ClockThứ Năm, 23/06/2011 13:47

Cõi riêng

TTH - Một người bạn đi xa về hẹn gặp ở một góc quán nhỏ mái lợp tôn, bên trong chừng dăm bộ bàn ghế rất cũ được kê thành những góc riêng độc lập. Mỗi góc một thế giới riêng với bình huệ tây tĩnh lặng trên bàn, thêm bức tranh của một sinh viên mỹ thuật nào đó treo ở tường đập vào mắt một khoảng không gian ám ảnh. Ánh đèn tỏa rất chừng mực, chỉ đủ hắt bóng lên tường như muốn khắc họa nhân gian. Và âm nhạc dìu dặt “Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ…”

Huế của những ngày thực sự bước vào thời đại thông tin không nhiều những không gian riêng như vậy. Cũng đúng thôi, cái “mốt” của một thời này đã bị lau chùi, khó tìm ra dấu vết qua nhiều lần cách tân. Lớp trẻ thường thích những điều mới mẻ, và họ đã miệt mài khám phá. Đôi lúc do quá mê mải, tuổi trẻ đã vô tình bỏ qua những giá trị có thể gọi là vĩnh hằng. Sự vĩnh hằng tạo dựng thành một cõi riêng của một vùng đất, một dân tộc, một tâm hồn. Đó cũng có thể tiềm ẩn rất giản đơn trong một tà áo tím, chiều nào vô tình đi ngang qua Đại Nội. Trong cái vẻ u uẩn ngàn năm của thành quách, một chấm tím tươi nồng điểm xuyết bởi chính dáng vẻ thanh tân của một “xử nữ” đã tạo thành một sự kết hợp tuyệt vời của cổ điển và hiện đại, của cũ và mới, già và trẻ, thâm trầm và sống động… Một giá trị vĩnh hằng chưa thể gọi nổi thành tên.

Có những đêm, trong đôi quán nhỏ ven đường, người ta lại nghe những bản nhạc phát ra từ cái máy quay đĩa cổ xưa. Tràn ngập một không gian Trịnh Công Sơn. Giọng Khánh Ly thể hiện tâm sự của những bản tình ca với độ vô biên của các cung bậc. Chỉ là những điều rất giản đơn về tình yêu, về cuộc đời, về thân phận… cứ lan tỏa cùng khói sương đêm bay trầm tư bên dòng Hương Giang lặng lẽ. Hương ngọc lan từ vườn nhà ai vừa thả tạo cho con đường một mùi nhớ rất sâu, rất lâu thành cõi riêng của thành phố. Không gian của Huế hẹp nhưng chiều sâu lại hun hút vô cùng, như chính tính cách Huế, con người Huế. Bởi vậy, nó là nơi “trú ẩn” tuyệt cùng cho thứ gọi là “văn hóa Trịnh Công Sơn” với những hơi thở thẳm sâu của tình yêu, tình đồng loại.
Dường như không biết bắt đầu từ đâu, chiếc đĩa hát cũ kỹ chuyển sang một bài khác: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng…”. Để làm gì? Thành phố rồi sẽ cũ đi mà cuộc đời phải mới hơn. Những điều xưa rồi sẽ trở thành cổ, nhường đường cho bao nhiêu cái mới, cái tân thời. Nhưng “một tấm lòng” liệu có phải nằm trong quy luật đó không? Hàng thập niên cuối của thế kỷ trước, thành phố đã trỗi lên khúc nhạc của trái tim, về một tấm lòng, một niềm hạnh phúc có được trong cuộc sống, dù nhỏ nhoi. Và bây giờ, thành phố vẫn hoài mang “một tấm lòng”, dẫu khiêm cung ở một chốn nào đó, vẫn là nơi đi về của biết bao trái tim đa mang với cuộc đời. Nơi ấy là cõi riêng.
Khó có thể gọi tên, khó lòng hình dung nổi, và có nhớ cũng không biết nhớ gì, bắt đầu từ đâu nhưng trong tâm khảm đã tự biết rằng, chốn nầy vẫn là một phần của Huế, những cơn mưa dằng dai dấm dứt, của những vóc hạc mình mai của những nỗi nhớ trong chiều bãng lãng xa quê, của một cây ngô đồng cô đơn đắm mình trong thành nội khi nghe lá trở mình đã hết mình làm cái công việc “thiên hạ cộng tri thu” cho toàn nhân gian, và hình như còn là của nhiều thứ nữa, trong đó còn có chân dung của những cặp tình nhân.
Không thể gọi tên, không làm sao chỉ ra một nơi nào cũ thể, dù biết rằng khi giữa khuya về lại trong thành phố, một mùi hương Tôn nữ, một màu hoa rộ lên ở nẻo nào, và tiếng hát của Khánh Ly mang mang tâm sự của chàng trai hào hoa đa tình họ Trịnh len vào thấm đẫm. Đó là nơi thật tình của thành phố đã thành cõi riêng của chính trái tim mình.
Đông Hà
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

220 năm quốc hiệu Việt Nam

“220 năm quốc hiệu Việt Nam – những chặng đường lịch sử (1804-2024)” là chủ đề cuộc hội thảo khoa học do Hội Khoa học Lịch sử tỉnh tổ chức, diễn ra sáng 23/4 tại TP. Huế.

220 năm quốc hiệu Việt Nam
Đưa triển lãm di sản văn hóa Huế đến Điện Biên

Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế ngày 22/4 cho biết, trong khuôn khổ các hoạt động năm Du lịch quốc gia 2024 và Kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) diễn ra tại Điện Biên, đơn vị đã đưa triển lãm chuyên đề “Huế - Di sản văn hoá, điểm đến tiềm năng” giới thiệu đến với công chúng.

Đưa triển lãm di sản văn hóa Huế đến Điện Biên
Hội thi tuyên truyền kỷ niệm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn đến Huế

Hội thi tuyên truyền lưu động kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2024) do Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức sau khi đi qua nhiều tỉnh, thành đã đến Huế trình diễn vào tối 21/4 tại Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh, 41A Hùng Vương, TP. Huế.

Hội thi tuyên truyền kỷ niệm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn đến Huế
Return to top