ClockChủ Nhật, 12/03/2017 12:09

Con Ki

TTH - Ba bắt ve cho nó, ba ngồi võng bên gốc xoài, nó khi nằm, khi ngồi chồm hổm liếm chân liếm tay ba mỗi khi ba bắt được con ve. Ý nói, cám ơn, cám ơn!

Vợ chồng từ Bình Dương về quê thăm ngoại. Thăm ngoại xong thì ghé nhà cô, nhà chú, nhà bác. Nhà chú Chín nuôi bầy gà thả vườn. Chú nói, chiều nay vợ chồng bây ghé tao làm gà nhậu một bữa. Kệ, không “dzề” thì “thâu”, “dzề” phải uống rượu quê, say rượu quê, nói chuyện quê chớ biết chừng nào tụi bây mới “dzề” lại nữa!

Rượu gần tàn mâm. Chỉ còn hai chú cháu, chú Chín nói cứ ngồi nán lại đợi thằng Tý. Năm nay trời hạn sớm quá, dai quá. Nửa năm trời rồi, trời không ban phát một giọt mưa, khô hạn nắng cháy cả bắc – trung – nam. Anh Tý mấy tháng nay “trúng” vì có cái nghề khoan giếng gần xa bà con đều nghe. Anh vui vẻ, xởi lởi, anh hoạt ngôn tươi tắn, anh đàng hoàng một khi đã nhận làm thứ gì cho ai là làm tới nơi tới chốn, nhất nhất không bỏ việc.

Đợi anh lâu quá, chú cháu ngồi uống nói chuyện bâng quơ. Tám giờ tối rồi, làng quê vắng vẻ, yên ắng. Ba con chó nằm ngoài sân như ba chàng lính gác. Chú cháu nói chuyện đời, chuyện người chán chê chuyển sang chuyện chó. Chú Chín gọi ba con chó vào, cả ba đứng dậy ngoe nguẩy đuôi, rồi một con sà vào lòng chủ đưa lưỡi liếm liếm tứ tung, hai con kia khẽ ủng ẳng ủng ẳng chực vào để thay thế.

Chú nói, con này khôn như quỷ, trời nóng mình ăn cơm bật quạt, coi ti vi bật quạt nó chẳng nói chẳng rằng cứ lại trước lồng quạt ngồi. Kệ, các người nóng tôi đây cũng nóng, các người biết làm mát sao không gọi tôi. Cứ nằm đấy!

Chú nói, con này tinh, biết nhận dạng tiếng bô xe, cứ nghe tiếng xe khắc biết ai đến, người lạ thì bủa vây ra sủa ầm trời, khách quen nó cứ nằm im chẳng buồn dậy cái đuôi chỉ việc ngọ ngọe: Đến chơi đấy à, vào đi!

Chú nói, con này tài bắt chuột, bắt cá. Ra sông thả lưới cả buổi được vài con cá tép riu, nó ngụp nó lặn một chập được mớ cá to, nó không ăn đâu, nó đem về thả vào thau rồi chạy đi tìm thím mày sủa ầm ĩ, nó dắt bả về lại sủa thêm mấy tiếng nữa. Ý nói, tôi bắt được cá to nè, giỏi chưa giỏi chưa!

***

Trước, nhà nuôi con Ki. Giống chó rẫy, to lớn đồ sộ, tướng tá chắc khỏe, như một chiến mã. Hồi chú Năm trên rẫy về mang theo mấy con chó con về cho bà con mỗi người một con. Lúc ấy chưa ai nuôi chó rẫy, nghe nói nó ăn khỏe thì khiếp lắm, cơm người không có ăn, tới bữa lật gỡ từng miếng cơm cháy thì lấy thứ gì mà nuôi chó rẫy. Nghe nói nó dữ lắm, nó cắn ai một thì chết, hai thì chuyển vào bệnh viện, ai mà dám nuôi một con thú dữ tợn trong nhà. Thành ra chú đem về mà bà con ai nấy ái ngại, ai nấy dùng dằng. Nhìn thì thích đấy nhưng không lấy là không lấy, nhất quyết không lấy.

Kệ, ba cứ lấy một con. Kệ, chú cứ lấy một con. Kệ, cô cứ lấy một con. Người ta mang mấy trăm cây số nửa ngày đường về cho, không lấy coi sao cho đặng.

Con Ki chóng ăn chóng lớn, chẳng mấy chốc to khỏe như vốn loài chó rẫy. Người ta gọi chó rẫy để nói riêng về những con chó giữ rẫy. Tinh khôn và quyết liệt là bản năng, là đặc tính loài này, như loại chó nghiệp vụ.

Con Ki không chê sang hèn, cho gì ăn nấy, ngon cũng được dở cũng được, xương thịt cá mắm xơi, cơm thừa canh cặn cũng xơi. Nó hiểu rằng để có miếng ăn không dễ.

Nhưng con Ki chỉ ăn những gì chủ cho, không ăn bất kỳ một thứ gì của ai. Ông hàng xóm có thân đến mấy, nhà cúng còn thịt thà mang sang, ông quẳng cho nó cục xương nói ông cho đó con ăn đi. Nó không, một ngồi nhìn hai bỏ đi, không ăn là không ăn. Chủ nói, Ki ăn đi. Nó mới ăn.

Con Ki bắt chuột sư phụ. Vụ nào cũng thế, đến độ lúa trổ, chuột chẳng biết từ đâu ào đến phá. To có nhỏ có, đàn đàn cắn phá, ngán thì dẫm đạp, nhiều vô kể. Diệt chuột bằng bả, không ăn thua. Diệt chuột bằng bẫy cũng không ăn thua. Thế là con Ki trở thành “đại công thần”. Nó rượt, đuổi, truy, lùng. Chuột bố, chuột mẹ, chuột con nó “dí” tất tần tật. Rồi có lần, chủ nó học lớp mười, cao gầy dong dỏng dắt đẩy chiếc xe đạp chở bao cát nặng trịch. Chủ kéo đằng trước nó đi đằng sau, một người một chó lủi thủi giữa trưa nắng đổ lửa. Giữa đường làng, có ông Tư Sơn, ông thấy nặng quá nên chạy ra giúp. Ông cầm lái, nói lái vào nhà ông nghỉ đã đợi mát hãy kéo về nhà. Đến cua rẽ vào ngõ nhà ông, con Ki phủ đầu, nó hùng hổ như chực muốn xé xác người đàn ông to béo. Ý của nó, sao ông dám chở cát của tôi về nhà ông… nghe đến đây chú Chín vỗ đùi cười hả hả.

Ba thương binh, ba đi chân chấm phẩy, mỗi lần ba đi đâu nó dắt ba đi. Đến mương, đến sông, đến suối nó nhảy ào xuống, cạn thì thôi nó vút qua bờ bên kia, hễ sâu, cảm thấy ba không đi được nó quay lại, sủa ba tiếng. Ý nói, không đi được!

Má thương nó lắm, trưa nào má cũng kêu nó ra giếng, lấy cái chậu thiệt to đổ đầy nước vào. Má nói, nhảy dzô chậu đi Ki, nó nằm ngụp lặn trong nước thỏa thuê, má kì lông cho nó, gội dầu gội cho nó, nó ngoe nguẩy đuôi không ngớt. Ý nói, thích quá à, thích quá à!

Ba bắt ve cho nó, ba ngồi võng bên gốc xoài, nó khi nằm, khi ngồi chồm hổm liếm chân liếm tay ba mỗi khi ba bắt được con ve. Ý nói, cám ơn, cám ơn!

***

Ông anh thấy ba má ghiền coi cải lương nên mua tặng ba má cái đầu đĩa. Hồi đó toàn đầu VCD, mua được cái DVD là oai lắm. Thằng chủ mân mê mãi cái đầu, cái đĩa nén một ngàn mấy trăm bài hát nghe ba trăm sáu mươi lăm ngày cũng không hết. Ôi chào, lại cắm được cả USB. Thằng chủ có cái USB một trăm hăm tám mê, có nhạc Em pơ ba, nhạc trẻ Vơ Póp. Sướng.

Thằng chủ chê cái đầu đĩa nhà thằng Út, hàng xóm. Chê, qua tao mà coi, đầu nhà mầy lạc hậu rồi. Thằng Út tức mình, qua, coi. Con Ki nằm canh, giữ của, nó không tin tưởng thằng Út. Một hồi thấy thằng Út ngồi coi mê mẩn mà không ho he gì, nó tin tưởng, nó thiu thiu nhắm mắt ngủ. Ấy vậy mà không biết thằng Út đã làm gì, con Ki đớp thằng Út một phát, ba cái lỗ xuất hiện trên mặt. Thằng Út lập tức được đưa vào bệnh viện tỉnh.

Ba tức, mắng nó, đòi bán nó. Má giận, la nó, đòi bán nó. Nhưng, chỉ là dọa. Thế thôi. Còn con Ki, nó thu lu một góc, mắt nhắm, hình như nước mắt chảy ra. Lần đầu thằng chủ thấy một con chó khóc.

***

Ở đời, có những sự biến mất đến kỳ dị. Có cái biến mất, một tháng, trở lại. Có cái biến mất, một năm, trở lại. Nhưng con Ki, biến mất, không để lại một tin tức gì.

Đến đây, không thể viết được nữa. Nước mắt trào. Khóc chỉ vì một câu hỏi: “Mười năm rồi mà con Ki đi đâu vẫn chưa về?!”.

Ngô Thuận

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top