ClockThứ Tư, 14/12/2016 07:06

Con đường trở thành tỷ phú của cựu binh già

TTH.VN - Hơn 20 năm bám rừng, đổ biết bao mồ hôi công sức, nay những cánh rừng xanh của cựu chiến binh (CCB), thương binh Võ Văn Lâm (73 tuổi, ở phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy) đã bắt đầu cho quả ngọt.

Ngoài trồng rừng, ông còn nuôi thêm bò, lợn, dê… để tăng thêm thu nhập

Năm 1981, sau khi rời quân ngũ, CCB Võ Văn Lâm tiếp tục tham gia công tác ở địa phương. Đến năm 1994,  khi thôi giữ chức vụ Trưởng ban Kiểm tra Đảng tại phường Thủy Phương, ông Lâm quyết tâm tìm hướng phát triển kinh tế. Cùng chiếc xe đạp cà tàng, vượt hàng chục km, ông tìm đến vùng đất Dương Hòa để lập trang trại. Với số vốn ki cóp từ những đồng lương hưu ít ỏi, ông mua bò về nuôi. Từ một con bò giống ban đầu, ông chăm bẵm, gầy dựng và nhận chăn rẹ (chăn bò giúp người khác, công chăm được trả bằng bò) đàn bò của ông nhân lên từng ngày, có thời điểm lên đến 100 con. Năm 2003, theo chủ trương trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc của Nhà nước, ông bán bớt bò lấy tiền đầu tư trồng rừng và phát triển trang trại. Không phụ công người thương binh già, chưa đến 5 năm sau, những cánh rừng tràm xanh bạt ngàn bắt đầu cho thu hoạch. Có thu nhập, ông bắt đầu đầu tư hơn 200 triệu đồng để làm đường cho xe tải vào tận nơi khai thác rừng và trồng mới lại rừng. Để tăng thêm thu nhập, ông còn đầu tư nuôi gà, dê và lợn rừng.. .

Trong ngôi nhà cấp bốn kiên cố giữa rừng, bên tách trà ấm, ông nhớ lại: “Thời đó khổ lắm, mỗi lần vào rừng là bà nhà lại cơm đùm mắm bới để tôi ở lại lán cả tuần, đạp xe hơn chục cây số sức mô mà đi đi, về về. Căn nhà cấp bốn này trước đây chỉ là cái chòi được dựng bằng bốn cây gỗ tạp, lợp tranh, mưa to là chẳng còn chỗ khô mà ngồi”. Có những hôm trở trời, vết thương tái phát, một mình sống giữa rừng sâu, khổ cực là thế nhưng ông Lâm không hề nản chí. Ngày nắng cũng như ngày mưa, ông vẫn miệt mài xới đất trồng rừng. Những nỗ lực của ông Lâm đã được đền đáp xứng đáng. 

Đưa chúng tôi thăm những cánh rừng bạt ngàn một màu xanh mướt, ông Lâm phấn khởi: Thực ra cây keo lai và tràm hoa vàng dễ trồng, không kén đất. Khi trồng chú ý đào hố sâu thì sẽ hạn chế được ảnh hưởng của bão, phát nhánh đúng thời điểm là cây sẽ phát triển tốt. Thời gian tới, tôi sẽ trồng tiếp những diện tích rừng vừa mới khai thác.

  Sau 22 năm làm trang trại và trồng rừng, đến nay, diện tích rừng keo lai của ông Lâm lên đến 70 ha (36 ha có sổ đỏ, 34 ha thuê đất của địa phương); 40 con bò, 160 con dê, 1.000 con ba ba, hàng trăm con gà, vịt, 2 hồ cá…với thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Ngoài phát triển kinh tế gia đình, ông Lâm còn nhiệt tình giúp đỡ các hộ gia đình trong phường về kỹ thuật trồng rừng. Học theo cách làm của ông, nhiều hộ gia đình cũng vươn lên thoát nghèo và từng bước ổn định cuộc sống.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Hội CCB phường Thủy Phương cho biết, sau khi rời quân ngũ về với đời thường, CCB Võ Văn Lâm không những tích cực tham gia các công tác, phong trào tại địa phương mà là một điển hình về người lính Cụ Hồ không khuất phục nghèo đói, đi lên từ hai bàn tay trắng. Ông là tấm gương sáng, người đảng viên kiên trung, mẫu mực, xứng đáng để các hội viên khác noi theo, học tập.

Bài, ảnh: THANH THẢO

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lê Duy Ngọc và con đường nuôi dưỡng ước mơ

Sinh năm 1989, yêu hội họa từ thời bé, năm 2010, Lê Duy Ngọc rời quê hương Tuyên Hóa, Quảng Bình vào Huế để nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật và tìm con đường chinh phục ước mơ.

Lê Duy Ngọc và con đường nuôi dưỡng ước mơ
Return to top