ClockThứ Năm, 11/07/2013 15:15

Cõi xanh thành Huế

TTH - Khi tôi bước đi dọc theo những con đường trong Thành nội vào một buổi chiều oi ả của mùa hè, đi theo từng tán cây rười rượi mát che phủ hầu hết cả chiều dài của con đường, mới bất chợt cảm giác được cái màu xanh sâu thẳm của Huế.

Huế luôn có những con đường như vậy và Huế như vô tình đã tạo nên nhiều cung bậc của một cuộc hành hương đi tìm nỗi hồn nhiên thè thẹ bên đời. Đó cũng là Huế của những không gian vườn xanh um thu mình trong từng lối nhỏ đang từng ngày từng giờ khoác lên mình Huế cái cổ kính muôn đời mà xanh đến từng nết đất. Có lẽ không phải người ta ai đó đã cố tình chọn cho Huế cái màu xanh ấy nếu như không tự bản thân Huế cũng đã là một hóa thân, tự bản thân Huế sinh ra đã là cái màu sắc ấy mà gắn kết, mà hài hòa thêm cho những gì thiên nhiên đã hào phóng ban tặng. Và nếu như những không gian vườn tạo nên một màu xanh thư thái tĩnh tại thì con sông Hương đi qua giữa lòng thành phố lại mang trên mình màu xanh của nỗi thâm trầm xứ sở. Đã bao lần tôi đã như say khi ngắm nhìn nó vào những buổi bình minh tuyệt đẹp. Con sông là một dòng xanh mơn man chảy tràn vào tận cùng mọi ý nghĩ, và nhiều khi nó như làm tôi đến ngộp thở bởi sự chầm chậm mượt mà và đôi khi lại phát sáng lên long lanh đến từng milimet. Đó là màu xanh như chắt chiu từ khát vọng, những giọt mồ hôi và nước mắt đã rơi từ ngày đầu mở cõi, mà bây giờ có Huế giữa nhân gian xanh như một giấc mơ trong đời khó ai có được. Để rồi ai đã từng một lần đi qua mà không bất chợt muốn cất lên một vài lời ca nho nhỏ hay đôi ba câu thơ bãng lãng như khói sương sinh sôi trong một ngày đầu thu. Và màu xanh sông Hương Huế cũng không thể tách rời được một không gian thấm đẫm chất Huế mà người ta vẫn thường nhắc đến, đó là “không gian văn hóa Huế”.

Huế bây giờ không chỉ xanh với những hàng phượng vỹ, những hàng long não, điệp vàng, muối… mà đã có thêm không gian cho nhiều loại cây khác như bằng lăng, bao báp, lim xẹt, muồng đen, chà là Canary, phượng vỹ vàng…và thêm nhiều giống cây nhập ngoại khác. Mỗi mùa bão qua là Huế lại mất đi một số cây cổ thụ trên những con đường chính. Mỗi cuộc chỉnh trang đô thị Huế lại bớt hơn chút sắc xanh. Vì nhu cầu cuộc sống mà những căn nhà vườn đang càng ngày càng ít đi. Bên những ngôi nhà cao tầng đồ sộ sừng sững dọc phố đã thiếu đi nét mềm mại dịu dàng của những khoảng râm mát mà thay vào đó là nét thô cứng đôi khi lồ lộ hiện ra nhức nhối mắt người. Mặc dù trên những vỉa hè mới người ta đã trồng lại những loài cây mới cho phù hợp hơn với quy hoạch nhưng những loài cây đó thiết nghĩ mới chỉ là những loài cây cho tán đẹp, cho hoa đẹp… chứ chưa hẳn đã là phần hồn của màu xanh xứ Huế. Chợt nghĩ, giá như phía trước những bức tường rào bờ lô sắt thép rộng dài kia nếu như có cả những hàng chè tàu trồng sát phía trước thì Huế sẽ xanh thêm biết bao nhiêu. Và màu xanh không phải chỉ dừng lại ở một cảm giác rượi mát mà nó còn mang trong mình một sắc thái nhân văn. Không phải cứ nhiều màu sắc thì đã làm cho Huế đẹp hơn và sự đa dạng các cây trồng nếu như không có một quy hoạch cụ thể sẽ chỉ làm “rối” hơn cho Huế vốn dĩ đã thuần nhất trong một không gian riêng biệt với chiều sâu lịch sử và văn hóa. Sự thành công của việc “xanh hóa” bờ kè đá con sông đào An Cựu đang cho thấy cái hồn của cây xanh xứ Huế vẫn là nét tự nhiên và sự nên thơ như cội nguồn tâm thức chảy mãi trong cuộc đi mơ mộng bến bờ.

Và cứ thế Huế cứ giữ cho mình một cõi xanh biêng biếc làm duyên cho dòng thời gian trôi qua trong mỗi phút giây. Cõi xanh ấy mỗi khi chạm đến, nghĩ đến lại vỡ òa những cảm xúc khó tả. Huế bây giờ đã có thêm nhiều con đường, cũng có nghĩa là có thêm nhiều nỗi nhớ - những nỗi nhớ màu xanh - nhất là cho những người đi xa. Nỗi nhớ màu xanh ấy không chỉ là về một nơi mình đã sống, đã đi qua mà còn là của những mơ ước tràn căng ngực trẻ, của những yêu thương tồn tại trong mỗi người - những “cõi xanh” trong mỗi chúng ta.

Lê Tấn Quỳnh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Ba luôn ở bên con

Một sớm mùa thu, tôi rẽ sương cũng mẹ đi vào lối vắng. Ở nơi đây, cảnh vật thường xuyên thay đổi, dù một năm mẹ con tôi đến những bốn, năm lần. Sự thay đổi ấy ứng với từng mùa, khi những hàng cây thi nhau lột xác, lũ chim chóc thay lời ca tiếng hát, mây trời và làn nước cũng thường biến đổi sắc màu theo từng tháng năm. Ở nơi đó, bên một dòng sông nhỏ có một khoảnh đất là nơi yên nghỉ của ba tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc ngày ba từ giã cõi đời cũng đã ngót nghét gần mười năm. Mười năm đó, từ nỗi đau tận cùng đến đau đáu khôn nguôi, trong mẹ con tôi đã chuyển thành tĩnh lặng thương yêu.

Ba luôn ở bên con
Từ chuyến phượt khám phá làng Vân...

Gần đây, phượt trở thành trào lưu và sở thích của rất đông bạn trẻ. Xu hướng phượt không đơn thuần chỉ là trải nghiệm các cung đường khó hay khám phá văn hóa, vùng đất nơi mình đến mà còn kết hợp Teambuilding (xây dựng đội nhóm), các kỹ năng sinh tồn, đôi khi lồng ghép thêm hoạt động thiện nguyện.

Từ chuyến phượt khám phá làng Vân
Lão ngư kể chuyện đi biển

Những kinh nghiệm đi biển "xương máu" được truyền đời trong các gia đình ngư dân. Khi chưa có máy móc hiện đại, kinh nghiệm sóng nước là cứu cánh sinh kế của họ.

Lão ngư kể chuyện đi biển
Return to top