ClockThứ Bảy, 26/03/2016 14:09

Con đò “lạ”trên đầm Cầu Hai

TTH - Gọi đó là con đò “lạ”, bởi vì có một thời gian dài, những chiếc đò trên đầm Cầu Hai không chỉ đơn thuần để sinh hoạt và kiếm sống mà đã là một phương tiện vận chuyển lương thực và che chở cán bộ trong những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Những năm cuối của thập niên 50 thế kỷ trước, sau những chiến dịch tố cộng, diệt cộng ác liệt của kẻ địch, lực lượng cách mạng ở vùng khu ba Phú Lộc gặp tổn thất nghiêm trọng. Trong điều kiện khó khăn và thử thách đó, tháng 4/1960, Huyện ủy Phú Lộc đã có quyết định thành lập chi bộ thủy diện với một trong những nhiệm vụ chính là lãnh đạo và vận động ngư dân vùng đầm Cầu Hai dùng phương tiện sinh sống của gia đình để che chở và giúp đỡ cách mạng.

Từ đây ở vạn chài Trung Chánh (nay thuộc xã Vinh Hưng) và nhiều nơi nữa bên đầm Cầu Hai bắt đầu xuất hiện những con đò “lạ”, thường vào ban đêm và chạy dọc theo đầm, chở các loại lương thực thực phẩm, thuốc men và có cả vũ khí. Mỗi chuyến đò như thế có khi chở cả hàng tấn gạo và điểm đến chủ yếu là ở vùng Rẫm, nay thuộc xã Lộc Bình, nơi có lực lượng cách mạng đang hoạt động. Lương thực thực phẩm, thuốc men và các đồ dùng sinh hoạt có được từ sự quyên góp, vận động trong bà con ngư dân quanh vùng Cầu Hai. Cũng có trường hợp là hàng hóa thu mua do cán bộ kinh tài huyện Phú Lộc tổ chức. Một đường dây liên lạc được hình thành, bao gồm lực lượng liên lạc viên là các ngư dân trẻ, có tình cảm với cách mạng, nhanh nhẹn, năng động, như các ông Nguyễn Dê, Huỳnh Ở, Huỳnh Phương, Nguyễn Hiều, Trần Giác…

Bà Phạm Thị Thia, một thời là cán bộ kinh tài huyện Phú Lộc kể lại, việc chuyên chở gặp khó khăn khi phải thường xuyên đối mặt với các hoạt động tuần tra, kiểm soát của hai thuyền của địch. Để có thể che mắt và an toàn vượt qua, các chủ đò đã phải giả dạng đang làm nghề đánh bắt cá, đôi khi không lảng tránh mà còn chủ động cho đò đi sát vào tàu của lính hải thuyền để làm quen, cần thiết “hối lộ” vài ba con cá tươi. Gặp phải tình huống bất khả kháng, phải úp đò đổ hàng xuống đầm để phi tang. Hầu hết các chuyến đò vận chuyển hàng nuôi quân đều trót lọt. Phổ biến trong ngư dân vạn chài ven đầm Cầu Hai bấy giờ là câu ca: “Đêm khuya, trời tối không trăng/ Cầm cây vấp đá, không trăng dặn dò/ Dô hò, dô hỡi là dô/ Bên cạn thì chống, bên sâu thì chèo”.

Nhằm ngăn cản việc tiếp tế lương thực, thực phẩm bằng ghe đò trên đầm Cầu Hai, kẻ địch tăng cường các hoạt động tấn công, truy bắt. Lực lượng hải thuyền ở cửa Tư Hiền đã thường xuyên kiểm soát gắt gao và sẵn sàng tấn công vào các ghe đò mà chúng khả nghi. Ngày 26/ 2/1968, lính hải thuyền đồn Tư Hiền đã phục kích, bắn chìm đò và giết chết liên lạc viên Huỳnh Ở (làng chài Trung Chánh) cùng một cán bộ cách mạng là đồng chí Đỗ Kẹn đang trên đường từ xã Vinh Giang về thôn Trung Miêu, xã Lộc Điền. Ông Huỳnh Ở là cơ sở cách mạng của đồng chí Trương Thiện, cán bộ cơ sở thủy diện của huyện Phú Lộc.

Cuối tháng 12 /1968 (21 tháng 11 Âm lịch), lính hải thuyền tổ chức phục kích và bắn chìm một đò vận chuyển lương thực quyên góp đang trên hành trình từ vạn chài Trung Chánh về vùng giải phóng ở Vinh Giang vào đêm khuya. Trên đò có 4 người thì ba người chết tại chỗ. Họ là ba anh em ruột, liên lạc viên ở làng Trung Chánh, gồm Nguyễn Điền, Nguyễn Thỉ và Nguyễn Thị Gái. Kẻ thù đã dùng những hành động man rợ để trả thù và hăm dọa nhằm làm lung lạc tinh thần đấu tranh cách mạng của cán bộ và đồng bào ta, như bêu xác các nạn nhân và bắt giam những người thân có liên quan. 

Ông Nguyễn Dê là anh ruột của ba liệt sĩ kể trên, cũng đồng thời là liên lạc viên chính, được giao nhiệm vụ phụ trách việc công việc chuyên chở tiếp tế lương thực quyên góp nuôi quân trên đầm Cầu Hai, đã kể cho chúng tôi nghe chuyện ông đã bị kẻ địch bắt giam sau đó ở đồn Vinh Lộc. Tra tấn và đánh đập dã man những người bị bắt nhưng kẻ thù đã không khai thác được gì về đường dây liên lạc quả cảm này.

Sau năm 1968, những con đò trên đầm Cầu Hai vẫn âm thầm thực hiện những nhiệm vụ cách mạng giao phó, vẫn tiếp tục vận chuyển nuôi quân, đưa những cán bộ trong các đội công tác của huyện Phú Lộc do các đảng viên Nguyễn Thanh Giai, Dương Thanh Sinh… phụ trách qua về đầm Cầu Hai tổ chức các hoạt động thâm nhập, thu thập tình hình và xây dựng cơ sở cách mạng ở vùng khu ba. Đặc biệt, trong chiến dịch Đại thắng mùa xuân 1975, những con đò “lạ” kia đã làm nhiệm vụ chuyên chở bộ đội chủ lực và các lực lượng cách mạng vượt đầm Cầu Hai tiến công, giải phóng các xã khu ba Phú Lộc.

Tôi viết bài này sau những ngày ngồi đò lang thang trên sóng nước đầm Cầu Hai. Đất nước hòa bình, những con đò “lạ” một thời đầy chiến tích kia nay đã trở về cùng người dân ven đầm Cầu Hai trong công việc mưu sinh hằng ngày, nhưng vẫn còn đó bao ký ức đẹp và hào hùng của những năm tháng chiến tranh. Con đò đầm Cầu Hai đã là một biểu tượng anh hùng.

Đan Duy

(viết nhân chiến thắng 26/3)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vì sao ông Lê Hữu Tòng chưa được tặng Huân chương Độc lập?

Vào dịp Quốc khánh năm nay, tôi có dịp chuyện trò với ông Lê Hữu Tòng, nguyên Quyền Huyện đội trưởng Hương Thủy - người mà tôi đã thực hiện một loạt bài giới thiệu về những chiến công, thành tích của ông và được Báo Thừa Thiên Huế đăng tải.

Vì sao ông Lê Hữu Tòng chưa được tặng Huân chương Độc lập
Hào hùng "Giai điệu Tổ quốc"

Tối 29/4, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao TP. Huế tổ chức chương trình nghệ thuật với chủ đề "Giai điệu Tổ quốc".

Hào hùng Giai điệu Tổ quốc
Trở lại Bạch Mã

Ðứng ở nơi đây, có thể thu vào tầm mắt toàn cảnh đèo Hải Vân, núi Túy Vân, đầm Cầu Hai và cả ánh điện huyền ảo của TP. Huế…

Trở lại Bạch Mã
Return to top