ClockThứ Năm, 23/11/2017 09:20
BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY DI SẢN VĂN HÓA HUẾ:

Còn nhiều việc phải lo

TTH - Là địa phương đầu tiên trong cả nước có 5 di sản thế giới, Thừa Thiên Huế luôn quan tâm bảo tồn, tôn tạo di sản đúng theo các quy định của UNESCO, đảm bảo sự cân đối giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo tồn, tôn tạo di sản.

Cần tri thức và tấm lòng

5 di sản của Huế được UNESCO vinh danh gồm: Quần thể di tích Cố đô Huế (năm 1993), Nhã nhạc cung đình Huế (năm 2003),  Mộc bản triều Nguyễn (năm 2009), Châu bản triều Nguyễn (năm 2014) và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (năm 2016).

Nỗ lực được ghi nhận

Cuối tháng 9 vừa qua, qua đợt khảo sát, đánh giá thực tiễn, Hội đồng Di sản Văn hóa (DSVH) Quốc gia đánh giá cao hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của Thừa Thiên Huế. Trải qua thời gian, chiến tranh và sự tác động của phát triển hiện đại, Quần thể di tích Cố đô Huế được bảo tồn về tổng thể và môi trường cảnh quan. Công tác trùng tu đảm bảo tính xác thực của di tích.

Ở lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể, Nhã nhạc cung đình Huế được bảo tồn, phát triển thông qua hoạt động biểu diễn phục vụ du lịch.  Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế đã phục hồi, dàn dựng nhiều vở tuồng cung đình, điệu múa, nhạc chương cổ. Theo NSND Phan Thị Bạch Hạc, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế,  Duyệt Thị Đường là nhà hát thành công khi có thể bán vé xem biểu diễn nghệ thuật truyền thống trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay, mỗi năm thu được hơn 1 tỷ đồng từ hoạt động này.

Mới đây, làm việc với lãnh đạo tỉnh, ông Michael Croft, tân Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam cũng đánh giá cao kết quả đạt được trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy di sản của Huế, đặc biệt trong việc tuân thủ các hướng dẫn cũng như công ước quốc tế của UNESCO trong công tác bảo tồn.

Nhiều việc phải tính

Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tốt hơn, Hội đồng DSVH Quốc gia lưu ý một số việc liên quan đến công tác bảo quản bảo vật quốc gia và gìn giữ bền vững giá trị của di sản tư liệu thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế. Cụ thể, nên lắp hệ thống camera giám sát, bảo vệ các bảo vật quốc gia, thực hiện định kỳ việc bảo quản phòng ngừa.

Do nhiều nguyên nhân, hiện một số bảo vật như Đại hồng chung (chùa Thiên Mụ), bia Khiêm Cung ký (lăng vua Tự Đức) chưa có phương án bảo vệ tối ưu. Riêng Cửu đỉnh và sưu tập vạc đồng vẫn đang trưng bày ngoài trời, cần phải có mái che để bảo quản hiện vật. Công tác phòng cháy, chữa cháy cho hệ thống di sản tư liệu trên kiến trúc cung đình Huế vốn có giá trị độc đáo, duy nhất và hiếm có cũng là vấn đề đặt ra.

Việc thu hút khách du lịch tham quan di tích cũng có tác động nhất định đến di sản. Tại điện Thái Hoà, việc du khách đến tham quan làm nền nhà có phần bị biến dạng, gạch lát nền nhiều chỗ bị mòn, vẹt…nên cần có hình thức bảo vệ thích hợp, hạn chế tác động của du khách ảnh hưởng trực tiếp đến di tích.

Ngoài ra, những quy đình hiện hành về trình tự, thủ tục dự án bảo tồn, tu bổ di tích thuộc địa bàn có di tích quốc gia đặc biệt và di sản thế giới thuộc dự án nhóm A cũng là một khó khăn, đang được đề xuất, kiến nghị sửa đổi. 

“Theo quy định, dự án nhóm A có tổng mức đầu tư từ 800 tỷ đồng trở lên, trong khi các công trình tu bổ di tích hầu hết có quy mô nhỏ, có công trình chỉ đầu tư vài trăm triệu đến vài tỷ đồng mỗi năm, nhưng phải thực hiện theo trình tư, thủ tục dự án nhóm A, phải kéo dài thời gian chuẩn bị đầu tư, ảnh hưởng đến tiến độ, kế hoạch giải ngân vốn được bố trí trong năm. Quy định này ràng buộc những thủ tục không phù hợp và gây cản trở rất lớn trong việc vận hành các dự án trùng tu di tích”, TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phân tích.                             

ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Tìm đường” để áo dài trở thành di sản văn hóa phi vật thể

Cách đây vài năm, khi ngành văn hóa Huế tiên phong trong việc phục hưng áo dài truyền thống đã có nhiều luồng ý kiến khác nhau, kể cả trái chiều. Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh, sự kiên trì, đồng lòng của tập thể cán bộ, sự đồng hành của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và người dân, đề án “Huế - Kinh đô Áo dài” bước đầu đã gặt hái được những thành quả nhất định.

“Tìm đường” để áo dài trở thành di sản văn hóa phi vật thể
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thời Nguyễn

Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế vừa cho ra mắt cuốn sách: Giá trị văn hóa thời Nguyễn, gồm 23 bài viết với 380 trang. Các bài viết đã nhìn nhận một cách toàn diện, khách quan, mang tính chất tổng kết nghiên cứu di sản Cố đô Huế, góp phần làm rõ giá trị văn hóa truyền thống và bản sắc văn hóa Huế.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thời Nguyễn
Đu tiên Phú Gia trở lại

Một ngày cuối tháng Hai vừa qua, người dân làng Phú Gia, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc đã đổ về sân Nhà văn hóa cùng tham gia lễ phục dựng trò chơi Đu Tiên và các trò chơi dân gian. Nhìn những ánh mắt rạng ngời dõi theo những vòng đu quay, mới nhận ra trong lòng họ đang ngập tràn hạnh phúc, bởi sau 25 năm, giờ trò đu tiên mới được phục dựng trên mảnh đất quê hương.

Đu tiên Phú Gia trở lại
Return to top