ClockThứ Sáu, 24/06/2016 14:20

Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy…

TTH - Học hành và thi cử lâu nay là một thứ áp lực vào đời đối với bao người. Xưa có chuyện “Lưu Bình - Dương Lễ”, bạn bè thương yêu quyết cam chịu bao lời dị nghị giúp nhau bằng cách “cho mượn” cả vợ trong thời gian bạn ôn thi. Dân gian lại còn có câu: “Cơm cha áo mẹ chữ thầy/ Gắng công mà học có ngày thành danh”. Mới nhìn sơ sơ, đã thấy đó là một áp lực lớn và đến thật nhiều phía.

Tuổi thơ bé tí, tôi đã nghe bàn đến thi cử. Trước 1975, ở miền Nam chuyện này vô cùng căng thẳng. Một phần là bởi tấm bằng tú tài ngày ấy rất giá trị, có yếu tố sàng lọc người giỏi để giành lấy mảnh bằng bước vào đời. Áp lực còn đè lên vai và trong tâm tưởng, nhất là đối với những học sinh nam bởi lúc ấy là thời chiến, 18 là độ tuổi quân dịch, nếu thi rớt thì phải đi lính (ngụy) ngay chứ không mô tê gì cả. Cũng vì thế mà nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên mới có bài thơ “Thà như giọt mưa”, được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc, nghe thật xót xa: “Ta hỏng tú tài/ Ta hụt tình yêu/ Thi hỏng mất rồi/ Ta đợi ngày đi…”.

Không ngoa khi nói rằng, chưa bao giờ áp lực thi cử lại lớn như bây giờ. Nó đến từ nhu cầu tìm việc, có nhiều cơ hội tiến thân. Nó cũng đến từ phía cha mẹ với tham vọng buộc con cái mình phải hơn người, đến từ chuyện danh dự gia đình, từ tâm lý hơn thua và rất nhiều điều khác nữa, khó mà thống kê hết được. Còn nữa vô vàn những lý do, xấu có mà tốt cũng có. Tất cả tạo nên những áp lực vô cùng mạnh mẽ. Ai cũng muốn có sự trải nghiệm.  

Tôi có anh bạn lúc trẻ không vào được đại học nên buồn lắm. Anh chí thú làm ăn và đã làm giàu. Đã ngoài tuổi 40, anh quyết định tạm giao công việc kinh doanh lại cho vợ và lều chõng đi thi để “rửa hận”. Không chỉ đậu mà anh còn đậu cao, tốt nghiệp ra trường với tấm bằng hạng ưu. Cùng loay hoay như mấy bạn trẻ, anh xin được một công việc ở một cơ quan Nhà nước nhưng chỉ một thời gian ngắn đã vội vàng xin về. Anh bảo, già rồi và chán. Quen việc làm tất bật, giờ cứ kiểu “sáng xách ô đi tối xách về”, nó vô vị lắm. Anh cũng nói thêm, rứa là biết rồi đó, đời xem như cũng bằng bạn bằng bè, thôi yên tâm.

Khi mà thi cử là chuyện áp lực thì vấn đề đặt ra là phải nhanh chóng được giải tỏa. Xã hội phải biết cùng lúc mở ra nhiều ngõ lối để thanh niên và học sinh bước vào đời. Các bậc phụ huynh chớ nên bắt buộc con cái phải làm theo ý muốn của mình, bằng mọi giá phải vào đại học. Còn mỗi học sinh thì cũng nên xác định rõ “mình là ai” để có một hướng đi đúng. Tôi có một đứa cháu ở quê, sức học cũng chỉ trung bình khá. Ôn luyện thế nào mà cháu cũng thi đậu Bách khoa TP. Hồ Chí Minh. Cả nhà mừng lắm, cháu cũng rất hăm hở. Thế nhưng, vào TP. Hồ Chí Minh chỉ học được một năm đã vội bỏ, lý do là không “học nổi”, bây giờ cháu đã yên phận trong vai trò của một công nhân dệt may.

Mùa thi đang về. Kể vài chuyện dông dài cũng là mong muốn góp thêm vào xã hội tiếng nói về chuyện thi cử, vốn đang trở nên căn bệnh trầm kha. Thiết nghĩ, đã đến lúc đừng nên đặt trên đôi vai con trẻ trách nhiệm trả nghĩa “Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy” bằng cách bằng mọi giá phải trúng tuyển vào đại học như hiện nay./.

Đan Duy

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top