ClockThứ Sáu, 14/03/2014 05:47

Cốm hai lu

TTH - Ngày xưa - vào độ này, người trong Quảng ra, người dưới quê lên cứ gánh hàng đi bán rong khắp nơi. Hàng hóa của mấy người trong kia ra đa số là bánh tráng, cá khô nên người ta gánh khá nhẹ nhàng. Riêng mấy người bán nước mắm hay ruốc thì gánh hai đầu gióng hai cái ghè khá to nhưng cũng chưa phải là hai cái lu. Loại ghè người bán cốm hay gánh chỉ có thể to như hai cái ghè đậu hũ. Những người này họ ít vào các hang cùng ngõ hẻm do hàng hóa nặng nên chủ yếu buôn bán ở các chợ hay mấy ngã tư, ngã ba. Trong những người bán hàng rong quanh Huế có những người bán cốm từ An Thuận gánh lên mà người ta hay gọi là cốm hai lu.

Hồi đó người làng An Thuận ở miệt Hương Cần hay gánh cốm lên Huế bán. Họ gánh trên hai đầu gióng hai ghè cốm được lót lá chuối và đậy kín bằng cái nắp làm bằng gỗ. Thoạt nhìn người ta biết cái gánh của họ nhẹ hều vì chiếc đòn gánh chỉ cong vừa phải, nhịp nhàng với đôi gióng đong đưa. Hơn nữa, cốm thường có trọng lượng rất nhẹ. Nhờ vậy mà người An Thuận mới đi bán khắp nơi như ra tận Mỹ Chánh hay về cả Cầu Hai, Nước Ngọt. Mặc dù chỉ gánh hai cái ghè chứ không phải là hai cái lu thì người Huế vẫn quen gọi đó là “cốm hai lu, đến mức lâu ngày nhiều người lầm tưởng đây là danh từ riêng. Cách gọi này ấy là do quen miệng vì không khó để hiểu rằng có ai gánh nổi hai cái lu nặng trịch đâu, họa chăng chỉ có thể là mấy người đàn ông vạm vỡ vì làng An Thuận khá nhiều đàn ông đi bán cốm, làng cũng là cái nôi của võ thuật cổ truyền xứ Huế. Trong chuyện mưu sinh thì thời nào người đàn ông đều là trụ cột cua gia đình

Riêng chuyện ở Huế tồn tại câu ca: “Hỡi o bán cốm hai lu...”

Dù mới nghe qua thôi thì ai nấy đều khẳng định chắc chắn đó là chuyện đùa. Chỉ cần hiểu rằng, con gái con lứa người nhà quê xưa hầu như ít khi cho ra khỏi nhà, hầu hết mấy o ở nhà làm ruộng, phổ biến nhất thì chằm nón. Nếu ở An Thuận mấy o còn làm cốm để cho người trong gia đình đi bán. Việc đi bán rong hàng chục cây số đó họa chăng o đã có chồng. Trong mấy câu đùa kia người ta gọi o để có đối tượng đùa cho dễ gởi. Chứ gởi con gì đó theo cho ông bán cốm thì còn chi mà cười, mà gởi kiểu đó có lúc bị mấy ông phang cho vài ba đòn gánh không biết chừng?!

Làng An Thuận thật ra không xa Huế bao nhiêu. Ngày trước khi người ta chỉ đi tắt qua mấy cánh đồng băng qua phía Bao Vinh là tới nơi. Tôi nhớ không lầm thì bên này là làng La Vân của Quảng Điền bên kia là An Thuận của Hương Trà. Ngày nay, nhà thơ Van Lộc về lập vườn ở Hương Cần vị chi là gần với An Thuận làng cốm ngày xưa. Làng An Thuận vốn là làng thuần nông, quanh năm chỉ trông chờ vào ruộng vườn, cuộc sống cũng nhiều khó khăn nên có thêm nghề làm cốm truyền thống. Sau mùa vụ, người An Thuận nhà nhà làm cốm để bán. Nguyên liệu thì đâu có xa xôi gì, tất cả đều lấy từ mấy sào nếp, sào bắp mà gia đình canh tác. Làm cốm không khó, họ chi cần lựa loại nếp hạt mẩy, đều hạt rồi rang lên cho nở to, bỏ vào khuôn gỗ để ép, các hạt nếp dính với nhau bằng nước đường nấu lỏng. Loại cốm nếp này được cắt ra từng dung hình chữ nhật, bỏ vào bì ăn dần hoặc mang bán. Còn loại cốm bắp thì đơn giản hơn khi cũng rang bắp rồi vo lại từng viên tròn. Người An Thuận gói cốm bằng lá chuối, sau này thay thế bằng giấy báo. Khi những gói cốm được bọc bằng nilon thì hình ảnh người gánh cốm dần dần biến mất. Nhiều phương tiện dần thay thế cho đôi quang gánh và nhất là chuyện buôn bán gây giờ cũng đã khác xưa.

Tại Huế cũng nhiều nhà ở những vùng quê khác nhau trong dịp nông nhàn thường làm cốm như hình thức tận dụng thời gian rảnh rỗi để mưu sinh. Đặc biệt cốm An Thuận thì có thương hiệu hơn vì ở đó hầu như nhà nào cũng làm, hạt nếp làm cốm ở đó cũng ngon hơn. Vì vậy nhắc đến cốm là người ta nhớ ngay đến làng quê An Thuận với hình ảnh gánh cốm hai lu.

Mỗi món quà quê đều có hương vị riêng, với người nghèo hoặc trẻ nhỏ có gì hơn món quà chân quê rẻ tiền đó. Trong hai loại cốm thì cốm nếp luôn dành cho người khá giả, cốm bắp thì cho bọn học trò nghèo như tụi con nít chúng tôi. Những ngày mưa đi học, nghe tiếng rao của o bán cốm tự nhiên đứa nào cũng đưa mắt ngó ra. Dù gánh hàng cốm được đậy kín bưng, vậy mà cái mùi thơm của nước đường nấu với gừng cứ xộc vào mũi làm đứa nào cũng thèm. Cảm giác được ăn lát cốm lúc ấy thật khó diễn tả. Miếng cốm mới ngon làm sao, đứa nào cũng nhai từ từ như sợ mình sẽ ăn xong trước đứa kia. Ăn rồi mà lưỡi cứ còn cay cay mùi gừng. Ngày ấy cứ thỉnh thoảng dành dụm được 5 hào để mua cốm ăn đã là oai lắm rồi.

Bây giờ thỉnh thoảng tôi vẫn nhìn thấy những bao cốm trong các quán hàng xứ quê. Không biết có phải là cốm An Thuận không? Nhưng tôi biết chắc một điều là người An Thuận còn cất giữ mấy cái khuôn, cái ghè trong nhà như gợi nhắc đến nghề nghiệp đã một thời là miếng cơm manh áo của dân làng. Nhớ đến cốm An Thuận bên tai tôi như còn nghe bài thơ NHỚ HUẾ thuở nào: “Nhớ quýt Hương Cần, nhớ cốm hai lu”.

Tô Kiều Ngân
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Ba luôn ở bên con

Một sớm mùa thu, tôi rẽ sương cũng mẹ đi vào lối vắng. Ở nơi đây, cảnh vật thường xuyên thay đổi, dù một năm mẹ con tôi đến những bốn, năm lần. Sự thay đổi ấy ứng với từng mùa, khi những hàng cây thi nhau lột xác, lũ chim chóc thay lời ca tiếng hát, mây trời và làn nước cũng thường biến đổi sắc màu theo từng tháng năm. Ở nơi đó, bên một dòng sông nhỏ có một khoảnh đất là nơi yên nghỉ của ba tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc ngày ba từ giã cõi đời cũng đã ngót nghét gần mười năm. Mười năm đó, từ nỗi đau tận cùng đến đau đáu khôn nguôi, trong mẹ con tôi đã chuyển thành tĩnh lặng thương yêu.

Ba luôn ở bên con
Từ chuyến phượt khám phá làng Vân...

Gần đây, phượt trở thành trào lưu và sở thích của rất đông bạn trẻ. Xu hướng phượt không đơn thuần chỉ là trải nghiệm các cung đường khó hay khám phá văn hóa, vùng đất nơi mình đến mà còn kết hợp Teambuilding (xây dựng đội nhóm), các kỹ năng sinh tồn, đôi khi lồng ghép thêm hoạt động thiện nguyện.

Từ chuyến phượt khám phá làng Vân
Lão ngư kể chuyện đi biển

Những kinh nghiệm đi biển "xương máu" được truyền đời trong các gia đình ngư dân. Khi chưa có máy móc hiện đại, kinh nghiệm sóng nước là cứu cánh sinh kế của họ.

Lão ngư kể chuyện đi biển
Return to top