều đóng chung một loại phí là phí bảo vệ môi trường. Điều này là hợp lý.

Có những thứ chúng ta thấy không hợp lý: Ví dụ sử dụng vỉa hè. Vỉa hè là không gian công cộng. Đáng lý nó phải được sử dụng cho mục đích công cộng. Tuy nhiên trong hoàn cảnh quản lý như hiện tại, nhiều không gian công cộng bị chiếm dụng cho mục đích riêng. Sự chiếm dụng này có sinh ra tiền không? Chắc chắn là có. Cứ nhìn vào giá thuê mặt bằng đắt đỏ ở thành phố, ở những nơi trung tâm có điều kiện kinh doanh sinh lợi thì sẽ rõ. Ai được lợi? Người chiếm dụng được lợi. Và ai bị thiệt? Người bị thiệt chính là cộng đồng. Để làm không ai bị thiệt, không ai chiếm dụng của ai… góp phần giữ gìn tốt trật tự đô thị, đấy chính là chức năng quản lý nhà nước của chính quyền.

Trở lại vấn đề thu phí (tạm gọi là phí chăn thả đồng ruộng) như vừa nêu. Trước tiên, có lẽ bất kỳ ai trong chúng ta cũng đều thấy người nông dân là người khổ cực và chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội. Điều này là lẽ đương nhiên trong điều kiện của đất nước chúng ta: Nông dân làm ăn nhỏ lẻ, sống phân tán, nông nghiệp còn tương đối lạc hậu nên tỷ suất lợi nhuận sinh ra rất thấp. Ví dụ như đầu tư một công trình hạ tầng nào đó, với điều kiện dân sống phân tán thì suất đầu tư sẽ tương đối cao (nếu đặt trong điều kiện qui mô và chất lượng công trình như là đầu tư ở một vùng tập trung đông dân cư). Trong điều kiện như vậy, làm sao để đầu tư cho vùng nông thôn để người nông dân đỡ thiệt thòi cũng là chức năng của Nhà nước.

Chúng ta cứ đặt vài giả thuyết như thế này thì sẽ rõ hơn vấn đề thu phí. Ví dụ như trên một đồng ruộng rộng 50 ha, chỉ một hộ chăn nuôi vịt thì có lẽ không có gì để bàn. Nhưng có hai hộ chăn nuôi thì sẽ phân chia như thế nào? Đó là chưa nói giả sử như có 10 hộ hoặc nhiều hơn nữa thì sẽ như thế nào? Nó sẽ phát sinh vấn đề phân chia địa bàn và quản lý. Ai làm điều này, chỉ có chính quyền địa phương. Một câu hỏi khác, đồng ruộng để trống sau khi thu hoạch có sinh ra lợi nhuận không? Câu trả lời là có. Đó là lúa rơi lúa rụng, con ốc con nhái và các loại phù du là thức ăn bổ sung cho vịt. Nếu cái lợi này không được quản lý tốt sẽ sinh ra mất công bằng và có khi là ảnh hưởng đến trật tự xã hội khi có sinh ra tranh chấp. Để giải quyết tốt điều này, cách tương đối hợp lý là thu phí. Mức phí này phải hợp lý, đưa ra đấu giá công khai, phải được quản lý và sử dụng đúng mục đích để phục vụ lợi ích cộng đồng. Ví dụ như tôn tạo những con đường dẫn ra đồng ruộng, để mỗi khi thu hoạch lúa người nông dân vận chuyển thuận tiện hơn. Đến đây thì chúng ta thấy rằng, thu phí cũng có cái lý của nó.

Xin nhắc lại rằng: mức phí phải hợp lý; đấu thầu công khai; sử dụng công khai, đúng mục đích và hiệu quả. Làm sao để hài hòa hai quyền lợi của cá nhân người sử dụng và cộng đồng.

Một khía cạnh nữa cần giải quyết. Phí dù có hợp lý đến đâu chăng nữa cũng phải dựa vào một căn cứ pháp lý nào đó. Nói cách khác là phí phải có cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy định. Ví dụ như loại phí nêu trên, chưa có văn bản quy định của cấp có thẩm quyền thì chưa nên thu, thu là trái phép. Để được thu những loại phí như thế này, chính quyền cấp xã phải bàn thấu đáo với dân và kiến nghị với cấp có thẩm quyền ra văn bản quy định trước khi thực thi. Làm được như vậy, sẽ hài hòa được các lợi ích. Và ở khía cạnh nào đó cũng góp phần quản lý xã hội tốt hơn, phát huy được vai trò quản lý nhà nước ở cơ sở.

NGUYÊN LÊ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đảo Jeju - Hàn Quốc cân nhắc áp đặt phí du lịch

Với bầu trời trong xanh, triền hoa cải dầu và những con đường bất tận trải dài ven biển, đảo Jeju ở Hàn Quốc từ lâu đã được mệnh danh là “Hawaii của châu Á” và là một điểm đến nghỉ dưỡng ngày càng phổ biến đối với du khách trong và ngoài nước. Nhưng sự bùng nổ du lịch cũng đi kèm với một cái giá phải trả: Quá tải rác và nước thải.

Đảo Jeju - Hàn Quốc cân nhắc áp đặt phí du lịch
Mạng lưới vận tải hành khách đường bộ cố định liên tỉnh có thêm 23 tuyến mới

Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản gửi Cục Đường bộ Việt Nam; Sở Giao thông Vận tải các tỉnh: Thừa Thiên Huế, Gia Lai, Hải Phòng, Lai Châu, Ninh Bình, Lào Cai, Bắc Ninh, Sơn La, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Hải Dương, Bình Định, Khánh Hòa, Hà Nam, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ về việc cập nhật, bổ sung vào danh mục mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ toàn quốc.

Mạng lưới vận tải hành khách đường bộ cố định liên tỉnh có thêm 23 tuyến mới
Return to top