ClockChủ Nhật, 25/04/2021 14:01

Con nước mặn mòi

TTH - Thanh âm của sóng chỉ cần lắng nghe thôi cũng đủ thấy nỗi gian lao của cả đời người. Gắn chặt cuộc đời với biển, số phận mãi lênh đênh như con thuyền phía trùng khơi…

Mùa cá tríchMùa đánh bắt mới“Lộc biển” đầu năm

Những tay lưới đầy cá

1. Ráng chiều in vạt vàng trên bãi cát trắng xóa lọt thỏm giữa những đường nước chằng chịt. Tôi cứ tưởng những đường nước ấy là “huyền long” đổ ra từ cồn cát phía tây. Nhưng không, ông Thanh (Điền Lộc, Phong Điền) lắc đầu nguầy nguậy, thở dài thành tiếng khi nói về dòng nước ngọt hòa về phía biển.

Lâu lắm rồi ở vùng xứ cát ven biển bãi ngang này có một người đàn ông độ ngũ tuần kể chuyện con nước ngọt ngay ở vùng đất mặn. “Tất nhiên, dân biển sẽ dựa vào biển, sống nhờ con cá, con tôm nhưng không có khe nước ngọt dẫn từ phía cồn đổ ra biển thì tui e ngư dân khó sống”, ông Thanh mở đầu câu chuyện.

Mùa bám biển của ngư dân

Sau dặm dài năm tháng, những con khe vắt ngang trước mỗi làng biển trong dòng hồi tưởng mông lung của ông Thanh bây giờ chỉ còn dấu tích. Hai bên bờ khe nước ấy độ chừng 20 năm trước như một khu vui chơi của trẻ em và cả không gian sinh hoạt của cư dân miệt biển. Và lạ lùng thay nước ở con khe trong vắt, ngon, ngọt hơn cả mạch nước ngầm từ những giếng khoan.

Ông Thanh một đời sương gió, ông gác mái chèo cũng là lúc nước khe cạn dần. Hình bóng người phụ nữ nách rổ cá, rá tôm cũng lẫn khuất đằng sau rặng dương liễu. “Từ nguồn nước kết tinh của đất trời này tạo ra những con người chịu thương chịu khó. Nước cho khoai lang thêm ngọt và rửa sạch cá trước khi cho ra một loại đặc sản ” – “Là gì?” – “Mắm!”, trong lời nói gọn của ông dường như chứa đựng hẳn một nền văn minh nhân loại ngày trước. Hình ảnh những lu mắm dậy mùi hai bên làng không chỉ xuất phát từ phía biển mà còn chứa đựng sự ngọt ngào hóa mặn mòi từ nguồn nước của phía thượng nguồn.

Bây giờ, họ gọi khe nước ấy là Long nguồn. Thời gian khiến nhiều thứ đổi thay, nước khe đã mất trong đời sống người dân nhưng dấu vết vẫn cứ không phai. Nghi lễ cúng thần khe vào độ giêng hai hàng năm duy trì cho đến nay. Tuổi đời của phong tục này ắt hẳn không hề thua tuổi của làng, của nghề ngư.

Khe lấp là câu chuyện của thời cuộc, khi mà giá trị của nó không còn quan trọng trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Cồn cát phía thượng nguồn hay hàng dương liễu phía cửa khe cũng bị mấy bận gió bão đánh tơi bời. Song, ở từng làng biển hay tâm khảm mỗi ngư dân hình ảnh dòng nước ngọt, mát lành ấy vẫn sẽ in hằn rất lâu. Giá trị lịch sử là rất rõ ràng, còn giá trị thực tại ra sao? Ông Thanh cười không trả lời thẳng vào câu hỏi của tôi mà đố ngược: “Nghĩ về những làng biển người ta sẽ nhớ chi trước nhất?

Con cá, mái chèo, rặng dương liễu hay cồn cát trắng phau?”, rồi ông tự trả lời sau cái nhíu mày đầy ẩn ý – “Theo tui là nước mắm chú ạ. Giọt nước ấy kết tinh từ sự mặn mòi của biển, từ ngọt lành của mạch nước ngầm huyền bí và từ bàn tay gian lao của cư dân miền sóng nước”.

Ngang đây, tôi chợt nhớ đến lần trò chuyện với nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh về những cuộc biến thiên, di dân của người dân làng biển và cả nơi khởi nguồn của mạch nước long nguồn huyền bí. Ông Vinh bảo, giá trị lịch sử sẽ giúp duy trì những thứ tốt đẹp trong đời sống của ngư dân hiện tại. Có những thứ mất đi rồi vẫn lưu lại dấu tích. Những lớp người từ làng biển tỏa khắp dọc dài đất nước nhưng luôn mang trong mình cốt cách và cả sự răn dạy của biển cả.

“Nước mắm” – hương vị kết tinh từ biển như lời ông Thanh quả không hề sai, nhưng nó còn rỉ ra từ… lòng đất nơi mỗi làng biển. Và đâu chỉ có ở làng biển nhỏ nhoi ấy của ông Thanh, hương vị ấy dậy mùi từ làng biển Trung Đồng  (Điền Hương, Phong Điền) đến tận miệt Lăng Cô (Phú Lộc)…

2. Độ xuân tàn hè đến, dưới ánh mặt trời thẳng đọt dương, nước biển trong, soi đến tận đáy, người ta bàn đến câu chuyện những mùa cá. Hoài niệm để trân quý và để thấy giá trị của những thứ xưa cũ ngay trong thực tại. Đâu đó, văng vẳng bên tai con cá nọ, cá kia ngày trước rẻ như cho bây giờ trở thành đặc sản trong quán ăn, nhà hàng, và cũng đâu đó con ruốc, con tôm ngày trước nhiều đến mức phải rải phơi trên cát bây giờ trở thành nguyên liệu chế biến một thứ nước chấm xách tay sang tận Mỹ. Ngư dân tự hào vì những giá trị khuất lấp lộ rõ trong thời hiện đại, có vẻ như điều ấy khiến họ chẳng nỡ lòng nào dứt biển trong lúc sóng cứ mãi dập dìu.

Ông bạn thiếu thời tên Dũng bây giờ đã là chàng thanh niên ngoài 30, cái ngày theo cha đánh chiếc thuyền nan mua từ Hải Khê (Hải Lăng, Quảng Trị) vào tận Lăng Cô anh chỉ là đứa trẻ vừa lên 10. Chiếc thuyền 14CV ngày trước bây giờ đã ruỗng mục, thế chân trên sóng đã là con thuyền mới, công suất gấp đôi. Trong điện thoại anh cứ hối thúc, mời gọi tôi rằng, phải một lần đạp sóng cùng anh chong đèn câu mực; nổ máy dụ chá dũa hay bủa lưới đăng vây con cá trích…

Dũng bảo, không phủ nhận khó khăn nhưng gắn bó nghề biển không bao giờ lỗ, chỉ có điều sức kiên trì, chịu khó của ngư dân có vượt giới hạn hay không mà thôi. Cá đánh bắt lúc nhiều khi ít, giá trị cũng trồi trụt bất chừng nhưng điều ấy đủ để nuôi sống ngư dân. “Lúc khó khăn đừng đổ thừa tại biển mà lỗi trước tiên ở ngư dân. Khi sản lượng thấp, giá trị sẽ cao đó là điều tất nhiên nhưng khi đến mùa, cá, ruốc nhiều rẻ như cho thì tại sao không liên kết với các cơ sở chế biến để tạo ra sản phẩm mới. Hầu như con cá, con tôm chi cũng làm mắm được…”, Dũng nói.

Nghề mắm định danh sản phẩm cho các làng quê ven biển

Từ lời Dũng nói nghĩ đến chương trình OCOP, ở làng biển thì sản phẩm gì đặc trưng, “so kè” với các địa phương khác? Không có gì ngoài mắm!

Những làng nghề làm mắm truyền thống đang rải dài khắp các vùng chân sóng và cũng không ít làng nghề đã định danh, mắm trở thành sản phẩm đặc trưng của địa phương. Công thức 3 cá 1 muối ủ trong lu từ 6-9 tháng nghe qua chừng đơn giản, nhưng nếu không qua bàn tay người dân miệt biển thì cũng chỉ tạo ra thứ nước thông thường. Bây giờ, có những làng nghề đầu tư công nghệ hiện đại, thậm chí đạt thứ hạng sao. Năm 2020, trong 3 sản phẩm OCOP của tỉnh được Trung ương lựa chọn phát triển thành sản phẩm 5 sao thì có đến 2 sản phẩm từ mắm, đó là nước mắm và mắm làng nghề Tân Thành, nước mắm và mắm làng nghề Phú Thuận.

Nước mắm - sự kết tinh của tính cách người dân bản địa và sự mặn mòi của con nước

Nhớ ngày nghề nước mắm Hải Nhuận (Phong Hải, Phong Điền) được trao chứng nhận làng nghề truyền thống tôi cứ có cảm giác nghi ngờ. Ở xứ ấy, nghề biển dường như dần mai một và chỉ đánh bắt theo mùa thì lấy đâu ra nguyên liệu để chế biến. Cảm giác đó đến bây giờ tan biến trong tôi. Nguồn nguyên liệu đến mùa chỉ thu mua một lần rồi chế biến, ủ hơn cả nửa năm, công việc cứ thế xoay vòng. Mất mùa cá ở Phong Hải thì đã có những vùng lân cận như Điền Hòa, Điền Lộc (Phong Điền), Quảng Ngạn (Quảng Điền).

Người Hải Nhuận giữ lấy nghề truyền thống ấy có thể chưa tạo ra đột phá trong phát triển kinh tế nhưng đã giữ được gốc tích của một ngôi làng đã hiện diện hơn 3 thế kỷ. Giọt nước mắm cốt, nguyên chất của người Hải Nhuận có thể chưa xâm lấn được thị trường, chưa định danh được thương hiệu như Tân Thành hay Phú Thuận nhưng trong giỏ quà của người xa quê, hương vị ấy đủ để giới thiệu đến bạn bè.

Với người miệt biển, nước mắm quê như là niềm tự hào trên bước đường mưu sinh. Giọt nước màu hổ phách ấy là sự kết tinh của tính cách của con dân bản địa và từ sự mặn mòi của con nước.

Bài, ảnh: QUỲNH VIÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhặt “lộc biển”

Từ sau tháng Giêng đến nay, sứa biển đã bắt đầu xuất hiện. Tùy theo con nước, sứa thường bị sóng đánh dạt vào bờ. Đây cũng là thời điểm nhiều người đi biển thử vận may với việc nhặt sứa.

Nhặt “lộc biển”
Vững bến neo

“Vững bến neo” là tâm nguyện, là sự mong ngóng của bao thế hệ ngư dân vươn khơi bám biển và chính quyền các cấp của Thừa Thiên Huế trong nỗ lực đáp ứng tốt nhất có thể các nhu cầu phát triển nghề cá của bà con ngư dân. Và dự án cảng cá Thuận An (phường Thuận An, TP. Huế) kết hợp khu neo đậu, tránh trú bão được xây dựng với kinh phí 220 tỷ đồng đã được triển khai và hoàn thành sau hơn ba năm xây dựng. Nằm trước cửa biển Thuận An, cảng cá Thuận An kết hợp với khu neo đậu tàu thuyền tránh, trú bão trở thành một điểm kết nối, điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển.

Vững bến neo
Tôm, cá trở về

Đã mấy chục năm rồi, ngư dân vùng biển Ngũ Điền (Phong Điền, Thừa Thiên Huế) mới được chứng kiến những đàn cá nục, cá trích, khuyết (ruốc)… bơi vào tận ven bờ. Vùng biển lộng đang hồi sinh!

Tôm, cá trở về
Sớm đưa Cảng cá Thuận An vào hoạt động

Đơn vị tư vấn giám sát đang thực hiện đo bình đồ luồng cảng và vùng nước trước cầu cảng Thuận An (TP. Huế) và hoàn thiện các thủ tục gửi Cục Hàng hải Việt Nam để đăng ký công bố mở cảng.

Sớm đưa Cảng cá Thuận An vào hoạt động
Sớm nâng cấp âu thuyền Phú Thuận

Việc đầu tư nâng cấp khu neo đậu, tránh bão xã Phú Thuận (Phú Vang) nhằm phục vụ sản xuất cho ngư dân trên địa bàn và các vùng lân cận là vô cùng bức thiết, khi âu thuyền này đã xuống cấp nhiều năm.

Sớm nâng cấp âu thuyền Phú Thuận
Return to top