ClockThứ Hai, 19/07/2021 06:45

Cổ phần hóa ngành nước và câu chuyện “được - mất”

TTH - Bứt phá toàn diện cả về “lượng” và “chất” là kết quả của những nỗ lực sau gần 4 năm cổ phần hóa doanh nghiệp (CPH DN) nhà nước tại Công ty CP Cấp nước Thừa Thiên Huế (HueWACO).

Ông Trương Công Nam vinh dự được bình chọn là lãnh đạo tiêu biểu châu Á - Thái Bình Dương năm 2021 (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19)

Tạo đà

CPH DN nhà nước là một chủ trương lớn và đúng đắn trong nhiều năm qua, nhằm mục đích chuyển đổi sở hữu vốn, thay đổi phương thức quản trị DN và là đòn bẩy cho sự phát triển của các DN nhà nước. Sau 30 năm thực hiện, CPH và thoái vốn nhà nước đã mang lại cho nhà nước trên 300 nghìn tỷ đồng, tạo nguồn lực lớn cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, các DN ngoài quốc doanh đóng góp 42% GDP, đạt hiệu quả gấp 1,5 lần so với trước đây. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn rất thấp, chỉ đạt 28% số DN trên toàn quốc.

Riêng đối với ngành cấp nước toàn quốc, sau CPH đã ghi nhận những chuyển biến tích cực. Theo số liệu tổng hợp từ 300 DN trên toàn quốc sau hơn 15 năm thực hiện CPH cho thấy tỷ lệ cấp nước đạt 78,5%, tăng 46,5%; doanh thu tăng 30%; lợi nhuận tăng 40,73%; nộp ngân sách tăng 32,42% so với năm 2005.

Không ngoại lệ, đầu năm 2017, HueWACO chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, tạo bước ngoặt mới trong tiến trình xây dựng và phát triển khi giờ đây 100% người lao động đã trở thành cổ đông của công ty.

Khi “cái khó không bó cái khôn”

Thời gian đầu, khi mới chuyển sang mô hình công ty cổ phần, HueWACO đã gặp không ít khó khăn. Ông Trương Công Hân, Tổng Giám đốc HueWACO nhớ lại, hầu hết CBCNV công ty đều vay ngân hàng để mua cổ phần, lãi suất ngân hàng cao hơn cổ tức dự kiến (lãi suất vay 2 năm đầu là 8,5 và hiện nay là 10,5%/năm, CBCNV phải bù lỗ 2-3%/năm) nên việc đảm bảo hiệu quả đầu tư cho người lao động là điều không hề dễ dàng, nhất là trong thời điểm HueWACO chuẩn bị thực hiện Dự án cấp nước tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 1 (2011-2020) từ nguồn vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) 35,16 triệu USD.

Lúc bấy giờ, HueWACO đã quyết định không vay 53 triệu USD (1.220 tỷ đồng) từ nguồn vay không có bảo lãnh chính phủ của Cơ quan phát triển Pháp AFD để thực hiện dự án giai đoạn 2 (2017- 2020). Theo đó, quyết định điều chỉnh kế hoạch thực hiện dự án, sử dụng nguồn vốn phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) 260 tỷ đồng và vốn khấu hao cơ bản để đầu tư xây dựng NMN Vạn Niên công suất 120.000m3/ngđ (giai đoạn 1: 60.000m3/ngđ) với công nghệ tiên tiến, hiện đại, mang tính chiến lược, tiết kiệm hơn 800 tỷ đồng so với phương án vay vốn nước ngoài, giảm áp lực trả nợ và điều chỉnh giá nước sạch.

Ông Hân thông tin, nếu đầu tư toàn bộ hạng mục thuộc giai đoạn 2 của dự án ADB với tổng mức đầu tư 60 triệu USD (khoảng 1.400 tỷ đồng) thì giá nước sạch bình quân giai đoạn 2017- 2030 sẽ là 17.697 đồng (gấp 1,74 lần so với giá nước bình quân hiện nay), ảnh hưởng đến khả năng chi trả của người dân.

Sau khi hoàn thành NM Vạn Niên sẽ cấp nước an toàn và ngon cho 72% dân số toàn tỉnh, với khoảng 811.000 người dân TP. Huế và vùng phụ cận, góp phần giãn tiến độ đầu tư NM Hương Vân, Lộc Bổn với tổng mức đầu tư 500 tỷ đồng.

Thi công tuyến DN355 HDPE vượt phá Tam Giang đoạn qua xã Vinh Xuân (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19)

Bên cạnh đó, để “cái khó không bó cái khôn”, HueWACO đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả SXKD. Theo đó, phân cấp, phân quyền, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, tạo chuyển biến trong nhận thức, hành động và đổi mới tư duy trong toàn thể CBCNV.

Ngay sau CPH, Đảng ủy, Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc, ban kiểm soát và các cổ đông đã phát huy tốt vai trò trách nhiệm, dân chủ và phát huy trí tuệ tập thể để quản lý hiệu quả SXKD. Theo đó, HueWACO đã tái cơ cấu tinh gọn bộ máy, giảm 49 CBCNV, trong đó, sáp nhập 8 phòng ban, giảm 27 cán bộ gián tiếp, 22 CBCNV nghỉ việc theo chế độ khi CPH. Đồng thời, áp dụng chế độ giao việc và báo cáo công việc theo ngày, tuần và trả lương theo hiệu quả công việc. Với phương châm CBCNV kiêm nhiệm nhiều vị trí “giỏi một việc, biết nhiều việc” thông qua việc đẩy mạnh công tác đào tạo, vì vậy, tuy số lao động giảm nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả công việc, năng suất lao động nâng cao, chỉ tiêu số nhân viên/1.000 đấu nối hiện nay của HueWACO là 1,73 (bình quân cả nước là 7,6). Nhờ vậy, tiết kiệm chi phí tiền lương 7,05 tỷ đồng/năm.

Tăng cường quản trị chi phí bằng việc thực hiện ký hợp đồng giao khoán, khoán lương, khoán chi phí cho các bộ phận; chú trọng công tác quản lý tài sản tổng thể, đảm bảo hiệu quả tối ưu theo vòng đời. Đồng thời, HueWACO không ngừng nghiên cứu, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, xem khoa học công nghệ là yếu tố then chốt, là nguồn lực mạnh mẽ, trực tiếp.

HueWACO đã có hàng trăm sáng kiến cải tiến kỹ thuật, đặc biệt, đã nghiên cứu, tham dự thi và nhận được nhiều giải thưởng danh giá trong các cuộc thi sáng tạo kỹ thuật, giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ, trong đó đạt 13 giải thưởng Trung ương và 25 giải cao của tỉnh. Riêng trong 4 năm (2017-2020), HueWACO đã nghiên cứu thành công 10 đề tài có giá trị thực tiễn cao, làm lợi cho Nhà nước hàng trăm tỷ đồng.

Đỉnh cao là xây dựng NMN Vạn Niên công suất 120.000/ngày đêm (giai đoạn 1: 60.000m3/ngày đêm) áp dụng nhiều đề tài KHCN do HueWACO nghiên cứu như công trình bể lắng lọc thông minh chất lượng cao thân thiện với môi trường; chế tạo máy sản xuất javel; công trình chống lũ, chống cát; thiết bị chống rác, con hà và phao chắn dầu… Đặc biệt, bể lọc tiếp xúc sinh học (uBCF) công nghệ cao xử lý được các chất hữu cơ, rong tảo, màu, mùi, nitrit, nitrat, amoni… Đây là công nghệ xử lý nước hiện đại mà công ty đã dày công nghiên cứu trong 5 năm với chi phí thấp chỉ 48 tỷ đồng với công suất 120.000m3/ngày đêm - bể lọc uBCF lớn nhất Việt Nam hiện nay,  tiết kiệm chi phí, làm lợi hơn 500 tỷ đồng. Điểm sáng tạo của HueWACO là thiết kế xây dựng bể lọc uBCF đặt sau bể lắng thông minh sở hữu trí tuệ của HueWACO, giúp xử lý nước hiệu quả hơn, ổn định hơn, ngay cả khi lũ lụt làm độ đục nguồn nước tăng lên đột biến.

 Áp dụng đồng bộ hai đỉnh cao công nghệ “bể lắng lọc thông minh, chất lượng cao, thân thiện môi trường” và “bể lọc tiếp xúc sinh học” tại nhà máy nước sạch Vạn Niên 3 giúp độ đục sau xử lý đạt 0,02 NTU, thấp hơn tiêu chuẩn quy định của Bộ Y tế 100 lần; Fe thấp hơn 30 lần và Mn thấp hơn 300 lần. Đặc biệt, xử lý được các chất hữu cơ, chất lượng nước an toàn và ngon ngang tầm với châu Âu và Nhật Bản.

Tối đa hóa lợi ích

Không khó để lý giải khi các DN CPH nỗ lực thực hiện phương châm “đầu tư tiết kiệm, giảm chi phí” bởi phải làm sao để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa cổ đông, người lao động và cộng đồng. Theo đó, Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc, ban kiểm soát và các cổ đông đã phát huy tốt vai trò trách nhiệm và trí tuệ tập thể.

Nhờ vậy, sau CPH tại HueWACO, sản lượng tăng 8,69 triệu m3 (19,02%); tổng doanh thu tăng 141,71 tỷ đồng (31,9%), đặc biệt nộp ngân sách tương ứng với cổ tức của phần vốn nhà nước tại công ty cổ phần tăng 115 tỷ đồng, gấp 4,1 lần so với năm 2016; lợi nhuận tăng từ 20,71 tỷ đồng lên 95,38 tỷ đồng/năm (tăng 4,6 lần). Trước CPH, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu chỉ 2%, đến nay, tỷ lệ chi trả cổ tức tăng đều qua các năm, tăng 3,7 lần so với trước CPH (năm 2017: 5,75%, năm 2018: 6,5%; năm 2019: 8,02% và năm 2020: 8,75%). Đặc biệt, trình độ nguồn nhân lực được nâng tầm với đội ngũ công nhân lành nghề, chuyên nghiệp; 17 cán bộ có trình độ thạc sĩ, trong đó, có 2 thạc sĩ chuyên ngành cấp thoát nước được đào tạo tại Pháp và 172 CBCNV có trình độ đại học, trong đó có 15 kỹ sư cấp nước. Nhờ vậy, vốn công ty không những được bảo toàn mà còn đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của HueWACO. Đồng thời, HueWACO đã bổ sung ngành nghề kinh doanh, theo đó, góp phần giải quyết việc làm cho gần 200 lao động nhàn rỗi tại tỉnh nhà.

Hiện nay, số đấu nối tăng hơn 45.000 (18,7%), diện cấp nước mở rộng toàn tỉnh không chỉ ở đô thị mà còn vươn xa đến nông thôn, miền núi với hơn 5.100km đường ống, đã cấp nước an toàn cho hơn 93% (tăng 11% tương ứng 200.000 dân so với năm 2016) dân số toàn tỉnh với hơn 1 triệu dân và mang đến cho khách hàng nhiều trải nghiệm về chất lượng dịch vụ hoàn hảo.

Có được những kết quả trên là sự nỗ lực không ngừng của HueWACO trong những năm qua. Tuy nhiên, để đảm bảo cấp nước an toàn (CNAT), an ninh nước (ANN) toàn tỉnh, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững hiện vẫn đang là “bài toán khó” do chi phí đầu tư rất lớn nhưng nguồn vốn còn hạn chế. Trong khi đó, giá nước sạch bình quân  tại Thừa Thiên Huế vẫn chưa được tính đúng, tính đủ và ở mức thấp so với các tỉnh, thành khác trên cả nước, ảnh hưởng đến nguồn lực, chi phí và chất lượng dịch vụ để đảm bảo CNAT- ANN cho 100% dân số toàn tỉnh theo Nghị quyết 54 của Bộ chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế.

Hiện tiêu chí phân loại DN nhà nước, DN có vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ một lần nữa khẳng định tính nhất quán và chủ trương đúng đắn trong CPH DN nhà nước. Qua đó, sẽ là “lời giải” cho việc đảm bảo CNAT- ANN và phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp như hiện nay.

Bài ảnh: Hoàng Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xúc động câu chuyện của người con xứ Huế được gặp Bác Hồ

Những ngày bước sang thu, trời Huế bớt oi nóng và dịu nhiệt hơn. Chúng tôi những người làm việc ở bảo tàng mang tên Bác tại Huế, trong chuyến thực hiện đề tài “Nghiên cứu, thống kê, sưu tầm các loại hình di sản văn hóa phi vật thể về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế” tại huyện Phú Lộc, may mắn gặp được bác Lê Đình Thông - người đã từng gặp Bác Hồ. Bác Lê Đình Thông, hiện đang sống ở thị trấn Phú Lộc. Năm nay, bác đã gần chín mươi rồi nhưng vẫn còn khỏe mạnh, lanh lợi và rất minh mẫn.

Xúc động câu chuyện của người con xứ Huế được gặp Bác Hồ
Return to top