ClockChủ Nhật, 28/10/2018 07:51

Coi trọng tác phẩm thì không chủ quan

TTH - Nếu coi trọng tác phẩm của mình, mỗi tác giả cần ý thức việc đăng ký bản quyền là tốt nhất. Trường hợp xảy ra tranh chấp, bản quyền là cơ sở pháp lý để giải quyết mọi vấn đề. Đó là điều mà ông Nguyễn Phước Hải Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế chia sẻ.

Lắng sâu sân khấu Duyệt Thị ĐườngXem nghệ sĩ Mỹ dạy múaMột tình yêu với Nghệ thuật cung đình Huế

Biểu diễn Nhã nhạc trong Duyệt Thị Đường

Không phức tạp

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế là một trong những đơn vị tổ chức nhiều chương trình nghiên cứu, dàn dựng và biểu diễn nghệ thuật liên quan đến giá trị văn hóa cung đình triều Nguyễn. Nhận thức được giá trị của bản quyền, từ rất sớm, những chương trình biểu diễn sân khấu lớn do trung tâm thực hiện từ trước đến nay đều được đăng ký bản quyền, như: Đêm Hoàng cung, Huyền thoại sông Hương, Hành trình mở cõi, Lễ hội Tiến sĩ Võ, Lễ tế Giao, Lễ tế Xã tắc, Thiên hạ thái bình và gần đây nhất là Văn hiến kinh kỳ.

Trong nỗ lực bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của nghệ thuật cung đình Huế, nhiều năm qua, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế (thuộc Trung tâm BTDTCĐ Huế) cũng đã nghiên cứu, phục hồi nhiều điệu múa cung đình và sáng tạo, dàn dựng nhiều vở tuồng, trích đoạn tuồng phục vụ các lễ hội và giao lưu. Những vấn đề liên quan đến bản quyền được tôn trọng nghiêm túc. Với những vở tuồng lịch sử, nếu nhà hát sử dụng kịch bản của người khác để dàn dựng thì nhuận bút được chi trả đảm bảo dựa trên thỏa thuận hai bên.

Riêng với những vở tuồng tích và tuồng đồ - di sản chung của dân gian, nên ai cũng có thể sử dụng tư liệu để dàn dựng nhưng không ai được phép đăng ký bản quyền. Hiện nay, Nhà hát đang thực hiện việc đăng ký bản quyền cho trích đoạn tuồng "Ác ứng trong Thiện", đồng thời nghiên cứu các quy định, thủ tục cần thiết để tiếp tục đăng ký bản quyền cho nhiều loại sản phẩm khác.

Cũng có cái khó

Theo quy định hiện hành, các thủ tục đăng ký bản quyền tuy không phức tạp, nhưng theo ông Hải Trung, đăng ký bản quyền cho cái gì thì lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Chẳng hạn, rất khó để thực hiện việc đăng ký bản quyền cho những gì đang diễn ra trên sân khấu, liên quan đến đạo diễn, biên kịch, quay phim, dựng phim, sáng tác âm nhạc, thiết kế mỹ thuật, thiết kế âm thanh, ánh sáng, mỹ thuật trường quay, thiết kế đạo cụ, kỹ xảo… Khó vì hồ sơ phức tạp và có khi cần đến hàng trăm người can dự vào. Chính vì vậy, việc đăng ký bản quyền đối với những chương trình biểu diễn nghệ thuật do Trung tâm BTDTCĐ Huế thực hiện thời gian qua chủ yếu chỉ đăng ký ở hai nội dung: quyền sở hữu tác phẩm và quyền tác giả; trong đó, quyền tác giả được xác nhận cho tác giả sáng tạo nên kịch bản, quyền sử dụng sản phẩm.

Liên quan đến việc sản phẩm văn hóa do mình làm nên nhưng lại khó trong việc đăng ký bản quyền, bà Lê Mai Phương, Trưởng phòng Nghiên cứu, Nghệ thuật (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế) nói thêm: Đó là những điệu múa cung đình hay những bài bản Nhã nhạc bị thất lạc mà nhà hát sưu tầm và phục hồi được nhưng không thể đăng ký bản quyền. Thủ tục đăng ký bản quyền yêu cầu phải chứng minh chủ thể tác giả, nhưng tiếc là tác giả của những di sản ấy là bây giờ cộng đồng, không còn của riêng ai.

Ở góc độ khác, ông Nguyễn Phước Hải Trung đã nhìn thấy “có sự cảnh báo" ở nhiều mức độ khác nhau liên quan đến vấn đề bản quyền. Đơn cử, có một đơn vị nghệ thuật ở Hà Nội sử dụng “Đêm Hoàng cung” để đặt tên cho một chương trình nghệ thuật của mình, trong khi “Đêm Hoàng cung” là tên của một chương trình nghệ thuật đã được Trung tâm BTDTCĐ Huế đăng ký bản quyền. Hoặc, chính ông Hải Trung cũng đã “gặp” Nhã nhạc cung đình Huế được biểu ở phố đi bộ của Thủ đô và có nhiều yếu tố không đúng với giá trị cốt lõi của Di sản văn hóa này.

Theo quy định của Luật Di sản văn hóa, tuy Thừa Thiên Huế không thể đăng ký bản quyền cho Nhã nhạc, nhưng nhắc đến Nhã nhạc – Âm nhạc cung đình Việt Nam được UNESCO vinh danh là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại, thì ai cũng biết đó là sản phẩm xuất xứ từ cung đình Huế. Ông Nguyễn Phước Hải Trung bày tỏ: “Theo tôi, tốt hơn hết là chúng ta nên để nơi nào là xuất xứ di sản văn hóa, nơi đó thực hành diễn xướng. Không nên nhiều địa phương cùng lấy đó làm chất liệu rồi tạo nên những sản phẩm văn hóa na ná nhau, khiến cho bản sắc vùng miền của di sản văn hóa ấy không được khẳng định, có nguy cơ bị làm sai lệch giá trị cốt lõi và ảnh hưởng đến tính nguyên thủy, độc bản của tác phẩm”.

Dưới góc độ của cơ quan quản lý Nhà nước, ông Nguyễn Quê, Trưởng phòng Quản lý Văn hóa (Sở Văn hóa và Thể thao) cũng nhận định: Tình hình vi phạm, tranh chấp bản quyền trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật ở Thừa Thiên Huế không phức tạp và chưa có trường hợp xảy ra. Theo quy định, các tổ chức/cá nhân có nhu cầu đăng ký bản quyền cho sản phẩm của mình thì làm việc trực tiếp với Cục Bản quyền tác giả. Vì thế nên phòng khó nắm được số lượng tác phẩm đã đăng ký bản quyền. Với chức năng của phòng, có thể hỗ trợ thủ tục và hướng dẫn cách thức thực hiện.

Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát huy sức trẻ trong lực lượng vũ trang

Công tác đoàn và phong trào thanh niên trong lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh đã có bước phát triển toàn diện cả chiều rộng, lẫn chiều sâu; thực sự là lực lượng nòng cốt, xung kích đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị.

Phát huy sức trẻ trong lực lượng vũ trang
Huyền ảo tuyệt tác “Long vân khế hội”

Bức “Long vân khế hội” là một tuyệt tác trên trần chánh điện cũ Diệu Đế quốc tự sau khi được dịch chuyển lùi phía sau hiện đang được bảo tồn khá tốt trước sự ngỡ ngàng của nhiều người. Bức tranh từng là đề tài được tranh luận sôi nổi nhiều năm về trước về việc giữ lại chánh điện cũ hay hạ giải. Việc hạ giải cũng đồng nghĩa xóa sổ tuyệt tác này.

Huyền ảo tuyệt tác “Long vân khế hội”
Xuân trong vườn Huế

Người ta hay nói Huế như một khu vườn xanh lá trữ tình. Khi mùa xuân đến, cả không gian vườn Huế thơm dịu dàng hương hoa thoảng bay. Bấy giờ, hoa không chỉ là hoa, hoa còn là ánh bình minh xán lạn đầu ngày, hoa ẩn trong cánh én tin xuân, hoa cưỡi trên cánh bướm khoe hương, khoe sắc, hoa cất lời hòa tiếng chim trong trẻo trên cành… Những cung bậc hoa xuân ấy, nếu tinh tế lắng nghe, sẽ nhận ra có những vang động khác nhau từ các kiểu thức vườn…

Xuân trong vườn Huế
Hợp tác quốc tế trong bảo tồn di sản

Với sự hỗ trợ và kết nối của UNESCO, 15 chính phủ, 50 tổ chức phi chính phủ và hơn 10 tổ chức quốc tế đã triển khai các hoạt động hợp tác nghiên cứu bảo tồn di sản Huế, với tổng kinh phí hơn 10 triệu USD.

Hợp tác quốc tế trong bảo tồn di sản
Return to top