ClockChủ Nhật, 24/03/2019 06:23

Cơn cớ gì mà bỏ lỡ…

TTH - Tôi có thằng cháu gọi bằng bác ruột, năm nay mới 11 tuổi, nhưng rất… lạ. Đó là không hiểu tại sao mà một thằng con nít như nó lại rất mê tìm hiểu lịch sử, văn hóa Huế.

Hè, tết, trong lúc cùng lứa tiểu học với nó, được cho đi chơi là bao giờ cũng chọn công viên, chọn games, chọn siêu thị để được lao vào ngấu nghiến gà rán KFC…, còn nó thì “lên chương trình” bắt ba nó dẫn đi thăm lăng tẩm, Đại Nội… Mà không phải đi qua qua hay để được quay phim chụp ảnh, đến điểm nào, hay trước mỗi hiện vật… nó đều chăm chú quan sát, đọc kỹ các biển giới thiệu. Nhìn cứ như một “ông cụ non” đang nghiên cứu. Tết rồi hai bác cháu đi chơi, chở nó qua cầu Trường Tiền, nó thỏ thẻ hỏi có phải đây là cây cầu từng bị bão làm gãy, nhà vua mới nhân đó nhắc quan Tây “lời hứa”, nếu cầu gãy sẽ trả chủ quyền lại cho nước Nam… Tôi vừa “giật mình” với thằng cháu vừa chợt thấy vui vui. Có những đứa trẻ như vậy, lo gì mạch nguồn văn hóa, mạch nguồn lịch sử bị đứt gãy…

Tuy nhiên, cho thật bình tĩnh mà nói thì những đứa trẻ “trời sinh đã mê” văn hóa, lịch sử Huế như vậy không nhiều. Một sự thật là bây giờ ra đường hỏi ngẫu nhiên một người về một vấn đề gì đó liên quan đến văn hóa, lịch sử xứ Huế, không ít người ấm ớ hoặc sẽ “phét lác” mà chẳng trúng chẳng trật gì hết. Tại một sinh hoạt văn hóa cách đây mấy hôm, nhà nghiên cứu (NCC) Phan Tấn Tô “phàn nàn” về việc cây ngô đồng quý và đẹp nổi tiếng của Huế như thế nhưng còn rất ít người biết, cho đến bây giờ mà vẫn cứ bị đánh đồng với cây vông đồng. Nhân đó, ông Tô tiết lộ và tỏ ra vô cùng tiếc nuối về một “dự án” được ông cùng NNC Lê Nguyễn Lưu ấp ủ cách đây mấy chục năm và được lãnh đạo ngành giáo dục của tỉnh hồi ấy rất ủng hộ, đó là soạn một “giáo trình” phù hợp về văn hóa Huế để đưa vào trường học. Mục đích là làm sao để bất kỳ học sinh nào của Huế sau khi rời ghế nhà trường cũng đều có những kiến thức sơ đẳng nhất về văn hóa vùng đất quê hương. Từ chỗ có kiến thức các em mới có cảm hứng để tìm hiểu. Từ chỗ hiểu mới thấy yêu, thấy quý, thấy tự hào với truyền thống, với di sản tiền nhân để lại. Rồi lại từ chỗ biết quý, biết yêu di sản của cha ông, mới có thể “truyền lửa”, mới có thể khiến du khách hứng thú mà tìm đến để khám phá, để trải nghiệm cùng Huế… Tiếc là sau đó vì nhiều lý do,“dự án” mà ông Tô và đồng nghiệp hằng thao thức đành phải dang dở.

Câu chuyện của NNC Phan Tấn Tô hôm ấy khiến không ít người gật gù tâm đắc. Bởi nó tâm huyết, nó hữu ích thực sự. So với thời ý tưởng khởi phát, điều kiện bây giờ thuận lợi hơn rất nhiều, không chỉ về mặt kinh tài mà cả về mặt quan điểm, cách nhìn nhận đối với các vấn đề lịch sử. Truyền đạt kiến thức và làm ấm nóng lên tình yêu Huế cho người Huế, để mỗi người Huế đều thấy tự hào với vùng đất mà mình đang sống và đều có thể là một “hướng dẫn viên” dễ thương, đáng tin cậy cho du khách mỗi khi tìm về với núi Ngự sông Hương. Đó sẽ là điều tuyệt vời và có sức hấp dẫn vô cùng lớn. Vậy thì, cơn cớ gì mà chúng ta bỏ lỡ một ý tưởng hay ho nhường vậy, nhỉ?

HIỀN AN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó

Ngày 14/4, tại Công viên Tứ Tượng (TP. Huế), Quỹ Giáo dục Huế hiếu học (Quỹ) tổ chức trao học bổng học kỳ 2 năm học 2023 – 2024 cho các sinh viên, học sinh nghèo, vượt khó vươn lên trong học tập. Đến dự có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân.

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó
Return to top