ClockThứ Năm, 27/10/2016 14:27

Cổ thụ rời làng ra phố

TTH - Đến nhà một người quen chơi, thấy trước sân có một cây đại thụ thân to đã bị cắt hết cành, trơ lại cái gốc và 3 nhánh sừng sững.

Tò mò hỏi cây gì thì anh cho hay đó là cây vối (hay còn gọi là cây bội) vừa mua từ một nơi xa về với giá gần chục triệu đồng. Chủ  nhân cây bội khoe, đây là loại cây cảnh đang được dân chơi ưa chuộng. Nó là cây thuốc quý, hoa và lá uống tốt cho sức khỏe. Trồng cây này trong nhà vừa đẹp, vừa tiện. Khi cây ra lá, ra hoa chỉ cần nhón tay là có ấm nước tươi.

Trong khu vườn rộng, ngoài cây bội mới được đưa về, chủ nhân còn sưu tập nhiều loại cây cây cảnh, từ sanh, sứ cho đến lộc vừng. Ngắm nghía những cây đại cảnh bề thế, chủ nhà hào hứng kể về lai lịch của cây. Có cây được đào bới từ tận làng quê xa, có cây phải cẩu tận trên núi. Có cây phải huy động cả chục người, đùng xe múc, xe cẩu mới bứng về được...

Mới đây có dịp về quê chạp mộ, mấy anh em rủ nhau ra bến nước chơi. Bến nước xưa có cái đình xây từ thời xa xưa, có cây sanh cổ thụ tỏa bóng. Hồi nhỏ, chúng tôi thường theo ba xuôi thuyền băng qua sông để qua rú. Khi ấy rú còn rậm rạp, cây cối um tùm, nhiều sản vật. Mỗi lần thuyền cập bến đình, mọi người ngả nón hóng mát, trò chuyện. Nay, cây sanh không còn, nghe nói được bán đã lâu cho một tay chơi cây cảnh ngoại tỉnh. Người ta dùng xe cẩu trốc cây, để lại khoảng nắng chói chang. Vắng bóng cây, ngôi đình trơ trọi, không còn vẻ thâm u cổ kính. “Trước thì cây sanh, rồi đến lộc vừng. Chừ thì người ta lùng mua cây bội. Có bao nhiêu cây cổ thụ đều mất rồi”, một cụ già trong làng than thở.

Xuôi dọc bờ sông quê, đúng là những cây cao bóng cả của làng đã thưa vắng. Nhiều chỗ, cây bị đào bới để lại từng cái hố sâu, rộng.

Khi người ta có tiền, có điều kiện, thường thích sưu tầm những cái gì quý hiếm, cao sang. Và cây cổ là một thứ. Nhiều người xây biệt phủ, nhà vườn, biệt thự lại thích những cây sứ cổ, bội cổ, khế cổ... bề thế hàng trăm năm tuổi. Bỏ tiền, bỏ  công đào bới cây về nhà, làm của riêng mà không hay, cái thú làm sang ấy lại khiến cây cổ “chảy máu”. Cây cảnh cổ thụ bị bứng đi, để lại khoảng trống cho làng và những vết thương lâu dài cho môi trường.

Nhật Nguyên 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ chân nhân lực

Để giải quyết bài toán thiếu giáo viên, ngành giáo dục đang kiến nghị Trung ương tăng chỉ tiêu biên chế.

Giữ chân nhân lực
Tự soi, tự sửa

Hướng dẫn yêu cầu việc triển khai phải gắn với thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Tự soi, tự sửa
Tiết kiệm từ lẵng hoa

Đã thành thông lệ, vào những dịp lễ, kỷ niệm; các đại hội, hội nghị…, hoa là hiện vật không thể thiếu.

Tiết kiệm từ lẵng hoa
Rào cản nhận thức

Đơn cử là một tồn tại lưu cữu tại chợ Đông Ba lâu nay. Là địa chỉ mua bán lớn của TP. Huế và cả tỉnh...

Rào cản nhận thức
Bác tổ trưởng

Từ khi dịch COVID-19 bùng phát, bác tổ trưởng tổ dân phố của chúng tôi ngày nào cũng bận bịu.

Bác tổ trưởng
Return to top