ClockThứ Tư, 12/04/2017 13:16

Con học cho ai

TTH - Thường thì bố mẹ nào cũng tạo mọi thuận lợi để con học hành nên người. Lí do chủ yếu là muốn con cái có được tương lai tốt đẹp. Tuy nhiên, với không ít người, việc học của con không chỉ để lập thân lập nghiệp mà còn vì danh dự mẹ cha; từ đó, họ kỳ vọng quá mức và tạo áp lực với con, có khi dẫn tới bi kịch. Chuyện một người cùng phố với tôi đã minh chứng điều này.

Nhà có điều kiện nên anh luôn ưu ái cho việc học của con, chi phí khủng cũng chẳng ngại. Ngay từ khi đi mẫu giáo, con anh đã được học trường danh tiếng bậc nhất thành phố; lên cấp 1, cấp 2 cháu đều học trường chuyên, lớp chọn. Anh “chạy” rất nhiều tiền để con được học những trường lớp “ngon lành”. Ngoài học chính khóa, nó còn học thêm, học kèm, học nâng cao với lịch học phủ kín cả tuần. Anh thuê hẳn xe ôm chuyên đưa đón con đi học thêm. Anh có thể nhận xét cụ thể tỉ mỉ về khả năng chuyên môn, hiệu quả thi vào trường đại học từ các lớp dạy thêm của các thầy, cô trong thành phố giống như một cán bộ quản lý giáo dục.

Anh lấy làm hãnh diện khi con được học ở các trường nổi tiếng và rất hay khoe việc học của con. Trong chuyện trò bao đồng với chòm xóm, anh loanh quanh một hồi, rồi lại “quảng bá” về con, mặc người nghe lắm khi hững hờ. Theo lời anh, thằng bé học giỏi; giọng sôi nổi khi kể về nó đã cho thấy người cha rất tự hào về kết quả học tập của con; cứ như điều đó đang góp phần “giải quyết khâu oai” cho bố mẹ. Anh thường bảo: “Con thương bố mẹ thì cố gắng mà học”; nghĩa là việc học của con không chỉ nhằm tích lũy “năng lượng” cho bản thân mà còn vì thể diện của bậc sinh thành.

Khi con anh thi vào lớp 10, không đậu trường thuộc nhóm đầu thành phố, anh bắt đầu thưa vắng “lời ca” về con; nhất là khi nó trượt đại học thì anh hoàn toàn tắt tiếng ngợi khen. Bấy giờ, nghe người xung quanh nhắc tới việc học của bọn trẻ, anh thường lảng qua chuyện khác. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, anh lại có lí do tự hào về con khi nó đi du học nước ngoài. Những người biết chuyện thì bảo, du học tự túc thời nay chẳng khó khăn gì, cứ có tiền là đi thôi. Nhưng với anh, việc con du học đã trở thành đề tài “hót” để “ca”. “Cháu đang du học ở Úc”, nếu ai hỏi về con, anh đều trả lời bằng giọng vui sướng ngời ngời, liền đó là những mẩu chuyện không đầu không cuối về quốc đảo ấy mà anh hóng hớt được. Anh khéo khoe con khi kể về những ưu việt của giáo dục xứ người; cứ như ai được hấp thụ nền giáo dục ấy tất sẽ thành tài.

Gần đây, thấy con anh đi du học đã nhiều năm mà vẫn chưa tốt nghiệp về nước, có người thắc mắc, anh chỉ im lặng. Nhưng chính người trong gia đình anh cho hay, thằng nhỏ không có chí học nhưng do bố áp lực nên phải cố. Tuy nhiên, nó học mãi mà vẫn không đủ tín chỉ để tốt nghiệp nhưng không dám bỏ vì sợ bố mẹ buồn…

Nguyễn Trọng Hoạt

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bếp lửa của mẹ

Trước đó, cùng với năn nỉ mẹ bỏ bếp củi, tôi kêu thợ đúc đanh, xây bệ, lát gạch men tạo nên không gian mới sáng sủa ngay cạnh gian bếp nhem nhuốc, rồi mua bếp gas lắp vào.

Bếp lửa của mẹ
Khoảng trống trên đồng

Sau những đợt quy hoạch đồng ruộng, dồn điền đổi thửa, kiên cố hóa kênh mương, bê tông hóa bờ vùng khiến cánh đồng làng tôi ngay ngắn, thẳng tắp.

Khoảng trống trên đồng
Vết chàm

Mẹ nào chẳng yêu con nhưng có lẽ bà có nhiều lý do hơn để tình mẫu tử càng sâu nặng.

Vết chàm
Bức tường rào

Nhà nàng cách nhà anh không phải dậu mồng tơi mà là bức tường quét vôi vàng, cao mét tám, mặt trên lởm chởm mảnh chai xanh đỏ trắng vàng. Sau khi ba nàng yên vị trên chiếc ghế giám đốc sở và sau nhiều bữa liên hoan chúc mừng, chia tay, cả nhà dọn lên thành phố này.

Bức tường rào
Lợi và hại

Gần cơ quan tôi có một quán cơm hến được nhiều thực khách cho là ngon nên luôn đông khách; không chỉ người trong vùng mà cả du khách từ mấy khách sạn gần đó cũng thường đến ăn.

Lợi và hại
Return to top