ClockChủ Nhật, 15/05/2022 10:16

Cồn Bệ - Nơi ghi dấu công ơn các anh hùng liệt sĩ

TTH - Mới đây, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân xã Phong Hiền và huyện Phong Điền vui mừng, tự hào đón nhận Bằng xếp hạng di tích địa điểm Cồn Bệ (thôn Hiền Lương, xã Phong Hiền) là di tích lịch sử cấp tỉnh.

Đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh "địa điểm Cồn Bệ"

Những nhân chứng lịch sử trong ngày Cồn Bệ được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xã Phong Nhiêu (nay là xã Phong Hiền) có vị trí quan trọng; là bàn đạp của cuộc tiến công nổi dậy vùng sâu, nối liền hành lang 3 vùng chiến lược; một địa bàn giao thông trọng yếu trên đường số 1 từ Quảng Trị đi Đà Nẵng… Phong Nhiêu là nơi gần các căn cứ của địch ở Đồng Lâm - Tứ Hạ và An Lỗ, quận lỵ Quảng Điền… nên quân địch ra sức đánh phá, kìm kẹp, ngăn chặn các hoạt động của lực lượng vũ trang, du kích, cơ sở của ta.

Tại Phong Nhiêu, địch dùng chiến dịch “lột da trái đất” bằng việc sử dụng một số lực lượng Sư đoàn dù 101 Kỵ binh bay của Mỹ tăng cường càn quét, đưa xe tăng M113, M118, máy ủi D8, D9 và một trung đội Ngụy dàn hàng ngang dùng xà beng, cuốc xẻng… đào bới, xới tung nhà cửa, cây cối, tạo thành một vành đai trắng để bảo vệ các căn cứ của chúng. Khó khăn, khốc liệt đến mấy, cán bộ, đảng viên xã Phong Nhiêu vẫn quyết tâm bám đất, bám dân, đánh địch phản kích.

“Năm 1968, dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy Quảng Điền, giao trách nhiệm địa bàn xã Phong Nhiêu do ông Dương Thuyên–Bí thư và ông Hoàng Ngọc Dật - Chủ tịch UBMT xã phối hợp với đơn vị C114 lực lượng võ trang Huyện đội Quảng Điền do ông Lê Văn Uyển - Chính trị viên, Phó Chỉ huy trưởng làm chỉ huy, bám trụ địa bàn. Trước sự khủng bố ráo riết của quân địch, cán bộ và chiến sĩ của đơn vị C114 đã xây dựng cơ sở, lãnh đạo Nhân dân chống kế hoạch bình định của địch. Để đảm bảo an toàn trong quá trình hoạt động, ông Lê Văn Uyển chỉ đạo khảo sát Cồn Bệ để làm điểm trú ẩn trong quá trình hoạt động”, ông Trần Gắng, nguyên Trung đội trưởng thuộc đơn vị C114 lực lượng võ trang Huyện đội Quảng Điền nhớ lại.

“Cồn Bệ lúc đó như một cánh rừng xanh. Đi sâu vào trong, nhiều nơi không nhìn thấy ánh nắng mặt trời, đi lại phải luồn lách rất khó khăn, mặt đất mấp mô có nhiều hồ nước. Nơi đây, nếu ta giấu quân thì chủ yếu giấu ở các lùm cây là chính. Tuy nhiên, muốn giấu quân ở Cồn Bệ phải vào lúc trời tối. Nếu muốn ra khỏi Cồn Bệ phải ra trước lúc trời chưa sáng”, ông Phạm Phố, nguyên cán bộ quản lý C114 tiếp chuyện.

Trong những ngày ém quân ở lại đồng bằng hoạt động, Đại đội 1, Trung đoàn 1, Sư đoàn 324 đã tránh quân địch ở Cồn Bệ được hơn 3 tuần. Trong những ngày ở lại Cồn Bệ, họ đã đào nhiều hầm trú ẩn, công sự sẵn sàng phục vụ khi có diễn biến xảy ra. Tháng 9/1968, tại Phong Nhiêu xảy ra trận lũ lớn, các hầm bí mật ở các làng hầu hết bị ngập nước hoặc bị quân địch đào bới và xăm trúng, không có nơi giấu quân. Lúc này, Nhân dân bị quân địch dồn vào vùng tạm chiếm, nhà cửa bị đốt sạch. Nhận được tin quân địch đang tổ chức một trận càn lớn, chỉ huy Lê Văn Uyển cho rút hết cán bộ, chiến sĩ vào trú ẩn tại Cồn Bệ.

Do biết lực lượng của ta trú ẩn ở Cồn Bệ, quân địch đã tập trung lực lượng. 7 giờ sáng ngày 12/9/1968, một máy bay L19 của địch bất ngờ lao đến khu vực Cồn Bệ. Chưa đầy 5 phút sau, có hai chiếc phản lực của địch bổ nhào xuống ném bom vào các lùm cây bụi rậm, làm một số cán bộ, chiến sĩ ở Cồn Bệ bị động không kịp chạy thoát. 9 giờ sáng, địch đổ bộ cùng xe tăng chia làm 3 mũi bao vây, tấn công toàn bộ Cồn Bệ.

“Địch dùng loa kêu gọi ra đầu hàng, nhưng cán bộ, chiến sĩ ta ở Cồn Bệ kiên quyết bám trụ và đánh trả đến cùng. Hỏa lực cùng bộ binh và du kích xã phản kích trở lại, cầm cự đẩy lùi được đợt tấn công của quân địch. Đến đêm, lợi dụng trời tối, một số chiến sĩ của ta rút ra khỏi Cồn Bệ theo hướng làng Gia Viên để rút lui”, ông Cao Xuân Sơn, nguyên Xã đội phó xã Phong Nhiêu – là một trong những nhân chứng lịch sử chia sẻ.

Chiều ngày 13/9/1968, biết lực lượng của ta đã hy sinh nhiều, một số thương binh không còn đạn dược lẫn khả năng chiến đấu, quân địch tràn qua Cồn Bệ bắt sống nhiều cán bộ, chiến sĩ lên máy bay đưa về quận Quảng Điền giam giữ. Khi địch rút khỏi Cồn Bệ, một vài ngày sau, thân nhân của các cán bộ, du kích xã đã thuê người ra tìm kiếm thi thể cán bộ, chiến sĩ đưa về chôn cất; sau ngày giải phóng 1975, cải táng đưa về nghĩa trang liệt sĩ địa phương…

“Trận đánh ngày 11 – 13/9/1968 tại Cồn Bệ là một trận đánh không cân sức, tương quan lực lượng giữa quân ta và quân địch quá lớn. Nhưng chính trong thời khắc khó khăn, ác liệt nhất, đại bộ phận quân và dân ta vẫn cương quyết chiến đấu, đánh lại kẻ thù dẫu biết rằng, đây là trận quyết tử; chết cũng nằm trên mảnh đất để bảo vệ quê hương, đất nước”, ông Trịnh Minh Huề, cán bộ Đội phẫu Y tế huyện Quảng Điền giai đoạn 1968 – 1969 tâm sự.

“Cùng với hệ thống di tích lịch sử trên địa bàn huyện Phong Điền, địa điểm di tích Cồn Bệ đã góp phần làm giàu thêm truyền thống yêu nước, lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của quân và dân ta. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng Cồn Bệ mãi là nơi giáo dục truyền thống yêu nước cách mạng của cha ông cho các thế hệ hôm nay và mai sau”, ông Hoàng Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền khẳng định.

Bài, ảnh: Anh Phong

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phú Lộc: Dâng hương tri ân các Anh hùng liệt sĩ

Sáng 22/3, Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Phú Lộc tổ chức lễ viếng, dâng hương tri ân Anh hùng liệt sĩ nhân kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng quê hương Phú Lộc (24/3/1975 - 24/3/2024), kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế (26/3/1975 - 26/3/2024), hướng đến kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024).

Phú Lộc Dâng hương tri ân các Anh hùng liệt sĩ
Hương Thủy: Đại lễ cầu siêu, tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ

Sáng 24/7, tại Nghĩa trang liệt sĩ TX. Hương Thủy, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thị xã tổ chức Đại lễ cầu siêu, tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ đã hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ nhân kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ.

Hương Thủy Đại lễ cầu siêu, tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ
Return to top